Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
       
  19/05/2019 10:47        

Báo cáo chuyên đề: “Văn hóa người Chăm ở Trung Bộ”

Thực hiện kế hoạch đăng ký báo cáo chuyên đề năm học 2018 – 2019, vào lúc 15h00’ ngày 15/5/2019, tại văn phòng Khoa QLVH – GD, Th.s Vũ Thị Hạnh đã tiến hành báo cáo chuyên đề: “Văn hóa người Chăm ở Trung Bộ”, với sự tham dự của toàn thể cán bộ, giáo viên trong khoa.


Hình 1: Th.s Vũ Thị Hạnh báo cáo chuyên đề

Chuyên đề “Văn hóa người Chăm ở Trung Bộ” tác giả đã đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu về tộc người Chăm ở Trung Bộ từ nguồn gốc, địa bàn cư trú, đặc điểm kinh tế tới các đặc trưng văn hóa tộc người. Và trong quá trình thực hiện chuyên đề, tác giả đã có sự so sánh giữa văn hóa người Chăm Trung Bộ với người Chăm Nam Bộ giúp độc giả có cái nhìn đầy đủ, đa dạng hơn về tộc người Chăm nói chung.

1.  Nguồn gốc, địa bàn cư trú:

Tộc người người Chăm được xếp vào nhóm Malayo - polinesien cùng với các tộc người Churu, Raglai, Giarai, Êđê ở Việt Nam thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo.

Hiện nay ở nước ta có ba nhóm Chăm: Chăm Hroi, Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận, Chăm Nam bộ. Trước đây người Chăm Trung Bộ là cư dân đã sinh sống lâu đời trên dải đất miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận, nhưng hiện nay chủ yếu tập trung ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Chăm Hroi tập trung ở Phú Yên và Chăm Islam tập trung ở các tỉnh Nam Bộ.

2.    Đặc điểm về văn hóa vật thể

Trong công trình nghiên cứu của mình, tác giả đã đi sâu tìm hiểu, phản ánh rõ nét các đặc trưng thuộc văn hóa vật chất của người Chăm Trung Bộ như: tổ chức thôn xóm, ẩm thực, nhà cửa, trang phục và hệ thống di tích.

Về nhà cửa, trước đây nhà cửa Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận đều được xây cất theo kiểu truyền thống, tức khuôn viên có đủ 5 nhà: thang yơ, Thang gan , Thang lơm, thang tong, thang gin. Nhưng hiện nay, nhà cửa có thay đổi nhiều, đa số nhà được xây cất theo kiểu hiện đại, kiên cố.

Ngược lại người Chăm Nam bộ thì thường ở nhà sàn trong những làng gần bờ sông, rạch, kênh, mương. Còn Chăm Hroi thì chịu ảnh hưởng sâu đậm các sắc dân Tây Nguyên, đặc biệt là sắc dân Bana.

Trang phục, tác giả tìm hiểu đầy đủ các loại trang phục từ nữ giới, nam giới tới trang phục của chức sắc tôn giáo Bàlamôn và Bàni.

Phụ nữ Chăm có trang phục giống như phụ nữ Mã Lai: Áo dài không xẻ tà và được chui qua đầu lúc mặc, mang váy (khơn) trắng, đội khơn hluh hoặc khăn nhjrơm truyền thống.

Nam giới thì mặc áo tương tự như áo bà ba, nhưng có cổ cao, nút thắt, xẻ tà và không có túi, mặc chăn (khơn) trắng, đầu chít khăn trắng có đăng ten (brwei) hoặc khăn màu (đối với bô lão).

