Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Ngoại ngữ ❯ Chi tiết
       
  16/03/2020 16:55        

“Học bằng Hành” – Mô hình học bằng trải nghiệm với môn Văn học Anh

Tóm tắt: 

“Học bằng Hành” hoặc học trải nghiệm là một quá trình học nơi đó kiến thức được tạo ra bằng sự chuyển đổi từ kinh nghiệm sẵn có với những trải nghiệm, là chiến lược giúp người học có được cơ hội học bằng hành động và có chiêm nghiệm về những hoạt động trải nghiệm của chính bản thân. Ứng dụng lý thuyết “Học bằng Hành” vào các hoạt động dạy học, cụ thể môn Văn học Anh giúp người học năng động thu nhận kiến thức và tự vận động phát triển tri thức theo chiều hướng thực tiễn của xã hội.
Từ khóa: Thuyết “Học bằng Hành”, trải nghiệm, Văn học Anh, phát triển tri thức 

 
Khi nghe nói “Học bằng Hành” có thể hầu hết ta thường nghĩ học đi đôi với hành, nghĩa là thực hành ngay sau khi được học lý thuyết, và giáo viên thường cho học sinh hoặc sinh viên bài tập thực hành ngay tại lớp hoặc bài tập về nhà. Thực tế không phải vậy, trong Giáo học pháp có một thuyết về học gọi là “Học bằng Hành” (Learning by doing) hay còn có tên gọi khác là học bằng trải nghiệm (experiential learning). Thuyết Học bằng Hành khác với các thuyết học hành vi dựa trên tri thức luận thực nghiệm (empirical) hay các thuyết học của những phương pháp truyền thống dựa trên tri thức luận duy lý (rationalist). Thuyết Học bằng Hành có vai trò trung tâm là sự trải nghiệm và có mối liên hệ chặt chẽ giữa viêc học với công việc, với các hoạt động trong cuộc sống, và với sự sáng tạo về kiến thức. Thuyết “Học bằng Hành” hoặc trải nghiệm được định nghĩa là một quá trình nơi đó kiến thức được tạo ra bằng sự chuyển hoá từ kinh nghiệm” (Kolb, 2015). Đó là chiến lược giúp người học có được cơ hội học bằng hành động và có chiêm nghiệm về những hành động đó, cho phép họ chuyển hoá kiến thức lý thuyết của mình vào những nỗ lực thực tế trong vô số môi trường trong và ngoài lớp học (Kolb, 2015). Lý thuyết “Học bằng Hành” ở đây là học bằng trải nghiệm, hay nói cách khác học kết hợp với hành động. Theo lý thuyết này người học được học từ sự trải nghiệm của chính bản thân mình trong một hoạt động trải nghiệm. 

 

Từ xưa đến nay tồn tại một lý thuyết học truyền thống gọi là truyền đạt tri thức hay được gọi là giảng – nghe giảng và ghi chép được Paulo Freire (1974) gọi là khái niệm “ngân hàng” giáo dục (the “banking” concept of education). Trong đó giáo dục được ví như hành động gửi tiền vào ngân hàng, giáo viên là người gửi và người học là người nhận. Người học kiên nhẫn tiếp thu, ghi nhớ và lặp lại, hoặc lưu giữ và làm đầy kho ngân hàng kiến thức đó. Người học sẽ trở thành người thu thập hoặc người lập thư mục. Với hình thức này, liệu họ có còn là người học nữa chăng, hay chỉ như cái “máy học” bởi họ tiếp thu một cách thụ động, thiếu tính sáng tạo, ít thay đổi và kiến thức có được chỉ trong một phạm vi hạn hẹp. Ngay cả khi giáo viên áp dụng các biện pháp giảng dạy giúp họ đỡ thụ động hơn khi lĩnh hội kiến thức như giao tiếp, trò chơi, nghe nhạc, v.v… thì đối tượng người học cũng vẫn là người thu nhận, chỉ khá hơn một chút vì họ tiếp thu một cách tích cực hơn.

