TS. Phan Đức Ngại
Trường Đại học Khánh Hòa
Tóm tắt:
Kết quả nghiên cứu cho thấy, huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn đều có điều kiện tự nhiên thuận lợi, trung bình: nhiệt độ 27,2oC/năm; lượng mưa 1.515,4 mm/năm; độ ẩm không khí trên 78%/năm; số giờ nắng 7 giờ/ngày. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn (chiếm 86% tổng diện tích đất tự nhiên), nhân lực địa phương dồi dào, nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp lại thấp nhất so với các huyện thị khác của tỉnh Khánh Hòa (Chỉ chiếm 8,5%/năm so với doanh thu nông nghiệp toàn tỉnh Khánh Hòa). Đề phát huy được tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp cho hai huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cần có chính sách đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ và hỗ trợ vốn triển khai mô hình nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao cho hai địa phương này.
1. Mở đầu
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là sản xuất theo nguyên tắc được quy định trong tiêu chuẩn của Liên đoàn các Phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM), với mục tiêu đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm có chất lượng an toàn với người sử dụng, đem lại hiệu quả kinh tế, duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất. Đây là phương pháp trồng rau, quả… không được sử dụng hoá chất độc hại trong bảo vệ thực vật để trừ sâu, bệnh, cỏ dại, cũng như các loại phân hoá học, sản xuất chú trọng đến cân bằng hệ sinh thái trong tự nhiên [1].
Khánh Hòa là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất so với các loại đất khác, với 336.094 ha (chiếm trên 65% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh), nhưng doanh thu từ sản xuất nông nghiệp lại thấp nhất (Chỉ chiếm trên 11% tổng doanh thu toàn tỉnh). Trong khi đó, có gần 55% người dân sống ở khu vực nông thôn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thu sản xuất nông nghiệp [2]. Điều này cho thấy sản xuất nông nghiệp của tỉnh Khánh Hòa chưa phát huy được tiềm năng về diện tích đất nông nghiệp.
Cho đến nay vẫn chưa có công bố nào về kết quả nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Vì vậy, việc nghiên cứu tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao ở tỉnh Khánh Hòa là cần thiết nhằm góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho các nhà khoa học, nhà quản lý có định hướng và giải pháp áp dụng triển khai hiệu quả mô hình nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao cho người dân tỉnh Khánh Hòa. Bài báo này bước đầu giới thiệu tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao ở hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh của tỉnh Khánh Hòa.
2. Kết quả và thảo luận
2.1. Đặc điểm khí hậu Khánh Hòa
Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình tháng ở Khánh Hòa dao động từ 22 – 32oC, trung bình năm 27,2oC (Hình 1). Riêng huyện Khánh Sơn có nhiệt độ giống nhiệt độ ở Đà Lạt, huyện Khánh Vĩnh có nhiệt độ thường thấp hơn nhiệt độ trung bình năm của tỉnh Khánh Hòa từ 2 – 3oC, khoảng 24 – 25oC. Điều kiện nhiệt độ này thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp hữu cơ Công nghệ cao đối với nhóm cây trồng: rau, củ, quả, hoa và dược liệu [3]. Vì nhiệt độ thấp sẽ làm giảm hiệu ứng nhà kính nên thuận lợi cho phát triển hệ thống nhà kính, nhà lưới, giảm chi phí đầu tư hệ thống tản nhiệt của nhà kính.
Số giờ nắng: Số giờ năng trung bình/ngày ở Khánh Hòa đạt giá trị đạt khá cao (7 giờ/ngày). Trong đó, có 7 tháng gồm: 3, 4, 5, 6,7, 8 và 9 có số giờ nắng/ngày cao hơn số giờ nắng trung bình ngày của năm (Trên 7 giờ/ngày), cao nhất là tháng 5 đạt 9,2 giờ nắng/ngày; 5 tháng còn lại gồm tháng 1, 2, 10, 11 và 12 có số giờ nắng/ngày thấp hơn số giờ nắng trung bình ngày của năm, thấp nhất là tháng 12 chỉ đạt 3,7 giờ/ngày (Hình 2). Số giờ năng/ngày cao là điều kiện thuận lợi cho nhóm cây trồng như rau, củ quả, hoa, dược liệu có thể kéo dài thời gian quang hợp/ngày, rút ngắn thời gian sinh trường, phát triển, rút ngắn thời gian thu hoạch, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời giảm chi phí cho chiếu sáng nhân tạo [3].
