1. Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018
Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2019. Luật gồm có 10 chương, 96 điều. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có nhiều điểm mới so với Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 như:
Ngoài việc phải kê khai các loại tài sản, thu nhập như quy định trước đây (nhà, quyền sử dụng đất; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và các loại tài sản khác mà giá trị của mỗi loại từ năm mươi triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài; thu nhập phải chịu thuế theo quy định của pháp luật), Luật mới quy định bổ sung tài sản, thu nhập phải kê khai bao gồm: công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; đồng thời, các đối tượng kê khai phải kê khai tổng thu nhập chênh lệch giữa 2 lần kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập chênh lệch.
Quy định kê khai bổ sung được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên....
2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học
Ngày 19/11/2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (Sau đây gọi là Luật GDĐH 2018). Luật có hiệu lực từ ngày 01/07/2019.
Theo đó, Luật có nhiều điểm mới như:
Chủ tịch Hội đồng trường phải là cán bộ cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học, nếu người được bầu làm chủ tịch hội đồng trường không phải là cán bộ cơ hữu của trường thì sau khi được bầu phải trở thành cán bộ cơ hữu của trường.
Không phân biệt văn bằng đại học theo hình thức đào tạo (Điều 38). Luật này quy định, văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.
Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được cấp văn bằng ở trình độ đào tạo tương ứng.
Giảng viên đại học có trình độ tối thiểu là thạc sĩ (Điều 54). Nếu như trước đây quy định, thạc sĩ là trình độ chuẩn đối các giảng viên đại học, thì nay, Luật mới quy định đây chỉ là trình độ tối thiểu của các giảng viên, trừ trợ giảng. Các trường đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên. Giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ phải có trình độ tiến sĩ.
Luật GDĐH 2018 yêu cầu các trường phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường. Đồng thời, các trường phải có trách nhiệm trích một phần nguồn học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Luật GDĐH 2018 quy định chặt chẽ hơn về điều kiện mở ngành đào tạo của các trường đại học. Theo đó, trước khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, các trường phải đánh giá chất lượng của chương trình đào tạo; ngay sau khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được kiểm định. Trường hợp không đánh giá, kiểm định hoặc kết quả đánh giá, kiểm định không đạt yêu cầu, các trường phải cải tiến, nâng cao chất lượng để đảm bảo chuẩn đầu ra; không được tiếp tục tuyển sinh ngành đó cho đến khi đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng...
3. Nghị định 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang
Theo nghị định 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, từ ngày 1/7/2019, lương cơ sở tăng từ 1.390.000 lên 1.490.000 đồng/tháng.
Với mức lương cơ sở mới, công chức trình độ đại học mới đi làm (hưởng lương bậc 1 với hệ số 2,34) sẽ được tăng từ mức hiện tại là 3.252.600 đồng lên 3.486.600 đồng (tăng 234.000 đồng).
Công chức trình độ thạc sĩ (hưởng lương bậc 1 với hệ số 2,67) sẽ được tăng lương từ 3.711.300 đồng lên 3.978.300 đồng (tăng 267.000 đồng).
4. Thông tư 04/2019/TT-BNV hướng dẫn thực hiện Nghị định 38/2019/NĐ-CP về thực hiện mức lương cơ sở cho đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, hội.
Theo đó, cách tính lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức nhà nước từ ngày 01/7/2019 như sau:
- Mức lương = 1.490.000 đồng/tháng X Hệ số lương hiện hưởng
- Mức phụ cấp:
+ Các khoản phụ cấp tính theo lương cơ sở = 1.490.000 đồng/tháng X Hệ số phụ cấp hiện hưởng
+ Các khoản phụ cấp tính theo % mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có):
Phụ cấp = [mức lương + mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + mức phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] X Tỷ lệ % phụ cấp
+ Các khoản phụ cấp quy định bằng mức tiền cụ thể thì giữ nguyên theo quy định hiện hành.
- Mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) = 1.490.000 đồng/tháng x Hệ số chênh lệch bảo lưu
Thông tư 04/2019/TT-BNV có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2019, các khoản trích và chế độ được hưởng tính theo mức lương cơ sở được tính lại tương ứng từ ngày 01/7/2019.
5. Nghị định 44/2019/NĐ-CP tăng lương hưu, trợ cấp hàng tháng
Theo đó, từ ngày 1-7-2019, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng tăng thêm 7,19% (trên cơ sở mức lương, trợ cấp hưởng trong tháng 6-2019) với 8 nhóm đối tượng.
Các đối tượng cụ thể bao gồm: cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện…); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.
6. Thông 03/2019/TT-BNV về tuyển dụng, nâng ngạch công chức
Ngày 1/7/2019 cũng là ngày Thông tư 03/2019/TT-BNV sửa đổi quy định về tuyển dụng công chức, nâng ngạch công chức được áp dụng.
Có một số nội dung của Thông tư này mọi công chức cần lưu ý như:
- Hướng dẫn mới xếp ngạch, bậc lương với người đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trước khi được tuyển dụng;
- Hướng dẫn mới về các trường hợp đặc biệt công chức được tuyển dụng không qua thi tuyển;
- Nội quy thi tuyển công chức mới…
Tất cả các văn bản trên đều được đăng tải toàn văn trên Tủ sách pháp luật trường Đại học Khánh Hòa. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và bạn đọc quan tâm có thể xem, tải tại http://ukh.edu.vn/vi-vn/khoa-phong/phong-chuc-nang/phong-thanh-tra-bao-dam-clgd/van-ban-thanh-tra-DBCLGD-detail/id/989/Tu-sach-phap-luat hoặc xem các bài giới thiệu đã đăng trong cùng chuyên mục Giáo dục pháp luật.
Tin bài: Việt An