Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Ngoại ngữ ❯ Chi tiết
       
  01/04/2020 11:37        

Cải tiến phương pháp chép chính tả để tạo ngữ cảnh trong dạy ngữ pháp cho sinh viên ngành Tiếng Anh của trường Đại học Khánh hoà

Từ khóa:
Phương pháp chép chính tả, dạy ngữ pháp, ngữ cảnh, sinh viên ngành Tiếng Anh, Đại học Khánh Hòa

 

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Ngữ pháp là một trong những môn tiền đề trong chương trình đào tạo ngành Tiếng Anh trình độ Cao đẳng. Trong các lớp học phần này, số lượng sinh viên (SV) đông và khối lượng kiến thức nhiều dễ tạo áp lực cho cả giáo viên (GV) và SV. Đồng thời, việc phải làm bài luyện tập tạo cho SV tâm lý học ngữ pháp đồng nghĩa với “khô khan” và “máy móc”. Thêm vào đó, với sự phát triển mạnh của tiếp cận giao tiếp trong giảng dạy ngoại ngữ, việc dạy và học ngữ pháp đôi khi đã bị xem nhẹ so với các kỹ năng Nghe, Nói, Đọc Viết. Ngoài ra, dạy ngữ pháp không chỉ đơn thuần là dạy cách chia động từ, cách dùng thì, biến đổi dạng câu, … mà đòi hỏi GV phải cung cấp tình huống thật để rèn luyện thói quen giao tiếp sử dụng đúng ngữ pháp, từ đó giúp người học yêu thích và hứng thú với việc học ngữ pháp. Trong bài viết này, tác giả trình bày hướng giải quyết vấn đề trên bằng cách khuyến khích sử dụng phương pháp chép chính tả để dạy ngữ pháp trong ngữ cảnh cho SV cao đẳng ngành Tiếng Anh.

II. NỘI DUNG

1. Dạy ngữ pháp trong ngữ cảnh bằng phương pháp chép chính tả
1.1. Ngữ pháp trong ngữ cảnh

Ngữ pháp trong ngữ cảnh liên quan đến việc dạy và học ngữ pháp thông qua ngữ cảnh của tình huống mà lời nói được sử dụng. Ngữ pháp này tập trung vào hình thức, ngữ nghĩa và cách sử dụng ngôn ngữ. Người học có thể sử dụng được các nguyên tắc ngữ pháp hiệu quả hơn trong giao tiếp nếu được học chúng trong ngữ cảnh. Vì vậy dạy ngữ pháp qua ngữ cảnh sẽ giúp người học lĩnh hội được cấu trúc của ngôn ngữ. Việc học ngữ pháp qua ngữ cảnh là cách tốt nhất (Harmer, 1991, p.57) vì phương pháp này sẽ cho phép người học hiểu được các quy luật ngữ pháp được sử dụng trong câu và qua đó người học có thể dễ dàng tái hiện được nghĩa của từ hoặc ngữ (Thornbury, 1999, p.69) và phát triển kỹ năng giao tiếp.
Nhiệm vụ chính của GV khi dạy ngữ pháp là cho người học nhận thấy nghĩa của ngôn ngữ và cách ngôn ngữ được sử dụng như thế nào; và phải cho họ thấy được “hình thái ngữ pháp của ngôn ngữ mới và cách ngôn ngữ được nói và viết” (Harmer, 1991, p.56). Một trong những cách tạo ra ngữ cảnh để dạy ngữ pháp ngữ cảnh chính là sử dụng phương pháp chép chính tả.
1.2. Phương pháp chép chính tả
1.2.1. Khái niệm

