Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Nghệ thuật ❯ Chi tiết
       
  01/05/2020 14:59        

Một số biện pháp dạy hát cho thiếu nhi

MỘT SỐ BIỆN PHÁP DẠY HÁT CHO THIẾU NHI

Tác giả: Th.S Trần Hữu Nhật Hoàng

Xuất phát từ kết quả những hoạt động tìm hiểu về tình hình thực trạng dạy hát cho thiếu nhi, dựa trên cơ sở những điều kiện đặc thù của bộ môn thanh nhạc, cho thấy một số biện pháp, thủ thuật, cách thức trong dạy học cần thiết được xem xét và cân nhắc:
Biện pháp thứ nhất:
- Hãy mở đầu giờ học hát bằng không khí âm nhạc:
Theo nhận thức của mọi người, giờ học hát là một giờ học nghệ thuật chứa đựng nhiều yếu tố phong phú và hấp dẫn, luôn luôn được học sinh mong chờ và đón đợi. Ở đây, dưới sự tổ chức điều khiển của giáo viên, các em sẽ được thể hiện năng lực tài tình của mình, được chứng tỏ khả năng chinh phục mọi người bằng thế mạnh của bản thân, qua đó nói lên sự trưởng thành trong cuộc sống của từng cá thể trong tập thể. Thật vô cùng hấp dẫn, lý thú và lôi cuốn các em.
Thế nhưng trong thực tiễn, rất đáng tiếc rằng, một số giờ học hát lại đã được mở đầu bằng những hình thức khá buồn tẻ, chứa đựng một không khí hết sức khô khan, nặng nề, thiếu sự sinh động. Nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy các hoạt động diễn ra vô cùng khiên cưỡng, cứng nhắc và máy móc, thực sự không hề cần thiết đối với môi trường học sinh lớp 1.
Ví dụ như: điểm danh, nhắc nhở, qui định, ra lệnh... cùng với những âm lượng cũng như giọng nói quá mức không cần thiết, sắc thái âm thanh mang tính lạnh lùng, ít thân thiện. Quan hệ thiếu hẳn không khí vui tươi sôi nổi, lôi cuốn thu hút, làm thui chột sự tích cực, hăng hái, nhiệt tình. Làm tiêu tan sự phấn chấn hồ hởi mong chờ về một giờ học đầy ắp sự vui vẻ, luôn được các em học sinh đón đợi như những gì chúng hay được nhận từ phần thưởng mà thầy cô thường đem lại cho các học trò mỗi khi đạt danh hiệu chăm ngoan, học giỏi.
- Hình thức thực hiện:
Phải tạo được không khí âm nhạc ngay từ khi mở đầu giờ học là việc làm hết sức cần thiết. Yêu cầu này mang yếu tố tạo điều kiện thuận lợi về tâm lý cho người học trước khi tiến hành hoat động giáo dục, nó được đánh giá rất cao. Đây còn là sự thể hiện dồi dào về nghệ thuật trong phương pháp giảng dạy thuộc về những giáo viên có bản lĩnh, có tay nghề.
Để có được bầu không khí sung mãn nhất cho các em trước khi vào giờ học, đó có thể là một bài hát tập thể, tạo nền tảng cho không khí vui tươi, tích cực, phấn khởi khi bước vào học tập với tất cả mọi người học.
Đó cũng có thể là một câu chuyện ngắn, nhưng vui vẻ, hài hước và dí dỏm... được thầy cô kể ngay đầu giờ học. Trong lớp học, không gian sẽ như vỡ ra, mọi người thêm vui vẻ, gần gũi, thân thiện, hòa đồng, thân ái, giúp đỡ nhau cùng học tập, niềm hân hoan tràn đầy.
Hoặc đó cũng có thể chỉ là những câu hỏi đố, một trò chơi đơn giản... có nội dung liên quan gần với nội dung của bài dạy sau đó, nhằm tạo không khí nỗ lực thi đua, tích cực xây dựng bài, hăng hái phấn đấu trong học tập.
