Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Nghệ thuật ❯ Chi tiết
       
  06/05/2019 10:21        

Phương pháp xây dựng và sử dụng tài liệu dạng phim trong dạy học học phần Lịch sử mỹ thuật thế giới nhằm nâng cao năng lực tự học tự nghiên cứu cho người học

Tóm tắt:
Bài viết này không đề cập tới kỹ thuật xử lí, biên tập phim, nội dung chính của bài viết nhằm giới thiệu phương pháp xây dựng và sử dụng tài liệu dạng phim cho dạy học học phần Lịch sử mỹ thuật thế giới nhằm mục đích tạo sự hứng thú, nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu cho người học.
I. Dẫn nhập
Hiện nay nền giáo dục nước ta đang ở giai đoạn đầu của sự nghiệp đổi mới một cách toàn diện từ triết lý giáo dục đến mục tiêu, nội dung, phương pháp và phương tiện dạy học. Định hướng cơ bản của công cuộc đổi mới giáo dục đã được chỉ rõ trong các Nghị quyết của Trung ương Đảng về vấn đề giáo dục. Đó là: “ Phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học, bồi dưỡng năng lực tự học, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên”. “Đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục và đào tạo, khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện nếp tư duy sáng tạo của người học, từng bước áp dụng phương pháp tiên tiến và phương tiện dạy học hiện đại vào quá trình dạy học, đảm bảo điều kiện và thời gian tự học, tự nghiên cứu của học sinh”.[1]
Làm thế nào để phát huy tích tích cực, tự giác trong học tập của người học là vấn đề cốt lõi của sự đổi mới phương pháp dạy học bởi nếu người học không có được sự hứng thú trong mỗi giờ học thì cũng không có ý thức tự giác, tích cực trong học tập. Trong thực tế việc đổi mới phương pháp dạy học hiện nay ở các cấp học, môn học đã được chú trọng tuy nhiên do sự yếu và thiếu các tài liệu dạy học hiện đại, nhất là: các tài liệu dạng nghe- nhìn.Điều này khiến cho các ý tưởng đổi mới của giáo viên bị hạn chế và đương nhiên bài học cũng vì vậy mà thiếu hiệu quả.Người học chắc chắn cũng chưa thể hứng thú với một giờ dạy mà chỉ bằng phương pháp dùng lời của giáo viên với những đồ dùng, trang thiết bị dạy học thô sơ. Sự nghèo nàn, lạc hậu về đồ dùng và tài liệu dạy- họcđã và đang là vấn đề chung của tất cả các môn học. Mỹ thuật là loại hình nghệ thuật thị giác vì vậy những tài liệu dạng phim lại trở nên rất phù hợp với tính đặc thù của môn họcnày.
Để khắc phục những hạn chế trên chúng tôi đã tiến hành xây dựng phim cho một số nội dung trong học phần Lịch sử mỹ thuật thế giới và đưa vào sử dụng thử nghiệm ở một số tiết học, kết quả là đã tạo ra một không khí học tập mới mẻ, tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên tiến hành các hoạt động dạy và học một cách sinh động, hấp dẫn, đặc biệt là đã giúp cho người học có được sự hứng thú trong học tập. Tuyviệc tổ chức triển khai thực nghiệm chưa đầy đủ, chưa định lượng được kết quả một cách chi tiết, cụ thể nhưng sự hào hứng của người học trong những bài học có sử dụng tài liệu dạng phim đã tạo động lực cho chúng tôi xây dựng hệ thống phim cho học phần Lịch sử mỹ thuật thế giới. Bài viết này nhằm trình bày lại những gì chúng tôi đúc rút được trong quá trình thực hiện công việc này.
II. Phương pháp xây dựng tài liệu dạng phim về lịch sử mỹ thuật thế giới
1. Những yêu cầu cơ bản khi xây dựng phim về lịch sử mỹ thuật

