Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Nghệ thuật ❯ Chi tiết
       
  07/04/2020 16:30        

Yếu tố siêu thực đương đại trong "Đô thị ảo" của Đào Quốc Huy

YẾU TỐ SIÊU THỰC ĐƯƠNG ĐẠI
TRONG “ĐÔ THỊ ẢO”CỦA ĐÀO QUỐC HUY

Nguyễn Văn Tú- khoa Nghệ thuật

Từ sau khi đất nước mở cửa (sau năm 1986), các khuynh hướng hội họa hiện đại và đương đại phương Tây như: Lập thể, Dã thú, Trừu tượng, Siêu thực và các loại hình Nghệ thuật đương đại như: Sắp đặt (Installation),Trình diễn (Performance),Video art, Pop art… đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thế hệ họa sỹ Việt Nam. Đặc biệt, sự đổi mới diễn ra rộng khắp ở lớp họa sỹ trẻ trưởng thành từ nửa cuối của thế kỷ 20. Giữa những đùng đùng “đổi”, “mới”, “ trăm hoa đua nở” của hội họa thời kỳ này, hội họa siêu thực trở nên lặng lẽ như là sự chuyển tiếp một cách tự nhiên từphương pháp hiện thực vốn đã quen thuộc ởgiai đoạn trước đổi mới. Xu hướng hội họa siêu thực thuần túy theo kiểu phương Tây ở Việt Nam không có nhiều họa sỹ theo đuổi, có lẽ vì nó đòi hỏi nhiều kỹ năng hàn lâm cùng tính kiên trì trong sáng tạo. Số ít họa sỹ chung thủy với xu hướng vẽ siêu thực ở các thế hệ khác nhau có thể kể đến Lê Huy Tiếp, Nguyễn Trung Tín, Nguyễn Đình Đăng… Còn lại những họa sỹ trẻ thuộc thế hệ trẻ 7x trở đi, hầu hết vẽ siêu thực với họ chỉ mang tính chất thử nghiệm.Vì vậy, tranh của họ phảng phất yếu tố siêu thực chứ không hoàn toàn đúng lý thuyết hình thức của Hội họa Siêu thực. Trong số những họa sỹ trẻ, Đào Quốc Huy là họa sỹ mà chúng tôi sẽ đề cập ở bài viết này với chuỗi những tác phẩm nổi bật mang yếu tố siêu thực với chủ đề “Đô thị ảo”.
Cũng giống như nhiều họa sỹ trẻ Việt Nam đã đề cập ở trên, Đào Quốc Huy không theo đuổi xu hướng siêu thực hoàn toàn về ngôn ngữ bề mặt. Mặc dù, tranh của anh, thoạt nhìn thấy rõ phần dị thường, hư ảo kiểu siêu thực phương Tây ở các hình tượng, tuy nhiên, lại rất khác ở nhân sinh quan của thời đại. Nếu phần nhiều các tác phẩm hội họa thuộc xu hướng siêu thực trên thế giới không chú trọng việc xác định thời gian lịch sử, không đề cập đến một vấn đềcụ thể của xã hội, thì hội họa mang tính siêu thực của Đào Quốc Huy lại ngổn ngang những vấn đề của xã hội Việt Nam đương đại.“ Đô thị ảo”(H1-H3), là một chủ đề mang tính liên hoàn trong nhiều tác phẩm của Đào Quốc Huy. Với những ẩn ý đa tầng, mỗi tác phẩm về “Đô thị ảo” như một bức ảnh chụp bất thình lình góc tối, góc sáng của chốn phồn hoa hư ảo. Cộng đồng trong “Đô thị ảo” như những nhân vật trong một bức tranh cắt giấy 3D.Con người, từng lớp cứ trồi lên, xẹp xuống theo trò chơi gấp mở đầy biến động của xã hội đương đại. “ Đô thị ảo” của họa sỹ Đào Quốc Huy vừa có cái hỗn độn, xô bồ bởi sự quẫy đạp bên trong từng phận người lại vừa câm lặng, riêng tư đến rợn người.Sự hỗn độn ởbên trong cả những hình hài quá khứ chết cứng đang bất động vô hồn bỗng thấy lộn nhào chao đảo trong thân xác kiếp luân hồi hiện tại, phù phiếm. Đối với Đào Quốc Huy,“Đô thị ảo”như một sân khấu lớn của xã hội đương đại,bày ra đầy ắp các mặt đối lập vốn luônlà bản chất của cuộc sống.Cóxưa và nay, có hiện tại và tương lai, thiên thần và ma quái, thầy tu và vũ nữ, mặt người và mặt nạ, sự hạnh phúc yên bình và cả nỗi hoang mang bất ổn của cuộc sống đương đại… Tất cả đều có, đều ngổn ngang đồng hiện, ngang hàng phải lứa, không chính, không phụ, cùng lặng lẽ vung vẩy tay chân, lắc lư những thân hình trống rỗng, xoay qua, ngoái lại ngơ ngác như những hình nộm trước cơn gió đô thị vô định thổi từ bốn phương tám hướng. Những con người trong xã hội đương đại hay những ma-nơ-canh lòe loẹt phấn son, vô hồn trong chốn đô thị phồn hoa? Hay ta đang thấy ảo ảnh giữa ban ngày?
