Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Nghệ thuật ❯ Chi tiết
       
  03/05/2019 15:17        

Văn hoá biển đảo trong các tác phẩm hội hoạ của một số hoạ sĩ Khánh Hoà

Tóm tắt: Việt Nam là đất nước có truyền thống văn hóa biển đảo đa dạng và phong phú từ hàng nghìn năm.Biển đã in dấu trong văn hoá Việt từ thời dựng nước. Văn hóa biển đảo Việt Nam đã có sức lay động mạnh mẽ, chạm đến trái tim vốn rất yêu biển, yêu nghề của các họa sĩ. Bài viết này nhằm giới thiệu sơ lược về văn hóa biển đảo Việt Nam đồng thời nghiên cứu làm rõ những biểu hiện về văn hóa biển đảo trong sáng tác hội họa của một số họa sĩ Khánh Hòa.Qua đây thấy được những đóng góp không nhỏ của các họa sĩ Khánh Hòa trong việc giữ gìn nét văn hóa biển đảo quê hương.
Từ khóa: văn hóa biển đảo, biển Khánh Hòa, họa sĩ, hội họa

1. Khái lược về văn hóa biển đảo

Với đường bờ biển dài 3260km, Việt Nam là đất nước đã tạo ra nhiều dấu ấn văn hóa biển đặc trưng.Truyền thống văn hóa biển đảo ở Việt Nam có từ hàng ngàn năm, đa dạng và phong phú với nhiều loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể, thể hiện trong nghề đi biển, giao thương biển, tổ chức xã hội, lễ hội, tập tục… của cư dân ven biển. “Văn hóa biển thuộc nhóm văn hóa sinh thái”[2] và chính là văn hóa “biển cận duyên”. Văn hóa biển đảo nảy nở trên đất nước có chiều dài đường bờ biển gấp đôi chiều dài đường bộ, người dân cật lực mưu sinh, cuộc sống gắn với biển và cũng mang trong mình niềm tự hào lớn lao về biển.

Có rất nhiều quan niệm về văn hóa biển, về các góc nhìn khác nhau như theo không gian - thời gian, vật chất – tinh thần, vv… Nhưng nhìn chung, tất cả đều quan niệm văn hóa biển là hệ thống tri thức của con người về môi trường biển, các giá trị và những biểu tượng rút ra từ hoạt động sống trong môi trường ấy. Cùng với nó là những cảm thụ, hành vi ứng xử, những nghi lễ tập tục thói quen của con người tương thích với môi trường biển.
Khi đề cập đến văn hóa là đề cập đến các giá trị, vì thế “văn hóa biển có thể hiểu là tập hợp các giá trị vật chất và tinh thần được con người sáng tạo ra và tích lũy dần trong quá trình sống chung với biển”[1, tr. 3]. Văn hóa biển của người Việt có thể nhìn nhận từ phương diện vật chất bao gồm chiếm hữu, khai thác, bảo vệ và phương diện tinh thần bao gồm yêu biển, hướng biển, tư duy về biển, các sinh hoạt tinh thần trong mối quan hệ với biển.Ở phương diện vật chất là những di chỉ văn hóa từ nền văn hóa Quỳnh Văn, Bàu Tró, Hạ Long…hay kỹ thuật làm muối, đánh bắt sản vật, cất nước mắm, đóng ghe tàu, hay giao thương buôn bán hội nhập với các nước tuy nhiên vẫn đảm bảo xác lập chủ quyền biển đảo. Về phương diện tinh thần là những sinh hoạt lễ hội thể hiện tín ngưỡng của người Việt như thờ cá Voi – một vị thần biển hay các lễ hội thể hiện tâm thức cầu ancủa ngư dân như lễ xông mũi thuyền ở Cửa Vạn – Quảng Ninh, lễ hội Cầu ngư ở Trung bộ, Nam bộ.
