Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Nghệ thuật ❯ Chi tiết
       
  11/01/2019 09:10        

Nhịp điệu trong Hình hoạ

Tóm tắt: Hình hoạ là một môn học thuộc ngành mỹ thuật, là phương pháp dựng hình để mô tả đối tượng khách quan có thực mà mắt ta quan sát được bằng các yếu tố đường nét, mảng, hình khối, sáng tối… để tạo không gian trên mặt phẳng và được thể hiện bằng chất liệu chì, chì than, than vẽ, trên nền giấy hoặc sơn dầu trên vải. Có nhiều yếu tố để tạo nên một bài hình hoạ đẹp trong đó “nhịp điệu” được coi là yếu tố cân bằng, hài hoà giữa các yếu tố còn lại. Nhịp điệu đóng vai trò rất quan trọng, là chìa khóa đa năng để mở cánh cửa vào lĩnh vực nghiên cứu hình họa. “Nhịp điệu” không còn là mới trong tranh, thế nhưng đối với môn hình hoạ thì nó đang là một ẩn số thú vị cho tác giả và thông qua bài viết này, tác giả muốn tìm hiểu về ẩn số đó.
Từ khoá: nhịp điệu, hình hoạ, mỹ thuật

MỞ ĐẦU
Hình hoạ là môn học cơ bản của hội họa, có vai trò quan trọng trong học tập nghiên cứu và sáng tạo mỹ thuật với những đặc trưng về cấu trúc, hình dáng tỉ lệ cùng các tương quan đậm nhạt sáng tối… Hình họa nghiên cứu vẻ đẹp của đồ vật, vẻ đẹp con người trong giới tự nhiên thông qua nhiều kỹ thuật chất liệu vẽ khác nhau nhằm tái tạo không gian thực của mẫu trên mặt phẳng. Từ xưa tới nay, nghiên cứu và thể hiện vẻ đẹp của con người luôn được đề cao, là đối tượng trung thành cho người họa sĩ tìm tòi, khám phá cái đẹp.
Những ai đã từng cầm bút vẽ, đã từng qua các trường, các lớp mỹ thuật đều nhìn thấy tầm quan trọng, tầm cơ bản của vấn đề hình họa. Trong các trường đào tạo mỹ thuật việc dạy và học môn Hình họa được xác định ngay từ đầu: là môn cơ bản, dạy cơ bản và học cơ bản, nhằm tạo cho người học có khả năng nghiên cứu về tỉ lệ, về hình thái, về vóc dáng và cảm giác không gian, về đặc điểm của đối tượng mẫu, với phương tiện biểu hiện bằng chì, than, màu trên giấy hoặc toan vải.
Phải chăng chiếc chìa khóa đa năng ở đây dùng để mở cánh cửa vào lĩnh vực nghiên cứu hình họa, nghiên cứu người mẫu, mẫu vật một cách thuận lợi và hiệu nghiệm, đó là yếu tố “nhịp điệu” - là một quy luật diễn ra trong giới tự nhiên, diễn ra trong đời sống con người, trong đời sống nghệ thuật. Nó gây nên cảm xúc thẩm mỹ, cảm xúc về cái đẹp.
I. KHÁI NIỆM HÌNH HỌA, NHỊP ĐIỆU
1. Khái niệm hình họa

Hình họa là một khái niệm tương đối mở, được áp dụng trên nhiều lĩnh vực trong đó có nghệ thuật tạo hình, kiến trúc hay các ngành học về xây dựng, cơ khí và kỹ thuật… Đồng thời hình họa trong thuật ngữ nước ngoài không phải hoàn toàn giống nhau khi xác định về khái niệm. Đối với nghệ thuật tạo hình, nhìn chung hình họa được cho là môn học làm tái hiện, phản ánh đối tượng khách quan tồn tại trong giới tự nhiên lên mặt phẳng hai chiều.
