- Dẫn nhập
Xã hội Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức của cuộc hội nhập sâu rộng về mọi mặt.Sự thành công của công cuộc hội nhập phụ thuộc rất nhiều vào giáo dục. Nhận thức rõ về vấn đề này, trong Chỉ thị số: 2699/CT- BGDĐT về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017-2018 của Bộ GDĐT cũng đã yêu cầu “giáo dục phổ thông tập trung đổi mới phương thức dạy học; chú trọng việc học đi đôi với hành, phát triển phẩm chất và năng lực người học…”.Môn Mỹ thuật tất nhiên không nằm ngoài công cuộc đổi mới này.Tuy nhiên, việc lựa chọn phương thức, phương pháp (PP) dạy học nào phù hợp với đặc thù môn học và đáp ứng được những yêu cầu trên đòi hỏi phải có những nghiên cứu, thử nghiệm. Trong số những PP dạy hiện đại, chúng tôi nhận thấyDạy học theo dự án (DHTDA) là một trong những phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâmđã được nhiều nước trên thế giới áp dụng có hiệu quả. Đặc biệt, phương pháp này rất phù hợp với tính đặc thù của môn học mỹ thuật ở tất cả các cấp học. Do đó, theo chúng tôi nếu áp dụng PPDHTDA cho môn Mỹ thuật, học sinh sẽ được phát huy tốt tính tự lực, sáng tạo, khả năng phối hợp giải quyết nhiệm vụ học tập…,từ đó góp phần phát triển toàn diện về năng lực.Ở chuyên đề này chúng tôi trình bày ngắn gọn những cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc áp dụng PPDHTDA vào dạy học môn mỹ thuật ở bậc tiểu học. Đồng thời giới thiệu qui trìnhchung về thiết kế dự án học tậptrong môn mỹ thuật ở bậc tiểu học và THCS.
II. Nội dung
2.1. Những vấn đề chung về PPDHTDA
2.1.1.Khái niệm
Đầu thế kỷ XX, các nhà sư phạm châu Âu và Mỹ đã xây dựng cơ sở lý luận cho phương pháp dự án (The Project Method) và coi đó là một phương pháp dạy học quan trọng để thực hiện quan điểm dạy học lấy học sinh làm trung tâm, nhằm khắc phục nhược điểm của dạy học truyền thống coi thầy giáo là trung tâm. Ban đầu, phương pháp dự án được sử dụng trong dạy thực hành các môn kỹ thuật, về sau được dùng trong hầu hết các môn học khác.
Thuật ngữ “dự án” - tiếng Anh là Project, có nguồn gốc từ tiếng La-tinh “Proicere”, được hiểu theo nghĩa phổ thông là một đề án, một dự thảo, một kế hoạch được thực hiện nhằm đạt mục đích đề ra. Khái niệm dự án được sử dụng phổ biến trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội: sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, quản lí xã hội… Khái niệm dự án đã đi từ lĩnh vực kinh tế - xã hội vào lĩnh vực giáo dục - đào tạo, ngoài ý nghĩa các dự án phát triển giáo dục, còn được sử dụng như một phương pháp (PP) dạy học.
Trong cách học theo dự án, HS học tập theo nhóm để giải quyết những vấn đề có thật trong cuộc sống (authentic), những vấn đề ấy gắn với chương trình học (curriculum – based) và có phạm vi kiến thức liên môn (interdisciplinary). HS sẽ hóa thân vào các “vai” thuộc các ngành nghề khác nhau trong cuộc sống, tham gia giải quyết những vấn đề có thật thuộc lĩnh vực các ngành nghề ấy.GV định hướng, gợi ý các “vai”có nội dung gắn với nội dung bài học cho HS và hỗ trợ HS hoàn thành tốt các vai trò ấy. GV tạo điều kiện và hướng dẫn HS sử dụng các nguồn tư liệu như: sách giáo khoa, internet, CD hoặc DVD, sách, báo… và thậm chí, trao đổi với các chuyên gia. Dự án có thể chỉ bó hẹp trong phạm vi lớp học, trường học trong 1 tiết, 1 tuần hoặc 2 tuần. Đồng thời, dự án cũng có thể vượt ra ngoài phạm vi lớp học, trường học và kéo dài trong một tháng, một học kì hoặc cả khóa học. [2]
“Dạy học theo dự án (DHDA) là một hình thức dạy học, trong đó người học thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp, có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, có tạo ra các sản phẩm có thể giới thiệu. Nhiệm vụ này được người học thực hiện với tính tự lực cao trong toàn bộ quá trình học tập, từ việc xác định mục đích, lập kế họach, đến việc thực hiện dự án, kiểm tra, điều chỉnh, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện. Làm việc nhóm là hình thức cơ bản của DHDA”
Từ những nét khái quát trên, có thể cụ thể hóa các đặc điểm cơ bản của PPDHTDA như sau:
2.1.2. Đặc điểm của PPDHTDA
- Người học là trung tâm của quá trình dạy học
Dạy học theo dự án là một PP dạy học quan trọng để thực hiện quan điểm dạy học lấy người học làm trung tâm. Người học tham gia tích cực và tự lực vào các giai đoạn của quá trình dạy học. GV chủ yếu đóng vai trò tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ, khuyến khích tính tích cực, tự lực, tính trách nhiệm, sự sáng tạo của người học.
