Tóm tắt:
Trong quá trình giao thoa văn hóa Việt - Trung, hiện tượng dùng sai các từ vựng Hán -Việt chỉ màu sắc có hai trường hợp: một là hình thức ngôn ngữ của từ vựng chỉ màu sắc hoàn toàn giống nhau, nhưng ý nghĩa không giống nhau; hai là từ ngữ Hán - Việt chỉ màu sắc có nội hàm ý nghĩa đặc trưng, riêng biệt. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những lỗi sai trong việc sử dụng từ ngữ Hán - Việt chỉ màu sắc là sự khác biệt của 2 nền văn hóa Việt – Trung; ảnh hưởng của ngôn ngữ mẹ đẻ; tâm lý “đồng cảm, dễ bỏ qua” của người Trung Quốc. Trong bài viết này, tác giả sẽ đề xuất một số phương pháp đối với người dạy và người học nhằm giảm thiểu những lỗi sai thường gặp này.
Từ khóa: từ chỉ màu sắc, giao thoa văn hóa, từ vựng Hán-Việt
1. Mở đầu:
Từ khi nhân loại bắt đầu nhận thức về thế giới, con người đã thông qua các màu sắc để tiến hành phân loại và đặt tên vạn vật. Vì vậy trong ngôn ngữ của chúng ta đã xuất hiện một số lượng lớn từ chỉ màu sắc, những từ này thông qua quá trình sử dụng và nghiên cứu, phát triển trở thành một hệ thống độc lập. Từ chỉ màu sắc có mối quan hệ với các mặt cuộc sống, con người dựa trên những ý nghĩa cơ bản của các loại từ chỉ màu sắc, thông qua phương thức tu từ mà gửi gắm rất nhiều hàm ý văn hóa. Từ chỉ màu sắc hàm chứa yếu tố văn hóa lâu đời của dân tộc, có mối quan hệ mật thiết với tư tưởng văn hóa xã hội. Trong tiếng việt và tiếng Hán, từ biểu thị màu sắc đa số có ý nghĩa tượng trưng văn hóa phong phú. Từ chỉ màu sắc trong tiếng Việt cơ bản là mượn từ Hán cổ, nhưng trải qua sự phát triển lịch sử lâu dài, có một số vẫn còn giữ nguyên ý nghĩa, tuy nhiên một số từ lại sản sinh ra ý nghĩa khác, thậm chí còn có nghĩa hoàn toàn khác với từ gốc. Trong quá trình giao thoa văn hóa Việt - Trung, hiện tượng dùng sai các từ vựng Hán - Việt chỉ màu sắc có hai trường hợp: một là hình thức ngôn ngữ của từ vựng chỉ màu sắc hoàn toàn giống nhau, nhưng ý nghĩa không giống nhau; hai là từ ngữ Hán - Việt chỉ màu sắc có nội hàm ý nghĩa đặc trưng, riêng biệt.
Trong khuôn khổ của bài viết này, các ví dụ được tham khảo từ Từ điển Hán Việt của Phan Văn Các (2001), Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê (2009) và một số tài liệu khác.
2. Phân tích một số lỗi sai thường gặp
2.1 Lỗi sai xảy ra khi từ chỉ màu sắc có hình thức ngôn ngữ giống nhau, nhưng ý nghĩa không giống nhau.
2.1.1 Dùng sai từ “đỏ” “红”.
Hàm ý văn hóa của hai từ này trong Tiếng Việt và Tiếng Hán có rất nhiều điểm tương đồng nhau. Về mặt phong tục tập quán dân tộc, hai màu này được sử dụng nhiều trong đám cưới và lễ hội tết truyền thống. Ngoài ra màu đỏ còn được biểu thị trạng thái tinh thần, tính khí, e thẹn và kích động ..., đồng thời cũng biểu thị vận khí tốt, cát tường, tượng trưng cho tình yêu hôn nhân. Về mặt ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa ngoại lai, màu đỏ trong tiếng Việt và tiếng Hán đều tượng trưng cho cách mạng. Tuy nhiên bối cảnh văn hóa lịch sử không giống nhau đã làm cho nội hàm văn hóa mà hai từ biểu đạt cũng không giống nhau.