Trong khi đó, thuyết Học trải nghiệm có những tính chất khác biệt với lý thuyết học truyền đạt tri thức. Học trước tiên được xem là một tiến trình (process) chứ không phải một sản phẩm (product/outcome) trong đó kiến thức được chuyển hóa thành những ý tưởng (ideas), mà ý tưởng lại là những yếu tố không cố định và được cải tạo, tích lũy và thay đổi bằng kinh nghiệm. Việc học được mô tả như một quá trình nơi đó các quan điểm, khái niệm, kiến thức được tạo ra và liên tục được cập nhật, đổi mới bằng kinh nghiệm bởi không có hai ý tưởng trùng nhau do sự trải nghiệm luôn luôn được can thiệp (Kolb, 2015). Khi được xem là một tiến trình thì việc học là một tiến trình liên tục (continuum) có nền tảng từ kinh nghiệm và trải nghiệm. Piaget (1974) đã khẳng định sự sáng tạo kiến thức mới luôn là vấn đề trung tâm của tri thức luận phát sinh từ mỗi hành động hiểu, là kết quả của một tiến trình liên tục xây dựng và phát minh bằng tương tác và điều chỉnh. Freire (1974) cũng biện luận kiến thức sinh ra chỉ bằng sự phát minh (invention) và tự đổi mới (reinvention), qua sự tìm tòi không ngơi nghỉ, kiên nhẫn, liên tục và đầy hy vọng mà con người cùng nhau theo đuổi trong thế giới này và với thế giới này. Vậy nên học là một tiến trình nơi đó kiến thức được tạo ra qua sự chuyển đổi của kinh nghiệm – kinh nghiệm nội tại, sẵn có được tích lũy, trao đổi qua trải nghiệm thành kiến thức mới. Một tính chất quan trọng khác là học tập đòi hỏi phải có sự giải quyết mâu thuẫn giữa các phương thức đối lập, cần thích ứng một cách sáng tạo và toàn diện với thế giới thực tại. Kết quả của nó là sự tương tác giữa kiến thức của xã hội và kiến thức của cá nhân tạo nên kiến thức mới qua nhận thức, suy nghĩ và chiêm nghiệm. 

 

Tiến trình của thuyết Học bằng Hành được Kolb (2015) mô tả theo một vòng tròn gồm 4 yếu tố - Tình cảm (Feeling), Quan sát (watching), Suy nghĩ (thinking) và Hành động (doing) (Hình 1), trong đó:
(1) Học từ kinh nghiệm cụ thể (Concrete experience) là kinh nghiệm nội tại của người học hoặc của bạn học, là bài giảng của giáo viên, người hướng dẫn.
(2) Quan sát chiêm nghiệm (Reflective observation) bằng cách quan sát môi trường từ nhiều chiều hướng khác nhau hoặc tìm ý nghĩa của hiện tượng trước khi có một phán đoán.
(3) Suy nghĩ tìm hiểu các khái niệm trừu tượng (Abstract Conceptualization), phân tích ý tưởng, tìm tòi và hành động theo sự hiểu biết về một tình huống, bài học.
(4) Hành động thực nghiệm tích cực (Active experiment) thông qua khả năng thu nhận và năng lực thực hiện.
(Kolb, 1984, 2015) 

Hình 1: Mô hình Học bằng Hành (Kolb, 2015)

 

Các yếu tố này có thể đổi chỗ cho nhau trong tiến trình học khiến cho việc học rất phong phú đa dạng, đặc biệt trong các lĩnh vực dạy học chuyên ngành. Ví dụ, học cách pha chế rượu trong du lịch thì các yếu tố có thể lần lượt sẽ là (1) Quan sát chiêm nghiệm: xem người khác làm, (2) Khái niệm trừu tượng: suy nghĩ rút ra lý thuyết, (3) Kinh nghiệm cụ thể: kết hợp những hiểu biết thực tế về các loại rượu về kỹ thuật pha chế rượu ngon với hiểu biết của bản thân để có những công thức pha chế rượu ngon, (4) Trải nghiệm: Thực hiện pha chế, có thể lúc đầu chưa ngon nhưng nhờ kinh nghiệm của giảng viên, của chuyên gia và kinh nghiệm của bản thân mà người học điều chỉnh cho tốt.
Một ví dụ trong học ngoại ngữ, như học nghe, nói tiếng Anh thì các yếu tố có thể lần lượt sẽ là (1) Trải nghiệm thực tế: Nghe và nói những gì người học đã biết, (2) Quan sát và chiêm nghiệm: Nghĩ về những gì vừa nghe hoặc nói, (3) Khái niệm trừu tượng: Nghe bài mẫu hoặc bài nói mẫu rút ra quy tắc, khái niệm cho những kiến thức mới, (4) Kinh nghiệm cụ thể: Nhờ sự giúp đỡ của giáo viên để cải thiện hoặc sửa đổi bài nói cho phù hợp thực tiễn.

