Điều 13 Luật bình đẳng giới đã quy định nội dung bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động bao gồm:
1. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác.
2. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh trong các ngành, nghề có tiêu chuẩn chức danh”.
– Về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng: Về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng người lao động theo Bộ luật lao động 2012 quy định việc tuyển dụng nam, nữ trong các nghề là bình đẳng. Tuy nhiên, trong hầu hết các nghề mà pháp luật không cấm, trên thực tế vẫn thấy rằng nữ lao động vẫn không được tuyển dụng nhiều hơn nam. Nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động nữ lại đưa thêm các quy định về điều kiện tuyển dụng ngoài pháp luật lao động như: lao động nữ được tuyển dụng sau một thời gian nhất định mới được kết hôn hoặc mới được phép sinh con.
– Về tiền lương và thu nhập: do tiền lương và tiền công phụ thuộc vào kết quả lao động và hiệu quả kinh tế nên vấn đề này đã bảo đảm được tính công bằng không có sự phân biệt đối xử về giới. Tuy nhiên, trung bình tiền lương chính của lao động nữ vẫn thấp hơn so với lao động nam do nữ giới có trìn độ trung bình thấp hơn so với nam giới nên phải làm những công việc có lương thấp hơn so với nam. Vì vậy, để đạt được bình đẳng giới cần phải có chính sách giáo dục đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lao động nữ, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nữ.
– Về chính sách bảo hiểm xã hội và các điều kiện lao động khác: pháp luật không có sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ, nhưng vẫn còn sự bất bình đẳng trên thực tế. Tuổi nghỉ hưu thực tế bình quân giữa nam và nữ đều thấp hơn tuổi quy định và có sự chênh lệch khá xa giữa nam và nữ. Tuổi nghỉ hưu bình quân của nam là 54,8 tuổi (so với 60 tuổi) và nữ là 49,2 tuổi (so với 55 tuổi), do vậy, lao động nữ sẽ ra khỏi cuộc đời lao động sớm hơn nam .
Theo quy định của pháp luật hiện hành, mọi tổ chức, cá nhân sử dụng lao động đều phải thực hiện nguyên tắc bình đẳng nam, nữ trong tuyển dụng và sử dụng lao động. Nhà nước bảo đảm quyền làm việc của phụ nữ bình đẳng về mọi mặt với nam giới.
* Những hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động
Những hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động bao gồm các hành vi được quy định tại khoản 3 Điều 40 Luật Bình đẳng giới năm 2006:
– Áp dụng các điều kiện khác nhau trong tuyển dụng lao động nam và lao động nữ đối với cùng một công việc mà nam, nữ đều có trình độ và khả năng thực hiện như nhau, trừ trường hợp áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.
– Từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế lao động, sa thải hoặc cho thôi việc người lao động vì lý do giới tính hoặc do việc mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ.
– Phân công công việc mang tính phân biệt đối xử giữa nam và nữ dẫn đến chênh lệch về thu nhập hoặc áp dụng mức trả lương khác nhau cho những người lao động có cùng trình độ, năng lực vì lý do giới tính.
– Không thực hiện các quy định của pháp luật lao động quy định riêng đối với lao động nữ.
Xem toàn văn Luật bình đẳng giới tại đây.
Tin bài: Việt An (Tổng hợp)