Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Nghệ thuật ❯ Chi tiết
       
  12/10/2020 07:43        

Sự hòa quyện giữa đông và tây trong hội họa siêu thực của Nguyễn Đình Đăng

SỰ HÒA QUYỆN GIỮA ĐÔNG VÀ TÂY

TRONG HỘI HỌA SIÊU THỰC CỦA NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG

Nguyễn Văn Tú

 

           Trong giới họa sĩ đương đại Việt Nam, Nguyễn Đình Đăng (NĐĐ) là một diện mạo khác, đặc biệt bởi ông ở ngoài biên giới Việt Nam, và còn đặc biệt bởi ông sở hữu nhiều cái đặc biệt khác. Ông  sinh năm 1958 tại Hà Nội, có nhiều năm học tập và làm việc ở nước ngoài (hiện ông đang sống và làm việc tại Viện Vật lý hóa học RIKEN Nhật Bản). NĐĐ là nhà khoa học vật lý, nhà nghiên cứu về lý thuyết vật lý hạt nhân. Nghe có vẻ như không liên quan gì đến hội họa. Ông tự học hội họa từ nhỏ theo cách của riêng mình và hiện là Hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam (năm 1987), Hội viên hội Mỹ thuật Hà Nội (năm 1990), Hội viên hội Nghệ thuật quốc tế (1997 - 1999), Hội viên hội Mỹ thuật Chủ thể Nhật Bản (năm 2005). NĐĐ là họa sĩ người Việt Nam hiếm hoi theo đuổi các vấn đề về lý thuyết hình thức một cách rất khoa học và kiên định – điều thường thấy ở nghệ thuật phương Tây. Có lẽ ông học được điều này thông qua các bài tự học từ các bậc thầy cổ điển phương Tây như: Leonardo da Vinci, Rembrandt, Johannes Vermeer, Salvador Dali... Theo tôi, bản lĩnh, niềm đam mê nghệ thuật và tài năng của NĐĐ luôn là bài học kinh điển cho tất cả những ai không coi nghệ thuật hội họa là thú giải khuây. Trong bài viết này, tôi chỉ mong muốn giới thiệu đến mọi người một tâm hồn Việt, bản sắc văn hóa Việt qua hội họa siêu thực của họa sĩ NĐĐ, dù ông đã và đang sống rất xa cội nguồn của mình về mặt địa lý.

Nhà vật lý, Họa sĩ Nguyễn Đình Đăng

           Khác với lối vẽ siêu thực nhưng chưa triệt để của phần nhiều họa sĩ trong nước, hội họa NĐĐ là thuần túy siêu thực theo kiểu phương Tây. Sự hòa quyện giữa hai nền văn hóa phương Tây và phương Đông cùng kỹ thuật vẽ sơn dầu ở mức “thượng thừa” biểu hiện rất rõ trong từng tác phẩm của ông chính là những điều làm nên sự khác biệt. Như một “Biên niên sử NĐĐ và gia đình” bằng tranh, những hình ảnh từ quá khứ được NĐĐ tái hiện trên nhiều tác phẩm khi thì đứt đoạn khi lại xâu chuỗi, đan xen giữa quá khứ xa xôi với hiện tại của chính ông cùng những người thân trong gia đình. Tuổi thơ của NĐĐ nằm trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh với đầy dẫy sự đau thương, đói nghèo và lạc hậu. Có lẽ vì vậy, mà những ký ức hình ảnh của ông về cuộc sống ở quê hương Việt Nam kể từ thời thơ ấu cho đến năm 1976 khi ông qua Nga học đại học luôn là sự ám ảnh dai dẳng. Tác phẩm “Những con châu chấu voi bị quên lãng” (2010) là bức tranh mô tả về những ký ức thời sơ tán trong chiến tranh chống Mỹ đầy gian khó của vợ ông khi còn là một cô bé hay  “Tiếng kèn thứ năm” (1990) là những tác phẩm được ông cho là khởi đầu cho một cách tiếp cận mà ông đã và đang theo đuổi gần ba thập kỷ nay. “Lấy ý từ chương thứ  9 trong “Ngày Tận thế theo Thánh John” (sách Khải huyền) của kinh Tân ước, bức “Tiếng kèn thứ năm” được vẽ theo lối mà cố hoạ sĩ Mai Văn Hiến gọi là “đồng hiện”, hòa trộn các không gian – thời gian khác nhau” [3]. Nhiều tác phẩm sau này của ông như “Lý lịch tự thuật” (2005 – 2006),  “Ngưỡng cửa” (2003), “Ngày trưởng thành” (2008), “Reflection” (2012)… đều là những ví dụ tiêu biểu chosự dai dẳng của ký ức”. Mỗi người đều có nguồn cội và không dễ gì có thể quên dù đôi khi ta muốn hoặc tưởng là đã quên.

