Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
       
  29/08/2020 09:47        

Tổng hợp các Luật có hiệu lực trong năm 2020

Tính đến hết ngày 26/11/2019, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua 18 Luật có hiệu lực trong năm 2020. Trong đó có 03 Luật được thông qua trong năm 2018, 15 Luật được thông qua trong năm 2019. Cụ thể là 18 Luật sau đây: Luật Chăn nuôi 2018, Luật Trồng trọt 2018, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019, Luật Thi hành án hình sự 2019, Luật Đầu tư công 2019, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi 2019, Luật quản lý thuế 2019, Luật kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019, Luật dân quân tự vệ 2019, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019, Luật giáo dục sửa đổi 2019, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019, Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019, Luật Lực lượng dự bị động viên 2019, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, Luật Thư viện 2019, Luật Kiến trúc 2019.

Luật Chăn nuôi được Quốc Hội thông qua ngày 19/11/2018, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020 và thay thế cho Pháp lệnh giống vật nuôi năm 2004. Luật gồm 8 chương, 83 điều. Luật đã quy định về giống và sản phẩm giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện cơ sở chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi, đối xử nhân đạo với vật nuôi trong quá trình chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ và nghiên cứu khoa học. Ngoài các giống vật nuôi đã quy định trước đây, Luật chăn nuôi 2018 cũng đã đưa Chim Yến – một loài trong tự nhiên hiện nay đã được nuôi tại nhiều tỉnh thành trong cả nước vào quy định của Luật.

Luật Trồng trọt 2018 được Quốc Hội thông qua ngày 19/11/2018, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020 và thay thế cho Pháp lệnh giống cây trồng năm 2004. Luật gồm 7 chương, 85 điều, quy định về giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, thương mại và quản lý chất lượng sản phẩm cây trồng.

Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 được Quốc Hội thông qua ngày 15/11/2018, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020 và thay thế cho Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2000. Luật gồm 5 chương, 28 điều. Luật quy định về phạm vi bí mật Nhà nước được bảo vệ, phân loại mức độ mật, trách nhiệm và thẩm quyền ban hành danh mục bí mật Nhà nước trong các lĩnh vực; các hoạt động bảo vệ bí mật Nhà nước và trách nhiệm bảo vệ bí mật Nhà nước của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 được Quốc Hội thông qua ngày 14/6/2019, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020 và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật có liên quan như: Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật Thương mại. Luật gồm 7 chương, 36 điều, quy định các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; các biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; các điều kiện về tài chính, nhân lực và hành lang pháp lý bảo đảm việc thực hiện phòng chống tác hại của rượu, bia cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phòng chống tác hại của rượu, bia.

Luật Thi hành án hình sự 2019 được Quốc Hội thông qua ngày 14/6/2019, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 và thay thế cho Luật Thi hành án hình sự năm 2010. Luật gồm 16 chương, 207 điều, quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan thi hành án hình sự, các hình thức thi hành án hình sự, việc khen thưởng, kỷ luật, tố cáo, giải quyết tố cáo trong thi hành án hình sự, việc giảm án; các chế độ về ăn, mặc, ở và chăm sóc y tế đối với phạm nhân, đặc biệt, Luật đã có quy định đối với những phạm nhân đồng tính, chuyển đổi giới tính, hoặc chưa xác định rõ giới tính có thể được bố trí giam giữ riêng.

Luật Đầu tư công 2019 được Quốc Hội thông qua ngày 13/06/2019, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 và thay thế cho Luật Đầu tư công năm 2014, đồng thời điều chỉnh, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Luật gồm 6 chương, 101 điều, quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục xây dựng chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công; lập, thẩm định và giao kế hoạch đầu tư công; Thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện, theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra, việc thực hiện hiện kế hoạch, dự án đầu tư công.

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi 2019 được Quốc Hội thông qua ngày 25/11/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/01/2020 và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi 2017 (Sửa đổi khoản 2, khoản 6 điều 3 và khoản 2, điều 73). Trong đó, Luật đã quy định về các loại vũ khí quân dụng và các loại vũ khí được xem như vũ khí quân dụng nếu thỏa mãn các điều kiện: “Vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí được chế tạo, sản xuất theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác để thi hành công vụ”.

