Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
       
  25/10/2022 11:15        

Trường Đại học Khánh Hoà: Triển khai kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030

Để tạo sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện và cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 19/10/2021 của Tỉnh ủy Khánh Hòa về chuyển đổi số tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, triển khai đầy đủ và toàn diện các nhiệm vụ chuyển đổi số tại Quyết định số 749/QĐ-TTg, Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 16-NQ/TU của Tỉnh ủy. Đồng thời, tạo môi trường giáo dục, không gian giảng dạy, học tập, làm việc linh động, hiện đại.

Căn cứ Kế hoạch số 13784/KH-UBND ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh Khánh Hòa về ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025, Quyết định số 909/QĐ-UBND ngày 04/4/2022 của UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Kế hoạch số 3717/KH-UBND ngày 26/4/2022 của UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch Phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Khánh Hòa năm 2022, Triển khai thực hiện Công văn số 1182/STTTT-CNTTBCVT ngày 10 tháng 5 năm 2022 của Sở Thông tin và Truyền thông v/v triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Khánh Hòa năm 2022, Trường Đại học Khánh Hòa xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 với những nội dung trọng tâm như sau:

Mục tiêu tổng quát đặt ra:

Đến năm 2025, đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục và đào tạo; công tác quản lý, điều hành; nội dung, phương pháp giảng dạy và công tác kiểm tra, đánh giá phù hợp với yêu cầu của người học nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội; hướng tới xây dựng trường học số.

Đến năm 2030, thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn trường, hướng đến trường học thông minh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo;

Trong đó, 15 mục tiêu cụ thể là:

1) Đến năm 2025, đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục và đào tạo; công tác quản lý, điều hành tiến tới xây dựng trường học số; đến năm 2030, hoàn thành cơ bản chuyển đổi số, đáp ứng các tiêu chí về chuyển đổi số của tỉnh.

2) 100% viên chức - người lao động sử dụng, khai thác thành thạo các ứng dụng dùng chung hiện có.

3) 100% văn bản trao đổi với các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp ... dưới dạng điện tử và 100% hồ sơ công việc tại trường được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

4) Nâng cấp, mở rộng các hệ thống nền tảng, dùng chung của trường.

5) Cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin của trường được đào tạo nâng cao trình độ quản lý, trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu thực thi các nhiệm vụ thực tế.

6) Cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin của trường được đào tạo nâng cao trình độ quản lý, trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu thực thi các nhiệm vụ thực tế.

7) Nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả hoạt động Trang thông tin điện tử trường.

8) 100% máy tính được cài đặt phần mềm diệt virus có bản quyền.

9) Tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống của đơn vị.

10) 100% viên chức và người lao động của cơ quan được tuyên truyền, phổ biến về thói quen, trách nhiệm và kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin.

11) Điều hành và kiểm soát các quy trình cung cấp dịch vụ, quản trị hệ thống, tích hợp ISO điện tử.

12) Khuyến khích viên chức trẻ và người lao động nghiên cứu, sáng tạo, sáng kiến trong công tác cải cách hành chính. Tiếp tục đổi mới và duy trì triển khai các sáng sáng kiến đã và đang mang lại hiệu quả.

13) Tối thiểu 90% sinh viên hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến của trường.

14) 100% Thư viện số, giúp sinh viên truy cập tài liệu không giới hạn.

15) Tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống của toàn trường.

Trường Đại học Khánh Hoà tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến, sử dụng hình thức thanh toán lệ phí trực tuyến và gửi kết quả trúng tuyển, thu hồ sơ nhập học bằng dịch vụ bưu chính công ích.

06 nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng cho việc chuyển đổi số:

1) Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, địa phương về chuyển đổi số, nhất là Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg, ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030; Kế hoạch số 13784/KH-UBND ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh Khánh Hòa về ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025.

Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đơn vị. Người đứng đầu tổ chức phải gương mẫu, đi đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai chuyển đổi số tại cơ quan; lấy việc triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu. 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức của đảng viên, viên chức, người lao động về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số, tận dụng tối đa cơ hội để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. 

2) Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số 

Quán triệt, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương về chuyển đổi số, kết hợp rà soát các điều kiện của tổ chức để kiến nghị, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong phạm vi toàn trường, đặc biệt là đổi mới mô hình, quy trình hoạt động, kết hợp áp dụng công nghệ số, dữ liệu số trong chỉ đạo, điều hành.
Thực hiện nghiêm túc quy định về quy trình vận hành các hệ thống của tỉnh đảm bảo về an toàn, an ninh thông tin và bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng đơn vị, lãnh đạo, viên chức –người lao động trong quá trình chuyển đổi số …

Cập nhật, cải tiến quy trình nội bộ, quy trình điện tử của trường.

Xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để hỗ trợ, thúc đẩy việc chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả tại trường; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và các lĩnh vực khác, sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số và khai thác sử dụng môi trường số.

3) Đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số

Đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tuân thủ nguyên tắc an toàn thông tin, an ninh mạng; tận dụng, kết hợp tối đa với hạ tầng kỹ thuật của các tổ chức, doanh nghiệp, để nâng cao hiệu quả hoạt động của viên chức và người lao động, tạo môi trường học tập linh hoạt, sáng tạo, tiết kiệm trong sinh viên.

Đầu tư trang thiết bị công nghệ bảo đảm sự kết nối, liên thông giữa nhà trường với các đơn vị trong và toàn tỉnh.

4) Phát triển dữ liệu

Số hóa cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động giáo dục và đào tạo của trường, bảo đảm tập trung, thông suốt, đáp ứng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, giảng dạy và học tập trên môi trường số. 

Tham gia khai thác và xây dựng Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh, tích hợp với Cổng dữ liệu quốc gia (data.gov.vn).

Xây dựng Kho lưu trữ điện tử của trường theo quy định tiêu chuẩn Kho lưu trữ số để phục vụ cho việc nộp lưu trữ và tìm kiếm, xử lý dữ liệu được nhanh chóng, hiệu quả.

Tham gia xây dựng, tạo lập dữ liệu mở phục vụ sinh viên và các tổ chức, tiến tới hình thành các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao, thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. 

5) Phát triển nền tảng, hệ thống

Phối hợp cơ quan chuyên môn của tỉnh triển khai rà soát hoàn thiện các nền tảng số dùng chung…

6) Bảo đảm an toàn, an ninh mạng

Đầu tư các thiết bị, phần mềm, hệ thống giám sát bảo đảm an toàn thông tin; các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đơn vị.

Nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ chuyên trách an toàn thông tin.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTG ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Hệ thống mượn trả sách tự động của Thư viện Trường Đại học Khánh Hoà

03 nhiệm vụ, giải pháp phát triển trường học số: 

1) Đẩy mạnh triển khai thực hiện hoàn thành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, bảo đảm đạt 100% các chỉ số, tiêu chí về phát triển chính quyền số theo Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp tỉnh.

2) Tăng cường hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trên môi trường số, theo đó, 100% các thông tin, số liệu cơ bản phục vụ cho việc ra quyết định của cấp ủy, chính quyền được cung cấp tự động trên môi trường số, bảo đảm chính xác, nhanh chóng và tùy biến theo tình hình thực tế, đặc biệt là trong việc giải quyết, xử lý các vấn đề cần thiết, cấp bách,…

3) Tuyên truyền, khuyến khích viên chức, người lao động, các cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến (https://hanhchinhcong.khanhhoa.gov.vn) trong giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước, góp phần nâng cao chỉ số xếp hạng về chính quyền số của tỉnh.

Xuân Phương

(Trích nguồn: https://cchc.khanhhoa.gov.vn)

 
Phòng Hành chính - Quản trị thiết bị