Trên thế giới, có lẽ hình họa nghên cứu đã xuất hiện từ rất sớm. Bằng chứng là khi chúng ta chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc thời Hy Lạp cổ đại hẳn không thể không liên tưởng đến mối liên hệ giữa nghiên cứu hình họa với những bức tượng của các nghệ sỹ thời đó. Tuy nhiên để hình họa trở thành một môn học thì phải tới thế kỷ 16, khi xuất hiện các Viện hàn lâm ở Châu Âu. Đó là các Viện hàn lâm ở Florence thành lập 1562, Viện hàn lâm ở Rome thành lập 1583. Cùng năm đó, ở Haarlem (Hà Lan) cũng xuất hiện một viện hàn lâm nghệ thuật. Với đặc thù của các Viện hàn lâm nghệ thuật ở Châu Âu thì vai trò của môn hình họa rất quan trọng và thời gian dành cho môn học này cũng rất lớn. Điều này được quy chiếu bởi không chỉ tính chất của các học viện mà còn bởi những quan niệm về nghệ thuật có từ cuối thế kỷ 19 trở về trước.
Cho đến nay thì Hình hoạ vẫn là môn học chuyên ngành không thể thiếu trong đào tạo Mỹ thuật. Trong cương trình Mỹ thuật phổ thông cấp 1, 2 thì tên gọi của môn này được biến tấu một chút để phù hợp với lứa tuổi, được gọi là Vẽ theo mẫu. Trong chương trình học mỹ thuật của Trung cấp, Cao đẳng, Đại học… thì hình hoạ là môn xuyên suốt toàn khoá học, đào tạo chuyên môn, bài bản từ hình hoạ cơ bản cho đến hình hoạ nghiên cứu. Hình hoạ cơ bản là vẽ trung thực với mẫu, từ những mẫu cơ bản như khối hình học (vuông, tròn, tam giác, trụ....) cho đến mẫu cơ thể người thật (nam, nữ, già, trẻ)…. Còn hình hoạ nghiên cứu có thể không hoàn toàn phụ thuộc vào mẫu mà chỉ dựa trên cơ sở thực tế của mẫu rồi hư cấu, cách điệu, sáng tạo theo ý của tác giả.
Với khái niệm này, đối tượng nghên cứu của hình họa là thế giới tự nhiên. Tuy nhiên, đối tượng được hình họa quan tâm hơn cả chính là con người, và bài viết này, tác giả cũng xin ưu tiên đề cập đến hình hoạ người. Bởi ở con người, do đặc điểm cấu tạo có tất cả những yêu cầu phức tạp về hình, khối, chất, màu sắc mà không đối tượng nào trong tự nhiên hội tụ đầy đủ như vậy để làm đối tượng nghiên cứu trong bài hình họa. Nhìn chung, bài học hình họa được thể hiện bằng chất liệu chì, chì than, than vẽ, trên nền giấy hoặc sơn dầu trên vải.
Hình họa có vai trò tác động bổ sung, hỗ trợ cho các môn học khác trong học Mỹ Thuật: ký họa, vẽ bố cục, Trang trí, Điêu khắc… và các Ngành Nghệ thuật khác (Kiến trúc, Điện ảnh, Sân khấu, Thiết kế Mỹ thuật công nghiệp).
2. Khái niệm nhịp điệu
Khái niệm về nhịp điệu hiện diện trong đời sống của chúng ta, cả trong và ngoài hệ thống phi tuyến tính ấy dưới tên gọi "con người." Vì vậy, nhịp điệu - là sự luân phiên đều đặn của các hành động hoặc yếu tố, theo bản năng hoặc có tổ chức, tự nhiên vốn có hoặc dưới sự điều khiển của con người hay máy móc. Hơn nữa, sự nhấn mạnh ở đây là ở từ "đều đặn", bởi vì nhịp điệu là một trong những dẫn chứng quan trọng đưa các yếu tố đa dạng đến sự thống nhất, đưa các hiện tượng (quá trình) đến với quy luật, vv...