Văn hóa Việt Nam là sự tổng hòa, tổng hợp của văn hóa các cộng đồng dân tộc anh em.Biển đảo trong đời sống văn hóa trong các cộng đồng dân cư đó cũng tồn tại và thể hiện ở những mức độ, với màu sắc đậm nhạt khác nhau.Khác với khu vực Bắc Bộ và Nam Bộ, khi người Việt tại Trung Bộ - nhất là Nam Trung Bộ khi tiếp xúc với biển đã tiến thẳng ra biển cả tạo nên “một vùng văn hóa biển đậm đặc” [4, tr. 29]. Văn hóa biển đảoNam Trung Bộthể hiện sự tiếp biến văn hóa Việt – Chăm qua tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A Na, tục thờ Ông Nam Hải (cá voi) với lễ hội cầu ngư, hát cúng lăng, hò bá trạo. Khánh Hòa là tỉnh thuộcNam Trung Bộ mang đậm sắc thái của văn hóa rừng núi, văn hóa đồng bằng và văn hóa biển đảo.Bên cạnh đó còn một nền văn học truyền khẩu với tục ngữ, ca dao, dân ca, điệu hò bá trạo, các bài vè đi biển...; các nghề truyền thống độc đáo như nghề lưới đăng, khai thác yến sào, trầm kỳ ...; những phong tục tập quán, sinh hoạt cộng đồng làng xã, tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội, nghệ thuật, ẩm thực… Trong vốn truyền thuyết dân gian Khánh Hòa, biển là một đối tượng phản ánh, thể hiện khát vọng chinh phục biển khơi của ngư dân biển cả. Câu chuyện về chàng khổng lồ đều đến từ biển cả như truyền thuyết về Hòn Chồng ở Nha Trang, về sự tích Núi Đất ở Ninh Hòa; hay sự tích Núi Cô tiên, truyền thuyết miếu Lỗ Lường, Hòn Bà… đều có bóng dáng nàng tiên, hay nữ thần của biển.
Hiện nay ở Khánh Hòa có 142 di tích được xếp hạng bao gồm các di tích lịch sử, di tích nghệ thuật và danh lam thắng cảnh; trong đó có 129 di tích cấp tỉnh và 13 di tích cấp quốc gia. Trong số 13 di tích và danh thắng quốc gia trên đất Khánh Hòa, có tới 4 di tích, danh thắng là biển đảo và liên quan tới biển, đó là vịnh Nha Trang là một trong 35 vịnh biển đẹp nhất thế giới; khu danh thắng Hòn Chồng – Hòn Đỏ, danh thắng Mũi Đôi – Hòn Đầu và di tích Tháp Bà Ponagar. Đặc biệt, huyện đảo Trường Sa, vùng lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam trên biển Đông thuộc tỉnh Khánh Hòa, với diện tích khoảng 180.000 km2, gồm hơn 100 đảo lớn nhỏlà lợi thế to lớn để phát triển kinh tế – xã hội của Khánh Hòa và cả nước. Giá trị đặc trưng của vốn văn hóa biển đảo nơi đây còn là vẻ đẹp tinh thần, tình yêu quê hương đất nước, tinh thần quả cảm kiên trung của những người con của biển; sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy nơi đầu sóng ngọn gió vì bình yên cho đất liền yêu thương.
2. Nét văn hóa biển đảo trong một số tác phẩm hội họa tiêu biểu ở Khánh Hòa
Có thể nói biển là cảm xúc vô tận đối với các họa sĩ, biển dạt dào tình cảm, biển làm cho con người vui, buồn và nhiều cảm xúc khác nhau.Thử hỏi trong cuộc đời này, có ai không biết về biển và có ai chưa một lần nhìn thấy biển? Khi đứng trước biển, những cảm xúc sâu lắng trong tâm hồn như được vỡ ra hòa theo những đợt sóng trôi vào lòng đại dương sâu thẳm. Có một sự gặp gỡ thăng hoa giữa văn hóa biển và hội họa tạo nên mảnh đất màu mỡ nhất đối với mảng đề tài này.Tìm hiểu một số tác giả gắn bó với mảnh đất Khánh Hòa và tác phẩm vẽ về mảnh đất quê hương yêu dấu của họ là một trải nghiệm thú vị cho người viết.