- Dạy học thông qua các hoạt động thực tiễn của một dự án
Các dự án học tập góp phần gắn liền nhà trường với thực tiễn đời sống xã hội, với địa phương, với môi trường và có thể mang lại những tác động tích cực đối với xã hội.
Trong quá trình thực hiện dự án, người học tiếp thu kiến thức và hình thành kỹ năng thông qua các hoạt động thực tiễn.
- Nội dung dự án luôn mang tính tích hợp cao, hình thức đánh giá đa dạng
Nội dung dự án có sự kết hợp tri thức của nhiều lĩnh vực hoặc môn học khác nhau nhằm giải quyết một vấn đề có thực mang tính thách đố. Dự án có tính liên môn, có nghĩa là nhiều môn học liên kết với nhau. Một dự án dù là của môn nào, cũng phải đòi hỏi kiến thức của nhiều môn học để giải quyết. Đặc điểm này giúp dự án gần với thực tế hơn, vì trong cuộc sống, con người cần kiến thức tổng hợp để làm việc.
Trong dạy học dự án, việc kiểm tra, đánh giá đa dạng hơn, chủ yếu kiểm tra qua hoạt động, qua các sản phẩm do chính người học tạo ra (điều này đặc biệt phù hợp với môn Mỹ thuật); giảm kiểm tra kiến thức thuần túy.
Trong dạy học dự án, phương tiện học tập đa dạng hơn.Công nghệ hiện đại hỗ trợ và thúc đẩy việc học của người học.
- Chú trọng làm việc theo nhóm kết hợp với làm việc cá nhân
Các dự án thường được thực hiện theo nhóm, trong đó có sự phân công và cộng tác làm việc giữa các thành viên.
Các dự án đòi hỏi kỹ năng cộng tác làm việc giữa các thành viên, giữa học viên và GV cũng như với các lực lượng xã hội khác cùng tham gia trong dự án. Nhờ đó, hoạt động trong dạy học dự án có tính xã hội cao.
- Người học thể hiện năng lực của mình thông qua sản phẩm và quá trình thực hiện
Trong quá trình thực hiện dự án, người ta quan tâm nhiều đến các sản phẩm được tạo ra. Sản phẩm có thể là vật chất hoặc phi vật chất, mang tính xã hội, chẳng hạn, đa số các dự án môn Mỹ thuật tạo ra sản phẩm nghệ thuật như tranh vẽ, mô hình 3D, các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng làm từ những vật liệu phế thải, bài sưu tầm tranh, ảnh về di sản kiến trúc, cảnh quan…
GV cùng với người học đánh giá sản phẩm dựa trên các tiêu chí cụ thể như: tính thực tế, tính hữu ích, tính sáng tạo và tính thẩm mỹ của sản phẩm cùng tinh thần hợp tác làm việc giữa các thành viên trong nhóm.