Các chức sắc thuộc tôn giáo Bàni thì mang áo dài trắng, khăn trắng và đầu chít khăn trắng có viền đỏ với những “đăng ten đỏ. Các chức sắc Bàlamôn cũng mang y phục trắng tương tự như chức sắc Bàni, nhưng có khác hơn ở một vài đặc điểm, nhất là cách gài nút lại ở phía hông bên phải (chứ không ở khoảng giữa như các chức sắc Bàni)

Di tích lịch sử, trải dài khắp dải đất từ Quảng Bình tới Bình Thuận hiện còn 20 ngọn tháp và cụm tháp của dân tộc Chăm, ngoài ra có 2 ngọn tháp nữa ở Tây Nguyên, một là tháp Yang Mum ở huyện Cheo Reo tỉnh Gia Lai, cách Pleiku 50 km về hướng đông nam và tháp Yang Prong ở tỉnh Đắk Lắk.

Và tới hôm nay những nhà khoa học trên thế giới vẫn thán phục và đặt nhiều câu hỏi xung quanh nghệ thuật kiến trúc của hệ thống đền tháp này như: Họ đã sử dụng công thức vật lý nào để xây được tháp khá đồ sộ mà không bị lún hay lệch? Người Chăm đã dùng chất gì làm chất kết dính? Hay những câu hỏi về thành phần viên gạch, về kỹ thuật xây tháp… vẫn còn bỏ ngỏ.

3. Đặc điểm về văn hóa phi vật thể

Không chỉ đi sâu nghiên cứu các giá trị văn hóa vật chất mà các giá trị tinh thần của tộc người Chăm Trung Bộ cũng được tác giả phản ánh rất đầy đủ từ ngôn ngữ, tôn giáo tín ngưỡng, nghệ thuật tới các phong tục tập quán.

Về chữ viết, người Chăm Trung Bộ sử dụng chữ ghi âm được vay mượn từ miền Nam Ấn, qua nhiều biến thể để trở thành chữ Chăm ngày nay. Còn Chăm Hroi thì dùng kí hiệu Latinh và Chăm Islam thì dùng kí hiệu Ả Rập. 

Tôn giáo, tín ngưỡng, người Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận có ba tôn giáo: Bàlamôn, Bàni và Islam, mang sắc thái rất đặc biệt. Trong quá trình du nhập, đạo Bàlamôn và Bàni đã kết hợp với tín ngưỡng bản địa để trở thành đạo Bàlamôn, đạo Bàni. Riêng đạo Islam của người Chăm Ninh Thuận thì mới du nhập vào thập niên 60 của thế kỉ XX qua giao lưu với đồng bào Chăm Nam bộ và sinh hoạt theo nghi thức của Islam chính thống.

Và Lễ hội, đồng bào Chăm ở Trung bộ theo tôn giáo là Bàlamôn, Bàni do vậy với người Chăm ở Trung bộ có lễ hội liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng đáng chú ý như: Lễ hội Katê, lễ hội Ramưwan, lễ hội Chabun… Trong khi đó Chăm Nam Bộ lại có các ngày lễ và lễ hội liên quan tới Hồi giáo như: Ramadan, Hajj…

Sau khi tác giả trình bày xong chuyên đề, tổ và khoa có nhận xét, đánh giá như sau:

-  Bố cục chuyên đề rõ ràng, khoa học

-  Nội dung chuyên đề đầy đủ

-  Có sự đầu tư nghiên cứu công phu

- Trong quá trình thực hiện chuyên đề, bên cạnh đi sâu nghiên cứu văn hóa người Chăm Trung Bộ, tác giả đề còn cập tới các giá trị văn hóa của người Chăm Nam Bộ giúp người đọc có cái nhìn đối sánh thú vị về sự đa dạng, phong phú của văn hóa tộc người Chăm nói chung.

- Chuyên đề phù hợp với chuyên ngành giảng dạy của giáo viên


Hình 2: Tổ và khoa nhận xét, đánh giá chuyên đề

Buổi báo cáo kết thúc vào lúc 17h00 cùng ngày sau khi thư kí thông qua biên bản

                                                                                                                                                Nguyễn Thị Nga

 
Trung tâm Nghiên cứu, Trải nghiệm Sáng tạo & Khởi nghiệp