- Tác phẩm: “ Mưa xóm Cồn” của họa sĩ Nguyễn Liêu
Họa sĩ Nguyễn Liêu, một người con của mảnh đất Nha Trang đã có rất nhiều tác phẩm vẽ về mảnh đất quê hương. Ông đã từng là giảng viên thỉnh giảng cho Khoa mỹ thuật Trường Cao Đẳng VHNT & Du Lịch Nha Trang trước đây.Xóm Cồn là một xóm nhỏ ở ven biển thành phố Nha Tranggần chân cầu Bóng - cây cầu có thể được xem như hình ảnh đại diện của phố biển.“Cư dân văn hóa Xóm Cồn đều chọn địa điểm là các cồn cát gần mép nước biển làm nơi cư trú. Biển mà các cư dân văn hóa Xóm Cồn hướng ra đều là biển kín hay đúng hơn là vũng, vịnh biển”.Sau một vụ hỏa hoạn đầu năm 2017, dân cư sống gần chân cầu nay thưa hơn trước đây.Với gam màu đen xanh chủ đạo, “Mưa xóm Cồn” dẫn người xem trải nghiệm cảm giác đi dưới màn đêm mưa. Tác giả chỉ gợi sáng ở điểm nhấn nhân vật phía trước và hình ảnh con thuyền cô đơn, lẻ loi. Trong phong cảnh tĩnh lặng, yên bình đó vẫn gợi cho con người cảm giác xôn xao mà lắng đọng.Phải chăng đó là nhờ cách diễn tả chất của những giọt mưa bằng kỹ thuật chất liệu sơn dầu. Họa sĩ Nguyễn Liêu đã mất năm 2015 và xóm Cồn cũng đã cháy rụi trong vụ hỏa hoạn đó. Tuy xóm Cồn và cả người họa sĩ tài ba này đều không còn tồn tại nhưng “ Mưa xóm Cồn” là một minh chứng nghệ thuật về văn hóa Xóm Cồn còn mãi trong lòng người dân.
- Tác phẩm: “ Biển” của họa sĩ Nguyễn Ngọc Cường
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Cường là một thành viên của Hội VHNT tỉnh Khánh Hòa.Cuộc sống gắn bó với biển nên các tác phẩm của ông cũng rất đặc trưng và thấm đẫm tình quê hương.Tên tác phẩm chỉ đơn giản là “Biển”, đơn giản như chính con người xứ biển thế nhưng lại chứa đựng biết bao nỗi niềm. Gắn bó với thuyền, biển, cá tôm và những ngôi nhà đơn sơ, tạm bợ.Bức tranh không một bóng người, hình ảnh trong tranh chỉ quen thuộc là thuyền, biển, lưới đánh cá… dưới bầu trời đêm trăng. Màu lam tím nhẹ nhàng chủ đạo được họa sĩ thể hiện trong tranh lại một lần nữa gợi cho người xem một cảm xúc lạ, buồn man mác…Thuyền là dụng cụ đi biển gần gũi, gắn bó nhất và thiêng liêng nhất đối với người dân biển.“Hệ thống công cụ như thuyền, bè, chài, các loại lưới, đó, câu...trong đó nổi bật là thuyền bè đi biểnthể hiện tri thức về chế tạo công cụ dùng trong đánh bắt hải sản. Có thể nói, thuyền bè đi trên biển là tiêu chí quan trọng nhất chứng tỏ khả năng chinh phục biển của con người”. [3, tr.88].Bỏ lại sau lưng những ồn ào, tấp nập của phố phường, được gặp hình ảnh miệt chài trong hương nồng biển cả.Có thể, trong dòng chảy của văn hóa, sự phát triển kinh tế sẽ không ảnh hưởng nhiều đến những giá trị cốt lõi nhất mà một nghề truyền thống có tự bao đời nay đã chắt chiu, gìn giữ.Bởi yêu nghề, yêu biển cho nên sẽ gắn bó với nghề này đến chừng nào không còn đủ sức khỏe. Ðối với ngư dân, con thuyền là mái nhà. Hiểu được điều này, họa sĩ Nguyễn Ngọc Cường thể hiện trong tranh đơn giản là hình tượng con thuyền, bãi biển mộc mạc, thân quen.Phía trước là những cột chống và mái chèo hỗ trợ cho công việc đánh cá. Hình của những cột chống này đã tạo ra các khoảng trống đẹp mắt trên nền tranh lam tím của đêm trăng.