 

Ứng dụng thuyết Học bằng Hành vào môn Văn học Anh giúp người học có thể tránh những buổi học lý thuyết nhàm chán là nghe và ghi chép theo phương pháp truyền thống. Học Văn học không những phải đọc hiểu đoạn văn, thơ, tác phẩm mà còn học được nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, chiêm nghiệm bài học ý nghĩa ẩn chứa trong tác phẩm văn học và cuối cùng là biểu đạt ý tưởng cảm thụ tác phẩm văn học bằng viết bài luận (essay). Như vậy, có thể nói các yếu tố quan trọng nhất khi học văn học Anh là sự cảm nhận, đọc và hiểu những văn bản bằng thơ, văn xuôi, suy nghĩ cảm thụ nghệ thuật ngôn từ và trải nghiệm. Ý nghĩa học trải nghiệm được gắn kết với sự cảm thụ bởi như thế người học sẽ phát huy trí tưởng tượng, tìm hiểu vạn vật xung quanh liên hệ thực tế với kinh nghiệm sống của bản thân. 

 

Tóm lại các yếu tố của Kolb (2015) sẽ được áp dụng mô hình:
(1) Khái niệm trừu tượng – Abstract conceptualization - Thinking,
(2) Trải nghiệm – Active experimentation - Doing,
(3) Kinh nghiệm cụ thể - concrete experience – Feeling,
(4) Quan sát chiêm nghiệm – Reflective observation – Watching

 

Sinh viên được chia thành từng nhóm nhỏ có nhóm trưởng, được giao bài học và các vấn đề cần tìm câu trả lời ngoài lớp học. Thực hiện yếu tố (1) khái niệm trừu tượng, sinh viên tự đọc bài tìm hiểu ý nghĩa của tác phẩm. Họ tự do nghiên cứu trong các tài liệu từ sách, báo, tạp chí và mạng internet về các vấn đề liên quan đến chủ đề của tác phẩm. Ví dụ, khi học đến tác phẩm Hamlet của William Shakespeare, sinh viên có thể tìm hiểu đọc các văn bản nguyên gốc, và văn bản dịch, xem kịch, phim hoạt hình, nghe lời độc thoại của Hamlet. Hoặc khi học đến tác phẩm “Paradise Lost” (Thiên đường đánh mất) của John Milton, sinh viên có thể tìm hiểu câu chuyện về vườn địa đàng, vị trí của vườn địa đàng ở đâu trên trái đất. Có sinh viên nghĩ rằng khi học tác phẩm “Thiên đường đánh mất” cho rằng mình bị mê muội phân hóa về tôn giáo, nhưng khi đọc kỹ hiểu rõ ngôn ngữ và hoàn cảnh văn học họ có kiến thức về sự phản ánh một thời kỳ mới của văn học Anh về ý thức ước mơ của con người với tự nhiên và từ đó cảm nhận sâu hơn ý nghĩa của tác phẩm. Trong trải nghiệm (2) sinh viên tập đọc lời độc thoại của Hamlet, vẽ tranh vườn địa đàng có Adam và Eva hoặc vẽ tranh Hoa thủy tiên trong tác phẩm The Daffodils của William Wordsworth. Khi lên lớp họ nhận được kinh nghiệm cụ thể (3) của các nhóm và giáo viên về tác phẩm. Các nhóm lần lượt trình bày trước lớp những suy nghĩ, những điều họ đã tìm hiểu và chuẩn bị ở nhà. Họ cùng nhau và cùng với giáo viên thảo luận và làm các bài tập về kỹ năng ngôn ngữ và tìm hiểu nghệ thuật ngôn ngữ cũng như các bài học ẩn chứa trong tác phẩm. Họ quan sát, chiêm nghiệm (4) và viết bài luận sau đó. Họ được cung cấp bảng Rubrics đánh giá bài luận và dựa vào các tiêu chí trong bảng Rubrics, họ sẽ tự đánh giá bài học và rút kinh nghiệm cho lần học sau để viết bài đạt kết quả tốt nhất. 