Lượng mưa: Tổng lượng mưa trung bình năm (2011 – 2016) ở Khánh Hòa đạt giá trị khá cao 1.515,4 mm/năm. Trong đó, mùa mưa (từ tháng 9 đến tháng 12) chiếm trên 71% tổng lượng mưa cả năm (1.082 mm), cao nhất là tháng 11 với 353mm/tháng (Hình 3). Do đó, lũ thường xuất hiện vào mùa mưa và tập trung vào tháng 10 và tháng 11. Do mùa mưa và lũ ngắn, mùa khô kéo dài nên thuận lợi cho phát triển các nhóm cây trồng ngắn ngày.
Độ ẩm không khí: Độ ẩm không khí trung bình năm (2011 – 2016) ở Khánh Hòa đạt giá trị khá cao trên 78%. Trong đó có đến 7 tháng, từ tháng 2 – 4 và từ tháng 9 – 12 có độ ẩm không khí cao hơn giá trị trung bình năm. Độ ẩm không khí thấp nhất vào tháng 6, 7 và 8 (Hình 4). Độ ẩm không khí trung bình khá cao nên Khánh Hòa phù hợp với các nhóm cây trồng có tốc độ thoát hơi nước chậm như rau, củ quả, hoa.
2.2. Điều kiện tự nhiên
Khánh Sơn là huyện miền núi vùng cao ngăn cách với đồng bằng của tỉnh bởi con đèo Khánh Sơn khá cao, phía Bắc giáp huyện Khánh Vĩnh, Đông Bắc giáp Diên Khánh, Đông giáp thành phố Cam Ranh, Nam và Tây giáp tỉnh Ninh Thuận. Huyện có 7 xã (Thành Sơn, Sơn Lâm, Sơn Hiệp, Sơn Trung, Sơn Bình, Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam) và 1 thị trấn Tô Hạp (Hình 5).
Khánh Vĩnh là huyện miền núi, bán sơn địa nằm ở cực Tây tỉnh Khánh Hòa, Phía bắc giáp thị xã Ninh Hòa và tỉnh Đăk Lăk, phía tây là tỉnh Lâm Đồng, phía nam giáp huyện Khánh Sơn và tỉnh Ninh Thuận, phía đông giáp huyện Diên Khánh. Huyện có 13 xã (Khánh Hiệp, Khánh Bình, Khánh Đông, Khánh Trung, Khánh Thượng, Khánh Nam, Giang Ly, Sơn Thái, Liên Sang, Cầu Bà, Khánh Thành, Khánh Phú và Sông Cầu.) và 1 thị trấn Khánh Vĩnh nằm trên tỉnh lộ 652, cách tỉnh lị là thành phố Nha Trang 35 km về hướng Tây (Hình 6).
Tổng diện tích tự nhiên của hai huyện Khánh Sơn (33.853 ha) và Khánh Vĩnh (116.714 ha) là 150.567 ha, chiếm trên 29% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh Khánh Hòa (513.780 ha). Trong đó, diện tích đất nông nghiệp của hai huyện chiếm 86% tổng diện tích đất tự nhiên (Huyện Khánh Vĩnh chiếm 89%; huyện Khánh Sơn chiếm 77%) (Hình 7). Trong diện tích nông nghiệp, diện tích đất lâm nghiệp chiếm tới 85% và 82% tổng diện tích đất nông nghiệp huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn (Hình 8). Đây là tiềm năng rất lớn cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt phát triển nông nghiệp dược liệu.