- Tác phẩm: “Lễ hội cầu ngư” của họa sĩ Bùi Văn Quang
Lễ hội Cầu Ngư là một tín ngưỡng dân gian phổ biến trong các thế hệ ngư dân ở Việt Nam. Có nhiều tên gọi khác nhau như lễ rước cốt ông, lễ tế cá "Ông", lễ cúng "Ông", lễ nghinh "Ông", lễ nghinh ông Thủy tướng, nhưng tất cả đều có chung một quan niệm rằng cá "Ông" (cá voi) là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển nói chung.Cầu ngư - cầu an với mong muốn cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, để ngư dân ra khơi đánh bắt được nhiều tôm cá.Tác phẩm “Lễ hội cầu ngư” được sáng tác năm 2014 bằng chất liệu sơn dầu. Tranh có kích thước khá lớn 150 x 190 cm diễn tả cả phần lễ và phần hội của lễ cầu ngư trên không gian tranh ước lệ. Hai nhóm nhân vật được chia làm hai mảng trên dưới, dàn trải hàng ngang trông rõ ràng, thuận mắt. Nhóm dưới khiêng kiệu rồng, nhóm trên chèo thuyền, tất cả mang trang phục truyền thống của buổi lễ. Đây chính là lễ cầu ngư trên mảnh đất quê hương Nha Trang của chính tác giả. Nhân vật trong tranh là những ngư dân yêu nghề, với nét mặt vui tươi rạng rỡ trong buổi lễ truyền thống. Tác phẩm là một đóng góp nhỏ cho hội họa Khánh Hòa cũng như góp phần lưu giữ nét văn hóa truyền thống của ngư dân nơi đây.
- Tác phẩm: “Phong cảnh Ponagar” của họa sĩ Phạm Chinh Nam.
Tác phẩm được công bố trong Triển lãm Mỹ thuật kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam của Khoa Nghệ thuật Trường Đại học Khánh Hòa. Không phải là người con của biển nhưng họa sĩ lại là con người rất dễ bén duyên với biển. Tuy chỉ mới gần biển mấy năm gần đây thế nhưng ngoài công tác giảng dạy tại trường Đại học Khánh Hòa, anh còn đam mê vẽ tranh về Nha Trang với nhiều chất liệu sơn mài, lụa và Acrylic… Bức tranh “Tháp bà Ponagar”chất liệu Acrylic, kích thước 90 x150cm, sáng tác 2016. Tranh thể hiện nét đẹp phong cảnh rất đặc trưng của Nha Trang hội tụ đủ thuyền, biển, núi và cả ngọn tháp hùng vĩ, xinh đẹp Ponagar. Tranh với gam màu lam tím mát mẻ, nhẹ nhàng và bố cục chặt chẽ tạo ấn tượng cho người xem về một địa danh du lịch nổi tiếng ở miền đất này.Tháp Bà Ponagarlà hội tụ những tinh hoa văn hóa của người Chăm về kiến trúc, văn hóa dân gian cũng như là điểm thu hút, phát triển văn hóa du lịch biển đảo tại Nha Trang.Có thể nói rằng, sẽ xem như không đi Nha Trang nếu du khách không đặt chân đến địa danh nổi tiếng này.
- Tác phẩm “Ngày biển lặng” của họa sĩ Trần Mạnh Đức
Trần Mạnh Đức là một trong những họa sĩ Nha Trang đạt được nhiều thành tựu nhất trên hành trình đến với nghệ thuật tạo hình. Sau hơn một thập niên sáng tác ở quê nhà của mình, anh đã có được hàng trăm bức tranh, được nhiều giải thưởng trong các triển lãm và liên hoan mỹ thuật tổ chức ở địa phương, khu vực (miền Trung và Tây Nguyên) và toàn quốc.“Ngày biển lặng” là phong cách trừu tượng nhưng ẩn hình trong một mảng bố cục lớn người xem vẫn thấy được những nét đẹp của con người và cảnh vật. Chợ là hình thức sinh hoạt không thể thiếu đối với bà con ngư dân, nó trở thành một nét văn hóa biển Việt Nam. Mỗi ngày chợ trao đổi, mua bán một số lượng lớn hải sản từ những chiếc thuyền lớn đánh bắt xa bờ cho đến những chiếc ghe, chiếc thúng nhỏ đánh bắt quanh bờ. Chợ biển họp rất sớm, trời mới tờ mờ sáng nhưng biển đã nhộn nhịp lắm. Nét văn hóa chợ biển hiện rõ trong tranh với khung cảnh người dân đang tất bật trao đổi hàng hóa trên những chiếc thuyền vừa cập bến.Vài chiếc thuyền no cá đã về bến đỗ, cạnh đó, các mẹ, các chị đang phân loại hải sản và những ngôi nhà che chắn tạm bợ lại được khoác vào một màu áo mới với đầy đủ sắc màu hài hòa, sinh động.Bức tranh bố cục vuông 160x160 cm thật sự tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người xem.