- Tác dụng hiệu quả:
Hiệu quả của sự mở đầu giờ học, dẫn nhập vào bài học một cách sinh động, tài tình thể hiện cái tâm của người dạy. Đây chính là thông điệp mà bạn đã gửi đến học sinh, nó như báo hiệu rằng: sẽ là một giờ học rất bổ ích và đầy lý thú.
Tạo được không khí âm nhạc ngay từ khi mở đầu giờ học là sự ổn định tổ chức bằng hình thức sinh động, nhẹ nhàng, như vậy sẽ đem lại một không khí phấn khởi, vui tươi, có hiệu quả tốt nhất, chất lượng nhất cho người học. Tất cả đều phụ thuộc vào tài tổ chức các hoạt động dạy học của người giáo viên, có được như vậy mới thật sự là: “học mà như chơi...”
Biện pháp thứ hai:
- Giảm áp lực nặng nề trong dạy học, kiểm tra bài cũ:
hực tế cho chúng ta thấy, đã có những học sinh tránh né, ngại ngùng, bỏ giờ, trốn học trước khi bước vào giờ học âm nhạc. Đúng vậy, những biểu hiện khi học sinh viện ra các lý do nhằm cố tình tránh né giờ học âm nhạc là có thật. Nhìn lại những nguyên nhân sâu xa, cũng có rất nhiều điều mà chúng ta cần phải suy ngẫm.
Cũng thật chính đáng khi các học sinh đưa ra lý do: “Không có năng lực ca hát”, điều đó tất nhiên sẽ đem lại sự chán nản, thiếu hưng phấn nhiệt tình trong học tập cho các em. Nhưng cũng phải nhìn nhận một cách nghiêm túc rằng: “hiện trạng đó có phần trách nhiệm thuộc về các giáo viên”, những người đảm nhận khâu tổ chức điều khiển giờ học, cầm cân nảy mực trong việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh.
Cách nhìn nhận của một số giáo viên về kiến thức của môn học, quan niệm của một số thầy cô về khả năng cần đạt được đối với học sinh nói chung, sự đòi hỏi quá mức cần thiết đối với thiếu niên nhi đồng nói riêng còn xa rời với thực tế, thiếu sự phù hợp về tâm lý học khi dạy học hát với đối tượng trẻ em. Đó có thể chính là nguyên nhân khiến xuất hiện tư tưởng tiêu cực trên đây ở các em khi bước vào giờ học tập bộ môn thanh nhạc.
Hình thức kiểm tra, cách đánh giá là một thực trạng cần được xem lại. Đã có những ngộ nhận của một số thầy, cô về tính hiệu quả của hoạt động này. Giáo viên lựa chọn thời điểm kiểm tra, hình thức kiểm tra cũng như nội dung kiểm tra còn máy móc, cứng nhắc, chưa quan tâm đến sự phù hợp với đối tượng về nhận thức, về tâm sinh lý...
Đánh giá về năng lực nghệ thuật của trẻ em đâu phải như xem chúng thực hiện một phép tính: 1+1=2. Đây là một việc làm không thể đòi hỏi quá cao cũng như không thể tùy tiện phán xét, người giáo viên cần hết sức cẩn trọng tránh tạo nên những áp lực không cần thiết.
- Hình thức thực hiện:
Để thể hiện sự điêu luyện trong nghệ thuật dạy học, có rất nhiều cách mà người giáo viên có thể tiến hành thẩm định chất lượng của người học. Không phải chỉ có một hình thức kiểm tra khi tiến hành đối với cá nhân, và cũng không phải chỉ nhất thiết tiến hành kiểm tra bài cũ ngay đầu giờ học. Những việc làm đó, chưa chắc đã nói lên chất lượng của người học, mà chỉ thể hiện sự bất lực của giáo viên trong phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh.
Việc kiểm tra đánh giá chất lượng học tập có thể được xem xét dưới các khía cạnh khác nhau:
- Cá nhân ấy tham gia trong môi trường tập thể như thế nào?
- Thực hiện yêu cầu đặt ra với tốc độ nhanh hay chậm so với tập thể?
- Có thực hiện một cách dễ dàng, tự nhiên không?