Cũng như việc xây dựng các phim học tập ở các bộ môn khác. Việc xây phim học tập cho các bài học trong học phần Lịch sử mỹ thuật cần tuân thủ các yêu cầu sau:
Về nội dung phim:
-Phải thể hiện được hệ thống kiến thức của bài học theo chương trình học, phù hợp với nội dung các bài học trong giáo trình Lịch sử mỹ thuật thế giới hiện hành. Đồng thời có thể mở rộng để cung cấp thêm và cập nhật kiến thức mới, khắckhục nhược điểm của giáo trình dạng in ấn.
-Nội dung phim không minh họa cho giáo trình, mà cần nhấn mạnh, đào sâu về một vấn đề được coi là quan trọng trong bài học. Phim học tập cũng giống như phim truyện ở chỗ nội dung phim phải có trọng tâm, không dàn trải, liệt kê đặc biệt là phim học tập cho các bộ môn nghệ thuật dành cho đối tượng là sinh viên, những người đã có tư duy, nhận thức độc lập.
- Trong phim phải có định hướng cho những phần nội dung mang tính mở, với những nhận định mới, khác với giáo trình để khích lệvà phát triển cá tính trong nhận thức của người học.Không áp đặt, đóng khung bởi việc đánh giá, nhận xét một vấn đề về nghệ thuật thường có nhiều chiều, không quá quan trọng sự đúng, sai mà cần khuyến khích người học đưa ra cách nhìn nhận vấn đề mới, sáng tạo của riêng cá nhân.Đây cũng là điểm khác lớn nhất giữa phim học tập của các bộ môn nghệ thuật với các bộ môn khoa học.
Về hình ảnh trên phim:
-Phải phù hợp với nội dung bài học trong giáo trình, với phim về lịch sử mỹ thuật, hình ảnh các tác phẩm luôn được ưu tiên. Nếu là những phim biên soạn lại dựa trên các nguồn phim có sẵn trên Iternet phải chọn được những đoạn phim có chất lượng hình ảnh và âm thanh tương đối tốt.
-Phải lưu ý đến một số hình ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc và nội dung phim học tập trong nhà trường (trong các phim về mỹ thuật, đặc biệt là các trào lưu nghệ thuật hiện đại và đương đại phương Tây có nhiều tác phẩm gần với ranh giới của sự dung tục).
Về phương pháp dạy - học:
-Khác với thể loại phim truyện, phim dành cho học tập, phim giáo khoa nói chung khi xây dựng cần thể hiện rõ định hướng sử dụng phương pháp dạy học, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy học (PPDH ) phát huy tính tích cực chủ động, đồng thời nâng cao năng lực tự học tự nghiên cứu của người học đang được đề cao. Định hướng này phải được thể hiện qua nội dung từng phim và qua hệ thống câu hỏi và bài tập hướng dẫn tự học kèm theo.
-Cấu trúc, nội dung phim phải được thiết kế không chỉ để làm tài liệu cho người học tự học mà còn là phương tiện hữu hiệu giúp giáo viên tổ chức và điều khiển các hoạt động nhận thức của người học.
Tóm lại: việc xây dựng tài liệu lịch sử mỹ thuật ở dạng phim dùng cho mục đích dạy và học cần thể hiện rõ tính đặc thù của môn học và tính sư phạm. Đây là sự khác biệt chính giữa phim dành cho học tập với các thể loại phim khác và giữa môn học nghệ thuật với các bộ môn khoa học cơ bản.
2. Qui trình xây dựng phim về lịch sử mỹ thuật thế giới
Sau khi xác định rõ định hướng sử dụng, các yêu cầu cho thể loại phim học tập môn Lịch sử mỹ thuật, việc xây dựng phim được tiến hành qua các bước sau:
Bước 1: Nghiên cứu các phần, các chương, bài trong giáo trình Lịch sử mỹ thuật thế giới hiện hành, tìm ra những vấn đề trọng tâm cần làm phim và nghiên cứu kỹ các tài liệu liên quan đến những nội dung phim cần làm. Cần nghiên cứu mở rộng kiến thức hơn ngoài giáo trình.
Bước 2: Xác định cụ thể những phim cần làm ở mỗi chương, bài. Xây dựng kịch bản nội dung cho từng phim dựa vào giáo trình và vấn đề trọng tâm mà phim đề cập.
Bước 3: Sưu tầm các tài liệu viết, các hình ảnh, phim video bằng nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt phim được chia sẻ trên trang Youtube. Việc sử dụng các phim trên Internet cần có sự lựa chọn kỹ về nội dung và hình thức để phù hợp với mục đích sử dụng.
Bước 4: Tiến hành biên tập và dựng phim: lựa chọn các phần mềm có chức năng phù hợp với yêu cầu và khả năng sử dụng để biên tập lại các video đã có, bỏ những đoạn nội dung phim không phù hợp với định hướng sử dụng, bổ sung những nội dung cần thiết để nêu bật trọng tâm của vấn đề muốn thể hiện.
