TRỌNG ĐIỂM TRONG VIỆC DẠY VÀ HỌC CÂU CHỮ “把” TRONG TIẾNG TRUNG QUỐC HIỆN ĐẠI
Từ khóa: Giới từ “把”, câu chữ “把”, bổ ngữ động lượng, bổ ngữ kết quả, trợ từ “了” .
1.Giới thiệu về câu chữ “把”
Loại hình câu trong tiếng Trung Quốc hiện đại, có những hình thức câu có đặc trưng riêng biệt về kết cấu, chúng ta gọi là cấu trúc ngữ pháp. Cấu trúc ngữ pháp thông thường sẽ có những tiêu chí đặc thù, người ta thường sử dụng những tiêu chí này để gọi tên các cấu trúc ngữ pháp; ví dụ như: câu chữ “把”, câu chữ “比”,... Những cấu trúc này phần lớn là những phương thức biểu đạt thường dùng trong tiếng Trung Quốc; hơn nữa do tính đặc thù về mặt kết cấu và ý nghĩa mà nó biểu đạt, cũng như tính phức tạp của quan hệ về mặt ngữ nghĩa trong câu. Dó đó những câu này trở thành nội dung quan trọng trong việc dạy và học tiếng Trung Quốc. Có thể nói, câu chữ “把” là một trong những cấu trúc ngữ pháp đặc biệt trong tiếng Trung Quốc, ở các ngôn ngữ khác trên thế giới rất ít có hình thức câu tương ứng với loại câu này. Trong phạm vi của bài viết này tôi xin phép được nói về những khó khăn của người Việt Nam khi học một trong những loại câu này, đó là câu chữ “把” và trọng điểm trong việc dạy và học câu chữ “把”.
2. Nội dung:
Cấu trúc câu cơ bản của câu chữ “把” như sau: “Người (sự vật) 把người (sự vật) làm thế nào đó”. Hình thức câu này có thể sử dụng khái quát như sau: “A 把 B + VP”. Loại hình cấu trúc ngữ pháp cụ thể của câu chữ “把” có rất nhiều loại, trong đó câu phổ biến nhất, thường gặp nhất chính là: “ (A) 把 (B) + VP”
Về tác dụng biểu đạt ý nghĩa (tác dụng cơ bản), không ít giáo trình Hán ngữ đã gọi câu chữ “把” là một loại câu chủ động, và cho rằng câu chữ “把” biểu thị “người hoặc vật tiến hành động tác hoặc sắp tiến hành động tác”. Cách gọi này làm cho người học cảm thấy khó hiểu, người dạy cũng khó truyền đạt được kiến thức ngữ pháp câu chữ “把”. Bởi vì trong tiếng Hán câu chủ động chữ “把” là một từ mang ý nghĩa trừu tượng và có tính chất mơ hồ. Có thể nói trong tiếng Việt không có thể loại câu này. Vì thế, khi giáo viên dạy cấu trúc ngữ pháp này nên cụ thể hoá câu chủ động, đồng thời nói rõ câu chữ “把” chính là chỉ một động tác hay hành vi khiến cho người hoặc vật đã được xác định cụ thể di chuyển đến một vị trí khác hoặc thay đổi trạng thái, nảy sinh ra một biến đổi nào đó hoặc sản sinh ra một kết quả. Người dạy có thể tiến hành các ví dụ minh hoạ cụ thể như sau để làm rõ ý nghĩa biểu đạt của câu chữ “把” :
Ví dụ 1: 我把书放在桌子上了。 ( Di chuyển vị trí )
他把伞拿着。 ( Biến đổi trạng thái )
我已经把“找”写成“我”字了。 ( Nảy sinh ra biến đổi )
医生终于把他救活了。 ( Sản sinh kết quả )
Nếu có tài liệu nào không nói câu chữ “把” là cấu trúc chủ động thì người dạy sẽ tự chọn tài liệu giảng dạy hoặc tự biên soạn giáo trình. Vì thế khi giải thích tác dụng biểu ý của câu chữ “把” thì có thể trực tiếp nói hoặc giải thích như sau: câu chữ “把” thường gặp nhất và điển hình nhất biểu thị người và vật cụ thể thông qua hành vi động tác nào đó mà làm thay đổi vị trí, trạng thái, sự biến đổi hoặc là nảy sinh kết quả nào đó.