- Sự hiểu biết một cách tổng quát ra sao?
- Nguyên nhân nào là yếu tố quyết định đến kết quả của đối tượng?
Tất cả đều là những vấn đề có thể cần được quan tâm thêm.
Ngoài ra còn có thể kiểm tra ở khía cạnh nhận thức, hiểu biết kiến thức chung nữa... Kiến thức đạt được trong môn học về thanh nhạc không phải chỉ duy nhất là sự trình bày tác phẩm nghệ thuật ấy, mà nó còn thể hiện thông qua sự nhận biết, thói quen, thông hiểu một cách rộng rãi hơn ngoài phạm trù nghệ thuật. Đó cũng chính là thái độ thông qua sự hiểu biết để hoàn thiện về nhân cách con người, về tính chân thiện mỹ, về nhân sinh quan lành mạnh của con người mới. Âu đó cũng là mục tiêu cao quí nhất mà chúng ta hằng mong mỏi dành cho trẻ thơ nói chung và cụ thể là thiếu niên nhi đồng nói riêng.
- Tác dụng hiệu quả:
Trong môi trường không chuyên nghiệp về nghệ thuật, những con điểm thật là vô tri, vô giác, nhất là với thiếu niên nhi đồng khi học thanh nhạc. Vậy mà đâu đó vẫn còn có những những thầy cô sẵn sàng cho điểm thấp, mà thậm chí còn là điểm liệt nữa cơ đấy. Không phải vô cớ khi Bộ Giáo Dục vừa có qui định về việc “Không tính điểm kiểm tra học kỳ về Âm nhạc với học sinh Tiểu học”. Đó là nội dung của thông tư số 32 do Bộ GD-ĐT vừa ban hành ngày 27/10/2009 đã thật sự giảm bớt áp lực trong học tập và thi cử cho học sinh bậc Tiểu học.
Thật vậy, chẳng có cơ sở nào để chúng ta tiến hành cân đong đo đếm về năng lực âm nhạc đối với lứa tuổi này, hơn nữa, một lời động viên, một cái nhìn khích lệ nhiều khi lại có ý nghĩa sâu sắc vô cùng, và có khi còn có thêm sức mạnh giúp các em vượt qua khó khăn để đạt được kết quả cao như mong muốn. Biết đâu đấy, một nhân tài đỉnh cao của mai sau lại trông chờ vào bạn, chính là từ thời điểm này đây.
Tóm lại, đừng biến giờ học âm nhạc của trẻ thơ, mà nhất là của thiếu niên nhi đồng, thành một giờ học vất vả, giờ học mệt nhọc, giờ học với những gì đáng sợ và ghê gớm.
Biện pháp thứ ba:
- Hướng dẫn hát mẫu khi dạy bài mới cần phải rõ ràng, chính xác ngay từ lần đầu tiên:
Các bài hát trong chương trình bài hát lứa tuổi thiếu niên nhi đồng, là những bài hát có cấu trúc ngắn, gọn, nội dung đơn giản, dễ thuộc, dễ nhớ. Đề cập đến các mối quan hệ gần gũi giữa những người thân trong gia đình, bạn bè, thầy cô giáo... Ca từ mộc mạc, cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu... Với tính thực tiễn khá đơn giản ấy, giáo viên trẻ tuổi đời cũng như trẻ tuổi nghề thường có tâm lý chủ quan, vội vàng, sốt ruột... khi tiến hành hoạt động dạy học, nếu không chú ý, dễ dẫn đến sự hấp tấp, sơ sài, qua loa, chiếu lệ...
Khi dạy hát, thông thường giáo viên trẻ hay yêu cầu trẻ thơ hát ngay sau khi hát mẫu hướng dẫn một cách chưa chu đáo, chưa đúng phương pháp. Điều này rất ảnh hưởng đến quá trình cảm thụ âm nhạc của trẻ. Gặp một bài hát mới, người giáo viên trình bày hát mẫu bài hát hoặc câu hát sẽ dạy một cách sơ sài, vội vã, hời hợt, vô cảm... rất dễ dàng dẫn đến kết quả trẻ hát bị sai.
