Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
       
  10/08/2021 15:49        

Vai trò của việc Nghiên cứu khoa học đối với Sinh viên

Có thể khẳng định rằng, việc nghiên cứu khoa học có vai trò hết sức to lớn đối với sinh viên Việt Nam nói chung và sinh viên trường Đại học Khánh Hòa nói riêng. Chính vì lẽ đó, việc nghiên cứu khoa học của sinh viên đã được cụ thể hóa tại thông tư số 19/2012/TT-BGDĐT ngày 01 tháng 6 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học. Tại trường Đại học Khánh Hòa cũng đã ban hành Quy định nghiên cứu khoa học đối với sinh viên. Từ các Quy định trên cho thấy, việc nghiên cứu khoa học của sinh viên đóng vai trò hết sức quan trọng, nhằm “đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế” (Đảng cộng sản Việt Nam, 2021, tr. 231).

Nghiên cứu khoa học có vai trò trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp khoa học phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên. Tham gia nghiên cứu khoa học sẽ giúp cho sinh viên: hiểu được làm cách nào để phát hiện chủ đề nghiên cứu; xây dựng thuyết minh đề cương; cách thức tổ chức thực hiện và giải quyết vấn đề nghiên cứu; tìm hiểu lịch sử vấn đề nghiên cứu; giải thích lý do vì sao phải nghiên cứu; lý giải mục tiêu của việc nghiên cứu; xác định đối tượng và khách thể nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu; cách đặt giả thuyết khoa học; xác định nhiệm vụ nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu; dự kiến sản phẩm nghiên cứu và cuối cùng là cách tìm kiếm nguồn tài liệu tham khảo nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu.

Nghiên cứu khoa học của sinh viên sẽ do các giảng viên có kinh nghiệm hướng dẫn. Người hướng dẫn có vai trò gợi mở, giúp sinh viên hoàn thiện và phát triển tư duy sáng tạo, tư duy phản biện, khả năng phê phán hay bác bỏ vấn đề một cách khoa học. Vai trò của người hướng dẫn là tạo động lực và truyền cảm hứng, giúp sinh viên nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu. Các công trình nghiên cứu của người hướng dẫn được công bố là minh chứng rõ nhất để người học noi theo. Người hướng dẫn luôn lắng nghe, thấu hiểu, phát hiện điểm mạnh và những khó khăn, vướng mắc mà sinh viên đang gặp phải trong quá trình nghiên cứu. Bên cạnh đó, người hướng dẫn có thể giúp sinh viên lựa chọn chủ đề, lập kế hoạch, tìm kiếm tài liệu, khảo sát, xử lý và phân tích số liệu, v.v.

Việc nghiên cứu khoa học sẽ giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm trong việc viết báo cáo, thu thập thông tin, hoàn thành khóa luận tốt nghiệp, v.v. Những kinh nghiệm này không chỉ góp phần rèn luyện những kỹ năng mềm cho sinh viên sau khi ra trường mà còn là tiền đề quan trọng để tiếp tục con đường học tập ở cấp cao hơn hoặc làm việc tại các cơ sở nghiên cứu. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học sẽ giúp sinh viên rèn luyện được những kỹ năng, kỹ xảo để tiến hành khảo sát xã hội, thăm dò dư luận, khảo sát thị trường, sử dụng các ma trận như: SWOT (ma trận phân tích kinh doanh); McKinsey (ma trận xây dựng chiến lược kinh doanh); BCG (ma trận tăng trưởng – thị phần), v.v để đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Nhận thấy vai trò to lớn của việc nghiên cứu khoa học của sinh viên, năm học 2020 – 2021 trường Đại học Khánh Hòa đã triển khai 17 đề tài do sinh viên thực hiện, thời gian triển khai từ tháng 5 năm 2020 đến tháng 5 năm 2021. Sau khi nghiệm thu có 04 xuất sắc; 03 khá; 10 giỏi. Trường cũng đã khen thưởng 5 đề tài khoa học xuất sắc và đề cử 01 đề tài tham gia xét tặng Giải thưởng KH&CN dành cho sinh viên trong các cơ sở Giáo dục đại học năm 2021. Cụ thể như sau:

Ngô Khánh Nguyên. Lớp Văn học (Văn học – báo chí, truyền thông, K4). Khoa: Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đề tài thực hiện: “Báo truyền hình Khánh Hoà trong thời kỳ hội nhập – Cơ hội và thách thức”. Người hướng dẫn khoa học: TS. Phan Thuý Hằng. Đề tài được Hội đồng thi đua khen thưởng đề nghị hoàn thiện để đăng ký xét tặng giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học năm 2021.

Lê Thị Bích Việt (Chủ nhiệm) Lớp: Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành (E). Và các thành viên Nguyễn Xuân Thương, Chế Anh Phi, lớp Du lịch – Việt Nam học (Hướng dẫn Du lịch). Đề tài thực hiện “Các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn chuyên ngành của Sinh viên khoa Du lịch trường Đại học Khánh Hòa”. Người hướng dẫn khoa học: ThS. Đỗ Phương Quyên.

Ngô Nhật Khang, Lớp: Tiếng Trung Quốc (Trung -Anh), Khoá: 44. Khoa Ngoại ngữ. Đề tài thực hiện: “Nghiên cứu ngữ nghĩa và hàm ý văn hoá của những chữ Hán có bộ “Kim trong tiếng Hán””. Người hướng dẫn khoa học: ThS. Phạm Thị Hồng Nhã.

Nguyễn Nhật Hạ. Lớp: Sư phạm Ngữ Văn. Khoá: 2. Khoa: Sư phạm. Đề tài thực hiện “Bi kịch nhân sinh của hình tượng nhân vật nữ trong truyện ngắn của Y Ban nhìn từ phương diện nội dung”. Người hướng dẫn khoa học: ThS. Nguyễn Thị Tình.

Lê Tấn Phong. Lớp Sư phạm Ngữ văn. Khóa 2. Khoa Sư Phạm. Đề tài thực hiện “Hình tượng trữ tình trong khúc ngâm “Bần nữ thán” (Khuyết danh)”. Người hướng dẫn khoa học: ThS. Trần Thị Thanh Huyền.

Henri Frederic Amiel (1821 – 1881) - Nhà phê bình và triết gia người Thụy Sĩ từng nói “Xã hội tồn tại nhờ niềm tin và phát triển nhờ khoa học”. Mọi định nghĩa, khái niệm, định lý có thể bị lãng quên sau nếu như một thời gian không sử dụng đến. Tuy nhiên, các phương pháp thì sẽ còn mãi, hằn sâu trong ký ức của con người.

Tin bài: TS. Võ Văn Dũng – Phụ trách phòng Quản lý khoa học

 
Phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác đối ngoại