Giáo dục STEM – một nội dung học quan trọng, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng như đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thông qua các chủ đề học tập. STEM là viết tắt tên tiếng Anh của 4 môn học, bao gồm: khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Giáo dục STEM là phương thức giáo dục tích hợp liên môn. Trong đó, kiến thức Khoa học và Toán học được giảng dạy trong mối liên hệ mật thiết với ứng dụng của 2 môn: Công nghệ và Kỹ thuật. Giáo dục STEM nhằm giúp cho học sinh không chỉ nắm được kiến thức khoa học, mà còn hiểu rõ khả năng ứng dụng của chúng trong thực tiễn cuộc sống, qua đó phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Sau đây là một vài mô hình STEAM:
Mô hình nuôi cá trồng cây (Aquaponics)
Đây là mô hình được thiết kế dựa trên sự kết hợp giữa nuôi cá và trồng cây theo hướng hoàn toàn hữu cơ, thân thiện với môi trường. Trong mô hình này, chất thải từ cá sẽ là nguồn phân bón dồi dào cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, giúp tiết kiệm phân bón trong quá trình trồng cây. Cây sẽ như một hệ thống lọc nước, trả lại nguồn nước sạch cho cá…
Đầu tiên, nước từ hồ cá sẽ được bơm lên bồn cây. Sau đó, vi sinh vật có lợi sẽ chuyển hóa chất thải của cá thành những chất cần thiết mà cây sử dụng được. Cuối cùng, rễ cây sẽ hấp thụ và đồng thời trả nước sạch lại cho hồ cá thông qua siphon. Đây là mô hình không sử dụng phân bón, sử dụng rất ít nước tưới, không cần tốn nhân công chăm sóc và không sử dụng hóa chất.
Hệ thống vườn ươm là gì?
Vườn ươm là nơi ươm, trồng nhiều loại cây con trên các giá thể khác nhau như: trong xơ dừa, sỏi, mút xốp… để cung cấp cây con cho các hệ thống trồng cây trong nhà kính. Điều kiện khu vực vườn ươm phải kiểm soát được 2 yếu tố quan trọng nhất để cho quá trình nảy mầm đạt tỉ lệ cao đó là: Nhiệt độ, độ ẩm. Nhiệt độ cần cho vườn ươm từ 25-32o C, độ ẩm từ 70-80% và được đo nhờ thiết bị cảm biến. Các dụng cụ cần thiết cho khu vực ươm bao gồm: hạt giống, viên nén xơ dừa, mút xốp, sỏi, khay trồng, hệ thống phun sương, hệ thống đèn… Khi cây con khoảng từ 12-15 ngày tuổi, cây cao khoảng 3 – 5cm thì chọn những cây có kích thước đồng đều đem trồng trên hệ thống.
Cây trồng trên hệ thống NFT trong VINAPONICS
Hệ thống thủy canh (Hydroponics)
Những lợi thế của hệ thống thủy canh so với những hệ thống khác (như trồng rau trong đất): trồng quanh năm không phụ thuộc vào thời tiết; cho năng suất cao và rút ngắn thời gian thu hoạch; hạn chế được sâu bệnh hại gây ra do không mang mầm bệnh từ trong đất trồng; sản phẩm sạch, đồng nhất và có giá trị kinh tế; ít tốn công chăm sóc như nhỏ cỏ, xịt thuốc…
Mô hình xử lý nước
Mô hình xử lý nước với những thùng chứa các vật liệu lọc như: san hô, cát thạch anh, sỏi thạch anh, than hoạt tính…sẽ giúp xử lý nước bẩn (nước thải nuôi cá, nước mưa, nước nhiễm phèn…) thành nước sạch nhằm cung cấp nước cho các hệ thống bên trong nhà kính như: dùng để pha dung dịch thủy canh, nuôi cá. Sau khi nước được dẫn lần lượt qua 4 bể giúp nước ổn định về pH, giảm độ đục, khử mùi, lọc lắng phân cá. Qua đó giúp tiết kiệm và tái sử dụng nguồn nước.
Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của mô hình xử lý nước thải
Mô hình bao gồm: hệ thống 4 thùng chứa, hệ thống ống dẫn nước, máy bơm, các nguyên liệu xử lý nước (than hoạt tính, sỏi thạch anh, san hô, cát thạch anh).
Nước được dẫn từ bể cá cần xử lý chứa ở thùng số 1 (màu đen). Sau đó nước chảy qua thùng số 2 chứa vật liệu là San hô đã rửa sạch nhờ trọng lực nước. Tại đây San hô đóng vai trò giúp nâng độ pH của nước do hoạt động nuôi, trồng làm giảm độ pH theo thời gian. Tiếp đến nước được chảy qua thùng số 3 (màu nâu) chứa vật liệu cát thạch anh, than hoạt tính và sỏi thạch anh. Tại đây nhờ cấu trúc lỗ xốp của than hoạt tính, làm cho nước được trong và khử được mùi. Sau đó nước đã qua quá trình xử lý được dẫn về thùng chứa (thùng số 4-màu xanh) và cung cấp nước sạch cho bể cá.
Mô hình xử lý nước thải trong VINAPONICS
Người viết
ThS. Lê Nguyễn Hồng Hạnh - Tổ Hóa Sinh - Khoa KHTN & CN