Nguyên nhân là rất nhiều, có thể do điều kiện thời gian tiếp cận quá nhanh, môi trường quá hạn chế, chưa kịp phân biệt nhận biết, chưa cảm thụ được gì qua hoạt động hát mẫu, thiếu sự chuẩn xác trong hoạt động làm mẫu của giáo viên. Song hơn nữa, chính chúng ta (có thể vì không được đào tạo chuyên nghiệp, không có năng lực ca hát) cũng khó lòng đảm bảo sự chính xác với tác phẩm, trở thành nguyên nhân chính dẫn đến việc tiến hành làm mẫu thiếu sự chuẩn xác, ảnh hưởng lớn đến quá trình tiếp thu của trẻ.
Ngoài ra, việc tiến hành hát mẫu còn có hiện tượng tùy tiện trong phương pháp, phổ biến là tình trạng đi ngược lại với qui trình đặc thù dạy học bộ môn âm nhạc (nhiều giáo viên thường gõ đàn theo giai điệu của bài hát, rồi sau đó mới tiến hành hát mẫu câu hát sẽ dạy). Thực tế có nhiều giáo viên trình bày hát mẫu thiếu chuẩn xác, và khi trẻ đã thuộc lòng với cách hát sai, thiếu chuẩn xác của giáo viên, dẫn đến việc sửa sai là điều rất khó khăn và sẽ mất rất nhiều thời gian cho công việc này nếu ai đó có quan tâm đến độ chuẩn xác với tác phẩm, tác giả.
- Hình thức thực hiện:
Trong tương lai, nếu như tất cả các giáo viên dạy môn âm nhạc đều là những “ca sĩ, nhạc sĩ” chuyên nghiệp thì có lẽ cũng vẫn cần phải luận bàn đến khái niệm “Hát mẫu khi dạy bài mới cần phải rõ ràng, chính xác, khoa học ngay từ dầu”. Đây chính là yếu tố thuộc về phương pháp, về qui trình, về sự đảm bảo kỹ năng chuẩn xác trong dạy học âm nhạc (xin được phép không đi sâu trao đổi ở đây về yếu tố Diễn cảm, diễn xuất...).
Trong thực tế, không phải không có giáo viên thực hiện tốt việc hát mẫu khi dạy hát, nhưng điều đó không phải là đa số mà chỉ là thiểu số các giáo viên đạt được yêu cầu này. Đa số các thầy cô thường chỉ hát “mẫu” sơ qua rồi yêu cầu trẻ thực hiện bắt chước ngay sau đó, không hề quan tâm đến độ chuẩn xác. Thường là bỏ qua công đoạn quan trọng hơn cả “mẫu”, đó chính là thị tấu lại giai điệu của bài hát trên nhạc cụ đã được trang bị.
Trong khi đó, đúng ra, giáo viên phải hát mẫu câu sẽ dạy hát từ 1 đến 2 lần trước đã, rồi sau đó sẽ gõ lại giai điệu của câu hát mẫu trên đàn, và tiếp theo mới yêu cầu trẻ thực hiện nhiệm vụ tái hiện. Điều đó sẽ giúp cho trẻ rất nhiều trong việc thẩm định và ghi nhớ độ chuẩn xác thông qua cây đàn với độ đáng tin cậy cao. Đồng thời sẽ hạn chế cũng như sẽ rút ngắn được các công đoạn vô ích không cần thiết cho việc sửa hát sai sau này.
Khi hát mẫu, làm mẫu cho trẻ, Giáo viên chỉ nên giới hạn trong phạm vi phù hợp của một đơn vị cấu trúc âm nhạc, không làm mẫu quá dài hoặc quá ngắn so với một cấu trúc chúng ta sẽ dạy, nhằm tạo được sự tập trung thuận lợi trong quá trình tiếp thu của trẻ.
- Tác dụng hiệu quả:
Với biện pháp “Hát mẫu khi dạy bài mới cần phải rõ ràng, chính xác, khoa học ngay từ lần dầu”, giáo viên sẽ giúp cho người học tập trung được sự chú ý của mình vào “hoạt động làm mẫu chuẩn mực” của thầy cô, rồi sau đó còn có cơ hội được cảm thụ âm thanh và có được độ chính xác cao trên cây đàn.