Cùng chung nền cảm hứng sáng tác về chủ đề “ Đô thị ảo”, nhưng ở một góc khuất khác của đô thị đương đại,tác phẩm “Người giấy”(H4) của Đào Quốc Huy lại dẫn ta đến nhiều nghi vấn nhỏ trong một câu chuyện lớn không chỉ của riêng ai. Không quá hư ảo, dị thường, cảnh trong tác phẩm “Người giấy” của Đào Quốc Huy nhìn quen như “Người thật”. Bởi, tràn đầy mặt tranh là một đám “nhân bản vô tính” vừa nam, vừa nữ đang lặng lẽ đuổi theo bầy hồ điệp - tượng trưng cho sự mỹ lệ, hạnh phúc và tự do của con người - phấp phới dập dờn dẫn dắt những “linh hồn giấy” đi qua những mê cung hẹp của phố thị chất ngất bởi tiền. Hình ảnh này không xa lạ với hiện thực thị giác và triết lý nhân sinh của “Người thật”. Nếu có lạ, thì đó là những hình hài “ngoại lai” trên khắp bề mặt tác phẩm, ngoại trừ chiếc đèn dầu lăn lóc dưới đường, chắc không phải vô tình. Cái quen trong “Người giấy” của Đào Quốc Huy đến từ trực giác mách bảo rằng “Người giấy”, có khi nào họ chính là ta, là chúng ta, những “cái bóng của hiện tại” đang loay hoay mong thoát khỏi cái mê cung chật hẹp của phố thị lạnh lẽo vô hồn mà nhiều “Người thật” cứ cho là thiên đường nơi hạ giới, là đích đến cuối cùng và duy nhất trong cuộc hành trình bất tận của con người ?Đã bao giờ chúng ta dám “hỏi lớn”, rằng có phải ta đang trong một vòng luẩn quẩn bởi những lực hút ma quái, ảo thanh, siêu hình được tạo ra ngay trong chính mỗi chúng ta. Câu trả lời sẽ là có nếu chúng ta chắc rằng mình đang là “Người thật”. Vậy, yếu tố siêu thực trong “Người giấy” có phải chính là sự trộn lẫn đám hình hài rất thực với những ảo ảnh, hoang tưởng tự cao về đích đến thực sự của mỗi con người?
Chốn “đô thị” của Đào Quốc Huy chắc không đơn thuần chỉ là sự tái hiện hình ảnh chốn phồn hoa siêu thực thoảng qua trong những cơn mộng mị thị thành, cũng không hẳn là hiện thực thị giác trong một thành phố tương lai. Có khi nào Đào Quốc Huy đang vẽ trạng thái hiện tại của bạn, của tôi, của cả những người xung quanh hoặc là anh vẽcác bản sao của chính mình đang nhào lộn trong “Đô thịthật” của hiện tại, không phải những trạng thái của thế giới tương lai giả tưởng?Hay đơn giản chỉ là vẽ đám ma-nơ-canh trong cửa tiệm?
Những nhân vật trong “Đô thị ảo”, “Người giấy” của Đào Quốc Huy thực ra chỉ là một hay nói cách khác tất cả đều đang tồn tại trong “Người thật” - một sản phẩm của xã hội đương đại. Ở đây, con người đang là nạn nhân của chứng “tự thôi miên”, một bệnh dịch của xã hội đương đại không có thuốc đặc trị chung cho tất cả. Liều thuốc hữu hiệu nhất nằm ở trong sự thức tỉnh nội tại của chính mỗi con người. Hội họa mang tính siêu thực của Đào Quốc Huy không có cái phi lý, huyền ảo giữa hư và thực hay ẩn giấu thực tại cùng sự phô diễn kỹ thuật như xu hướng hội họa Siêu thực phương Tây. Anh chỉ mượn “một chút” ngôn ngữ bề mặt của Siêu thực để biểu đạt những suy tư sâu lắng về những “Người thật” trong “Đô thị thật” đương đại, trong đó hình như có anh.


TÀI LIỆU THAM KHẢO


[1] Bùi Như Hương. (2009).“Vài nét về mỹ thuật Việt Nam từ 1986 đến nay”.Tạp chí Mỹ thuật,số(194)2009, tr. 16-25.
[2] Bội Trân. (2007), “Mỹ thuật Việt Nam đương đại nhìn từ bên ngoài”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật,số(11)2007, tr. 61.
[3] https://thethaovanhoa.vn/van-hoa/hoa-si-dao-quoc-huy-voi-do-thi-ao-ve-de-cham-vao-hanh-phuc-n20121128100848304.htm


HÌNH ẢNH MINH HỌA

 

cđ1
H1. Tác phẩm "Bóng của hiện tại", sơn dầu, Đào Quốc Huy

 

cđ2
H2. Tác phẩm "Mùi son phấn", sơn dầu, Đào Quốc Huy

cdd3'
H3. Tác phẩm "Adam và Eva", sơn dầu, Đào Quốc Huy

cđ4
H4. Tác phẩm “Người giấy”, Sơn dầu, Đào Quốc Huy


 

 
Khoa Nghệ thuật