Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
       
  03/11/2022 21:16        

PHA CHẾ NƯỚC RỬA TAY KHÔ TỪ NHA ĐAM TƯƠI VÀ CỒN Y TẾ

Dung dịch sát khuẩn tay nhanh hay nước rửa tay khô rất tiện dụng, có thể thường xuyên mang theo bên người, giúp diệt các loại vi khuẩn, virus, mầm bệnh gây hại đến sức khỏe, giảm khả năng lây lan, tránh phát tán nhiều loại dịch bệnh và bảo vệ bàn tay sạch sẽ trong thời gian dài nhất có thể. Đặc biệt, từ khi xuất hiện dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, chúng ta sử dụng một lượng rất lớn nước rửa tay khô trên thị trường và trong đó có cả những loại không đảm bảo theo yêu cầu y tế. Thấu hiểu được điều đó, các thầy cô bộ môn Hóa – Sinh khoa Khoa Học Tự Nhiên và Công nghệ trường Đại Học Khánh Hòa đã nghiên cứu, điều chế và chia sẻ, hướng dẫn sinh viên pha chế dung dịch rửa tay khô để chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe con người.

Hình 1.Cô Huỳnh Thị Hồng Trang (Giảng viên bộ môn Hóa-Sinh) chia sẻ về quy trình làm nước rửa tay khô

1. Nguyên liệu:

  • Nha đam tươi
  • Cồn y tế
  • Tinh dầu
  • Chai lọ dạng có vòi xịt

2. Quy trình thực hiện:

Bước 1: Rửa sạch và ngâm lá nha đam qua nước muối pha loãng khoảng 5 - 10 phút để khử trùng. Sau đó, cắt bỏ những chiếc gai xung quanh lá và tiếp tục dùng dao tách hết lớp vỏ bên ngoài lá để lọc lấy phần thịt nha đam để riêng.

Bước 2: Xay nhuyễn phần thịt nha đam hoặc với những lá nha đam có thịt mềm, có thể dùng thìa dằm nhuyễn thay vì xay bằng máy. Lọc qua rây hoặc vải mềm, khi đó, bạn đã thu được phần gel nha đam và cho phần gel này vào chai, lọ để lưu trữ. 

Bước 3: Trộn gel nha đam và cồn y tế theo tỷ lệ 1:2 và khuấy đều. Lưu ý, bạn nên khuấy kỹ hỗn hợp này để nha đam không vón cục lại khi thoa lên da tay. Cho thêm vào hỗn hợp này vài giọt tinh dầu cam, sả hoặc quế…tùy theo ý thích của người sử dụng.

Bước 4: Cho hỗn hợp đã hòa trộn vào một số chai, lọ đựng nhỏ có dạng vòi xịt để tiện mang theo khi đi ra ngoài. 

Hình 2. Sinh viên tiến hành pha chế nước rửa tay khô tại phòng thí nghiệm Hóa học

Hình 3. Sản phẩm nước rửa tay khô do sinh viên Khoa KHTN&CN tạo thành

Hình 4. Một số thầy cô và sinh viên chụp ảnh kỷ niệm sau buổi chuyên đề

Trong thời gian sắp tới, các GV bộ môn Hóa – Sinh sẽ tiếp tục triển khai nhiều chuyên đề dành cho sinh viên để giúp các em có kỹ năng định hướng nghề nghiệp trong tương lai cũng như giúp các em tăng cường kỹ năng nghiên cứu, học tập và thực hành tốt hơn.

3. Một số lưu ý khi pha chế dung dịch nước rửa tay khô và khi sử dụng:

* Lưu ý khi pha chế:

- Các dụng cụ, nguyên liệu bên trên chúng ta mua tại các cơ sở y tế, không dùng cồn công nghiệp vì có lẫn metanol gây độc cho người sử dụng.

- Cồn y tế có khả năng bắt cháy nên khi tiến hành pha chế cần tránh xa những khu vực lửa, nguồn điện.

- Rửa sạch các dụng cụ pha chế và có găng tay đeo khi thực hiện.

* Lưu ý khi sử dụng:

- Mặc dù gel rửa tay khô có ưu điểm tiện lợi, có thể dùng tại chỗ mà không cần nước... nhưng các bác sĩ khuyên không nên lạm dụng thường xuyên. Bởi nước rửa tay khô cũng kèm theo tác dụng phụ và không thể diệt sạch được hết vi khuẩn. Do vậy, người tiêu dùng nên hạn chế dùng sản phẩm này, chỉ sử dụng trong điều kiện không có nước sạch để rửa tay với xà phòng thông thường.

 
Khoa Khoa học TN&CN