Ví dụ từ “ 红书” và “ sách đỏ” . Trong tiếng Hán từ “红书” để chỉ những tài liệu có liên quan đến đề tài cách mạng Trung Quốc. Từ này phản ánh được ý nghĩa chính trị đặc trưng của thời kỳ cải cách đặc trưng của Trung Quốc. Nhưng từ “ sách đỏ” trong Tiếng Việt lại có một ý nghĩa khác. Chính phủ Việt Nam đã công bố quyển “ Sách đỏ Việt Nam” , tức là danh sách các loài động vật, thực vật ở Việt Nam thuộc loại quý hiếm, đang bị giảm sút số lượng hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Ngoài ra còn có từ “ bóng hồng” và “ 红影” .Sinh viên Việt Nam : 来到中国以后我才发现原来中国也有那么多“红影”。Sinh viên Trung Quốc: “没错,红影可以说是陪伴着我们一起长大,你想跟我一起感受一下中国红影吗?“Hồng” là âm Hán Việt của từ “红”. Tiếng Việt vẫn còn giữ lại khá nhiều âm Hán - Việt, do đó có rất nhiều từ chứa từ “hồng” cũng có ý nghĩa giống như từ “tr﷽﷽﷽﷽﷽﷽﷽﷽﷽﷽﷽﷽z ﷽﷽﷽﷽﷽﷽﷽﷽﷽﷽﷽﷽﷽Vi红" trong tiếng Hán. Từ “hồng” tiếng Việt và từ “ 红” tiếng Trung đều hàm chỉ các nữ tử. Ví dụ: “hồng nhan” để chỉ những cô gái dáng vẻ xinh đẹp; “ hồng nhan bạc mệnh” để chỉ những người phụ nữ xinh đẹp nhưng bị ép cưới hoặc lấy phải những người chồng tệ bạc, không như ý muốn. Bên cạnh đó từ “bóng hồng” hàm chỉ những người con gái trẻ, xinh đẹp. Do đó trường hợp trên, sinh viên Việt Nam nói “红影” chỉ những người con gái Trung Quốc xinh đẹp, nhưng sinh viên Trung Quốc lại hiểu là “ 红色电影” – tức là những bộ phim có đề tài cách mạng. Ví dụ từ “ đỏ mắt” và từ “眼红”
Trong tiếng Trung, từ “眼红” có nghĩa là nhìn thấy người khác có danh có lợi hay đồ vật tốt mà sinh lòng đố kỵ, “ 眼红病” ngoài nghĩa đen là chỉ một loại bệnh về mắt nó còn có nghĩa đố kỵ. Trong tiếng Việt thì “ đỏ mắt “ lại biểu thị ý nghĩa chờ đợi rất lâu để đạt được một sự việc nào đó chứ không phải có ý ngưỡng mộ và đố kỵ.
2.1.2 Dùng sai từ “xanh” “ 青”
Ví dụ từ “ 绿色股票” và “ cổ phiếu xanh”. Ở Trung Quốc dùng màu đỏ để biểu thị thị trường cổ phiếu đi lên, màu xanh để chỉ cổ phiếu đang hạ. “红色股票”dùng để hình dung cổ phiếu đang có xu hướng tăng giá, đáng để đầu tư. “绿色股票”dùng để hình dung cổ phiếu đang có xu hướng hạ. Trong khi đó thị trường cổ phiếu Việt Nam lại ngược lại, màu đỏ chỉ giá cổ phiếu hạ, màu xanh hàm chỉ giá cổ phiếu lên cao ví dụ chứng khoán xanh, màu xanh thị trường chứng khoán. Nếu người học nắm được điều này thì sẽ dịch “ 绿色股票” thành “ cổ phiếu xanh”.