Đọc chính tả truyền thống có nguồn gốc lâu đời, đặc biệt là trong dạy ngoại ngữ với hình ảnh quen thuộc là người thầy đọc chậm rãi một đoạn văn và người học ghi chép lại chính xác từng từ mà GV đọc. Cách thức này bị chỉ trích vì người học chỉ thụ động và tạo ra hình thức học viết chữ máy móc. Năm 1990, Ruth Wajnryb giới thiệu phương pháp chép chính tả được xem như một cách dạy hợp tác để dạy từ vựng và ngữ pháp khá hiệu quả, bởi người học chủ động hơn trong quá trình học nghĩa và hình thức của từ vựng và ngữ pháp, từ đó việc học ngữ pháp trở nên có ý nghĩa và có mục đích hơn. Phương pháp chép chính tả là một quy trình dạy học dựa trên việc giao nhiệm vụ ghi chú và xây dựng văn bản nhằm giúp cho người học sử dụng các nguồn ngữ pháp đã biết để xây dựng lại bài đọc và từ đó nhận thức được các yếu điểm về ngữ pháp và nhu cầu của bản thân. Hoạt động này có thể tương đối ngắn và có kiểm soát của GV hoặc là quá trình khám phá tương đối mở rộng. Nếu được thực hiện một cách đầy đủ, phương pháp chép chính tả sẽ tích hợp được tính tự học, sự hợp tác giữa người học với nhau; tích hợp được chương trình, chú trọng đến nghĩa, sự đa dạng, kỹ năng tư duy, khả năng đánh giá lẫn nhau và người dạy sẽ trở thành người học hợp tác.
1.2.2. Tiến trình một bài dạy ngữ pháp theo phương pháp chép chính tả
Theo Wainryb (1990), tiến trình thực hiện phương pháp chép chính tả gồm các bước:
Bước 1: Chuẩn bị: người học tìm hiểu chủ đề của bài đọc và chuẩn bị sẵn một số từ vựng theo chủ đề đó.
Bước 2: Đọc chính tả: người học nghe GV đọc đoạn văn và ghi chép lại các từ nghe được. Đoạn văn được đọc ở tốc độ bình thường và có ngắt nghỉ giữa các câu. Lần đọc đầu tiên, người học chỉ nghe mà không ghi chép gì, từ đó có những nhận định ban đầu về đoạn văn. Lần thứ hai, người học sẽ ghi chép lại các từ khóa giúp họ nhớ được nội dung chính và xây dựng lại được đoạn văn.
Bước 3: Xây dựng lại đoạn văn theo nhóm: người học làm việc hợp tác với nhau thảo luận các thông tin, từ và ngữ vừa ghi chép được trong bước 2 và lựa chọn giải pháp tốt nhất để xây dựng đoạn văn bản.
Bước 4: Phân tích và sửa lỗi: người học phân tích và sửa các lỗi sai trong văn bản vừa xây dựng. GV hỗ trợ người học trong giai đoạn này bằng cách so sánh các văn bản của các nhóm và so sánh với bản gốc.
1.2.3. Những ưu điểm của phương pháp chép chính tả khi được áp dụng để dạy ngữ pháp trong ngữ cảnh
Việc dạy ngữ pháp không chỉ đơn thuần là giới thiệu và luyện cấu trúc ngôn ngữ mà còn phải giúp người học tham gia giao tiếp, trao đổi thông tin và vận dụng ngữ pháp trong các tình huống mô phỏng giao tiếp hàng ngày. Chính điều này sẽ giúp SV tăng hứng thú giao tiếp, đồng thời hiểu và sử dụng được cấu trúc được học, cùng nhau tạo thành sản phẩm đầu ra, đồng thời tăng cường việc sử dụng kết hợp dạng thức và ý nghĩa của các cấu trúc ngữ pháp trong ngữ cảnh. Phương pháp chép chính tả trong dạy và học ngữ pháp sẽ hệ thống lại kiến thức ngữ pháp đã học cho SV sư phạm tiếng Anh:
- Thứ nhất, tăng cường sự tương tác bằng lời nói trong những ngữ cảnh giao tiếp thật sự. Nhờ vậy, SV có thể sử dụng những cấu trúc ngữ pháp trong ngữ cảnh để giao tiếp chứ không còn chỉ áp dụng chúng trong những bài tập khô cứng xa rời thực tế.
- Thứ hai, để hoàn thành các bài tập theo phương pháp chép chính tả, SV cần thảo luận sâu để tìm hiểu xem cần sử dụng cấu trúc ngữ pháp và từ vựng nào là thích hợp nhất. Do đó, họ buộc phải sử dụng các kiến thức ngữ pháp có sẵn trong đầu, cùng nhau thảo luận đa chiều để bàn về mối tương quan giữa cấu trúc và nghĩa, và bàn về cách sử dụng các cấu trúc ngôn ngữ đó như thế nào trong quá trình sáng tạo lại ngữ cảnh (Pica, 2002). Điều này giúp họ kết nối những kiến thức ngữ pháp đã học và học hỏi lẫn nhau. Một nghiên cứu (Swain, 1998) đã chỉ ra rằng, thông qua thảo luận nhằm tái tạo nội dung ngữ cảnh một cách hoàn chỉnh nhất, SV sẽ tìm ra các giải pháp cho các vướng mắc trong việc sử dụng các cấu trúc ngữ pháp một cách chính xác. Từ đó họ có xu hướng sử dụng chúng tốt hơn trong các ngữ cảnh tương tự sau này.
- Thứ ba, phương pháp chép chính tả có thể thỏa mãn được xu hướng dạy ngữ pháp được cho là tốt nhất hiện nay (Richard, 1998), đó là giảng dạy ngữ pháp bằng cách cho SV trải nghiệm việc sử dụng các cấu trúc một cách sáng tạo thông qua các hoạt động giao tiếp, trong khi SV đã quá bội thực các phương pháp dạy ngữ pháp truyền thống theo kiểu đưa ra quy tắc và làm bài tập. Điều này đã mở ra một hướng mới tích cực trong giảng dạy ngữ pháp không tách rời ngữ cảnh.
- Thứ tư, các hoạt động chính tả tăng cường khả năng tự học, sự hợp tác, kỹ năng tư duy và đánh giá lẫn nhau của SV, đồng thời tích hợp được nội dung ngữ pháp cần được giảng dạy trong chương trình với việc dạy thêm các kỹ năng khác như nghe, nói, đọc, viết cũng như tận dụng được kỹ năng thế mạnh của từng SV trong quá trình làm việc nhóm để nghe, thảo luận, viết và đọc lại ngôn ngữ trong ngữ cảnh cần được xây dựng lại. (Small, 2003)
2. Vận dụng phương pháp chép chính tả vào dạy ngữ pháp trong ngữ cảnh
2.1. Điều chỉnh nội dung chương trình và phương pháp dạy ngữ pháp
2.1.1 Điều chỉnh nội dung chương trình

