Đặt vấn đề:
Trong quá trình nâng cao chất lượng dạy và học tại Đại Học Khánh Hòa, với tư cách là giáo viên chủ nhiệm, chúng tôi quan tâm đặc biệt đến việc nâng cao chất lượng học và nhất là nâng cao chất lượng tự học của sinh viên (SV). Để có được khả năng tự học, SV cần hiểu rõ năng lực tự học là gì và làm thế nào để phát huy năng lực tự học.
Nội dung
I. Năng lực tự học
Khi đề cập đến khả năng làm việc, từ “năng lực” thường được sử dụng để nói về khả năng tự vận hành của một cá nhân trong một hoạt động có mục đích. Vì vậy chúng ta sẽ nói về việc tự học của SV qua khái niệm “năng lực”.
1/ Ý muốn : Phần chính của Năng lực
Theo TS Hà Văn Sinh, “Với sinh viên, năng lực tự học vừa là kết quả vừa là chất xúc tác cho một động cơ học tập mạnh mẽ, giúp sinh viên nhận thức rõ và có hành động phù hợp cho việc đạt được những mục tiêu học tập đã đề ra.” (Báo cáo Hội thảo “Nâng cao năng lực học ngoại ngữ cho sinh viên”, ĐH Khánh Hòa 26/12/2018). Vậy để hiểu rõ khái niệm năng lực tự học, ta hãy xét khái niệm năng lực làm việc của nhà tuyển dụng.
Các nhà tuyển dụng hay lấy thước đo về KIẾN THỨC, KỸ NĂNG và NĂNG LỰC. Hai khái niệm đầu, kiến thức và kỹ năng, thường được định nghĩa thống nhất như sau:
- Kiến thức của một người là cái người đó biết. Để kiểm tra kiến thức, nhà tuyển dụng có thể cho người xin việc làm bài kiểm tra trên giấy hay vấn đáp.
- Kỹ năng của một người là cái người đó làm được. Để kiểm tra kỹ năng, nhà tuyển dụng có thể cho người xin việc làm một công việc cụ thể và sau đó kiểm tra kết quả công việc.
Còn về “năng lực”, các định nghĩa rất khác nhau và trong đó thường có chữ “bao gồm”. Ví dụ, “năng lực” bao gồm “kiến thức”, “kỹ năng” và một “PHẦN THỨ BA” - phần này thường không rõ và rất khó đánh giá trong thời gian ngắn. Trong khuôn khổ bài viết, để có cơ sở phân tích “năng lực tự học”, chúng tôi xin tạm gọi tên PHẦN THỨ BA này là Ý MUỐN.
Theo tâm lý học, con người có 3 loại hành vi: việc làm, lời nói và ý muốn. Với 3 loại hành vi này, tính chất, khả năng của một con người được xác định. Ba loại hành vi này thể hiện trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người. Nhưng hành vi ý muốn cần được chú ý nhất vì không dễ kiểm soát và có thể gây lệch hướng ban đầu của mọi hoạt động. Có những từ tương đồng với “ý muốn” như “động cơ”, “động lực” trong các nghiên cứu về giáo dục, ví dụ như “động cơ và động lực có thể giống nhau khi xét trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng khi xét trong lĩnh vực giáo dục, thì dùng khái niệm động lực học tập là phù hợp hơn.” . Để bao quát các khái niệm và đơn giản hóa các thuật ngữ, chúng tôi dùng từ “ý muốn” bao hàm luôn cả “động cơ”, “động lực” để chỉ phần chính của năng lực.