Theo cách này hay cách khác, nhưng nhịp điệu tác động thường trực lên giác quan của chúng ta. Chúng ta cảm nhận được nó không chỉ bằng thị giác, mà cả thính giác. Một bài thơ nếu nhịp điệu được duy trì, những âm thanh lặp lại của bánh xe tàu hỏa hay những điệp khúc của bài hát sẽ dễ dàng hơn để chúng ta ghi nhớ. Nhịp điệu là đặc tính không chỉ của chuyển động mà của cả tĩnh vật. Ví dụ, trong kiến trúc: sự sắp xếp nhịp nhàng các ô cửa sổ theo chiều dọc, chiều ngang hoặc trụ, theo một trình tự nhất định tạo ra cảm giác chuyển biến. Nhịp điệu có thể được truyền tải cả bằng hình phẳng. Trong thiết kế, nhịp điệu là cơ sở hợp thành cấu trúc, nó được sử dụng như một phương pháp biểu cảm, cho phép các chuyển động, hình ảnh của cảm xúc biểu thị một trật tự rõ ràng, hoặc ngược lại phá vỡ sự đơn điệu. Trong mỹ thuật, nhịp điệu là sự luân phiên nhịp nhàng của các yếu tố, thứ tự kết hợp các đường thẳng, hình khối, mặt phẳng.
Khi chúng ta nhìn vào một hình ảnh bất động, như các hoa văn trên bình hoa hoặc trang trí mặt tiền của toà nhà với sự xen kẽ của các hình khối, đường thẳng, mặt phẳng, chúng ta nhận thấy có cảm giác chuyển động. Tại sao lại như vậy?
Nhịp điệu tạo nên trên quy luật, biểu hiện ở những thay đổi dần dần về số lượng - trong sự luân phiên tăng dần hay giảm dần của thể tích hoặc diện tích, của sự tập trung hoặc thưa thớt trong cơ cấu, âm điệu, vv.... Như vậy, nhịp điệu được sinh ra trong sự thay đổi có quy luật, trật tự. Trong trường hợp này, việc thay đổi thứ tự tăng hoặc giảm nhịp điệu (thể tích, diện tích, cấu trúc, âm sắc, độ hài hòa) có thể nâng cao hoặc làm suy yếu đi tính sinh động của hình thức. Ngoài ra, nhịp điệu còn kết hợp với tính năng nhận thức trực quan, ví như chuyển động của mắt theo hướng thay đổi tăng dần về số lượng.
Nhịp điệu có thể tĩnh lặng hay ồn ào, theo cùng một hướng hay hội tụ về tâm (họa tiết ở tâm của chiếc khăn trải bàn), hướng theo chiều ngang hay chiều dọc. Tùy thuộc vào các mục tiêu đã đặt ra của nhà thiết kế, thì nếu thay đổi tính nhịp điệu của hình ảnh có thể gợi lên những cảm xúc tương ứng và thiết lập tâm trạng.
Nhịp điệu xuất hiện rất phổ biến trong đời sống chúng ta. Bạn có thể gặp nó trong những bài hát, những hàng gạch, những hoa văn lặp đi lặp laị, những hàng cây bên đường, những dãy nhà bạn đi qua vv... Nhịp điệu chính là sự nhắc lại (đều, nhanh- chậm, dày đặc – thưa thớt) một cách có chủ đích các hình dạng, hình khối, màu sắc. Sử dụng Nhịp Điệu tốt giúp bạn truyền tải cảm xúc của mỗi thiết kế, mỗi tác phẩm. Ví dụ: Bạn sử dụng 1-2 màu liên tục khiến tác phẩm có sự yên bình, ổn định nhưng cũng có thể nhàm chán (nếu không thành công), sử dụng vài gram màu sinh động liên tục khiến tác phẩm có sự vui tươi (nếu thành công).
Nhịp điệu hay tiết điệu, một trong những từ mà ngày nay người ta thường nói đến trong ngôn ngữ nghệ thuật, là một khái niệm khá phức tạp, khó định nghĩa bởi bản thân nó là một hiện tượng vừa đa dạng, lại vừa khó nắm bắt, mà ngôn ngữ nói và viết lại chỉ mới có một hai từ chưa đủ chính xác để chỉ định nó.