“Những con châu chấu voi bị quên lãng” (2010)

“Điệu vũ xứ Florence” (1997)

             Điểm đặc biệt, trong hầu hết các tác phẩm của NĐĐ, những ký ức hình ảnh về quê hương, gia đình và bối cảnh xã hội Việt Nam luôn ẩn hiện, đan xen, kết nối hoặc hòa lẫn với các biểu tượng văn hóa phương Tây. Tất cả đều là những trải nghiệm văn hóa  thực tế của chính ông. Có thể kể ra hàng loạt các tác phẩm như: “Điệu vũ xứ Florence” (1997), “Ma trận linh thiêng” (2002), “Clair de lune” (Ánh trăng) (2003)... Bên cạnh ba nhạc công xứ Florence lại là những hình ảnh mang tính biểu tượng quen thuộc của văn hóa truyền thống Việt Nam như: một cậu bé người Việt ngồi thổi sáo, một mảnh vỡ của Trống đồng Đông sơn hay hình một con rối trong nghệ thuật múa rối nước, một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống độc đáo của người  Việt. Phía nền xa của bức tranh là hình ảnh cây đa cổ thụ cùng kiến trúc đền tiêu biểu cho kiến trúc truyền thống Bắc bộ (“Điệu vũ xứ Florence”). Điều lạ lùng là trong tác phẩm “Ma trận linh thiêng”, ông lại “gán cho Chúa Jesus vẻ mặt Á Đông qua chân dung con trai mình” [1]. Hình tượng Chúa Jesus như một người châu Á là điều chưa từng có trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam [2]. Trong bức “Tiếng vọng thời gian”, bên cạnh những hình ảnh cây đàn grand piano, các lát prosciutto đang rơi xuống đĩa hay một ổ bánh mì baguette của Pháp là một khung nhà trống trơ còn in hằn các vết đạn.  Ông cho biết rằng: “Đó là một giáo đường bị tàn phá trong trận giao tranh tại thành cổ Quảng Trị” [1]. Còn với bức “Clair de lune”, ông cho biết đã lấy cảm hứng từ tác phẩm cùng tên của nhà soạn nhạc Claude Debussy. Trong tác phẩm, ta lại thấy tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một nét bản sắc văn hóa của người Việt qua hình ảnh các bát nhang xếp chồng lên nhau phía chân trời cùng với tượng chân dung của Chúa Jesus đang cắm trên một gốc cây với những cái rễ ngoằn ngoèo như những vòi bạch tuộc đỏ máu… Ở tác phẩm “Ngưỡng cửa” (2003), cô gái Việt Nam với tà áo dài truyền thống ngồi trước không gian như ảo ảnh, cánh cửa mở ra một không gian văn hóa phương Tây xa lạ, phi lý đậm chất siêu thực. Không gian văn hóa trong tranh của NĐĐ xóa nhòa biên giới. Không có Đông và Tây mà chỉ có một, đó là những giá trị vĩnh hằng và phổ quát [2]. Đúng như họa sĩ đã nói “…để trở thành đích thực, nghệ thuật phải chứa đựng các giá trị phổ quát mà các nền văn hoá khác nhau có thể cảm thông và chia sẻ được. Nghệ thuật lớn không dị lạ, mà cho phép có nhiều cách cảm nhận đa dạng…” [1].

“Tiếng kèn thứ năm” (1990)

          Cuối cùng, chúng tôi mượn lời tự thuật của chính họa sĩ để trả lời câu hỏi: “Hội họa siêu thực của NĐĐ, một họa sĩ đã sống quá nửa đời người ở ngoài biên giới Việt Nam, có thể mang bản sắc Việt hay không?”. Ông đã nói rằng: “Khi vẽ tôi không quan tâm tới bản sắc dân tộc hay quốc tịch. Tôi không lựa chọn được bản sắc dân tộc và xứ sở khi tôi sinh ra. Vậy việc gì tôi phải lựa chọn khi đưa chúng vào tranh của mình? Nếu có gì đó liên quan đến những thứ này thì đó không phải là chủ định của tôi, mà là điều hoàn toàn tự nhiên. Điều tôi quan tâm là những gì khiến tâm hồn tôi rung động, bất kể chúng đến từ Đông, hay Tây, chúng có Việt Nam hay không”. Qua đây, có thể khẳng định dấu ấn văn hóa Việt vẫn hiện ra một cách tự nhiên qua những sáng tác của NĐĐ ngay cả khi tác phẩm đó được khởi sự trên nền cảm hứng từ văn hóa phương Tây. Lý do đơn giản, bởi vì ông là người Việt Nam. Sự song hành, hay giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông và Tây trong các tác phẩm hội họa siêu thực của NĐĐ cũng như các họa sĩ siêu thực ở quốc nội đã tạo lập những giá trị mang “tính nhân loại” cho hội họa Việt Nam thời kỳ hội nhập.

N.V.T

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. https://nguyendinhdang.wordpress.com/2013/12/13/dong-va-tay-trong-toi/

[2]. Trần Đan Vy ,“When East meets West in the paintings of Nguyen Dinh Dang”

[3]. https://nguyendinhdang.wordpress.com/2014/01/27/tieng-ken-thu-nam/

[4].https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_%C4%90%C3%ACnh_%C4%90%C4%83ng

[5]. https://www.facebook.com/ng.dinhdang.

 
Khoa Nghệ thuật