Hiệu quả đem lại là không nhỏ, có thể nói đây là cách làm khoa học nhất, tiết kiệm thời gian tập luyện ít nhất và có được hiệu quả cao nhất. Thực hiện tốt biện pháp này, chúng ta đã giúp rất nhiều cho trẻ trong quá trình cảm thụ, hình thành ý thức thẩm mỹ lành mạnh, hình tượng nghệ thuật không bị méo mó sai lệch... giúp cho người học mau thuộc, mau nhớ, mau thực hiện tái tạo một cách chính xác, tiến đến là chủ động sáng tạo một cách thông minh.
Biện pháp thứ tư:
- Chuẩn bị đồ dùng dạy học cần thể hiện được tính tích cực hóa hoạt động của học sinh, tính tích hợp nội dung trong dạy học:
Giáo viên dạy nhạc tuy đã có nhiều cải thiện về trình độ về âm nhạc, thể hiện sự nhiệt tình, lòng tâm huyết song vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong khâu tổ chức, thiết kế các hoạt động dạy học.
Đa số giáo viên còn nhiều hạn chế, thiếu tính sáng tạo dẫn đến thiếu sự quan tâm đến việc phát huy tính tích cực của người học, chưa vận dụng triệt để quan điểm tích hợp trong quá trình dạy học âm nhạc. Phương pháp mà giáo viên sử dụng trong giờ dạy hát còn đơn điệu, khô khan về hình thức tổ chức. Thiếu sự phong phú, sinh động về trình bày nghệ thuật trong môi trường học tập, thể hiện sự chưa đảm bảo phù hợp với yêu cầu đặc thù của bộ môn âm nhạc.
Âm nhạc không phải là loại hình nghệ thuật ca hát đơn điệu bằng việc phát ra những âm thanh đơn thuần. Để thể hiện có hiệu quả loại hình nghệ thuật này, cần phải vận dụng thêm yếu tố diễn cảm, diễn xuất. Hay nói cách khác phải tích hợp hai khả năng Nghe - Nhìn với nhau để tăng cường tính trực quan trong học tập môn âm nhạc cho học sinh.
Bên cạnh việc truyền thụ cho các em nội dung các bài hát, cách hát, cách gõ phách, gõ nhịp của bài hát, từng bước hướng dẫn các em dần dần thực hiện chính xác về cao độ, trường độ, điệu thức, nhịp độ… một vấn đề quan trọng mà giáo viên còn thiếu hoặc không chú ý đến số lượng các bài hát thay thế, có liên quan gần, bổ sung thêm các bài hát khác ngoài bài học đang dạy, chưa giới thiệu thêm cho các em những bài ca, những làn điệu dân ca của địa phương, của nhiều vùng miền trên đất nước... làm hạn chế nhiều về sự cảm thụ mở rộng nhận thức cho các em.
- Hình thức thực hiện:
Để tăng thêm phần sinh động, tạo hứng thú cho người học, sự tham gia chuẩn bị, đóng góp của từng cá nhân học sinh về đạo cụ, đồ dùng sử dụng trong quá trình thể hiện tác phẩm âm nhạc rất có ý nghĩa. Tạo được môi trường sinh động, phong phú trong giờ học, đem lại hưng phấn cho người học...
Cộng thêm vào đó là sự vận dụng tài tình của người giáo viên, tổ chức như thế nào cho thật hiệu quả, thật lôi cuốn hấp dẫn, thật sinh động đầy bất ngờ. Làm sao để người học thấy rằng mình là nhân vật chính trong mọi hoạt động, được trực tiếp thể hiện và trình bày. Hay có thể nói cách khác rằng người giáo viên cần tạo nên một sân chơi trong quá trình học tập nghệ thuật, điều đó sẽ hấp dẫn và thu hút vô cùng đối với trẻ em.