Để thực hiện các yêu cầu của phương pháp chép chính tả vào dạy ngữ pháp nhằm giải quyết các nhiệm vụ thực tiễn của môn học, việc điều chỉnh nội dung chương trình ngữ pháp là cần thiết. Hiện tại nội dung chương trình ngữ pháp 1 và 2 vẫn chưa đảm bảo được mối quan hệ giữa cấu trúc ngữ pháp và chức năng giao tiếp, chưa phát triển khả năng sử dụng ngữ pháp trong giao tiếp mà chỉ chú trọng đến kiến thức về ngữ pháp. Vì vậy, cần lựa chọn, điều chỉnh nội dung chương trình ngữ pháp theo chức năng của ngôn ngữ và cung cấp các tình huống ngôn ngữ thực mà ngữ pháp được sử dụng. Nội dung chương trình cần được bổ sung các tình huống thực để SV sử dụng các kiến thức ngữ pháp vào bốn kỹ năng nghe, nói, đọc viết để giao tiếp, ví dụ như sử dụng mẫu câu đã học để nói về dự định, công việc, phỏng vấn… Ngoài ra, cần điều chỉnh cả nội dung và hình thức kiểm tra đánh giá thường xuyên và cuối kỳ của bộ môn này theo hướng tập trung vào đánh giá khả năng áp dụng tổng hợp các kiến thức ngữ pháp về cách sử dụng các cấu trúc ngôn ngữ cho phù hợp với ngữ cảnh giao tiếp.
2.1.2 Điều chỉnh phương pháp
Trong quá trình dạy ngữ pháp, GV cần chú ý sử dụng phương pháp chép chính tả để tạo ra ngữ cảnh cho SV dựng lại. Các hình thức ngữ cảnh có thể được sử dụng như:
- Dựng lại đoạn văn được nghe: GV chọn một đoạn văn đa phần có sử dụng một cấu trúc ngữ pháp muốn truyền tải đến SV và đọc cho SV nghe, sau đó yêu cầu SV viết lại đoạn văn một cách chính xác nhất có thể.
- Dựng lại đoạn hội thoại được nghe: GV cho SV nghe một đoạn hội thoại và ghi chú lại nội dung và từ vựng của đoạn hội thoại, sau đó yêu cầu SV đóng vai diễn lại đoạn hội thoại với nội dung và ngữ cảnh càng giống đoạn đã được nghe càng tốt.
- Vẽ lại hình ảnh được miêu tả bằng lời: GV miêu tả một bức tranh bằng lời và yêu cầu SV vẽ lại bức tranh đó. Nội dung bức tranh muốn miêu tả tập trung vào những cấu trúc ngữ pháp và từ vựng SV cần học.
- Dựng lại một đoạn video đã xem: GV cho SV coi 1 đoạn video và yêu cầu SV miêu tả lại video hoặc đóng vai như trong video.
2.2. Tổ chức dạy học
Bước 1: Chuẩn bị
Trong giai đoạn chuẩn bị, GV giải thích toàn bộ quy trình và đảm bảo rằng SV phải hiểu rõ mình phải làm gì trong mỗi bước. Chia lớp thành nhóm nhỏ từ 5-7 SV. Mỗi SV đều chuẩn bị giấy bút để viết. GV nêu rõ chủ đề của đoạn văn trước khi đọc. SV sẽ làm việc tốt hơn nếu được biết trước sẽ nghe về chủ đề gì nếu trí tò mò của SV được khơi gợi đúng mức, và nếu SV thực sự hứng thú. Vì vậy trong giai đoạn chuẩn bị, GV cho SV tham gia một hoạt động khởi động để giới thiệu chủ đề và làm cho SV dễ nhận ra âm thanh và từ vựng trong giai đoạn đọc chính tả.
Trong giai đoạn này GV cũng chuẩn bị từ vựng cho SV, GV phải dạy trước những từ mới và từ khó đối với SV.
Bước 2: Đọc chính tả
Khi đọc đoạn văn hay đoạn thoại, GV sẽ đọc ở tốc độ nói bình thường. Tuy nhiên khoảng nghỉ giữa các câu sẽ lâu hơn bình thường một ít. GV có thể đếm thầm từ 1 đến 3 trước khi đọc câu tiếp theo. Hai lần đọc nên giống hệt nhau.
GV nhắc nhở SV không nên viết bất kỳ từ gì trong lần đọc đầu tiên. Hãy cho SV lắng nghe cả đoạn văn để hiểu nội dung toàn bộ đoạn văn hay đoạn thoại.