Do trong câu chữ “把” thường có bổ ngữ, tân ngữ và trợ từ “了” , vì thế khi dạy câu chữ “把” phải được dạy sau cấu trúc bổ ngữ, đặc biệt là bổ ngữ chỉ kết quả, bổ ngữ xu hướng; tân ngữ và trợ từ “了” .
Trong quá trình giảng dạy, người dạy nên áp dụng theo thứ tự từ dễ đến khó, từ thường dùng đến đặc thù, từ đơn giản đến phức tạp, tận dụng ngữ cảnh cụ thể để làm ví dụ minh hoạ cho câu chữ “把” . Ví dụ đối với người học trình độ sơ cấp thì người dạy có thể sử dụng ngữ cảnh cụ thể trong phòng học để yêu cầu người học đặt câu, để người học có ấn tượng sâu hơn về câu chữ “把” .
Ví dụ 2: 请你们把红笔放在你前面。
请你们把自己的地址写在本子上。
请你们把书打开。
请你们把汉语书、词典、练习本拿出来。
Cho dù câu chữ “把” là một cấu trúc câu mới gặp nhưng với công thức đơn giản cùng với ngữ cảnh và cách biểu đạt của người dạy bằng ngữ khí, sắc thái biểu cảm và động tác thì việc nắm bắt ý nghĩa biểu đạt và sử dụng câu chữ “把” trở nên dễ dàng hơn. Sau đó, người dạy sẽ tận dụng ngữ cảnh đã quen thuộc với người học để người học tiếp tục luyện tập sử dụng câu chữ “把” nhiều hơn.
Ví dụ 3: 吃西餐时你把盘子放在哪里,把刀子放在哪里,把叉子放在哪里?
Ví dụ 4: 在电影院看电影时,你们把票交给谁?
Cũng có thể đưa ra công thức câu chữ “把”, sau đó đưa ra ví dụ cụ thể để minh hoạ.
Ví dụ 5: 我把脏衣服放在洗衣机里。 à 我放脏衣服在洗衣机里。
妈妈把我叫过去。 à 妈妈叫我,我过去。
Trên cơ sở đó, người dạy có thể quy nạp được tác dụng biểu đạt ý nghĩa và công thức của câu chữ “把”: A 把 B + VP, và đồng thời nói rõ A là chủ thể của động tác, B là người hay vật chịu sựu tác động, VP là những từ ngữ bao gồm động từ và bổ ngữ, tân ngữ hoặc các kết quả khác. Bên cạnh đó còn cần nói rõ ý nghĩa biểu đạt của tân ngữ trong câu chữ “把” thường là người nói và người nghe đều đã biết sự việc được nhắc đến đã được xác định cụ thể. Sau khi người học đã nắm bắt được kiến thức cơ bản và có thể tự đặt được câu, người dạy tiếp tục mở rộng các dạng bài tập, ví dụ như người dạy thể hiện các động tác yêu cầu sinh viên dùng cấu trúc đang học nói lên động tác, hành động đó.
Ví dụ 6: 老师把课本放在某个同学的桌子上。
老师把电扇关上。
老师把黑板擦干净。
Như vậy, đến giai đoạn này người dạy đã sử dụng các phương pháp sau: ngữ cảnh, công thức, quy nạp, mô tả động tác. Vừa thể hiện được câu chữ “把” vừa đưa ra được công thức cơ bản của câu chữ “把”, đồng thời cũng làm cho người học có ấn tượng sâu sắc hơn về câu chữ “把”, từng bước luyện tập cách sử dụng câu chữ “把” để miêu tả động tác hoặc sự việc.