2.2 Lỗi sai khi gặp phải những từ ngữ Hán Việt chỉ màu sắc có nội hàm ý nghĩa đặc trưng, riêng biệt.
2.2.1 Dùng sai từ “绿帽子”
Trong Tiếng Việt, màu xanh tượng trưng cho mùa xuân, là mùa của tình yêu đến, hoàn toàn không có nghĩa xấu. Nhưng từ “绿帽子” trong tiếng Hán không hề có ý nghĩa như vậy. Từ thời Nguyên, Thanh quy định các nam nhân làm việc trong kĩ viện bắt buộc đội khăn đội đầu màu xanh để biểu thị địa vị xã hội rất thấp của mình. Sau này mọi người dùng “ 戴绿头巾” để biểu thị người vợ không chung thủy. “绿头巾” trở thành “绿帽子” hoặc là “ 戴绿帽子”. Do đó, người nam, đặc biệt là người đã có gia đình không đội mũ có màu xanh. Trong tiếng Hán hiện đại vẫn thường dùng “绿帽子” để biểu thị người chồng (hoặc bạn trai) đối với vợ (hoặc bạn gái) không chung thủy, hơn nữa theo cùng với địa vị ngày càng cao của người phụ nữ, gần đây đối tượng đội “绿帽子” không chỉ là người nam nữa mà còn chỉ người phụ nữ.
2.2.2 Dùng sai từ “ đầu bạc” (白发) và “ đầu xanh” (绿发)
Trong Tiếng Việt, từ “xanh” có nội hàm văn hóa vô cùng phong phú. Màu xanh là biểu tượng của mùa xuân, sự hồi sinh của vạn vật. Ví dụ “tuổi xanh” để chỉ những tháng năm tuổi trẻ, “làn sóng xanh” để chỉ những bài hát thịnh hành mà thanh niên thích nghe; “chiến dịch mùa hè xanh” chỉ những hoạt động tình nguyện vào mùa hè của thanh niên. Do đó dùng “đầu xanh” để hàm chỉ người trẻ tuổi; đầu bạc để chỉ người già. Còn trong tiếng Hán thì 绿发 lại có nghĩa là người có đầu tóc màu xanh, 白发là người có đầu tóc màu trắng.
2.2.3 Hiểu sai ý nghĩa từ “黄色”
Trong các từ ngữ chỉ màu sắc của tiếng Hán, màu có ý nghĩa hiện đại và ý nghĩa truyền thống tương phản lớn nhất đó chính là màu vàng. Màu vàng trong xã hội phong kiến Trung Quốc tượng trưng cho hoàng quyền, đại diện cho quyền lực và sự cao quý. Trong cuộc sống, việc tích lũy kinh nghiệm của con người là một quá trình lâu dài, sự tích lũy về mặt ngôn ngữ tất nhiên cũng là một quá trình lâu dài. Do đó, sự miêu tả của ngôn ngữ đối với thế giới cũng dần dần phát triển. Bất luận là phương thức tư duy, phong tục tập quán hay là yếu tố tâm lý đều có ảnh hưởng đối với nội hàm văn hóa của từ, những ảnh hưởng này được ghi lại và lưu truyền. Yếu tố văn hóa của từ chỉ màu sắc cũng vậy. Cùng với sự sụp đổ của xã hội phong kiến, chế độ hoàng quyền bị tiêu diệt, ý nghĩa cao quý của màu vàng cũng không còn dùng nữa, mà màu vàng lúc này lại biểu thị cho tầng lớp thấp hạ lưu. Cách nói màu vàng trong ngôn ngữ Hán biểu thị cho yếu tố sắc dục được du nhập từ phương Tây. Ví dụ “黄货、黄毒、扫黄、黄色报刊、黄色电影、黄色歌曲、黄色舞厅、黄色酒吧.....”. Còn trong tiếng Việt lại dùng màu đen để biểu thị những từ có nghĩa bạo lực, xấu xa, sắc dục ví dụ: văn hóa phẩm đen, phim đen, tạp chí đen. Nếu người học không hiểu rõ hàm ý văn hóa của màu vàng thì trong quá trình giao thoa văn hóa sẽ gặp phải lỗi sai này.