Trong lần đọc thứ hai, GV nên khuyến khích SV viết các từ khóa, những từ quan trọng mang thông tin chính (thường là danh từ và động từ) mà tránh không ghi các từ chức năng, các từ ngữ pháp (mạo từ, giới từ, liên từ…) để giúp sinh viên có thể nhớ lại nội dung đoạn văn hoặc hội thoại đã nghe .
Bước 3: Xây dựng lại đoạn văn theo nhóm:
Sau khi đọc lần hai xong, SV sẽ làm việc nhóm, sẽ dựa trên các từ ghi được để xây dựng lại thành đoạn văn hay đoạn thoại. Nhóm sẽ cử 1 SV có nhiệm vụ viết lại tất cả các ý xuất hiện trong cuộc thảo luận. Sau khi xong, cả nhóm sẽ kiểm tra chính tả, logic, tính liên kết, mạch lạc.
Bước 4: Phân tích và sửa lỗi
Giai đoạn phân tích và sửa lỗi có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau. GV sẽ đánh số các câu và yêu cầu các nhóm viết từng câu lên bảng và GV sửa lỗi chủ yếu các câu có sử dụng điểm ngữ pháp cần truyền tải . Sau khi sửa lỗi , GV sẽ cung cấp đoạn văn gốc để các nhóm so sánh. Hoạt động sửa lỗi này có thể được thực hiện nhanh hơn nếu GV sử dụng máy chiếu để chiếu đoạn văn hay đoạn thoại gốc và cho các nhóm viết tách các câu được đánh số riêng lẻ trên từng bảng phụ hoặc giấy roki.
Qua hoạt động sửa lỗi, GV ghi nhận được thông tin điểm mạnh và điểm yếu về kiến thức ngữ pháp cụ thể của SV để có hướng đúng giải thích và củng cố lại cho lớp những cấu trúc mẫu câu cần thiết.
Sau đó, GV yêu cầu SV sử dụng các cấu trúc trong đoạn văn viết các câu tương tự hoặc làm thành đoạn hội thoại. Cách này sẽ giúp SV vận dụng được từ vựng và ngữ pháp theo hướng giao tiếp.
2.3. Một số điểm cần lưu ý khi sử dụng phương pháp chép chính tả
- Đoạn văn có thể được trích từ trong sách, báo, tạp chí hoặc GV tự viết hoặc điều chỉnh một văn bản có sẵn. Độ khó của văn bản ngang hoặc thấp hơn trình độ ngoại ngữ của người học cho dù có thể có một số từ mới. Có thể trước đây người học đã gặp đoạn văn này. Độ dài của đoạn văn tùy thuộc vào trình độ của người học. Văn bản phải có chủ đề quen thuộc đối với người học.
- Đối với GV:
+ Cần chú ý cho SV có trình độ thấp hơn làm nhóm hoặc cặp cùng với SV có trình độ cao hơn.
+ Có khả năng xử lí tình huống tại chỗ linh hoạt và hợp lí, vì kết quả sản phẩm của SV là không thể đoán trước được và trong quá trình giải quyết các nhiệm vụ sẽ luôn phát sinh nhiều vấn đề như phương pháp làm việc nhóm, khả năng ngoại ngữ khác nhau trong nhóm…
+ Khi soạn giáo án, cần phân loại cấp độ mục tiêu bài học tăng dần theo thang Bloom, từ cấp độ biết, hiểu đến sử dụng, chú ý khai thác kiến thức cũ của SV, nâng cao sự tương tác trong lớp học, có các hoạt động dạy học khác nhau phù hợp với các trình độ và năng lực của người học.
- Đối với SV:
Cần có kỹ năng làm việc nhóm, tích cực làm việc nhóm và rèn kĩ năng tự học, kiến thức ngôn ngữ cơ bản như các mẫu câu yêu cầu, đưa ra ý kiến, đồng ý hay phản đối… để đáp ứng được các yêu cầu trong quá trình tham gia thảo luận. Cần thường xuyên rèn luyện kỹ năng ghi chép nhanh và phân biệt được từ mang thông tin nội dung. Ngoài ra, kỹ năng tư duy cũng cần được tập trung phát huy trong quá trình học vì trong quá trình làm bài tập theo phương pháp chép chính tả, SV phải luôn biết cách phân tích và bảo vệ ý kiến bản thân trước các thành viên khác trong nhóm và có những nhận định đúng đắn về các ý kiến khác của bạn mình. Các nhóm nên phân công nhiệm vụ cho các thành viên đồng đều, hợp lí nhằm nâng cao khả năng phối hợp tốt giữa các thành viên.

