MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ CƠ SỞ VẬT CHẤT CỦA ĐẠI HỌC KHÁNH HÒA BỊ TÀN PHÁ BỞI CƠN BÃO SỐ 12
Ảnh1: Nhà thi đấu đa năng Đại học Khánh Hòa sau cơn bão số 12
Ảnh 2: Cổng trường cơ sở 2- số 52 Đường Phạm Văn Đồng
Ảnh 3: Các mái nhà khu giảng đường D cơ sở 2 Trường Đại học Khánh Hòa đều bị hư hỏng..
Ảnh 3: Các phòng học trên tầng áp mái đều bị hư hỏng nặng
BÀI HỌC CỦA SỰ CHỦ QUAN
Suốt mấy tiếng đồng hồ sáng 4-11, bão số 12 quần thảo Nha Trang đã làm mọi người kinh hoàng. Lần đầu tiên có một cơn bão mạnh đến thế đổ bộ trực diện vào thành phố. Hậu quả thiệt hại về vật chất thì các cấp chính quyền đang thống kê, nhưng hậu quả của sự chủ quan thì biết bao giờ mới khắc phục?
Bao nhiêu năm nay, Nha Trang - Khánh Hòa hầu như không phải chịu bão, chỉ là gió lớn và mưa lụt. Người Nha Trang chủ quan đến độ luôn tin rằng thành phố có Hòn Tre chắn bão, có Bà đỡ nên không thể có bão(!). Tâm lý chủ quan ấy càng được tăng cường qua những lần bão đổi hướng. Nhớ tháng 12-2006, bão Durian hướng thẳng vào Nha Trang... Rồi may sao, cơn bão đột ngột đổi hướng, chạy song song với bờ biển và rồi đâm ngoặt vào, tàn phá thành phố Vũng Tàu. Mới đây nhất vào giữa tháng 9-2017, toàn tỉnh lo ứng phó với siêu bão số 10, dời cả ngày khai mạc Đại hội Thể dục thể thao toàn tỉnh... nhưng trời chỉ có gió nhẹ.
Những lần như vậy nuôi dưỡng tâm lý chủ quan của rất nhiều người, nhiều cấp chính quyền. Sự chủ quan đó đã tạo nên tình trạng trên thì lo, dưới thì tà tà. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thì đôn đáo chỉ đạo, kiểm tra, nhắc nhở, thậm chí cưỡng chế di dời khỏi nơi nguy hiểm... nhưng người dân thì vẫn nghĩ về bão như điều gì xa xôi. Rất nhiều người mặc dù coi các bản tin cảnh báo bão phát liên tục trên truyền hình, xong vẫn có cảm giác làm gì mà ghê gớm vậy(!).
Suốt ngày 3-11 trời yên không một cọng gió. Người có kinh nghiệm thì hiểu đây là sự im lặng đáng sợ trước cơn bão. Nhưng hầu hết vẫn coi thường. Không thấy tổ dân phố đôn đốc chằng buộc nhà cửa, kiểm tra nhắc nhở những việc chuẩn bị... Nhà hàng, quán xá không lo chằng chống, vẫn bán vô tư như mọi ngày nhưng không thấy ai nhắc. Thậm chí có cuộc thi sắc đẹp vẫn không thay đổi ngày...
Trưa 4-11 khi cơn bão đi qua, ra đường mới thấy hậu quả của sự chủ quan. Thông tin về số người chết tăng theo từng giờ. Tôn bay khắp nơi, bảng hiệu đổ vỡ san sát. Những cây lớn gãy đổ vì không được tỉa cành đúng mức trong mùa mưa bão, những công viên còn nguyên hàng cờ, biểu ngữ đổ rạp... dường như mọi người chỉ quan tâm đến nơi xung yếu, bờ biển mà quên đi còn nhiều việc phải làm.
Cơn bão số 12 đổ bộ vào Nha Trang là phép thử đối với tinh thần chủ động phòng, chống bão của người dân thành phố. Trong thời kỳ biến đổi khí hậu này, mọi diễn biến thời tiết cực đoan đều có thể diễn ra. Nha Trang cũng bị bão như mọi nơi khác.
Không có Hòn Tre nào chắn nổi bão. Bà cũng không thể đỡ cho những người chủ quan.
Thủy Ngân
Nguồn Báo Điện tử Khánh Hòa (http://www.baokhanhhoa.com.vn/chinh-tri/thoisu-suyngam/201711/bai-hoc-cua-su-chu-quan-8058261/)