Ngành Văn học (Văn học – Báo chí, truyền thông) - Cơ hội của người yêu thích nghề làm Văn, làm Báo
1. Giới thiệu chung
Với xu hướng xã hội đang phát triển mạnh về các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ, dịch vụ và du lịch, nhiều thí sinh cũng như phụ huynh e ngại chọn ngành văn học vì không biết tốt nghiệp ra trường sẽ làm gì hay phân vân muốn học báo chí, truyền thông mà sao lại học ngành Văn học. Thực tế, văn học từ lâu đã có những ngã rẽ rất hữu dụng, từ văn học thuần túy nó chuyển hướng sang văn học ứng dụng (Applied Literature) để đáp ứng nhu cầu xã hội. Báo chí và truyền thông cũng thuộc nhóm ngành liên quan đến văn học ứng dụng. Các chương trình đào tạo báo chí và truyền thông ở Việt Nam và thế giới cũng xây dựng nền tảng từ Ngữ và Văn. Ngữ và Văn là cốt lõi, là điều kiện cần để phát triển nghề nghiệp, chính vì vậy chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy rằng số đông các nhà văn, nhà phê bình văn học nghệ thuật, nhà báo, truyền thông nước ta đều được đào tạo từ nhóm ngành Văn học. Trong thực tế, cơ hội nghề nghiệp của ngành này khá rộng mở vì ở đâu cần kĩ năng sử dụng ngôn ngữ và văn học, ở đó có đất “dụng võ” cho sinh viên.
Phát triển từ nền tảng văn chương mang tính học thuật, ngành văn học của Trường Đại học Khánh Hòa xây dựng theo hướng văn học ứng dụng, không chỉ định hướng về nghiên cứu phê bình mà còn mở rộng phục vụ cho lĩnh vực báo chí, truyền thông. Hướng đào tạo ngành Văn học (Văn học – Báo chí, truyền thông) ở khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn - Trường Đại học Khánh Hòa cho thấy khả năng phát triển và đổi mới phù hợp với xu thế phát triển của ngành và nhu cầu của xã hội; mở ra nhiều cơ hội học tập và việc làm cho sinh viên. Được sự cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2019, Trường Đại học Khánh Hòa tuyển sinh ngành này trong phạm vi cả nước.
2. Mục tiêu đào tạo
Mục tiêu chuyên ngành đào tạo cử nhân Văn học (Văn học – Báo chí, truyền thông) của Trường Đại học Khánh Hòa là đào tạo ra những cử nhân có tri thức, năng lực chuyên môn vững vàng và những phẩm chất nghề nghiệp tốt đẹp. Đội ngũ cử nhân sau khi tốt nghiệp có kiến thức chuyên ngành vừa rộng vừa sâu về văn học và ngôn ngữ, báo chí và truyền thông; có các kĩ năng làm việc tốt để thích ứng nhanh nhạy với công việc (kĩ năng nghiên cứu, phê bình; cảm thụ và dạy học văn học, viết báo, biên tập báo chí, xuất bản, tổ chức các sự kiện truyền thông, xây dựng, tổ chức, quản lý các hoạt động nghiên cứu văn học, báo chí, truyền thông); đồng thời có phẩm chất nhân văn tốt đẹp của người trí thức, có ý thức phục vụ cộng đồng, hoà nhập quốc tế và ý thức tự học suốt đời…
3. Cơ hội tìm kiếm việc làm và phát triển nghề nghiệp
Sinh viên theo học chuyên ngành có 3 định hướng nghề nghiệp ứng với 3 vị trí việc làm khác nhau: (1) Nghiên cứu và giảng dạy văn học, (2) Công tác báo chí, xuất bản, truyền thông, (3) Hoạt động chức năng về văn học, nghệ thuật, văn hóa.
Sinh viên ra trường có thể làm việc ở nhiều cơ quan, tổ chức như:
- Cán bộ nghiên cứu, giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các viện và các trung tâm nghiên cứu về Văn học, Báo chí, Truyền thông.