III. KẾT LUẬN

Việc vận dụng phương pháp chép chính tả vào dạy môn Ngữ pháp theo hướng giao tiếp trong tình huống cho SV ngành tiếng Anh đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu. Tuy nhiên cần thiết phải thực hiện các bước nghiên cứu tiếp theo nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc sử dụng kỹ thuật này, đặc biệt là đối với nhiều môn khác. Đồng thời trong quá trình thực hiện, cần căn cứ vào nội dung bài học, đối tượng người học, đặc thù địa phương để xây dựng kế hoạch dạy học một cách chi tiết, linh hoạt và phù hợp nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

Tài liệu tham khảo
1. G Jacobs, and J Small. (2003). Essentials for successful English language teaching. The Reading Matrix 3(1), 130.
2. Harmer, J. (1991). The practice of language teaching. Longman.
3. Pica, T. (2002). Subject-matter content: How does it assist the interactional and linguistic needs of classroom language learners? The Modern Language Journal, 86(1), 1–19.
4. Richards, J. C. and Renandya, W. A. (Eds). (2002). Methodology in language teaching: An anthology of current practice. Cambridge: Cambridge University Press.
5. Swain, M. & Lapkin, S. (1998). Interaction and second language learning: Two adolescent French immersion students working together. The Modern Language Journal, 82, 320-337.
6. Thornbury , Scott (1999). How to teach grammar. Longman.
7. Wajnryb, R. (1990). Grammar Dictation. Oxford University Press: Oxford

 

Ths. Nguyễn Phương Thúy

Khoa Ngoại ngữ

 
Khoa Ngoại ngữ