I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Kĩ năng Viết tiếng anh là một trong bốn kĩ năng thiết yếu trong chương trình đào tạo ngành Ngôn Ngữ Anh bậc Đại học. Tuy nhiên ở các lớp học phần hiện tại, việc chương trình đào tạo chưa tách học phần các môn kĩ năng ra thành từng học phần riêng lẻ nên việc sinh viên có cơ hội để thực hành kĩ năng Viết vẫn còn bị hạn chế rất nhiều. Bên cạnh đó việc rèn luyện kĩ năng Viết cho sinh viên đòi hỏi giảng viên phải có nhiều thời gian để chấm bài, gợi ý lỗi và sửa bài tuy nhiên do số lượng sinh viên mỗi lớp đông nên tạo áp lực cho giảng viên. Trong bài viết này, tác giả trình bày hướng khắc phục vấn đề trên bằng việc ứng dụng công cụ Grammarly để hỗ trợ trong việc phát huy tính hiệu quả trong kĩ năng Viết cho sinh viên ngành Ngôn ngữ anh của Trường Đại học Khánh Hòa.
II. NỘI DUNG
1. Bối cảnh học môn kĩ năng Viết tiếng anh ở thời điểm hiện tại
1.1 Khó khăn trong việc học môn Viết tiếng anh
Ở cấp độ Đại học, sinh viên chuyên ngữ cần phải có khả năng viết học thuật với rất nhiều loại văn bản khác nhau. Tuy nhiên, rất nhiều sinh viên vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong môn Viết. Qua các kì kiểm tra cuối kì, điểm phần Viết của sinh viên chưa đạt yêu cầu và còn gặp khá nhiều lỗi sai về nhiều điểm, đặc biệt là điểm ngữ pháp. Việc cần phải thực sự chính xác về cách dùng ngữ pháp là điều kiện bắt buộc bởi vì đó là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ thành thạo trong kĩ năng Viết. Để đạt được, sinh viên cần phải nắm vững vô số quy tắc ngữ pháp từ cấu trúc câu, các dạng đúng của từ cho đến cách dùng các trạng từ. Chính vì sự phức tạp như vậy đã khiến cho đa số sinh viên cảm thấy chán nản và thiếu động lực trong việc học môn Viết. Giảng viên có nhiệm vụ hướng dẫn người học và đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp ‘feedback’, đặc biệt là về ngữ pháp để sinh viên phát hiện kịp thời và sửa lỗi. Việc sửa lỗi hay còn gọi là phản hồi tiêu cực (corrective feedback) có khả năng giúp cải thiện kĩ năng Viết của sinh viên (Daneshvar & Rahimi, 2013; Kinasto, 2016). Tuy nhiên, trung bình một lớp học Ngôn Ngữ Anh hiện tại ở trường là tầm 30-40 sinh viên do đó giảng viên có thể không đủ thời gian để có thể sửa lỗi, góp ý cho từng sinh viên với chất lượng giống nhau.
1.2 Xu hướng dạy học ở thời đại mới
Những khó khăn trên có thể phần nào được khắc phục với sự hỗ trợ của các công cụ kiểm tra ngữ pháp trực tuyến đang thịnh hành hiện nay. Trong khi một số công cụ yêu cầu phải trả tiền thì mới đăng kí sử dụng được thì một số vẫn đang miễn phí cho người dùng, một số khác thì có 2 lựa chọn miễn phí và trả tiền để có thêm những tính năng nâng cao. Hơn nữa, sinh viên đa số hiện nay đều sở hữu máy tính cá nhân và kết nối internet nên việc tiếp cận các công cụ đó khá thuận tiện. Ngày nay, sinh viên không chỉ tham gia học tập bằng việc tham dự các lớp học trên trường mà còn phải tự học và tự tìm tòi bên ngoài môi trường. Bằng việc sử dụng điện thoại thông minh hay máy tính cá nhân, sinh viên có thể làm các bài tập, bài luận được giao. Dưới sự hỗ trợ của các công cụ kiểm tra lỗi và ngữ pháp trực tuyến, sinh viên có thể tự kiểm tra và tự chỉnh sửa những lỗi mình mắc phải ở các bài viết. Ở phần sắp tới, tác giả muốn đề cập đến Grammarly, một công cụ kiểm tra ngữ pháp và chính tả trực tuyến.