Bước 4: Chỉnh sửa, hoàn thiện và xuất phim với định dạng mong muốn ( lưu ý: lựa chọn những định dạng tương thích với các thiết bị đầu ra đang có)
Tóm lại: Qui trình để xây dựng phim học tập về lịch sử mỹ thuật thế giới về tiến trình không khác với các phim học tập khác. Tuy vậy do tính đặc thù của môn học nên có sự khác biệt nhiều ở phần chuẩn bị các dữ liệu nguồn.
3. Giới thiệu các phần mềm biên tập phim
Việc lựa chọn những phần mềm cho biên tập phim sẽ tùy theo yêu cầu về mức độ chuyên nghiệp của các dự án phim cụ thể và nhất là khả năng sử dụng phần mềm của người biên tập. Trên thực tế hiện nay có rất nhiều phần mềm có chức năng hỗ trợ cho việc biên tập và dựng phim tuy nhiên để thực hiện đề tài này chúng tôi đã chọn một số phần mềm sau:
-Phần mềm: Adobe Photoshop, dùng để xử lí hình ảnh, tạo nguồn dữ liệu cho phim
-Phần mềm: Aegisub, Total Video Converter, dùng để tạo và gắn phụ đề cho phim
-Phần mềm: Any Video Converter Ultimate, dùng để chuyển đổi định dạng phim
-Phần mềm: Adobe After Effects, dùng để tạo hiệu ứng cho các thành phần trong phim
-Phần mềm: Adobe Premier, dùng để biên tập và dựng phim.
Bằng kinh nghiệm của chúng tôi khi thực hiện đề tài. Chúng tôi thấy rằng nên chọn những phần mềm có tính chuyên nghiệp cho việc chuẩn bị dữ liệu là Adobe Photoshop và nhất là phần mềm biên tập, dựng phim Adobe Premier. Vì lí do; những phần mềm này cung cấp nhiều tiện ích, dễ dàng tương thích với các phần mềm đồ họa khác. Tuy nhiên nếu là dự án đơn giản thì có thể lựa chọn những phần mềm nhỏ nhẹ với bộ công cụ vừa đủ.
III. Phương pháp sử dụng tài liệu dạng phim trong dạy học học phần lịch sử mỹ thuật thế giới
1. Đối với giáo viên
Theo định hướng xây dựng phim, đây không phải là phim giáo khoa, giáo trình vì vậy khi khai thác cần lưu ý những yêu cầu sau:
-Việc sử dụng phim phải thể hiện rõ định hướng sử dụng PPDH tích cực, phát triển năng lực tự học, tự giải quyết vấn đề cho người học.
-Cần chú ý đến việc khuyến khích người học phát hiện ra những vấn đề cần thảo luận hoặc luôn có hệ thống câu hỏi và bài tập tự học cho người học nghiên cứu, trước khi coi phim.
-Không nên chỉ dùng phim tài liệu này vào mục đích minh họa cho lời giảng của giáo viên trong một tiết học nhằm hình ảnh hóa giáo trình.
-Dựa vào các định hướng chung về PPDH và sử dụng tài liệu mỗi giáo viên cần lựa chọn cho mình phương pháp khai thác tài liệu phù hợp và hiệu quả nhất. Không thể có công thức chung cho tất cả.
2. Đối với người học
Cần nhận thức rằng tài liệu dạy học hay những tác động từ giáo viên chỉ đóng vai trò khách quan, yếu tố quyết định đến chất lượng học phải là hoạt động tư duy tích cực của chính bản thân người học. [3,tr.69].Như vậy yêu cầu người học nếu muốn sử dụng tài liệu có hiệu quả thì cần loạibỏ tính thụ động trong học tập và suy nghĩ. Biết cáchhọc tập, làm việc độc lập nhưng cũng biếthợp tác chiasẻ, sángtạo và linh hoạt trong cách học. Để sử dụng các phim học tập này một cách hiệu quả, người học cần làm theo qui trình sau:
-Nghiên cứu trước bài học trong giáo trình chính thức, đồng thời tìm thêm các nguồn tài liệu khác ngoài giáo trình để mở rộng kiến thức và cập nhật những nhận định mới, đa chiều về một vấn đề nào đó của lịch sử mỹ thuật.
- Nghiên cứu hệ thống câu hỏi, bài tập theo định hướng của giáo viên
- Coi phim và tư duy một cách độc lập,trả lờicác câu hỏi và bài tập đã cho
- Tự mình đặt ra những vấn đề cần trao đổi, thảo luận nhóm sau khi coi phim
- Thảo luận trong nhóm về các vấn đề đã nêu, lựa chọn chủ đề cho bài thuyết trình và thiết kế bài thuyết trình.
3. Đánh giá hiệu quả sử dụng phim trong dạy học học phần Lịch sử mỹ thuật thế giới.
Để đánh giá bước đầu về hiệu quả của tài liệu một cách khách quan, chúng tôi đã tiến hành lấy ý kiến sinh viên lớp Sư phạm Mĩ thuật (đây là lớp sẽ học học phần Lịch sử mĩ thuật vào học kỳ 5) bằng cách cho dùng thử tài liệu và đánh giá tài liệu thông qua việc điền ý kiến của mình vào mẫu phiếu câu hỏi. Kết quả thu được như sau:
3.1. Đánh giá về chất lượng của tài liệu