2/ Ý muốn và quá trình tự học tập
Trong khái niệm năng lực tự học, “ý muốn” nổi bật hơn hai yếu tố “kiến thức” và “kỹ năng”, bởi khi nói đến tự học thì việc tự giác là cốt lõi. Khi không có ý muốn thì sẽ không có tự giác và năng lực tự học sẽ bằng 0, dù cho SV có kiến thức, có kỹ năng để có thể tự học một môn học nào đó. Ví dụ khi học môn nói tiếng Anh, nếu SV không có ý muốn nói tiếng Anh thì riêng việc học tại lớp cũng là quá khó, huống chi là việc tự học. Một SV muốn nói tiếng Anh thì sẽ luyện nói một mình, luyện nói với bạn hay tìm người nước ngoài để tập giao tiếp. Suốt ngày SV đó muốn nói và tìm cách để thực hiện ý muốn đó.
SV cần xác định: “ý muốn” là lực đẩy của việc tự học. SV biết nhận trách nhiệm về ý muốn của mình, biết đánh giá và nuôi dưỡng “ý muốn” của mình. Đây là khái niệm cơ bản, dễ nhớ và trở thành tiêu chí tự đánh giá việc học. Ý muốn cũng là thước đo cho mọi hoạt động của con người từ vui chơi cho đến làm ăn, từ tình yêu cho đến học tập... khả năng thành công của tất cả các hoạt động sẽ được xác định dựa trên mức độ ý muốn. Theo nhiều nghiên cứu về tỷ lệ thành công trong sự nghiệp, ý muốn chiếm đến 80%, còn kiến thức và kỹ năng chỉ chiếm 20%.
Trong bộ phim The Secret - Law Of Attraction của Mel Gill, tác giả nói về bí mật của vũ trụ là lực hấp dẫn, nhưng lực hấp dẫn thì có gì bí mật? Bí mật ở đây là lực hấp dẫn được áp dụng cho ý muốn. Ý muốn càng mạnh thì lực hút đối tượng về phía mình càng mãnh liệt. Chúng ta thường gặp trường hợp sau: Khi ra trường, hai người bạn học có kiến thức như nhau, có kỹ năng như nhau nhưng sau một thời gian, khi gặp lại nhau, họ rất khác nhau, khác về tài sản, về địa vị, về sức khỏe... Thực ra, có nhiều nguyên nhân để họ trở nên khác biệt, nhưng một trong những nguyên nhân lớn là ý muốn của họ không giống nhau : khác biệt về đối tượng của ý muốn, khác biệt về cường độ ý muốn, khác biệt về thời gian của ý muốn. Ý muốn mạnh hơn, nhiều hơn, lâu hơn sẽ thu hút đối tượng mạnh hơn về phía người có ý muốn.
Trong cuộc sống ngày thường, chúng ta hay nói người này có cá tính mạnh. Nhưng khi được hỏi kỹ lại, cá tính mạnh nghĩa là gì thì chúng ta hay trả lời mơ hồ. Thực ra là chúng ta muốn nói người đó có ý muốn mạnh. Hễ họ muốn gì là họ thể hiện rõ, mạnh mẽ, nên mọi người xung quanh dễ nhận ra, dù bị cản trở họ cũng không thay đổi. Đó là một trong những dấu hiệu để thấy được khả năng thành công của một người.
Với việc học, SV cần biết đối tượng mình muốn đạt được có trùng với đối tượng mà môn học nhắm đến hay không. Vậy nếu mục tiêu giáo dục nhắm đến năng lực SV thì chương trình cần thể hiện việc đánh giá “ý muốn” của SV thông qua những hoạt động. Ví dụ trong học phần viết, ngoài bài viết ở kỳ thi, thì SV cần phải thể hiện “ý muốn” hoàn thiện môn viết qua những sản phẩm cụ thể như bài báo tường, nhật ký, bài thơ, facebook .... Điều quan trọng ở đây là SV hiểu được sự ham thích viết, muốn viết là quan trọng nhất, cần phải chăm chút và nuôi dưỡng ý muốn đó.