- Phóng viên, bình luận viên, biên tập viên, điều phối viên truyền thông và tổ chức sự kiện cho các cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng.
- Chuyên viên tại các cơ quan thông tin, truyền thông cấp tỉnh, thành phố, huyện, xã (như cán bộ chức năng trong các cơ quan quản lý báo chí, xuất bản hoặc thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi những kiến thức cơ bản, hệ thống về truyền thông và nghiệp vụ báo chí như các cơ quan văn hoá – tư tưởng, các bộ phận thông tin tổng hợp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội, kinh tế, ngoại giao,...).
Sau khi tốt nghiệp, người học có đủ khả năng tiếp tục học tập và nghiên cứu ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành: Văn học, Ngôn ngữ, Báo chí, Truyền thông …
4. Điểm ưu trội của ngành đào tạo
- Chương trình được thiết kế khoa học, tiếp cận theo hướng đa mục tiêu, đáp ứng yêu cầu thời đại và sự tiến bộ của xã hội. Sinh viên ra trường có nhiều thuận lợi lựa chọn làm việc ở nhiều lĩnh vực hoạt động.
- Đội ngũ giảng viên Khoa học Xã hội và Nhân văn có năng lực, giàu kinh nghiệm với hơn 30 tiến sĩ, thạc sĩ Ngữ văn và truyền thông. Nhà trường có quan hệ hợp tác đào tạo chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu văn học, báo chí và truyền thông ở địa phương và khu vực.
- Đối với các thí sinh của Khánh Hòa, đây là cơ hội lựa chọn ngành nghề mới rất phù hợp và ít tính cạnh tranh về việc làm vì Trường Đại học Khánh Hòa là cơ sở duy nhất đào tạo chuyên ngành Văn học (Văn học – báo chí, truyền thông) trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
5. Những quyền lợi SV được hỗ trợ trong quá trình học tập
- Được hưởng các chế độ ưu tiên cấp học bổng của trường & các tổ chức tài trợ.
- Được tổ chức đi thực tế, tham quan phục vụ chuyên ngành. Được hướng dẫn thực hành các kĩ năng, nghiệp vụ và thực tập tác nghiệp tại các cơ quan về văn học, báo chí, truyền thông. Được liên hệ các địa điểm thực tập.
- Được tổ chức gặp gỡ các nhân vật tiêu biểu của ngành nghề trong các buổi tọa đàm, ngoại khóa, hội thảo, hội nghị khoa học chuyên đề do khoa và nhà trường tổ chức.
- Được tư vấn về chỗ ở và việc làm trong quá trình học và sau khi tốt nghiệp.
- Được tư vấn vay tiền học phí hỗ trợ học tập với những sinh viên gặp khó khăn.
- Được cố vấn học tập - giáo viên chủ nhiệm chuyên trách giúp đỡ suốt khóa học.
6. Thông tin tuyển sinh
- Tên ngành: Văn học, tên chương trình đào tạo: Văn học – Báo chí, Truyền thông, mã ngành 7229030, chỉ tiêu tuyển sinh 30 (+ 10%), có 4 tổ hợp môn xét tuyển:
+ Văn, Sử, Địa;
+ Văn, Sử, Giáo dục công dân;
+ Văn, Địa, Giáo dục công dân;
+ Toán, Văn, Tiếng Anh.
- Phương thức xét tuyển:
+ Dựa vào học bạ: Tổng điểm trung bình cả năm lớp 12 của 3 môn thuộc các tổ hợp môn thí sinh chọn.
+ Dựa vào điểm kì thi THPT Quốc gia: tổng điểm của 3 môn thuộc các tổ hợp môn thí sinh chọn.
Lưu ý: Để được tư vấn thí sinh vui lòng liên hệ đến Ban tư vấn tuyển sinh của Khoa theo hotline 0982 828 909 (cô Bé) hoặc 0982 053 058 (thầy Trần Viết Thiện – Trưởng khoa).
Ban Tư vấn tuyển sinh Khoa KHXH&NV