- Tác phẩm “ Phong cảnh Hòn Chồng” của họa sĩ Lê Dần
Trong bài viết “Lê Dần vẽ chơi mà hồn thật” của thạc sỹ Nguyễn Văn Tú – giảng viên khoa nghệ thuật trường Đại học Khánh hòa, đăng trên website trường, anh nhận định: “Lê Dần hình như chẳng đắn đo, chẳng nặng nợ đời, vẽ vời với anh như chỉ là chuyến đi “phượt” thích thú, ngó trời mà vẽ biển, ngó sen mà vẽ đàn bà, không trúng “anatomy” nhưng chẳng trật cái hồn riêng, vía lạ vốn chỉ anh mới “khai quật” được”.Có lẽ, đây không chỉ là cảm nhận của riêng anh khi xem tranh của họa sĩ Lê Dần. Sống trên mảnh đất Nha Trang đã hơn 20 năm, các danh thắng nổi tiếng ở đây không còn xa lạ gì đối với người thầy – họa sĩ Lê Dần. Tuy nhiên khi “hòa mình” vào “Phong cảnh hòn chồng”lại là cảm xúc mới mẻ, lạ lẫm như thở ban đầu. Tranh với chất liệu acrylic, kích thước 90 x90 cm dường như quá nhỏ để họa sĩ thỏa sức vùng vẫy, phiêu lưu. Quả thật, những nét vẽ bay nhảy tạo cho phong cách sáng tác của họa sĩ Lê Dần khó có thể nhầm lẫn với bất kỳ ai và cho “Hòn Chồng “nát” mà hình như chẳng tan”. Cảm giác hứng thú khi được nghe truyền thuyết về quần thể đá ở Hòn Chồng cũng giống như khi được chiêm ngưỡng tác phẩm lần đầu tiên trưng bày trong triển lãm “Biển đảo và mùa xuân”[7] vậy.
3. Những đóng góp của hội họa Khánh Hòa đối với văn hóa biển đảo quê hương
Bằng những tác phẩm mỹ thuật có giá trị nghệ thuật cao, các họa sĩ đã miêu tả thiên nhiên, con người, cảnh sinh hoạt của ngư dân miền biển Việt Nam. Qua những tác phẩm đó mỗi người có thể hiểu, cảm nhận sâu sắc về cuộc sống vất vả nhưng đầy thi vị của ngư dân, từ đó thêm yêu biển quê hương, lòng tự hào và ý thức bảo vệ chủ quyền biển Việt Nam. Các tác phẩm mỹ thuật nói chung và hội họa nói riêng cho thấy tình yêu Tổ Quốc, tình yêu biển đảo quê hương của các nghệ sĩ tạo hình được thể hiện rất đa dạng từ nội dung, bố cục, màu sắc, bút pháp tạo hình.
Đề tài biển đảo là một đề tài luôn nóng hổi, hấp dẫn đối với các họa sĩ và được công chúng quan tâm. Để giữ gìn và phát huy nền văn hóa biển đảo rất đặctrưng mang tính truyền thống của Khánh Hòa, cần có sự chung sức của các tổ chức, các Sở ban ngành. Hội Văn học nghệ thuật Khánh Hòacần duy trì các Triển lãm Mỹ thuật chủ đề biển đảo để văn hóa biển quê hương đến với đông đảo người dân cũng như khách du lịch.
Một số triển lãm mỹ thuật tiêu biểu gần đây như Triển lãm tranh Việt – Pháp “Biển và người mẹ” tại Bảo tàng Khánh Hòatháng 6 năm 2017 doSở Ngoại vụ chủ trì phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao và Appel Lorient (tỉnh Morbihan, Pháp) tổ chức.Triển lãm trưng bày 45 tác phẩm, trong đó có 30 tác phẩm của các họa sĩ Pháp và 15 tác phẩm của các họa sĩ Khánh Hòa. Các tác phẩm được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, khắc gỗ, sơn nước… thể hiện vẻ đẹp của văn hóa biển, đời sống người dân vùng biển, tình mẹ con. Gần đây nhất là triển lãm mỹ thuật “Biển đảo và mùa xuân” tháng 1 năm 2018tại Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa [7] do trường Đại học Khánh Hòa tổ chức.Bốn mươi chín tác phẩm trong triển lãm là thành quả lao động nghệ thuật, là tâm huyết của các họa sỹ - giảng viên Khoa Nghệ thuật Trường Đại học Khánh Hòa cùng một số nghệ sĩ khác. “Các tác phẩm cho ta thấy văn hóa biển, tâm hồn biển luôn được tôn vinh theo nhiều cách, có hiển thị gần gũi, có ẩn dụ xa xôi, lạ nhưng không lạc” [7].