Khi kết luận đưa ra các cấu trúc của câu chữ “把”, sau chữ “把” còn có các loại bổ ngữ và tân ngữ, hoặc chữ “了” thì người dạy không thể giải thích một cách chung chung mà phải giảng và có bài tập cụ thể cho từng loại cấu trúc.
Có khi cấu trúc câu “chủ ngữ + động từ + tân ngữ” có thể chuyển thành câu chữ “把”:
Ví dụ 7: 请关上门。 à 请把门关上。
Từ đó, người dạy có thể yêu cầu người học làm một vài bài tập chuyển từ công thức câu “chủ ngữ + động từ + tân ngữ” thành câu chữ “把”.
Ví dụ 8: 鸡吃完米了。 à 鸡把米吃完了。
他送给我一束鲜花。 à 他把一束鲜花送给我。
Thông qua dạng bài tập này có thể đưa ra được hai loại cấu trúc câu như sau:
(1) “chủ ngữ + động từ + tân ngữ”, đây là câu miêu tả khách quan trọng điểm thường nằm ở tân ngữ cuối câu, nhưng câu chữ “把” thì nhấn mạnh tân ngữ của chữ “把”, trọng điểm nằm ở cuối câu biểu thị kết quả.
(2) Tân ngữ của cấu trúc câu “chủ ngữ + động từ + tân ngữ” không phải là người, sự vật hiện tượng đã được xác định cụ thể còn tân ngữ của câu chữ “把” là người, sự vật hiện tượng đã được xác định cụ thể.
Để giúp người học vận dụng được chức năng giao tiếp của câu chữ “把”, người dạy cũng có thể thiết kế hoặc đưa ra những bối cảnh và những từ ngữ bao gồm chữ “把” , từ đó yêu cầu người học sắp xếp thành câu chữ “把” hoàn chỉnh để miêu tả động tác hoặc một sự việc nào đó.
Ngoài cấu trúc chữ “把” thường gặp như đã nêu trên cũng có trường hợp ngoại lệ câu chữ “把” không biểu thị người, sự vật hiện tượng đã được xác định cụ thể, bởi vì động tác đó làm thay đổi vị trí, trạng thái, nảy sinh sự biến đổi, sản sinh ra kết quả.
Ví dụ 9: 他把古铜镜擦擦。
他把生词写了一遍。
VP các câu này biểu thị ngữ khí uyển chuyển hoặc số lượng của động tác về mặt hình thức sẽ lặp lại động từ hoặc sau động từ thêm bổ ngữ động lượng. Sau khi người học đã nắm bắt được câu chữ “把” sẽ tiếp tục học đến câu chữ “被” .
Như vậy, từ khó khăn của việc biểu đạt câu chữ “把” trong quá trình học tiếng Hán của sinh viên Việt Nam, tác giả mạo muội đưa ra một số gợi ý cho người dạy khi thực hiện giảng dạy câu chữ “把”. Bài viết này đã trình bày một cách khái quát về đặc điểm, và phương pháp giảng dạy cấu trúc của câu chữ “把”, như phương pháp: ngữ cảnh, công thức, quy nạp, mô tả động tác. Giúp người học nắm bắt được trọng tâm của cấu trúc ngữ pháp câu chữ “把” .
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Những điểm khó hiểu trong tiếng Hán dành cho người nước ngoài, NXB Đại học Văn hoá Ngôn ngữ Bắc Kinh.
2.主编崔永华, 杨寄洲(1997), 对外汉语课堂教学技巧, 北京语言文化大学出版社。
3. 卢福波(2003), 现代汉语教学实用语法. 北京语言大学出版社.
4. 郭良夫(2005), 应用汉语词典. 商务印书馆.
5. 张和生(2010), 汉语可以这样教-语言要素篇, 商务印书馆。
Ths. Nguyễn Thị Thu Trâm
Khoa Ngoại ngữ