Theo quan niệm nghệ thuật hiện đại phương Tây, nhịp điệu là sự biểu hiện của sự vật trong thế giới tự nhiên hoặc trong nghệ thuật, dưới những nét đặc thù tinh túy nhất của nó. Đây là nội dung chính của khái niệm nhịp điệu.
Trong truyền thống hội họa phương Đông, cũng có một khái niệm tương tự đó là khái niệm lý, một trong bốn nguyên tắc cơ bản của hội họa cổ điển Trung Quốc ( khí, lý, ý, thần) được đề ra bởi Hsieh Ho - một thuyết gia về hội họa ở thế kỷ thứ 6 (đời nhà Tùy)
Yếu tố nhịp điệu – là sự thay đổi về tỷ lệ giũa các mảng, về hướng, về nét cứng, mềm, về tính chất tĩnh, động của cấc mảng sẽ tạo nên nhịp điệu. Sự phân bố về đậm nhạt, về tổ chứa sắp xếp đường nét, điểm trong các mảng một cách hợp lý sẽ tạo nên cấu trúc mảng vững chắc và những nhịp điệu trong hệ thống các mảng trong mặt phẳng tranh. Quan hệ giữa hình với hình, giữa hình với nền, quan hệ giữa hình với mảng, giữa phần chính và phần phụ, quan hệ giũa tương quan về sáng tối đậm nhạt được dựa trên các tính năng của từng loại khối và sự vận động giũa các hình khối. Tiếp đó là sự liên kết giữa các khối và khoảng trống, sự kết hợp giữa các nhình( vuông , tròn, tam giác) với nền. Cho nên việc sắp xếp, tổ chức các mảng nhỏ trong mảng chính cùng với bố trí đậm nhạt trong mảng chính và các, mảng phụ cùng khoảng trống sẽ tạo nên tính nhịp điệu trong tranh.
II. VAI TRÒ CỦA NHỊP ĐIỆU TRONG HÌNH HỌA
Học tập, nghiên cứu hình họa có nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với từng cá nhân. Ta biết giờ đây ở Mỹ và vài nước khác như Singapore, Nhật Bản… đã xuất hiện nhiều xưởng vẽ, lớp vẽ có không khí sôi động như quán bar, mà ở đó người mẫu không ở tư thế ngồi cứng nhắc trong sự im ắng, tĩnh lặng mà người mẫu luôn ở trạng thái động, có khi đầu lộn xuống đất, hai chân chỉa thẳng lên trời. Người vẽ uống coktail cùng âm nhạc sôi động. Ý tưởng của việc lập xưởng kiểu này là để bày tỏ quan điểm đi ngược lại cách học vẽ sách vở, cổ điển. Họ cho rằng nó năng động hơn cả buổi học vẽ theo kiểu truyền thống. Nhưng có lẽ cách chung nhất, hiệu quả nhất vẫn là cách vẽ nghiên cứu người mẫu thật, vật mẫu thật theo trình tự, từng bước từ hình thể đơn giản đến hình thể phức hợp.
Điều khó khăn nhất, nhưng cũng đầy hứng thú, đam mê và cũng sẽ rút ra được nhiều bài học hữu ích nhất cho việc hành nghề sau này, đó là việc vẽ hình họa nghiên cứu người mẫu trực tiếp. Vì con người là kiệt tác của tạo hóa. Nhưng ở đây muốn đặt ra và trình bày một khía cạnh khác trong việc dạy và học hình họa.
Đứng trước đối tượng mẫu (vật hoặc người) có mối tương quan về hình khối, đường nét, đậm nhạt, xa gần, màu sắc, chất cảm rất phức tạp, dễ làm cho người vẽ rối mắt, lúng túng. Vậy làm sao nhận dạng, phát hiện, nắm bắt một cách thuận lợi, nhanh nhạy những yếu tố trên theo quy luật thẩm mỹ, để rồi thể hiện chúng lên mặt giấy, mặt vải toan?