Đối với thế hệ trẻ, việc tuyên truyền về văn hóa biển đảo cũng như môi trường biển là hết sức quan trọng. Các cuộc thi vẽ tranh chủ đề “Bảo vệ môi trường biển quê em”[6] với sự tham gia của các em học sinh do Nhà Văn hóa thiếu nhi Tp. Nha Trang và các trường Tiểu học, THCS tổ chức hằng năm.Đây là dịp để các em thể hiện ý tưởng, tình cảm của mình đối với văn hóa biển đảo Khánh Hòa nói riêng và biển đảo Việt Nam nói chung. Thông qua đó, các em càng nhận thức sâu sắc thêm truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước.
Ngoài ra một số họa sĩ cũng thể hiện tình yêu biển và ý thức gìn giữ nét văn hóa biển qua các triển lãm cá nhân.Triển lãm cá nhân của họa sĩ Trần Lực “Tình biển” tại Nha Trang vào tháng 10 năm 2016 [5]không chỉ là món quà nghệ thuật tôn vinh tình yêu biển của người miền biển mà còn là một nghi lễ tôn vinh cuộc đời của họa sĩ bậc thầy.
Bằng ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình đa dạng và tràn đầy cảm xúc, các tác phẩm giúp mọi người có cái nhìn cụ thể, sinh động về văn hóa biển đảo.Từ đó mỗi người trở nên yêu nước, tự hào hơn với biển đảo quê hương. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến biển;tỉnh Khánh Hòa cũng đặc biệt chú trọng đến phát triển văn hóa, kinh tế biển; người dân thì một mực bám biển, người nghệ sĩ thì yêu biển... là những điều kiện thuận lợi để tranh đề tài biển đảongày càng đẹp và ý nghĩa hơn trong cuộc sống con người.
Kết luận
Môi trường biển đảo mênh mông không chỉ tác động đến sinh hoạt văn hóa vật chất mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa tinh thần của cư dân đất Việt.Từ trong sâu thẳm tâm linh, họ không bao giờ quên hình ảnh quê hương, đất nước. Yếu tố biển cả đã trở thành một phần thiêng liêng của tổ quốc và con người Việt Nam. Nghệ thuật Việt Nam mang đậm nét yếu tố biển. Biển đảo quê hương là cái nôi nuôi dưỡng mỗi chúng ta khôn lớn, là nơi để chúng ta nhớ thương và cảm nhận về tình yêu và số phận của con người. Trong mỗi trái tim và khối óc của chúng ta luôn có sóng và gió của biển quê hương.
Tuy bài viết chưa tìm hiểu hết tất cả các tác phẩm nghệ thuật nhưng qua đây phần nào thấy được biển đảo luôn là đề tài bất hủ trong sáng tác cũng như những đóng góp to lớn của các họa sĩ nơi đây trong việc gìn giữ nét văn hóa biển đảo quê hương. Văn hóa biển mãi đẹp trong tâm hồn của mỗi người dân Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng, tình yêu biển của ngư dân hay những con người ít nhất một lần tiếp xúc với biển, của những nghệ sĩ bằng đam mê nghệ thuật đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Xuân Hoàng (2013), “Văn hóa biển Việt Nam”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 345 (3-2013)
2. Ngô Đức Thịnh (2006), “Các dạng thức văn hóa Việt Nam, trong Văn hóa, văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam”, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội
3. Ngô Đức Thịnh (1984), “Tìm hiểu thuyền bè truyền thống Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 6 (1984).
4. Nguyễn Duy Thiệu (2007), “Suy ngẫm về văn hóa biển ở Việt Nam”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 280 (10-2007)
5. www.baomoi.com
6. http://www.vietnamfineart.com.vn
7. http://ukh.edu.vn/vi-vn


                                                                                                                                                    Phan Hiền

 
Khoa Nghệ thuật