Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Ngoại ngữ ❯ Chi tiết
       
  18/03/2019 14:32        

Dẫn nhập các yếu tố văn hoá Hán vào việc giảng dạy từ vựng môn Khẩu ngữ tiếng Trung cho sinh viên khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Khánh Hoà

Tóm tắt: 

Việc giảng dạy từ vựng là một trong những điểm then chốt và quan trọng của môn khẩu ngữ trình độ trung cấp. Làm thế nào để việc giải thích từ vựng đạt hiệu quả là một việc khó đối với người dạy. Bài viết giới thiệu các yếu tố văn hóa từ ba khía cạnh: sự can thiệp của các yếu tố văn hóa truyền thống, mở rộng các phương ngữ và các yếu tố văn hóa khu vực, so sánh sự không đồng nhất các yếu tố văn hóa. Từ đó đề xuất một số phương pháp và cũng là tài liệu tham khảo nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.
Từ khóa: văn hóa Hán, khẩu ngữ, tiếng Trung, giảng dạy từ vựng

1. Mở đầu 

“Văn hóa” được hiểu là sự tổng hòa những giá trị vật chất và tinh thần được đúc kết trong các lĩnh vực khác nhau về đời sống của những đại diện ngôn ngữ đó. Mục tiêu quan trọng của giảng dạy ngoại ngữ là phát triển và hoàn thiện năng lực và kỹ năng giao tiếp cho người học. Để giao tiếp thành công với người bản ngữ, ngoài việc giỏi ngôn ngữ người học cần có hiểu biết về văn hóa của họ. Vì vậy, văn hóa được xem là một trong những yếu tố quan trọng trong nội dung dạy học. Ngôn ngữ và văn hóa có mối quan hệ mật thiết với nhau: ngôn ngữ gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa, đồng thời những giá trị văn hoá cũng được biểu đạt trong đơn vị ngôn ngữ, trong văn bản nói và viết. Cần học ngoại ngữ thông qua văn hóa vì một mặt, ngôn ngữ đóng vai trò là phương tiện tri nhận văn hóa dân tộc và mặt khác, văn hóa dân tộc được coi là điều kiên tất yếu để nắm vững hoàn toàn một ngoại ngữ. 

2. Nội dung
2.1. Dẫn nhập các quan niệm văn hóa trong dạy học từ vựng

Trong quá trình giảng dạy ngôn ngữ, người học có thể vẫn hiểu được ý nghĩa của từ nhưng lại không hiểu lí do vì sao lại có thể nói thế này mà không được nói thế kia, do từ vựng có nhiều sắc thái ý nghĩa khác nhau. Điều này đòi hỏi người dạy khi giải thích từ, phải có sự kết hợp giữa giải thích nghĩa từ và các sắc thái ý nghĩa của của từ, đặc biệt chú trọng đến việc dẫn nhập các quan niệm văn hóa truyền thống của Trung Quốc. 

Ví dụ: người học khi gặp cụm từ “大吃一惊” (bất ngờ lớn) sẽ nói được ý nghĩa của từ này nhưng không hiểu vì sao lại không nói “二惊” hay là “三惊”...... Người dạy có thể kết hợp quan niệm tư tưởng của đạo giáo để giải thích ý nghĩa văn hóa và ý nghĩa triết học có trong chữ “一”. Đó là chữ 一 của Lão tử trong Kinh đạo đức : “ 天得一以清;地得一以宁;神得一以灵;谷得一以圣;万物得一以生” và “道生一,一生二,二生三,三生万物”. Hoặc trong câu khẩu ngữ thường gặp “......到家了”, “好到家了”、“坏到家了”, người học sẽ thắc mắc vì sao không nói là 好到学校、好到(别的地方)hay là坏到(别的地方 mà lại nói “家”. Để giải thích được điều này, người dạy nên vận dụng quan niệm văn hóa về quê hương của người Trung quốc : đối với họ “家”chính là nguồn cội, là nơi để trở về. 

