Luật Phòng chống tham nhũng 2018 chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2019. Để góp phần đưa những quy định của luật vào thực hiện có hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng chống tham nhũng. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.
Theo Nghị định, nếu lãnh đạo bố trí người thân làm quản lý nhân sự cơ quan mình có thể bị cách chức;
Theo đó, cảnh cáo người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lần đầu có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Trường hợp đã bị cảnh cáo mà còn tiếp tục vi phạm, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu sẽ bị áp dụng hình thức xử lý cách chức.
Ngoài ra, Nghị định 59 còn làm rõ các trường hợp được xác định là có xung đột lợi ích tại Luật phòng, chống tham nhũng.
Cụ thể là khi có dấu hiệu rõ ràng cho rằng người có chức vụ, quyền hạn thuộc hoặc sẽ thuộc một trong các trường hợp tại Điều 29 Nghị định 59; đơn cử như:
- Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc quản lý;
- Thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, CTCP,…trừ trường hợp luật có quy định khác;
- Sử dụng những thông tin có được nhờ chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi hoặc để phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
- Can thiệp hoặc tác động không đúng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền vì vụ lợi…
Nghị định 59/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/8/2019. Xem và tải toàn văn Nghị định 59/2019/NĐ-CP tại đây và văn bản đính chính Nghị định 59/2019/NĐ-CP tại đây
Tin bài: Thanh Long (Theo Thư viện pháp luật)