2.2.4 Dùng sai từ “màu trắng” “白色”
Chế độ phân chia giai cấp cổ đại, đặc biệt là chế độ sắc phục và kiến trúc văn hóa đã mang lại ảnh hưởng vô cùng to lớn với cuộc sống con người. Thời cổ đại, ở Việt Nam và Trung Quốc, người dân thường phải mặc y phục màu trắng, nhà ở cũng không được tô quét nhiều màu. Trong khi đó những hộ gia đình giàu có hay chùa chiền, các kiến trúc cung điện được tô quét đủ màu, tượng trưng cho quyền lực và địa vị. Màu trắng là đại diện cho tầng lớp hạ lưu. Trong Tiếng Việt và tiếng Hán, màu trắng có thể dùng để biểu đạt sự thuần khiết, đồng thời cũng biểu thị cái gì cũng không có, ví dụ : hai bàn tay trắng, 白手起家( tay trắng khởi nghiệp). Về mặt phong tục tập quán truyền thống, tang phục trong lễ tang là màu trắng, do đó màu trắng cũng tượng trưng cho sự chẳng lành, điềm xấu. Ngoài ra màu trắng trong tiếng Trung còn có nghĩa là không có hiệu quả, vô ích. Ví dụ : 白说( nói cũng vô ích),白费力气( phí công uổng sức). Tuy nhiên từ 白ở đây không phải là tính từ mà là phó từ. Trong tiếng Việt thì “ trắng mắt” để chỉ dáng vẻ vô cùng kinh ngạc.
3. Nguyên nhân lỗi sai:
Trong quá trình giảng dạy tiếng Hán, từ chỉ màu sắc so với những kiến thức Hán ngữ khác không nhận được sự coi trọng, không được xem là trọng điểm giảng dạy. Cho dù là có dạy từ chỉ màu sắc những vẫn chưa được toàn diện và có hệ thống, đặc biệt là việc giải thích không kỹ những hàm ý văn hóa mà từ chỉ màu sắc thể hiện. Điều này dẫn đến người học chỉ học và hiểu được nghĩa cơ bản của từ màu sắc mà không hiểu được nhiều tầng ý nghĩa văn hóa. Sự phát triển của từ vựng và văn hóa có quan hệ mật thiết với nhau. Văn hóa Việt trong quá trình tiếp nhận văn hóa Hán cũng đã duy trì và phát triển được yếu tố riêng biệt của văn hóa mình. Chính vì vậy đã làm nảy sinh một số hiểu sai, dùng sai từ trong quá trình giao thoa văn hóa. Dưới đây phân tích một số nguyên nhân chủ yếu của việc xảy ra lỗi sai:
3.1 Sự khác biệt về hệ thống ngôn ngữ
Nguyên nhân những lỗi sai đầu tiên phải kể đến đó là sự khác biệt của văn hóa Việt – Trung. Do bối cảnh văn hóa không giống nhau, cùng 1 hình thức ngôn ngữ giống nhau lại có cách hiểu không giống nhau. Ví dụ “ 眼红” ( đỏ mắt) trong tiếng Trung biểu thị sự đố kỵ khi nhìn thấy người khác có danh có lợi hay có đồ tốt. Còn trong tiếng Việt lại chỉ sự chờ đợi trong thời gian rất lâu.
3.2 Ảnh hưởng của ngôn ngữ mẹ đẻ. Đây là một trong những yếu tố chính gây nên những lỗi sai, những lỗi nhầm trong việc sử dụng từ chỉ màu sắc tiếng Hán.
3.3 Ảnh hưởng của ngôn ngữ học. Do kiến thức của người học có hạn, không đầy đủ, đã dùng biện pháp suy đoán, áp đặt lên những kiến thức mới của ngôn ngữ cần học, điều này cũng dẫn đến các lỗi sai thường gặp.
3.4 Tâm lý đồng cảm. Cuối cùng là trong quá trình giao thoa văn hóa, người bản địa thường có tâm lý đồng cảm, bỏ qua đối với người nước ngoài. Chính điều này đã dẫn đến việc người Việt học tiếng Hán trong quá trình giao tiếp dùng tiếng Hán biểu đạt không phù hợp với thói quen biểu đạt của người Trung Quốc, nhưng người Trung Quốc lại bỏ qua, chiều theo không sửa. Tuy rằng trong giao tiếp để tránh xuất hiện sự xung đột của ngôn ngữ tạo ra, sự khoan dung là vô cùng quan trọng, nhưng nếu quá khoan dung thì sẽ làm cho người học trong một thời gian dài không biết lỗi sai của mình ở đâu, lâu dần sẽ không giúp được gì cho việc sửa lỗi sai, thậm chí lỗi sai còn bị củng cố hóa hơn.