II. Kỹ năng tự học cần được đào tạo
1/ Tình trạng thiếu khả năng tự học
Từ thời học phổ thông, người học đã được nghe nói đến “tự học”. Khả năng này được đề cập đến rất nhiều ở năm đầu đại học. Tuy nhiên trong thực tế, mỗi SV có khả năng tự học khác nhau. SV dò dẫm ứng dụng hiểu biết và khả năng tự học vào các môn học. Có những trường hợp khác nhau như : nhiều SV ứng biến và tạo ra cách học mới khá phù hợp, nhiều SV không biết phải làm sao để thích nghi với cách học mới, và một số SV không làm gì cả cứ để cho thời gian và môn học trôi tự do.
Tại hội thảo “Nâng cao năng lực học ngoại ngữ cho sinh viên”, ĐH Khánh Hòa 26/12/2018, TS. Hà Văn Sinh đã đưa một hình ảnh minh họa rất sống động về việc học cách tự học: người học lái xe được ngồi trên chiếc xe không có tay lái. Đây là tình trạng đáng báo động của SV năm đầu tại Việt Nam. Từ tình trạng “không có tay lái”, các SV bắt đầu phân thành các nhóm, có nhóm tìm ra ngay cách tự học, có nhóm tìm kiếm rất lâu và gian khổ, và cũng có nhóm không tìm thấy cách tự học. Qua trao đổi với giảng viên (GV) và SV, chúng tôi nhận thấy rất nhiều SV cần được trang bị cách tự học.
2/ Gợi ý hành động: trang bị cho SV khả năng tự học
Nhà trường thông qua các kênh như cố vấn học tập, tuần giáo dục đầu khóa để nói cho SV biết tự học là gì. Bên cạnh đó, SV cần làm những hoạt động tự học từ đơn giản với kế hoạch ngắn hạn đến những quyết định dài hạn.Cụ thể như sau:
- Sinh hoạt đầu khóa cần có nội dung về tự học. Nội dung này có những kiến thức căn bản, có bài tập liên quan và SV phải viết được kế hoạch của cá nhân cho suốt quá trình đào tạo.
- Cần tập hợp đội ngũ GV có đủ chuyên môn và năng lực để đưa ra một chương trình dạy cách tự học.
- Cần tổ chức những hội thảo liên quan đến chủ đề năng lực để mỗi SV xác định được năng lực là gì, biết năng lực của mình ở mức độ nào và có phương hướng để cải tạo năng lực.
- Cần tạo điều kiện cho SV có cơ hội đưa ra những kế hoạch tự học, kiểm tra các kế hoạch cá nhân và trao đổi với người có đủ khả năng hướng dẫn và phản biện.
- Trong quá trình giảng dạy, các GV chuyên ngành đồng hành cùng chương trình tự học của SV để liên tục tương tác, điều chỉnh và hỗ trợ.
Kết luận
Việc hiểu rõ khái niệm Năng lực tự học và nắm được những phương pháp tự học là hết sức quan trọng giúp SV thành công trong việc học tập tại trường đại học. Đây là vấn đề cấp thiết và là một quá trình lâu dài mà SV phải thực hiện được với quyết tâm cao, với sự hỗ trợ của nhà trường và sự đồng hành của cố vấn học tập-giáo viên chủ nhiệm cũng như các GV.
Tài liệu tham khảo
1. https://toc.123doc.org/document/956753-1-cac-ly-thuyet-co-lien-quan-den-dong-luc-hoc-tap.htm
2. https://123doc.org/document/4140803-cac-yeu-to-anh-huong-den-dong-luc-hoc-tap-cua-sinh-vien-dai-hoc-chinh-quy-truong-dai-hoc-kinh-te-thanh-pho-ho-chi-minh.htm
3. The Secret - law of actraction : https://www.youtube.com/watch?v=f3isjlvccc0
4. Kỷ yếu hội thảo, “Nâng cao năng lực học ngoại ngữ cho sinh viên”, Đại học Khánh Hòa 26/12/2018.
Lê Hồng Khánh, Tổ Các NN khác