Qua phiếu thu thập thông tin phản hồi về chất lượng toàn diện của tài liệu với tổng số 42 sinh viên được hỏi, kết quả tổng hợp được như sau:
Về chất lượng hình ảnh của các phim, có 95.23% số sinh viên được hỏi đánh giá là tài liệu rõ, dễ quan sát. Còn lại 4.76% số sinh viên cho là còn mờ, nhòe, khó quan sát tuy nhiên lại không có liệt kê nào về phim chưa tốt. Như vậy, có thể khẳng định rằng chất lượng hình ảnh của trong các phim là tương đối tốt.
Về phụ đề tiếng Việt, âm thanh trong phim, có 100% số sinh viên được hỏi đều đánh giá là phụ đề dễ đọc, dễ nghe. Như vậy có thể khẳng định rằng chất lượng của phụ đề và âm thanh trong phim là tốt.
Về câu hỏi bạn có hiểu được những nội dung được đề cập trong các đoạn phim, có 95.23% số sinh viên được hỏi cho là hiểu được. Còn lại 4.76% số sinh viên cho là rất khó hiểu. Như vậy có thể khẳng định rằng những nội dung được đề cập trong các phim tương đối phù hợp với trình độ nhận thức của người học.
Về sự thuận lợi khi sử dụng phim, có 95.23 sinh viên được hỏi cho rằng dễ sử dụng. Còn lại 4.76% sinh viên cho là rất khó sử dụng.
Như vậy thông qua kết quả thống kê đã cho thấy tài liệu này được đa phần sinh viên đánh giá là có chất lượng hình ảnh, âm thanh, phụ đề tương đối tốt và dễ sử dụng, nội dung đề cập trong các phim có thể hiểu được. Bên cạnh đó một số sinh viên cho là chưa tốt, chưa dễ sử dụng nhưng lại không chỉ ra được cụ thể là những phim nào.
3.2. Khảo sát về sự hứng thú do tài liệu mang lại
Khi được hỏi; giữa tài liệu dạng phim và tài liệu dạng in ấn, tài liệu nào tạo sự thu hút, hứng thú hơn trong học tập. Ở câu hỏi này có 95.23% số sinh viên được hỏi cho là tài liệu dạng phim tạo hứng thú tốt hơn cho việc học. Số sinh viên còn lại là 4.76% chọn tài liệu dạng in ấn.
Về câu hỏi; nếu được lựa chọn, bạn sẽ chọn dạng tài liệu nào cho việc học của mình, có 92.85% số sinh viên được hỏi chọn tài liệu dạng phim. Còn lại 7.14% chọn dạng tài liệu in ấn.
Với câu hỏi, khi học về lịch sử mĩ thuật, bạn thích được học với các dạng tài liệu nào. Có 97.61% số sinh viên được hỏi chọn tài liệu dạng phim kết hợp với giáo trình. Còn lại 2.38% sinh viên chọn chỉ có giáo trình dạng in ấn.
Về câu hỏi, tài liệu này có tạo được nguồn cảm hứng tự học cho bạn khi ở nhà?.
Có 95.23% số sinh viên được hỏi cho là có. Còn lại 4.76% cho là không.
Qua con số thống kê trên có thể khẳng định rằng tài liệu dạng phim có ưu thế thu hút, tạo hứng thú cho việc học của sinh viên hơn hẳn tài liệu dạng in ấn. Đây chính là mục tiêu mong muốn của tài liệu, bởi nếu người học tìm thấy sự hứng thú trong việc học thì chắc chắn kết quả học tập sẽ tốt.
3.3. Khảo sát về khả năng ứng dụng của tài liệu
Với câu hỏi, theo bạn tài liệu này có thể sử dụng làm tài liệu chính thức trong dạy và học học phần Lịch sử mĩ thuật thế giới ? Có 95.23% số sinh viên được hỏi cho rằng có thể, còn lại 4.76% số sinh viên cho là không thể.
Về câu hỏi, tài liệu này có tạo điều kiện thuận lợi cho bạn khi tự học hay không. Có 100% sinh viên được hỏi cho là có.
Với kết quả thống kê trên cho thấy rằng phần lớn sinh viên đồng ý với việc đưa tài liệu này vào giảng dạy cho học Lịch sử mĩ thuật thế giới và tất cả đều khẳng định rằng tài liệu này sẽ tạo thuận lợi cho việc tự học của họ.
Như vậy với những thông tin điều tra bước đầu đã cho thấy rằng, tài liệu này nếu được đưa vào giảng dạy, chắc chắn sẽ giúp nâng cao hiệu quả đào tạo cho học phần Lịch sử mĩ thuật thế giới. Tuy nhiên để đánh giá một cách thuyết phục hơn thì cần phải qua thử nghiệm thực tế tại lớp học. Để làm việc này chúng tôi sẽ phải cần thời gian hơn nữa.
Tài liệu này sẽ tiếp tục được chỉnh sửa hoàn thiện, cập nhật những phim mới, có chất lượng tốt hơn trong suốt quá trình giảng dạy học phần Lịch sử mĩ thuật thế giới của chính tác giả.