2.2. PPDHTDA phù hợp với bộ môn mỹ thuật, đối tượng học sinh ở bậc tiểu học,THCS và đáp ứng được yêu cầu về dạy học tích hợp
2.2.1. PPDHTDA phù hợp với tính đặc thù của bộ môn mỹ thuật và đối tượng học sinh ở bậc tiểu học
Thông qua việc nghiên cứu những đặc trưng của PPDHTDA và tính đặc thù, nội dung chương trình học của môn học Mỹ thuật ở tiểu học, chúng tôi nhận thấy giữa chúng có rất nhiều điểm chung, có thể tương hỗ cho nhau để từ đó có thể khẳng định rằng Mỹ thuật là môn học phù hợp để ứng dụng PPDHTDA bởi những yếu tố cơ bản sau đây:
Một trong những đặc trưng cơ bản của PPDHTDA là người học trở thành nhân vật chính, thành “người tạo sản phẩm”, tức người chuyển những tri thức học tập ở lớp học thành một sản phẩm đã được xác định trước [15]. Điều này rất phù hợp với môn học Mỹ thuật, bởi cách dạy và học đặc thù của môn Mỹ thuật là học thông qua trải nghiệm thực hành.Nội dung chương trình sách giáo khoa Mỹ thuật hiện hành ở tiểu học, phần lớn thời lượng dành cho các bài học thực hành. Trong quá trình thực hành, học sinh luôn được tạo điều kiện để được tự do, độc lập suy nghĩ sáng tạo theo cách riêng của mình, không bị ép buộc bởi GV chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, góp ý và tư vấn.Hơn nữa, trong học Mỹ thuật, HS chính là người tạo ra những sản phẩm cụ thể sau mỗi bài học.Đây chính là điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng PPDHTDA.
Mỹ thuật là môn học nghệ thuật.Sản phẩm của môn Mỹ thuật luôn là cái đẹp và cái đẹp trong một sản phẩm mỹ thuật lại là sự tổng hòa của các yếu tố trong cuộc sống.Vậy, muốn tạo ra cái đẹp phải vận dụng kiến thức của nhiều lĩnh vực, nhiều môn học.Bởi vậy, ngay trong đặc thù môn học, chúng ta đã thấy tính chất tích hợp, liên môn.Sự kết hợp kiến thức của các môn học khác nhau để tạo ra sản phẩm cuối cùng cũng chính là đặc trưng quan trọng của PPDHTDA.
Tất cả các dự án học tập đều gắn liền với thực tiễn đời sống tự nhiên và xã hội. Đặc trưng này của PPDHTDA cũng phù hợp với tính đặc thù của môn học Mỹ thuật ở tiểu học bởi đối tượng tìm hiểu, khám phá của môn học này là những gì có ở xung quanh, như đất, trời, cỏ cây hoa lá, các hoạt động của con người và xã hội... Hay nói cách khác, kiến thức của môn Mỹ thuật là kiến thức về thực tiễn cuộc sống, học Mỹ thuật chính là học cách khám phá thực tiễn và sáng tạo.
Ở các nước phương Tây, PPDHTDA được áp dụng phổ biến ở tất cả các cấp học, từ lứa tuổi mẫu giáo lớn đến bậc đại học. Đương nhiên, mức độ yêu cầu của các dự án học tập sẽ phức tạp dần theo các các cấp học.
Về biểu hiện tâm lý trong hoạt động học tập, học sinh tiểu học thường bị thu hút bởi các hình thức hoạt động học tập thông qua thực hành và trải nghiệm thực tiễn. Các em thường không hứng thú với việc ghi chép lý thuyết hoặc nghe giảng giải quá nhiều.
Như vậy, tính tích cực hoạt động là những nét đặc thù tiêu biểu cho tâm lý học tập của lứa tuổi này, điều này rất phù hợp với tính đặc thù của PPDHTDA.
2.2.2. PPDHTDA đáp ứng được yêu cầu về dạy họctích hợp
PPDHTDA với tư tưởng hướng các quá trình học tập về một đích cuối cùng, dẫn đến một thành quả cụ thể, hoặc dẫn đến năng lực giải quyết một vấn đề đặt ra trong tình huống [15] làm nội dung của một dự án học tập luôn mang tính tích hợp liên môn, đồng thời đòi hỏi những kỹ năng xuyên môn khi thực hiện. Một ưu điểm nổi bật của PPDHTDA là rèn luyện năng lực giải quyết những vấn đề phức hợp.Như vậy, có thể nói dạy học tích hợp vừa là yêu cầu và cũng là đặc trưng cơ bản của PP dạy học này. Ví dụ trong dự án “Tìm hiểu về các di sản kiến trúc truyền thống trên địa bàn thành phố Nha Trang”, hay dự án “Tìm hiểu về vấn đề ô nhiễm môi trường biển ở TP Nha Trang” để giải quyết nội dung của dự án này, HS phải vận dụng kiến thức của nhiều môn học, nhiều lĩnh vực khác nhau như Lịch sử, Địa lí, Âm nhạc…Sản phẩm chính cuối cùng của dự án là các sản phẩm nghệ thuật như tranh, ảnh kêu gọi bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản , sản phẩm mỹ nghệ học sinh tự làm gắn với chủ đề dự án.
