Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
       
  01/06/2020 07:47        

Đề án Hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030

Ngày 18 tháng 5 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành đề án Hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030. 

Quan điểm xuyên suốt là hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển phải bảo đảm thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia, dân tộc Việt Nam; chủ động và tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế để huy động hiệu quả các nguồn lực và tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế và các đối tác phục sự nghiệp phát triển bền vững kinh tế biển của nước ta; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của nước ta trong Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

Theo đó, mục tiêu của Đề án hướng tới thúc đẩy đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm các hoạt động hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm và tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế và các đối tác, góp phần thực hiện thành công các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và giải pháp chủ yếu được đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đóng góp tích cực và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế về vấn đề biển và đại dương; nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Đề án đề ra 06 nhóm nhiệm vụ về hợp tác quốc tế trong các nội dung về phát triển bền vững kinh tế biển tương ứng với các nội dung của Nghị quyết 26/NQ-CP ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.

Đề án đưa ra 07 nhóm giải pháp về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hoàn thiện thể chế, chính sách, đa dạng hóa các kênh và hình thức hợp tác, ưu tiên hợp tác với các nước, các đối tác có nền kinh tế và công nghệ biển hiện đại, bố trí nguồn kinh phí hợp lý và củng cố bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, chuyên gia hợp tác quốc tế về biển và Danh mục 16 dự án, nhiệm vụ cấp bách để thực hiện Đề án.

Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành lập theo 203/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo toàn diện và tổ chức thực hiện Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực Ủy ban, có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình và định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá toàn diện việc thực hiện Đề án. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam là cơ quan đầu mối giúp việc thực hiện nhiệm vụ nêu trên.

Xem và tải văn bản tại đây

Tin bài: Thanh Long

(Nguồn http://www.vasi.gov.vn/tintrunguong/thu-tuong-chinh-phu-phe-duyet-de-an-hop-tac-quoc-te-ve-phat-trien-ben-vung-kinh-te-bien-viet-nam-den-nam-2030/t708/c235/i1924)

 
Phòng Tổ chức - Thanh tra và Pháp chế