Luật quản lý thuế 2019 được Quốc Hội thông qua ngày 13/6/2019, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 và thay thế cho Luật Quản lý thuế 2006, Luật Quản lý thuế sửa đổi 2012, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014, Luật kế toán 2015, Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế sửa đổi 2016. Luật gồm 17 chương, 152 điều, quy định về đối tượng đóng thuế; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế; quy định về hồ sơ, thủ tục việc đăng ký thuế, khai thuế, tính thuế, ấn định thuế, nộp thuế, hoàn thuế; các quy định về không thu thuế, miễn, giảm thuế; các biện pháp thi hành Luật quản lý thuế như cưỡng chế, xử lý vi phạm hành chính; quy định về kiểm tra, thanh tra, các quy định về khiếu nại, tố cáo và khởi kiện trong lĩnh vực quản lý thuế; việc quản lý thông tin của người nộp thuế.

Luật kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019 được Quốc Hội thông qua ngày 26/11/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/7/2020 và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước 2015 (Điều 3, điều 10, điều 11, điều 13, điều 30, điều 39, điều 47, điều 49, điều 56, điều 64, điều 68, điều 69, bổ sung thêm điều 69a sau điều 69) và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (Điều 45, điều 68, điều 69, điều 115, điều 193, điều 296).

Luật dân quân tự vệ 2019 được Quốc Hội thông qua ngày 22/11/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 và thay thế cho Luật dân quân tự vệ 2009, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật: Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999, Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi 2008, Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi 2014, Luật nghĩa vụ quân sự 2015. Luật gồm 08 chương, 50 điều, quy định về nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Dân quân tự vệ.

Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 được Quốc Hội thông qua ngày 25/11/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, sửa đổi bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức 2008 (Điều 4, điều 6, điều 29, điều 34, điều 37, điều 39, điều 42, điều 44, điều 44, điều 45, điều 46, điều 56, điều 58, điều 61, điều 78, điều 79, điều 80, điều 82, điều 84, điều 85) và Luật viên chức năm 2010 (Điều 9, điều 25, điều 28, điều 29, điều 41, điều 45, điều 53, điều 56, điều 58, điều 59, điều 60).

Luật giáo dục sửa đổi 2019 được Quốc Hội thông qua ngày 14/6/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 và thay thế cho Luật Giáo dục 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009. Luật gồm 9 chương, 115 điều, quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; cơ sở giáo dục, nhà giáo, người học; quản lý nhà nước về giáo dục; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giáo dục. Luật có nhiều quy định mới về học phí và hoàn trả kinh phí hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên các ngành đào tạo giáo viên, loại hình trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên giảng dạy trong các bậc học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019 được Quốc Hội thông qua ngày 25/11/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 (Điều 3, điều 7, điều 8, điều 9, điều 10, điều 11, điều 12, điều 16, bổ sung thêm điều 16a và 16b vào sau điều 16, thêm điều 19a vào sau điều 19, sửa đổi, bổ sung điều 20, điều 27, điều 31, điều 36, điều 38, điều 46, điều 47, điều 49).

Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019 được Quốc Hội thông qua ngày 22/11/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ năm 2015 (Điều 23, điều 28, điều 34, điều 40, điều 44) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (Điều 4, điều 6, điều 7, điều 11, điều 12, điều 13, điều 14, điều 18, điều 25, điều 32, điều 33, điều 34, điều 39, điều 44, điều 46, điều 53, điều 58, điều 60, điều 61, điều 62, điều 67, điều 68, điều 69, điều 72, điều 75, điều 83, điều 94, điều 101, điều 127, điều 128, bãi bỏ khoản 4 điều 9).

Luật Lực lượng dự bị động viên 2019 được Quốc Hội thông qua ngày 26/11/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 và thay thế cho Pháp lệnh Lực lượng dự bị động viên năm 1996. Luật gồm 5 chương, 41 điều, quy định về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 được Quốc Hội thông qua ngày 22/11/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Luật gồm 8 chương, 52 điều, quy định về  xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Luật Thư viện 2019 được Quốc Hội thông qua ngày 21/11/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 và thay thế cho Pháp lệnh Thư viện năm 2000. Luật gồm 6 chương, 52 điều, quy định về  thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm, của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện.

Luật Kiến trúc 2019 được Quốc Hội thông qua ngày 13/6/2019, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, có ảnh hưởng sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật có liên quan đến kiến trúc xây dựng như: Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật đấu thầu 2013, Luật Xây dựng 2014, Luật Nhà ở 2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018. Luật gồm 5 chương, 41 điều, quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc.

Xem nội dung chi tiết 18 Luật nói trên tại Thư viện Pháp luật online của Trường Đại học Khánh Hòa: http://ukh.edu.vn/gioi-thieu/phong/phong-thanh-tra-phap-che-va-bao-dam/chi-tiet-phong-thanh-tra-phap-che-va-bao-dam/id/2235?BCMenu=BCM_737

Tổng hợp: Thanh Long

 
Phòng Tổ chức - Thanh tra và Pháp chế