Gắn kiến thức trong nhà trường với đời sống thực tiễn là ưu điểm lớn của PPDHTDA và cũng chính là cái đích của dạy học tích hợp.Để phát triển năng lực HS, đòi hỏi phải tăng cường yêu cầu HS vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết những vấn đề thực tiễn hay nói cách khác, những Kiến thức - Kĩ năng - Thái độ chỉ tạo thành năng lực khi được HS vận dụng linh hoạt vào thực tế.
2.3.Qui trình chung về thiết kế một dự án học tập môn Mỹ thuật ở bậc tiểu học và THCS
Dựa trên cấu trúc của tiến trình phương pháp, người ta có thể chia cấu trúc của DHTDA làm nhiều giai đoạn. Với góc độ tiếp cận theoChương trình dạy học cho tương lai của Intel, có thể xác định DHTDA gồm 3 giai đoạn chính với các bước như sau [11]:
Giai đoạn 1: Thiết kế dự án học tập
- Bước 1: Hình thành ý tưởng về dự án học tập
- Bước 2: Thiết kế đề cương dự án học tập
Giai đoạn 2: Tổ chức thực hiện dự án học tập
- Bước 1: Phân chia nhóm, giao nhiệm vụ cho các nhóm
- Bước 2: Các nhóm tiến hành thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch được giao
Giai đoạn 3: Công bố sản phẩm, đánh giá dự án
- Bước 1: Trình bày hoặc trưng bày sản phẩm
- Bước 2: Các nhóm tự đánh giá sản phẩm
- Bước 3: Đánh giá, rút kinh nghiệm cho toàn bộ dự án.
Giai đoạn 1: Thiết kế dự án học tập
Bước 1: Hình thành ý tưởng về dự ánhọc tập
-Thông thường, ý tưởng của một dự án nói chung được xuất phát từ thực tiễn xã hội. Một dự án học tập luôn bắt đầu từ việc phân tích nội dung kiến thức chương trình môn học cho một đối tượng người học cụ thể để lựa chọn ra những nội dung học tập có sự liên hệvới hoàn cảnh thực tiễn đời sống xã hội. Sau đó, GV sẽ gợi ý, hướng dẫn người học tự đề xuất, xác định tên đề tài,xác định nhiệm vụ cần giải quyết của dự án, nhiệm vụ này phải phù hợp với đối tượng người học.GV cũng có thể giới thiệu một số hướng đề tài để người học lựa chọn. Trong một số trường hợp, việc xác định chủ đề dự án cũng có thể được đề xuất từ phía người học.
- Mục tiêu, nội dung chương trình môn Mỹ thuật ở bậc tiểu học và THCS rất phù hợp cho việc xây dựng những chủ đề dạy học tích hợp nội môn hoặc liên môn dưới hình thức là một dự án học tập, có thể thực hiện ở phạm vi trong hoặc ngoài trường học.
Bước 2: Thiết kế đề cương dự án học tập
Thiết kế dự án hay còn gọi là thiết kế đề cương dự án. Ở công đoạn này, cần phân rõ nhiệm vụ của người dạy và người học.
Nhiệm vụ của GV:
Xây dựng kế hoạch dạy học theo PP dự án với cấu trúc chung bao gồm:
- Mục tiêu của dự án với các thành tố: kiến thức, kỹ năng, thái độ, năng lực được hình thành và phát triển thông qua việc thực hiện dự án.
- Kế hoạch thực hiện dự án.
- Các bài tập dự án.
- Bộ tiêu chí đánh giá dự án.
- Cùng thảo luận với HS để thống nhất về bài tập, kịch bản của dự án và phân công nhiệm vụ cho các nhóm HS.
- Xác định các công cụ hỗ trợ, các nguồn lực để thực hiện dự án: tài liệu, vật liệu, kinh phí thực hiện dự án.
Nhiệm vụ của HS:
- Xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện dự án cho nhóm của mình
- Các nhóm xác định nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.
- Thu thập các tài liệu có liên quan đến chủ đề của dự án.
- Cùng nhau đóng góp ý tưởng và cách giải quyết các nhiệm vụ của dự án.
- Dự kiến các sản phẩm của dự án.
Lưu ý: Việc xác định mục tiêu cụ thể cho các dự án học tập phải dựa vào chuẩn kiến thức, kĩ năng và năng lực cần đạt được của chương trình học.
Việc xây dựng đề cương cho một dự án là công việc hết sức quan trọng vì nó mang tính định hướng hành động cho cả quá trình thực hiện, thu thập kết quả và đánh giá dự án.