4. Đề xuất một số biện pháp nhằm tránh những lỗi sai thường gặp để nâng cao chất lượng giảng dạy
4.1 Đối với người dạy
Có rất ít người dạy có sự quan tâm chú ý tới việc giảng dạy từ vựng màu sắc vì cho rằng đó là việc đơn giản, việc lĩnh hội cũng đơn giản. Nhưng qua những phân tích ở trên, chúng ta cũng thấy được tầm quan trọng sự khác biệt của các màu sắc trong quá trình giao thoa văn hóa ảnh hưởng đến việc tiếp thu của người học như thế nào. Do đó hơn ai hết, người dạy phải có được thái độ giảng dạy nghiêm túc, đặt ra những mục tiêu dạy học văn hóa cụ thể. Ngoài ra, mục tiêu dạy học và phương thức dạy học nên từ ít đến nhiều. Bất cứ một kiến thức tiếng Hán nào không phải cũng tồn tại ở dạng độc lập mà luôn có mối quan hệ qua lại mật thiết, tác động lẫn nhau tạo nên một mạng kiến thức phức tạp. Vì vậy khi giảng về từ vựng chỉ màu sắc, lúc bắt đầu cần ngắn gọn rõ ràng, lấy giảng làm chủ đạo, giảng hàm ý văn hóa tồn tại, tăng cường sự hiểu biết của sinh viên với các sắc thái văn hóa của từ chỉ màu sắc, tiếp theo là tiến hành so sánh những sắc thái văn hóa giống và khác nhau của hai nước Việt – Trung; mượn các phương tiện truyền thông để giúp người học tận mắt nhìn thấy và hiểu rõ hơn những hiệu quả tu từ của các từ vựng chỉ màu sắc.
4.2 Đối với người học
Người học nên lấy tiêu chí học đi đôi với hành. Ngôn ngữ là công cụ của giao tiếp nên mục đích cuối cùng của việc học ngôn ngữ là có thể vận dụng được ngôn ngữ vào trong giao tiếp. Trong quá trình học, các từ vựng chỉ màu sắc xuất hiện khá ít, do đó người học nên chủ động thu thập thêm tài liệu ở tạp chí, quảng cáo. Qua các phương tiện thông tin này, từ chỉ màu sắc xuất hiện rất nhiều đa dạng về cách dùng và ngữ dụng. Chỉ có như vậy mới củng cố được các kiến thức đã học ở trường. Khi người học biết kết hợp kiến thức đã học và thực tế tức là đã hình thành được ý thức học, trong quá trình học sẽ phát huy được tính tích cực của bản thân, tự mình lĩnh hội kiến thức, không biết thì hỏi, phát hiện được vấn đề khó, tìm phương pháp giải quyết để đạt được mục tiêu học tập. Thông qua phương pháp dạy học đối chiếu của người dạy, người học cũng nên chủ động hình thành thói quen học so sánh, tránh sự ảnh hưởng của ngôn ngữ mẹ đẻ, biết hòa nhập vào văn hóa của ngôn ngữ học.
5. Kết luận:
Từ chỉ màu sắc của tiếng Hán và tiếng Việt về mặt ý nghĩa có những điểm tương đồng nhất định, cũng có những điểm khác nhau. Chính những sự khác biệt đã dẫn đến một lỗi sai thường gặp trong quá trình sử dụng ngôn ngữ Hán để giao tiếp. Điều này đòi hỏi người dạy cũng như người học phải có phương pháp và cách thức để hạn chế được lỗi sai này.
Tài liệu tham khảo
常敬宇(1995). 汉语词汇与文化【M】. 北京:北京大学出版社.
李桂芳(2010). 汉越颜色词语义对比初探.广西师范大学漓江学院.
雷航(2002). 现代越汉词典【M】. 外语教学与研究出版社.
Hoàng Phê (2009). Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.
Phan Văn Các ( 2001). Từ điển Hán Việt, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
Ths. Phạm Thị Hồng Nhã