Bạn hiểu thế nào là tính trực quan trong học tập về âm nhạc? Điều này được khẳng định đó chính là mức độ đáp ứng nhu cầu tiếp xúc thông qua: Nghe - Nhìn!
Một số kinh nghiệm như cần phải sưu tầm thêm tranh ảnh để tích hợp trong dạy học; một số bài hát cần tích hợp với những câu chuyện, bài thơ… Vấn đề này nhiều giáo viên còn chưa làm được, hoặc làm vẫn còn sơ sài, có tính chiếu lệ. Trong khi dạy chưa chú ý cho trẻ luyện tập hát dưới nhiều hình thức tổ chức phối hợp khác nhau, chưa quan tâm đúng mức đến việc kết hợp với các hình thức thể hiện khác như múa, tổ chức trò chơi, nhảy vận động phụ họa… để gây hứng thú, hấp dẫn đối với các em trong khi học.
Vấn đề tích hợp cũng cần theo nguyên tắc chứ không phải tích hợp một cách tùy tiện. Đó chính là lối tích hợp theo chiều dọc hoặc lối tích hợp theo chiều ngang. Tích hợp theo chiều dọc, được hiểu là sự tích hợp có ý nghĩa trong nội tại của loại hình nghệ thuật âm nhạc mà thôi. Giáo viên có thể liên hệ giới thiệu thêm những lời ca, câu hát, nhịp điệu của các ca khúc, các bản nhạc có liên quan gần. Có thể có nội dung, có đề tài gần với nhau, hoặc có đường nét giai điệu, có âm hình tiết tấu tương đồng với nhau... Còn tích hợp theo chiều ngang, được hiểu là sự tích hợp giữa các loại hình nghệ thuật tồn tại song hành cùng nhau, bổ trợ cho nhau, có mối quan hệ mật thiết với nhau. Ví dụ Âm nhạc với Mỹ thuật, Văn học, Thơ (Văn vần), Ca dao, Múa, Kịch câm, Phim, Ảnh, Thể dục nhịp điệu...
- Tác dụng hiệu quả:
Đa số các giáo viên đều không yêu cầu các em phải tự trang bị hoặc chưa khuyến khích các em tự trang bị những dụng cụ, một số đạo cụ (cờ, quạt, súng ống, giáo mác…), nhạc cụ gõ tự làm từ các nguyên vật liệu dễ kiếm như phách làm bằng tre, xúc xắc làm bằng các chai nhựa chứa các viên sỏi, lục lạc cũng có thể làm bằng cách tán dẹp các nắp bia và xâu chuỗi lại… và một số các dụng cụ tự tạo khác nữa, cốt sao tạo ra được các âm sắc khác nhau để học sinh gõ đệm khi hát là có sư sinh động, phong phú và hấp dẫn hơn. Những dụng cụ đó, mặc dù chất lượng âm thanh chưa có sự hoàn chỉnh như một nhạc cụ, nhưng điều đó hoàn toàn không quan trọng. Quan trọng là các em thấy niềm hứng thú trong âm nhạc, tìm thấy sự đam mê khi được sử dụng những sản phẩm do tự mình làm ra.
Tích hợp như vậy, chúng ta đã thực sự tiến hành công việc giáo dục âm nhạc bằng nhiều con đường, bằng nhiều cách thức. Có các thủ thuật, có các cách thức khác nhau khi thực hiên một công việc thì chắc chắn rằng sẽ đạt được mục đích giáo dục, hay nói chính xác là hiệu quả công việc giáo dục sẽ cao hơn nhiều.
Biện pháp thứ năm:
- Vận dụng phối hợp các trang thiết bị, đồ dùng dạy học trong khi lên lớp cần nhuần nhuyễn và có hiệu quả:
Nguyên nhân của thực tiễn này được xác định rằng, năng lực sử dụng thiết bị của Giáo viên còn nhiều hạn chế. Tâm lý ngại sử dụng những thiết bị điện tử phức tạp, sợ nhầm lẫn dẫn đến sự lúng túng, rắc rối, luộm thuộm trong thao tác dạy học. Chủ yếu chỉ dừng lại ở mức độ khai thác một số hình ảnh minh hoạ trong sách và các tranh ảnh, bản đồ do giáo viên tự trang bị, trong khi các phương tiện tranh ảnh, hình vẽ, bản đồ… dùng để minh hoạ và cũng hết sức đơn điệu, nhàm chán, tạo nên sự kém hứng thú trong học tập cho người học.