Phải chăng chiếc chìa khóa đa năng ở đây dùng để mở cánh cửa vào lĩnh vực nghiên cứu hình họa, nghiên cứu người mẫu, vật mẫu một cách thuận lợi và hiệu nghiệm, đó là yếu tố “nhịp điệu” – chìa khóa “ nhịp điệu” – kênh “ nhịp điệu”. Bởi yếu tố nhịp điệu là một quy luật diễn ra trong thế giới tự nhiên, diễn ra trong đời sống con người, trong đời sống nghệ thuật, nó gây cảm xúc thẩm mỹ, cảm xúc về cái đẹp.
Nghiên cứu hình họa trong đào tạo mỹ thuật là công việc dạy và học vẽ hình ảnh tồn tại trong không gian, ở dạng khối. Nghĩa là nghiên cứu, khám phá khối nổi nhưng lại được biểu hiện nó trên mặt phẳng của vật liệu giấy hoặc vải toan (khác với nặn tượng). Rất khác với việc nhận thức, cảm thụ và biểu hiện của hình họa trong toán học - của hình họa phẳng. Do vậy yếu tố “ nhịp điệu” càng phải được nhận thức, quan tâm khai thác có được sự đồng điệu để nắm bắt, khai thác tối đa yếu tố “ nhịp điệu” được biểu hiện toàn diện ở đối tượng mẫu.
Ví dụ như vẽ một mẫu nữ, ngồi trên ghế, quan sát ta thấy: từ đỉnh đầu đến bàn chân là cả một tổng thể cấu trúc khối, với nhiều tiết tấu, nhịp điệu lặp đi lặp lại của đường thẳng đứng, đường nằm ngang; đường nghiêng phải, đường nghiêng trái; đường cong, đường thẳng; góc nhọn, góc tù; nét mờ, nét đậm v..v.. về khoảng cách không gian ta nhận thấy tiết tấu theo nhịp điệu của các điểm xa, điểm gần; của mảng đậm, mảng nhạt, của chỗ tối, chỗ lồi, chổ hiện chỗ ẩn, của khoảng có và khoảng trống; của vùng sáng vùng tối… Riêng về màu sắc, quan sát mẫu nữ ngồi, ta thấy biểu hiện “nhịp điệu” của hệ thống màu nóng, màu lạnh như sau: phần đầu, mặt, cổ nghiêng về màu nâu nóng. Phần ngực, bụng nghiêng về màu lạnh, sáng. Hai bàn tay lặp lại màu nâu nóng. Phần đùi, cẳng chân lặp lại màu lạnh sáng. Cuối cùng hai bàn chân lặp lại màu nâu nóng. Về độ tươi, trầm – trong, đục – thắm, xỉn v..v.. của màu sắc trên người mẫu cũng biểu hiện một tiết tấu, nhịp điệu như vậy.
Qua đây ta thấy rằng: kết quả của bức vẽ hình họa là tổng thể của yếu tố “nhịp điệu” đã tạo nên hiệu ứng vận động, chuyển hướng, đối lập, cân bằng xen kẽ, luyến láy bởi hình khối, đường nét, ánh sáng, màu sắc được phản ánh từ đối tượng mẫu vẽ. Nắm được yếu tố “nhịp điệu” giống như nắm được chiếc đũa chỉ huy của người nhạc trưởng. Khi chiếc đũa chỉ huy vung lên thì tức khắc mọi âm thanh hỗn tạp được dồn xếp, điều chỉnh về đúng vị trí theo một trật tự sinh động của bản hợp xướng, chinh phục người nghe.
Sau những năm nghiên cứu hình họa cơ bản, người học tiếp nhận sâu sắc, nắm vững cách nhìn, cách diễn đạt thuần thục bằng “kênh nhịp điệu”. Đến khi ra trường sẽ có bản lãnh, để ứng dụng một cách hiệu quả vào việc sáng tác đa dạng ở nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Chẳng hạn như thể loại hội họa trừu tượng hoặc vô hình thể thì người vẽ lúc này chỉ còn dùng yếu tố “ nhịp điệu” để kết cấu, để xây dựng, để điều tiết, làm nên tác phẩm bằng tiết tấu của nóng, lạnh của tươi, trầm của cứng, mềm, của dày, thưa, của sáng, tối của chấm, vạch của nhám, mịn v..v..