Hay khi gặp phải những cụm từ sau : 买东西( mua đồ),问东问西( hỏi đông hỏi tây),东张西望( dương đông kích tây),东打听,西打听(dò la thám thính khắp nơi).... người học sẽ thắc mắc vì sao không nói 买南北( mua nam bắc),问南问北(hỏi nam hỏi bắc),南张北望(dương nam kích bắc),南打听,北打听..... Lúc này người dạy sẽ dựa vào quan niệm ngũ hành của Trung Quốc 金 (kim)、木 (mộc)、水 (thủy)、火 (hỏa)、土 (thổ) và nguyên tắc kết hợp của 东、西、南、北, “东西属金木” (đông tây thuộc kim mộc) có mối quan hệ với thực vật, tương đối cụ thể. 南北属水火( nam bắc thuộc thủy hỏa) có mối quan hệ với thực vật không nhiều , vì vậy phải nói 买东西,问东问西,东张西望,东打听,西打听. Hoặc khi gặp thành ngữ “心想事成” (tâm tưởng sự thành)、“口是心非” (sự ăn ở hai lòng)、“闹心”( phiền muộn)、“花心” (chỉ trong tình yêu lăng nhăng, không chung thủy).... việc giải thích nghĩa phải gắn với lí luận của Y học Trung quốc và quan niệm văn hóa lấy tim làm nơi xuất phát của tư tưởng, tinh thần. Khi giải thích từ 下海 (hàm chỉ việc từ bỏ công việc cũ để đi khởi nghiệp) cần kết hợp đặc điểm của văn minh đại lục và văn minh lấy nông nghiệp làm gốc của văn hóa Trung Quốc. 

Tất cả những quan niệm về văn hóa này đều giúp cho người học hiểu rõ được việc tạo nên các sắc thái ý nghĩa của từ vựng tiếng Hán.

 
2.2. Dẫn nhập nguồn gốc ngữ cảnh của văn hóa lịch sử Trung Quốc trong giảng dạy từ vựng
Từ vựng là sản vật của một quốc gia hay một dân tộc trong một ngữ cảnh văn hóa lịch sử nhất định. Đối với người học, chính vì không nắm rõ ngữ cảnh lịch sử văn hóa của từ vựng nên có thể biết mà không hiểu rõ từ. Từ đó ảnh hưởng đến việc nhớ từ và sử dụng từ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, người dạy phải giúp người học quay trở về được ngữ cảnh văn hoá lịch sử đã tạo ra từ vựng. Ví dụ: từ 好奸头 vốn dùng để chỉ một kiểu tóc của đàn ông Trung Quốc. Những năm 30, 40 của thế kỷ 20, Nhật Bản xâm chiếm Trung Quốc, một số người Trung Quốc làm việc cho người Nhật vì để kiểu tóc này mà nổi danh. Cho nên đối với đàn ông Trung Quốc bây giờ thì đây là một kiểu tóc cấm kỵ. Chính vì vậy từ này mang ý nghĩa không tốt.