 

Khi học môn Văn học Anh theo phương pháp này, người học được học theo nhóm nhỏ có nhiều thuận lợi. Trước hết, thuyết Học bằng Hành cho phép người học làm việc cùng nhau, học tập hợp tác giúp họ khám phá những vấn đề quan trọng như tìm hiểu lịch sử của một giai đoạn hình thành văn học Anh hoặc cùng nhau tạo ra một dự án có ý nghĩa trong một nhóm nhỏ như vẽ tranh, phân vai đóng kịch một trích đoạn trong tác phẩm. Thứ hai, bằng việc học nhóm, người học tạo cho mình những thách thức khi họ tự xác lập những kiến thức và kỹ năng cần thiết để tiến bộ, đồng thời trong môi trường hợp tác người học được hỗ trợ lẫn nhau và sử dụng thế mạnh của nhau để phát triển. Thứ ba, người học có sự khám phá tự định hướng: việc sử dụng Internet và các công cụ đa phương tiện giúp họ nhanh chóng và dễ dàng nhận được một số lượng lớn các thông tin cần thiết. Nhờ vậy, người học có thể tìm ra những bằng chứng thực tế cho chính những câu trả lời của mình ngoài nguồn tư liệu trong thư viện - đôi khi đã cũ - hoặc ngoài những bài giảng có tính quy định sẵn của giảng viên. Người học sẽ biết cách điều hướng thông tin cho mục đích hoạt động giúp họ nâng cao năng lực nghiên cứu độc lập. Hơn nữa, với lý thuyết này, người học chia sẻ kết quả và sản phẩm kinh nghiệm dựa trên hoạt động đọc, tìm hiểu, trình bày, làm dự án. Đây là một yếu tố cơ bản cho sự thành công của thuyết Học bằng Hành: người học có cơ hội chia sẻ kết quả về kinh nghiệm bản thân và tự đánh giá những hoạt động của mình. Cuối cùng, phương pháp Học bằng Hành trong môn Văn học Anh sẽ giúp tạo kênh giao tiếp cho người học trong nhóm nhỏ và kết nối giữa các nhóm nhỏ với nhau. Người học có thể sử dụng những kiến thức đã học hỏi được trong nhóm để trao đổi và thảo luận với các nhóm khác, đồng thời có dịp tranh luận để trả lời cho những vấn đề nảy sinh có liên quan đến văn học như nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ trong tác phẩm và rút ra bài học ý nghĩa từ tác phẩm cho cuộc sống thực tại. Kết quả kiến thức người học thu được sẽ trở thành tri thức mới gần gũi với thực tiễn cuộc sống và hơn hết, tri thức đó không chỉ giúp họ hoàn thiện bản thân ở trường đại học mà còn có thể ứng dụng cho công việc tương lai.

Tài liệu tham khảo
Freire, P. 1974. Education for Critical Consciousness. London: Sheed and Ward Ltd.
Kolb, A. D. 2015. Experiential Learning. Experience as the source of Learning and Development. Pearson Education, Inc.

Dưới đây là một vài hình ảnh minh họa cho Phương pháp “Học bằng Hành” được áp dụng cho môn Văn học Anh, lớp Ngôn ngữ Anh K1:

Hình 2: Phần trình bày của các nhóm sinh viên lớp NNA K1 trong giờ Văn học Anh

TS. Trần Thị Ái Hoa

Khoa Ngoại ngữ

 

 
Khoa Ngoại ngữ