Đã có những giờ dạy được một số giáo viên tiến hành rất tốt, rất hiệu quả. Song vẫn còn đó, một số tiết dạy của các thầy cô sử dụng, khai thác tính năng của công nghệ thông tin chưa cao, thậm chí còn phản tác dụng. Có thể giáo viên chưa nắm vững hết tính năng, công dụng của trang thiết bị, nên phần nào chưa khai thác hết. Nhưng cũng có những trường hợp cá biệt, loay hoay mãi với các thao tác nhầm lẫn trong vận hành thiết bị, dẫn đến tiến trình giờ dạy bị đình trệ, ảnh hưởng chất lượng dạy học.
- Hình thức thực hiện:
Vậy làm gì để sử dụng phối hợp một cách thuần thục có tính nghệ thuật các trang thiết bị, đồ dùng dạy học trong khi lên lớp?
Trước hết, người giáo viên cần phải tìm hiểu một cách cụ thể về tính năng, tác dụng, hiệu quả sử dụng đối với từng chủng loại trang thiết bị đồ dùng dạy học. Qua đó tiến hành luyện tập phối hợp cách vận hành sử dụng một cách thuần thục. Sau đó lên kế hoạch tiến trình việc sử dụng các đồ dùng trang thiết bị một cách chu đáo, khoa học, có hiệu quả, phù hợp với từng thời điểm trong tiết dạy.
Nhưng theo tôi, quan trọng nhất vẫn là sự lựa chọn vận dụng một cách phù hợp từng trang thiết bị ở vào từng thời điểm cho phù hợp nhất với tính năng tác dụng của nó. Nói cách khác là phải đúng qui trình.
Điều này hoàn toàn nằm trong sự thiết kế sáng tạo có tính toán những hoạt động dạy học linh hoạt có hiệu quả của các bạn. Ví dụ Bài hát này có mấy câu sẽ dạy? Mỗi câu đó (tùy vào đặc trưng của từng câu), chúng ta dự kiến sẽ tiến hành dạy ra sao? Lúc nào cần củng cố, bổ sung bằng loại phương tiện dạy học nào? Vì vậy, sự phối hợp là cần thiết và phải có sự chuẩn bị một cách chu đáo, không qua loa, chiếu lệ.
- Tác dụng hiệu quả:
Việc sử dụng đồ dùng trang thiết bị dạy học không phải chỉ dừng lại ở chức năng là phương tiện dạy học có tính trực quan đơn thuần nữa. Ở đây, trong lĩnh vực nghệ thuật, dưới triều đại kỹ thuật số, việc sử dụng đồ dùng trang thiết bị dạy học còn hàm chứa trong nó sự tích hợp tổng hợp các loại hình nghệ thuật, ở một mức độ chọn lọc nhất, tinh hoa nhất của từng thể loại nghệ thuật.
Thật vậy, các em học sinh sẽ có điều kiện được tiếp cận một cách trực diện với nghệ thuật, chứ không phải chỉ nghe thầy cô mô tả, kể chuyện, giới thiệu... Các em có dịp được mắt thấy, tai nghe, tay làm (thực hiện động tác), chân bước đi(vận động di chuyển)... Tất cả đều diễn ra trước mắt thông qua trang thiết bị Nghe - Nhìn, ở đó đã có sự cân nhắc lựa chọn rất kỹ lưỡng của đội ngũ các diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ, nhạc sĩ sáng tác, nhạc sĩ hòa âm phối khí, đạo diễn, âm thanh ánh sáng, hóa trang, đạo cụ, trang phục, sân khấu... Có thể nói đây là bài học Nghệ thuật ở đỉnh cao của chất lượng. Còn chần chừ gì nữa mà không tiến hành?

 

 

 
Khoa Nghệ thuật