2.3. Mở rộng các yếu tố văn hóa khu vực và phương ngôn trong dạy học từ vựng môn khẩu ngữ
Trong quá trình giảng dạy môn khẩu ngữ, người dạy sẽ thường được người học thắc mắc lí do vì sao khi nghe giảng thì có thể hiểu hết được những gì giáo viên dạy, cũng như có thể cùng với giáo viên tiến hành giao tiếp bằng ngôn ngữ tiếng Trung, nhưng trên thực tế nếu gặp phải người Trung Quốc thì thường xuyên nghe không hiểu. Điều này cũng dễ hiểu. bởi khi giáo viên lên lớp sẽ dùng tiếng phổ thông đúng chuẩn để dạy, nhưng ra ngoài xã hội thì người Trung Quốc đa số nói tiếng địa phương của họ. Cho dù người đó có dùng tiếng phổ thông để nói nhưng sẽ có đan xen về ngữ pháp, ngữ âm của phương ngữ vào. Vì vậy trong quá trình dạy, người dạy có thể thêm vào các yếu tố văn hóa của tiếng địa phương, vùng miền của Trung Quốc. Mỗi phương ngữ sẽ có cách sử dụng từ vựng trong khẩu ngữ không giống nhau, và mang đậm bản sắc vùng miền. Ví dụ người Đông Bắc thường nói từ 埋汰(không sạch sẽ) thay cho từ 脏; còn người Hà Nam , Sơn Đông lại nói thành腌臜; các phó từ trình độ 最,极,非常 người Đông Bắc lại dùng 贼 để thay thế, còn người miền Nam lại dùng 蛮, người Hà Nam, Sơn Đông hay dùng 怪. ... Tính phong phú của nghĩa từ đã gây khó khăn cho người học.
Ngoài ra, có một số từ vựng xuất hiện từ sự ảnh hưởng của văn hóa khu vực. Ví dụ : Biệt hiệu (hay còn gọi là tên lóng). Biệt hiệu của người Đông Bắc đa số bắt đầu bằng chữ “大.... ”. Còn người phương Nam thì lại bắt đầu bằng chữ “小...”. Chính vì vậy việc lồng ghép giải thích các phương ngữ trong giảng dạy khẩu ngữ đối với việc giao tiếp thực tế với người bản địa đóng vai trò khá quan trọng. 

2. 4. So sánh các yếu tố văn hóa giống và khác nhau trong quá trình dạy học từ vựng
So sánh ở đây chính là dùng văn hóa Hán để so sánh với văn hóa mẹ đẻ của người học, tìm ra các yếu tố văn hóa ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng từ vựng trong giao tiếp. Chỉ có như vậy mới đạt được mục tiêu của dạy học. Từ vựng của tiếng mẹ đẻ và tiếng nước ngoài có 3 dạng : từ vựng tương ứng, từ vựng không tương ứng và từ vựng hoàn toàn không tương ứng. 

Từ vựng tương ứng là những từ ở cả hai ngôn ngữ đều biểu thị quan niệm ý nghĩa tương đồng nhau, những từ này không gây khó khăn, trở ngại đối với người học có bối cảnh ngôn ngữ văn hóa không giống nhau. 

Từ vựng không tương ứng là từ ở ngôn ngữ này thì có sự vật tương ứng, mà ở ngôn ngữ khác lại không. Ví dụ ở trên có nêu là từ 下海,好汉头...... Những từ này ghi đậm dấu tích của lịch sử văn hóa Trung Quốc, có thể thông qua nguồn gốc ngữ cảnh lịch sử để giải thích từ. 

Từ vựng hoàn toàn không tương ứng là những từ về mặt ngôn ngữ tương ứng những nội hàm văn hóa không tương ứng hoặc hoàn toàn không tương ứng, những từ này đòi hỏi cần phải thông qua so sánh các yếu tố văn hóa giống và khác nhau để tiến hành giải thích từ. Ví dụ: ở mỗi nước đều những từ vựng dùng tập tính của động vật để tiến hành ẩn dụ so sánh với tập tính sinh hoạt của con người. Tục ngữ Trung Quốc để ám chỉ người ngu ngốc thì nói 笨猪,nhưng người Hàn Quốc lại nói 笨鸡. Tiếng Nga để hàm chỉ một người uống nhiều rượu thì nói 像一头猪. Như vậy cùng chỉ một sự vật mà lại có những hàm ý khác nhau để nói lên tính cách của con người. Trong Tiếng Hán, những từ ngữ liên quan đến chó đa số đều biểu thị ý xấu ví dụ 走狗 (đồng lõa)、落水狗 (người xấu bị thất thế)、狐朋狗友 (phàm chỉ những người bạn xấu chỉ biết chơi bời lêu lỏng)..... Nhưng trong tiếng Anh, chó được xem là người bạn trung thành nhất, mọi người dùng hình tượng con chó để so sánh với hành vi của người, ví dụ: A lucky dog (幸运儿) , love me, love my dog (爱屋及乌)....... Người học khi hiểu được sự khác biệt về văn hóa này có thể nâng cao sự chính xác trong biểu đạt và hiểu từ hơn.
Như vậy, trong quá trình dạy học, người dạy cần chú ý đến việc so sánh các yếu tố văn hóa này để tạo hứng thú giúp cho người học hiểu rõ từ hơn. 