Giai đoạn 2: Tổ chức thực hiện dự ánhọc tập
Bước 1: Phân chia nhóm, giao nhiệm vụ cho các nhóm
- Giáo viên phân nhóm và phân công nhiệm vụ cho các nhóm
- Các thành viên trong nhóm bầu nhóm trưởng, thảo luận, thống nhất phân công nhiệm vụ cho từng thành viên.
Bước 2: Các nhóm tiến hành thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch được giao
Nhiệm vụ của GV:
- Giáo viên liên hệ các cơ sở, khách mời cần thiết cho học sinh. Chuẩn bị cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho các em thực hiện dự án.
- Theo dõi, hướng dẫn, đánh giá các nhóm, các học sinh trong quá trình thực hiện dự án.
Nhiệm vụ của HS:
- Tiến hành thu thập, xử lý thông tin thu được, tạo sản phẩm, liên hệ, tìm nguồn giúp đỡ khi cần. Thường xuyên phản hồi, thông báo thông tin cho GV và các nhóm khác qua các buổi thảo luận.
- Các nhóm chỉnh sửa, hoàn thiện sản phẩm.
Giai đoạn 3: Công bố sản phẩm, đánh giá dự án
- Bước 1: Trình bày hoặc trưng bày sản phẩm
Nhiệm vụ của GV:
- Chuẩn bị cơ sở vật chất cho buổi báo cáo dự án.
- Theo dõi, tư vấn cho các nhóm trưng bày sản phẩm dự án
Nhiệm vụ của HS:
- Tiến hành trưng bày và giới thiệu sản phẩm.
Bước 2: Các nhóm tự đánh giá sản phẩm
- Tự đánh giá sản phẩm dự án của nhóm theo bộ tiêu chí đã thống nhất
- Đánh giá sản phẩm dự án của các nhóm khác theo tiêu chí đã thống nhất
Bước 3: Đánh giá, rút kinh nghiệm cho toàn bộ dự án.
- Giáo viên và học sinh đánh giá dự án theo tiêu chí đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm cho toàn bộ dự án.
- Tuyên dương khen thưởng những nhóm có thành tích cao và cá nhân có đóng góp nhiều cho dự án.
III. Kết luận
Dạy học theo dự án là một trong những PP dạy học hiện đại, có nhiều ưu điểm. Nó làm cho các nội dung học tập ở trường học trở nên thực tế hơn bởi vì nó được tích hợp với các vấn đề của đời sống thực, giúp cho người học phát huy tối đa tính tích cực, tự lực, chủ động, sáng tạo; kích thích hứng thú học tập của người học; tạo ra môi trường thuận lợi cho người học rèn luyện và phát triển năng lực. PPDHTDAtuy không thể thay thế hoàn toàn các PP dạy học truyền thống nhưng nó là sự bổ sung cần thiết, giúp khắc phục nhược điểm của các PP dạy học truyền thống, đồng thời góp phần giảm tải chương trình học bởi tính tích hợp trong nội dung mỗi dự án. Nhưvậy, PPDHTDA với những ưu điểm của mình sẽ thực hiện tốt yêu cầu của mục tiêu dạy học phát triển năng lực HS.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Thị Hường, Tổ chức dạy học theo dự án phần sinh thái học sinh học lớp 12-THPT, Luận văn Thạc sỹ,Trường Đại học Giáo Dục, Hà Nội năm 2012.
[2] Trịnh Văn Biều, Phan Đồng Châu Thủy, Trịnh Lê Hồng Phương, “Dạy học dự án – Từ lí luận đến thực tiễn”, Tạp chí khoa học Trường ĐHSP TPHCM.
[3] CV 5977/BGĐT-GDTRH,Hướng dẫn thực hiện nội dung giáo dục địa phương ở cấp THCS và cấp THPT từ năm học 2008-2009.
[4] Tài liệu hội thảo XD & TK CTGDPT mới (2016), Dạy học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ phận thường trực đổi mới CT, SGK GDPT và đào tạo, bồi dưỡng NG, CBQL cơ sở giáo dục BGD&ĐT (2016).
[5]Tập đoàn Intel (2009), Chương trình dạy học của Intel – Khóa học cơ bản (Intel Teach Essentials), Nxb Tổng hợp TPHCM.
[6] Sách giáo khoa và giáo viên Mỹ thuật lớp 6,7,8,9, Nxb GD, 2010.
[7] Xavier RoeGies, (1996) “ giáo trình Khoa sư phạm tích hợp”, NXB GD.