NGÀNH SƯ PHẠM VẬT LÍ
Bậc Đại học - Mã ngành: 7140211
1. Mục tiêu đào tạo
Chương trình đào tạo ngành Sư phạm Vật lí nhằm đào tạo giáo viên Vật lí có phẩm chất và năng lực chuyên môn cũng như các năng lực sư phạm cần thiết, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm Vật lí có khả năng làm tốt công tác giảng dạy Vật lí tại các trường trung học phổ thông, các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; hoặc làm công tác chuyên môn tại các cơ quan quản lí giáo dục; có kĩ năng tự học và học tập suốt đời để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tự rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học và giáo dục.
2. Đặc trưng nổi bật của ngành nghề
Chương trình đào tạo ngành Sư phạm Vật lí trình độ đại học được thiết kế cập nhật các kiến thức mới và kiến thức liên ngành; tăng thời lượng đào tạo các kỹ năng sư phạm của giáo viên Vật lý; gắn kết giữa đào tạo kiến thức với các kỹ năng nghề.
Chương trình giúp người học tích lũy được:
- Các kiến thức cơ sở: gồm các kiến thức về triết học, chính trị, pháp luật đại cương, tâm lí, giáo dục học... Ngoài ra sinh viên ngành Vật lí còn có kiến thức và kĩ năng cơ bản cần có đối với tin học cơ bản, nghiên cứu khoa học, ngoại ngữ (để phục vụ cho đọc và nghiên cứu tài liệu từ tiếng nước ngoài). Đặc biệt, chương trình chú trọng tăng cường năng lực ngoại ngữ chuyên ngành, năng lực sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và nghiên cứu Vật lí..
- Các kiến thức chuyên sâu gồm 2 mảng chính: một là kiến thức chuyên ngành Vật lý từ cơ bản đến nâng cao để có thể giảng dạy tốt chương trình trung học phổ thông cũng như xây dựng nền tảng cho việc tiếp tục học lên các bậc học cao hơn sau này; hai là trang bị phương pháp dạy học bộ môn giúp sinh viên sau khi ra trường có đủ năng lực để luôn chủ động, tự tin tiếp cận và ứng dụng tốt những phương pháp dạy học mới. Đặc biệt, trong chương trình đào tạo, các học phần thực hành, thực tế chiếm hơn 50% thời lượng của chương trình đào tạo.
- Chương trình cũng chú trọng tính chất tổng hợp và đa diện của năng lực bao gồm cả kiến thức, kĩ năng và thái độ, chú trọng mối quan hệ gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, giữa học và hành, giữa dạy chữ và dạy người…. hướng tới phát triển năng lực người học.
- Chương trình đào tạo cũng ưu tiên phát triển các năng lực tổ chức hoạt động giáo dục; tổ chức và quản lý lớp học; thiết kế và thực hiện kế hoạch giáo dục; xây dựng, quản lý và khai thác hồ sơ giáo dục học sinh.
3. Cơ hội tìm kiếm việc làm và phát triển nghề nghiệp
Các công việc mà sinh viên ngành Sư phạm Vật lí có thể đảm nhiệm sau khi ra trường:
- Làm công tác giảng dạy ở các trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, trung cấp và cao đẳng;
- Có thể làm cán bộ quản lý giáo dục, phụ trách chuyên môn tại các cơ sở giáo dục và đào tạo;
- Làm việc tại các viện nghiên cứu về Vật lý và các lĩnh vực liên quan.
- Làm việc tại các cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật trong các lĩnh vực: điện tử, cơ – điện, sản xuất, kinh doanh thiết bị khoa học – kỹ thuật.
- Tiếp tục học lên sau đại học (cao học và nghiên cứu sinh).
Một số hình ảnh họat động của SV ngành SP Vật lý bậc đại học tại Khoa Sư phạm, Trường Đại học Khánh Hòa
Hình 1. SV ngành SP Vật lý hào hứng tham gia các cuộc thi do tổ và Khoa tổ chức
Hình 2. Chăm chỉ miệt mài tại phòng thí nghiệm
Hình 3. Đưa lý thuyết vào thực tế thông qua hội thi sản phẩm nghề thường niên
Hình 4. SV ngành SP Vật lý gặt hái được những thành tích rất đáng được ghi nhận