2.5. Đề xuất một số phương pháp để dẫn nhập các yếu tố văn hóa vào giảng dạy từ vựng
Việc dẫn nhập các yếu tố văn hóa không thể thực hiện giống nhau ở mọi giai đoạn trong quá trình học. Mỗi giai đoạn học có trình độ khác nhau, vì vậy người dạy phải có sự lựa chọn phương pháp phù hợp.
Ở giai đoạn sơ cấp, người học mới tiếp xúc với tiếng Trung, không biết nhiều về về văn hóa Hán, lúc này người dạy nên chọn lựa những từ ngữ giao tiếp hằng ngày có liên quan đến kiến thức văn hóa cơ sở để dạy. Ví dụ: những từ liên quan đến các chủ đề hỏi thăm, hỏi đường, hỏi thời gian, ngồi xe, xin lỗi, mua sắm.... Trong môn khẩu ngữ, người dạy nên lựa chọn một số từ vựng trọng điểm của bài để giảng thông qua các yếu tố văn hóa, như vậy khi học các bài hội thoại người học sẽ càng hiểu rõ các hàm ý văn hóa văn hóa ẩn trong từ ngữ. Đồng thời tăng cường sử dụng liên tưởng văn hóa để giải thích từ. Ví dụ như 铁饭碗,金饭碗 : Căn cứ vào cách cấu tạo của chữ 碗 thì có thể biết người xưa dùng đá để làm ra cái chén (cái bát) . Thời cổ đại 金饭碗chỉ cái bát ăn cơm của vua, còn thời hiện đại thì chỉ những người làm việc trong cơ quan nhà nước. Đồng thời铁饭碗 cũng chỉ những người có thu nhập ổn định. Như vậy thông qua việc giải thích liên tưởng có thể khơi dậy những kiến thức văn hóa đã học qua. 

3. Kết luận
Văn hóa là yếu tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong dạy học ngoại ngữ. Người học không thể làm chủ một ngôn ngữ nếu không nắm được những đặc trưng tiêu biểu của nền văn hóa đó. Để giao tiếp thành công với người bản xứ, cần phải học cách sử dụng ngôn từ đúng ngữ cảnh cùng với cách hành xử văn hóa tương thích. Nắm vững được những đặc trưng văn hóa và chiến lược hành vi ngôn ngữ sẽ giúp người tham gia giao tiếp sắp xếp ý kiến của họ cho phù hợp với tình huống giao tiếp, khích lệ người đối thoại tham gia vào hoạt động ngôn ngữ, bày tỏ kiến định mang tính xúc cảm, đặc biệt là giúp học tránh được “sốc văn hóa” trong giao tiếp với người bản xứ. Trong xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ, các giảng viên dạy ngoại ngữ cần phải tìm ra phương pháp và nội dung lồng ghép các yếu tố văn hóa và giao thoa văn hóa phù hợp, bởi lẽ đó vừa là yếu tố kích thích sự hứng khởi trong quá trình học ngoại ngữ vừa tạo cơ hội cho sinh viên hiểu biết về văn hóa các nước trên thế giới.

Tài liệu tham khảo
张占一. (1991). 如何理解和提示对外汉语教学中的文化因素.
吕叔湘. (2003). 现代汉语八百词. 北京商务印书馆.
吕必松. ( 1996). 对外汉语教学概论(讲义). 北京国家汉办编印.
刘洵. (2000). 对外汉语教育学引论. 北京语言大学出版社.

Ths Phạm Thị Hồng Nhã

Tổ Các Ngoại ngữ khác

 
Khoa Ngoại ngữ