4. Kết luận
Dựa trên kết quả điều tra bước đầu, chúng tôi có thể khẳng định rằng việc sử dụng các tài liệu học tập dạng phim trong học phần Lịch sử mỹ thuật đã mang lại hiệu quả rất khả quan, đáng khích lệ. Điều quan trọng nhất và cũng là nút thắt lâu nay trong dạy và học môn học này là chưathật sự tạo ra được sự say mê, hứng thú và tinh thần học tập chủ động ở người học. Với việc sử dụng hệ thống phim đã biên soạn trên vào việc tổ chức các hoạt động học tập, sẽ cải thiện được những hạn chế nói trên. Người học đã được tạo điều kiện thuận lợi cho việc tự học và bắt đầu tìm thấy được sự hứng khởi của mình trong việc học học phần này. Đây chính là kết quả mà chúng tôi mong đợi khi thực hiện đề tài này.

Tài liệu tham khảo
[1].Ngô Quang Sơn, đề tài khoa học cấp Bộ B2002-49-33 , “Nghiên cứu xây dựng và sử dụng hiệu quả băng hình, đĩa hình giáo khoa góp phần đổi mới phương pháp dạy học ở THCS”, Hà nội 2005.
[2]. NguyễnXuân Trạch, Phạm Kim Đăng, Sử dụng phương tiện nghe nhìn trong đổi mới phương pháp giảngdạy,Trường đạihọc Nông nghiệp Hà Nội.
[3]. Phan Ngọc Liên, Trần Văn Trị, 1992, Phương pháp dạy học lịch sử, NXB GD, Hà Nội.

 

 

Th.S. Nguyễn Văn Tú
 

 
Khoa Nghệ thuật