Ngày 09/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa được ban hành. Sau Hiến pháp 1946, đất nước ta đã có Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và hiện nay là Hiến pháp năm 2013. Những tư tưởng lập hiến, những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các bản Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta. Chính vì vậy, ngày 09/11, ngày ban hành Hiến pháp 1946 được xác định là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngày Pháp luật) đã được chính thức luật hóa trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (có hiệu lực từ ngày 01/01/2013). Điều 8 Luật Phổ biến giáo dục pháp luật 2012 quy định: “Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.
Đoàn trường ra quân tầm soát covid-19, chuẩn bị mở cửa trường (Hình: Đoàn trường ĐHKH)
Theo đó, hàng năng ngày Pháp luật 9/11 đều được tổ chức với các ý nghĩa: Tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp, pháp luật trong nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.
Thông qua Ngày Pháp luật giúp cho mọi tổ chức, cá nhân, công dân có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn, là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được và những hạn chế trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật. Qua đó, những người thi hành pháp luật cũng sẽ nhận được những thông tin phản hồi, những quan điểm đánh giá về tất cả các quy định pháp luật cũng như cách thức thực hiện, hiệu quả của hệ thống pháp luật đối với đời sống xã hội. Từ đó hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, cũng như cải thiện, nâng cao hoạt động của hệ thống tư pháp.
Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tạo bước phát triển mới trong việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật - một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và là nhiệm vụ thường xuyên của toàn bộ hệ thống chính trị các cấp, các ngành với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ và tạo điều kiện để mọi cá nhân, tổ chức biết sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của Nhà nước và của xã hội.
Trong những năm qua, việc thực hiện Ngày Pháp luật đã được cán bộ, viên chức, giảng viên và người lao động của trường Đại học Khánh Hòa tích cực hưởng ứng, triển khai nghiêm túc, tạo hiệu ứng tích cực, góp phần xây dựng lối sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Lãnh đạo nhà trường tiếp tục tăng cường trách nhiệm về vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; thường xuyên quan tâm đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, viên chức và người lao động về Ngày Pháp luật; bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của nhà trường; gắn giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức, giáo dục văn hóa truyền thống và bồi dưỡng, rèn luyện ý thức tự giác, tự nguyện, tìm hiểu, chấp hành pháp luật của cán bộ, viên chức, giảng viên và người lao động.
Hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2021 với chủ đề “Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cán bộ, viên chức, người lao động và sinh viên trường Đại học Khánh Hòa tham gia chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19”, cán bộ, viên chức, người lao động và giảng viên, học sinh, sinh viên trường ĐH Khánh Hòa tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc xây dựng lối sống, làm việc theo pháp luật, nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống dịch Covid 19.
Cán bộ y tế trường chuẩn bị trước khi tổ chức thu mẫu tầm soát (Hình: Đoàn trường ĐHKH)
Để chuẩn bị cho việc đón sinh viên trở lại trường, nhà trường đã sẵn sàng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn cho cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên khi trở lại trường sau thời gian nghỉ học do dịch bệnh Covid-19.
Tổ chức lấy mẫu tầm soát Covid-19 cho 100% Cán bộ, giảng viên, sinh viên trước khi mở cửa trường (Hình: Đoàn trường ĐHKH)
Nhà trường luôn đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, vệ sinh môi trường tại trường học như: thiết bị đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, nơi rửa tay bằng nước sạch và xà phòng... và các phương án bảo đảm sức khỏe cho các cán bộ viên chức, giảng viên, người lao động và sinh viên trong trường học. Duy trì thực hiện vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp theo quy định; rà soát, bổ sung kịp thời nước sát khuẩn hoặc xà phòng và các vật dụng cần thiết để chuẩn bị cho buổi học tiếp theo.
Tin bài: Việt An