2.3. Nhân lực địa phương
Cả hai huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn có diện tích tự nhiên lớn (chiếm trên 29 % tổng diện tích tự nhiên của tỉnh) nhưng dân số chỉ chiếm 5% tổng dân số trung bình toàn tỉnh (tính đến năm 2016), trong đó huyện Khánh vĩnh chiếm 3,1% (37.190 người); huyện Khánh Sơn chiếm 1,9% (23.610 người). Do đó mật độ dân số cũng thấp nhất tỉnh, Khánh Vĩnh 32 người/km2, Khánh Sơn 70 người/km2. Có tới 85% người dân ở Khánh Vĩnh (88% người dân sống ở nông thôn: gần 33.000 người) và Khánh Sơn (81% người dân sống ở nông thôn: trên 19.000 người) sống ở khu vực nông thôn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thu sản xuất nông nghiệp (Hình 9). Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp hữu cơ trang trại tại chỗ. Nhưng cũng gặp nhiều khó khăn khi triển khai ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Vì phần lớn nhân lực địa phương chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức sản xuất nông nghiệp sinh thái, kiến thức ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
2.4. Giá trị sản xuất nông nghiệp so với toàn tỉnh
Phần lớn doanh thu của hai huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn đều từ hoạt động sản xuất nông nghiệp (Chiếm 90% tổng doanh thu của huyện). Cả hai huyện này đều có giá trị sản xuất nông nghiệp trung bình (2011 – 2016) chiếm tỷ lệ thấp nhất so với giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh Khánh Hòa (8,5% tương đương 184 tỷ đồng), chỉ chiếm lần lượt 5,1% đối với Khánh Vĩnh (trên 220 tỷ đồng) và 3,4% đối với Khánh Sơn (gần 148 tỷ đồng) (Hình 10). Trong sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất từ hoạt động trồng trọt chiếm ưu thế, chiếm lần lượt 65% và 92% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp tư nhân toàn huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn (Hình 11).
2.5. Nguồn nhân lực cung cấp cho đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao
Cả hai huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn đều có tỷ lệ học sinh trung học phổ thông thấp nhất so với toàn tỉnh, chỉ chiếm lần lượt chiếm 2,2% và 1,4% so với học sinh THPT toàn tỉnh (209.106 học sinh). Trong đó số học sinh tốt nghiệp THPT (2016 – 2017) chiếm tới 70,1 % đối với Khánh Vĩnh (khoảng 562 học sinh) và 97% đối với Khánh Sơn (khoảng 474 học sinh) (Hình 12). Đây là nguồn nhân lực dồi dào cung cấp cho đào tạo tại chỗ đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao cho huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.
Như vậy, có thể thấy cả huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn đều có điều kiện tự nhiên thuận lợi, diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, nhân lực địa phương dồi dào, nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp lại thấp nhất so với các huyện thị khác của tỉnh. Nguyên nhân, nhân lực dồi dào nhưng không được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức sản xuất nông nghiệp sinh thái, kiến thức ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp, do đó phương thức sản xuất còn lạc hậu, manh mún; chưa có chuyển dịch mạnh về cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp. Mặt khác, nhà nước vẫn chưa có chính sách đầu tư mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao cho mỗi địa phương.
Đề phát huy được tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp cho hai huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cần có chính sách đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho hai địa phương này bằng hai hình thức: thứ nhất, chuẩn bị nhân lực dài hạn bằng cách cử tuyển học sinh tốt nghiệp phổ thông (THPT, BTTH) hoặc trình độ tương đương (đã tốt nghiệp hệ trung cấp chuyên nghiệp) ở hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh tham gia khóa đào tạo 4 năm về sinh học ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao; thứ hai, cử nhân lực đang phụ trách lĩnh vực nông nghiệp tại huyện, xã hoặc những nông dân, doanh nghiệp có nhu cầu khởi nghiệp từ nông nghiệp công nghệ cao tham gia các khóa bồi dưỡng ngắn hạn vể nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao.
3. Kết luận
Cả huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn đều có điều kiện tự nhiên thuận lợi, diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, nhân lực địa phương dồi dào, nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp lại thấp nhất so với các huyện thị khác của tỉnh. Đề phát huy được tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp cho hai huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cần có chính sách đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ và hỗ trợ vốn triển khai mô hình nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao cho hai địa phương này.
Tài liệu tham khảo
- ADDA - Việt Nam. “Canh tác hữu cơ” http://www. vietnamorganic.vn.
- Cục thông kê tỉnh Khánh Hòa, 2017. Niên giám thống kê Khánh Hòa 2016. NXB Thanh Niên. Khánh Hòa.
- Trần Kim Đồng, Nguyễn Quang Phổ và Lê Thị Hoa, 1991. Sinh lý cây trồng. Hà Nội. 455. Nxb. Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp.
TS. Phan Đức Ngại - CRES - UKH