2. Ứng dụng công cụ Grammarly
2.1 Giới thiệu Grammarly
Grammarly là một nền tảng trực tuyến có chức năng kiểm tra lỗi chính tả và ngữ pháp của người dùng. Grammarly có khả năng kiểm tra hơn 250 quy tắc ngữ pháp từ cơ bản đến nâng cao kèm theo những sự gợi ý cho người dùng về chính tả, dấu câu, lựa chọn từ. Phiên bản trả tiền của Grammarly còn ưu việt hơn với khả năng kiểm tra hơn 400 quy tắc ngữ pháp kèm theo những chức năng độc nhất như gợi ý việc dùng từ hay hơn hay kiểm tra việc đạo văn. Bên cạnh đó, việc có thể cài đặt Grammarly vào phần mở rộng của bất kì trình duyệt web nào như Chrome, Safari có thể giúp người dùng yên tâm viết đúng ngữ pháp trên hầu hết mọi trang web vì Grammarly sẽ kiểm tra trực tiếp và phát hiện lỗi cho người dùng khi chúng ta đang gõ văn bản trực tuyến. Tuy nhiên, Grammarly vẫn được cho là có một vài điểm hạn chế. Theo nguồn (Daneshvar & Rahimi, 2013) (Kisnanto, 2016) (Perdana & Farida, 2019)từ TopTenReview.com (https://www.toptenreviews.com/best-online-grammar-checker), những gợi ý mà Grammarly đưa ra chỉ phù hợp và dễ hiểu cho những ai có trình độ ngữ pháp ở mức khá trở lên. Những người vừa mới bắt đầu học tiếng anh sẽ cảm thấy khó hiểu với những đề xuất của Grammarly.
2.2 Ứng dụng công cụ Grammarly vào việc dạy môn Viết tiếng anh
2.2.1 Điều chỉnh nội dung chương trình dạy học
Để có thể phát huy tốt tính hiệu quả của việc ứng dụng Grammarly cho sinh viên, việc điều chỉnh các môn học kĩ năng là cần thiết. Hiện tại nội dung các môn học Tiếng anh cơ sở và Tiếng anh tổng hợp chưa đáp ứng được yêu cầu rèn kĩ năng do cả 4 kĩ năng được tổng hợp vô chung một học phần do vậy việc có thể rèn từng kĩ năng cho sinh viên một cách đầy đủ là rất khó do bị giới hạn về thời gian. Vì vậy, cần lựa chọn điều chỉnh tách các học phần Tiếng anh cơ sở và Tiếng anh tổng hợp thành các học phần kĩ năng riêng lẻ để từ đó giảng viên và sinh viên có thêm cơ hội rèn luyện từng kĩ năng một cách chuyên biệt.
2.2.2 Tiến trình tổ chức việc ứng dụng Grammarly vào môn Viết tiếng anh
Bước 1: Giảng viên giới thiệu cho sinh viên cách truy cập Grammarly nếu như sinh viên dùng trực tuyến hoặc hướng dẫn sinh viên cách cài đặt Grammarly vào phần mở rộng của MS Word hoặc trên các trình duyệt Chrome, Firefox,… . Giảng viên hướng dẫn sinh viên cách dùng Grammarly cơ bản để nhận biết được những sự đề xuất từ Grammarly về lỗi chính tả, ngữ pháp.
Bước 2: Giảng viên yêu cầu sinh viên viết một đoạn văn, một bài luận, hay một câu chuyện về một chủ đề nhưng lúc này sinh viên được yêu cầu chưa dùng đến Grammarly. Sinh viên phải tự viết và lưu lại bản gốc sau đó nộp bản gốc cho giảng viên bằng hình thức gửi mail.
Bước 3: Sau khi giảng viên đã xác nhận nhận được bài gửi, lúc này sinh viên mới bắt đầu sử dụng Grammarly để chỉnh sửa bài viết dựa theo các gợi ý sửa lỗi từ Grammarly sau đó sinh viên sẽ nộp lại cho giảng viên bài viết hoàn chỉnh.
III. KẾT LUẬN
Việc vận dụng công cụ Grammarly vào dạy môn Viết cho sinh viên Ngôn Ngữ Anh đã phần nào đạt được những kết quả tích cực ban đầu kèm theo sự hào hứng ứng dụng các công cụ mới trong học tập từ sinh viên. Tuy nhiên vẫn cần có những hướng nghiên cứu tiếp theo nhằm phát hiện và nâng cao hiệu quả hơn nữa của việc ứng dụng các công cụ mới trong dạy và học môn Viết. Đồng thời trong quá trình thực hiện, cần căn cứ vào nội dung giảng dạy, nội dung chương trình học, đối tượng người học, đặc thù địa phương để xây dựng kế hoạch dạy học một cách chi tiết, linh hoạt và phù hợp nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
Tài liệu tham khảo
Retrieved from https://www.toptenreviews.com/best-online-grammar-checker
Daneshvar, E., & Rahimi, A. (2013). Written Corrective Feedback and Teaching Grammar. Procedia - Social and Behavioral Sciences, 136.
Kisnanto, Y. (2016). The Effect of Written Corrective Feedback on Higher Education Students' Writing Accuracy. Jurnal Pendidikan dan Bahasa, 16(2). Retrieved from http://dx.doi.org/10.17509/bs_jpbsv.vl6i2.4476>
Perdana, I., & Farida, M. (2019). Online Grammar Checkers and Their Use for EFL Writing. Journal of English Teaching, Applied Linguistics and Literatures (JETALL), 2(2), 67-76.
Ths. Phạm Duy Tân – Khoa Ngoại Ngữ - Trường Đại Học Khánh Hòa