Ứng dụng sang nghệ thuật đương đại như: sắp đặt, trình diễn, động hình, ánh sáng…yếu tố “nhịp điệu” được vận dụng, khai thác ở các khía cạnh: động, tĩnh; nhanh, chậm; cao, thấp; ngắn, dài; rộng, hẹp để người nghệ sĩ tạo dựng nên tác phẩm có không gian rộng lớn, hoành tráng.
Nếu không thông qua việc rèn luyện, nghiên cứu hình họa cơ bản, không rèn luyện khả năng tinh nhạy của thị giác, không nắm được yếu tố “nhịp điệu” trong quy luật thẩm mỹ nghệ thuật thì người “nghệ sĩ” khi sáng tạo tác phẩm trừu tượng, tác phẩm vô hình thể, tác phẩm sắp đặt, trình diễn, nghệ thuật đương đại để mất chỗ dựa, mất phương hướng sáng tạo hình tượng, dẫn tới việc: bôi, quét, bày, đặt, nhảy múa, nằm, bò một cách tùy tiện, bâng quơ, may rủi, tự nhiên chủ nghĩa, thiếu hẳn yếu tố thẩm mỹ. Do vậy thành quả tạo nên, có thể rất kì công nhưng đó không thể gọi là tác phẩm nghệ thuật được.
KẾT LUẬN
Nền tảng cho việc học hình họa cơ bản trong đào tạo mỹ thuật từ xưa tới nay, và có lẽ cả về sau này, vẫn phải qua từng bước. Bước thứ nhất là dựng hình có cấu trúc chặt chẽ, tỷ lệ chuẩn xác các bộ phận, biểu hiện đúng vóc dáng, tư thế của mẫu. Bước thứ hai, diễn tả tương quan đậm nhạt, tạo cảm giác không gian, cảm giác khối nổi, tạo chất cảm như ở mẫu. Nếu vẽ màu phải tạo được hòa sắc, điều phối độ nóng lạnh tinh tế, nhuần nhị.
Tất cả những điều trên đây trong việc nghiên cứu vẽ hình họa, người học vẽ nếu có chút ít năng khiếu, qua nỗ lực bản thân từng bước, tất yếu sẽ thực hiện được một bức hình họa bình thường, suôn sẻ.
Việc khai thác, ứng dụng yếu tố “nhịp điệu” vào việc giảng dạy và học tập, nghiên cứu hình họa trong đào tạo mỹ thuật là một kênh mang tính bao trùm, tổng hợp rất tinh tế, giúp người học hứng thú thực hiện các bài đạt hiệu quả tạo hình mang đậm mỹ cảm. Đồng thời là nền tảng hữu ích cho việc sáng tác nên tác phẩm hàm chứa tính thẩm mỹ cao, khi sinh viên tốt nghiệp ra trường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Thị Thanh Mai, 2012, Vai trò của môn hình họa trong đào tạo Mỹ thuật, Tạp chí VHNT số 336, Nxb Mỹ thuật.
2. Phạm Thị Kim Oanh,2006, Nét, nhịp điệu trong tranh Van Gogh, Tạp chí TTMT số 11- 12, Trường Đại học Mỹ thuật TP. HCM
3. Triệu Khắc Lễ (2008), Hình họa 2, Nxb Đại học sư phạm

4. Trần Thanh Liêm, 2012, Khai thác nhịp điệu trong nghiên cứu hình họa, Tạp chí VHNT số 336, tháng 6 -2012, Nxb Mỹ thuật
5. Vương Hoàng Lực, 2007, Nguyên lý hội họa đen trắng, Nxb Mỹ thuật 
6. Lê Huy Văn - Trần Tư Thành, 2006,Cơ sở tạo hình, Nxb Mỹ thuật.


 

 

Phan Hiền
 

 
Khoa Nghệ thuật