Tóm tắt
Nghị quyết 29-NQ/TW khóa XI xác định đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT và phát triển nguồn nhân lực được quán triệt là một yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Các nhà khoa học, nhà giáo cùng toàn Đảng, toàn dân chung tay xây dựng và đổi mới nền giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực, phù hợp với xu thế phát triển chương trình giáo dục của thế giới và bắt kịp nền giáo dục của các nước tiên tiến. Đồng thời với nó phải gắn liền với việc xây dựng đạo đức, lối sống cho sinh viên bởi vì sinh viên là bộ phận thanh niên ưu tú, có truyền thống yêu nước nồng nàn, có năng lực nhận thức cũng như khả năng vận dụng tri thức khoa học cao, hăng hái đi đầu trong các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ.
1. Đặt vấn đề
Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đánh giá về vai trò của thanh niên, trong đó có sinh viên Người nhấn mạnh: “Người ta thường nói: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cho cái tương lai đó”[1].
Với mục tiêu căn bản đặt ra cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay là tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ Việt Nam góp phần rèn luyện thế hệ trẻ vừa “hồng” vừa “chuyên” nhằm tạo chuyển biến căn bản về đạo đức, lối sống phát triển toàn diện; yêu gia đình, có đạo đức trong sáng, lối sống văn hóa; yêu nước, tự hào dân tộc, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có ý thức tuân thủ pháp luật; có năng lực và bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khỏe, tri thức và kỹ năng lao động, trở thành những công dân có ích, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, khi mà hệ thống tri thức có những thay đổi thì sớm hoặc muộn, nhanh hoặc chậm, năng lực tư duy và hoạt động lao động sản xuất của con người cũng phải thay đổi. Chính vì thế, việc đổi mới tư duy giáo dục trong thời đại tri thức nhằm đáp ứng sự thay đổi của cuộc sống phát triển không ngừng là một tất yếu. Đổi mới phương pháp dạy học trước hết là đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực người học và cuối cùng là vì mục tiêu đáp ứng bối cảnh của thời đại, nhu cầu phát triển đất nước. Dưới đây là một số phương pháp dạy học nhằm phát triển năng lực người học gắn với việc giáo dục văn hóa,đạo đức, lối sống cho sinh viên.
2. Nội dung
2.1. Hình thành, phát triển năng lực thực tiễn cho người học kết hợp với việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên
Trao quyền và trách nhiệm tổ chức kế hoạch dạy học cho cơ sở giáo dục phù hợp với yêu cầu của địa phương, tạo điều kiện cho người học được lựa chọn môn học và hoạt động giáo dục phù hợp sở trường và nguyện vọng; phát huy tính năng động, tư duy độc lập và sáng tạo của người học. Trong đó, yếu tố được cho là quyết định chính là sự tương tác đồng bộ của các thành tố trong các phương pháp dạy học tích cực (người dạy, người học, học liệu, môi trường...). Sự kết hợp hài hòa giữa dạy kiến thức công cụ với kiến thức phương pháp, đặc biệt chú trọng dạy cách học, phương pháp tự học để người học có thể học tập suốt đời được xác định là yếu tố quan trọng trong quá trình giáo dục sinh viên. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến đời sống, học tập, việc làm; tuyên truyền các tinh hoa văn hóa, giá trị nhân bản của nhân loại, tư tưởng Hồ Chí Minh; giáo dục các giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa, lối sống tốt đẹp của con người Việt Nam cho sinh viên; tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, tấm gương người tốt, việc tốt trong sinh viên.
Tuyên truyền đấu tranh phòng chống “Diễn biến hòa bình”, phản bác các luận điệu thông tin sai trái của các thế lực thù địch. Tăng cường các hoạt động câu lạc bộ văn hóa, thể thao trong cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, sinh viên; tổ chức giới thiệu sách, cuộc thi về sách; xây dựng tủ sách pháp luật, giáo dục nhân cách cho sinh viên…
Xây dựng chuyên mục về giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống trên website của đơn vị, tuyên truyền, vinh danh tấm gương người tốt, việc tốt trên cổng thông tin của nhà trường. Biên soạn, xuất bản, tái bản các sách giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, bồi dưỡng tâm hồn, giá trị sống, kỹ năng sống cho sinh viên. Vinh danh, tuyên dương, khen thưởng các tấm gương sinh viên tiêu biểu trong học tập, rèn lxuyện và công tác xã hội…
2.2. Đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức dạy học, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên
Từ ưu thế của các phương pháp giáo dục, hình thức tổ chức dạy học mới đã triển khai trong những năm gần đây như: phương pháp bàn tay nặn bột, giáo dục trải nghiệm sáng tạo, tích hợp, liên môn, giáo dục STEM... việc đổi mới phương pháp dạy học cần được thực hiện trên cơ sở phân hóa đối tượng, phân tích các căn cứ về điều kiện, loại hình năng lực và phẩm chất cần phát triển ở người học... để từ đó lựa chọn các hình thức tổ chức dạy học phù hợp, tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong tổ chức dạy học thông qua việc sử dụng các mô hình học tập kết hợp giữa mô hình lớp học truyền thống với các mô hình dạy học mở, dạy học trực tuyến. Để đáp ứng mục tiêu giáo dục mới, thay vì chỉ thiên về "dạy cái" cần chú trọng hơn về "dạy cách", từ chủ yếu quan tâm giúp học sinh "học cái gì" chuyển sang quan tâm hơn về "học như thế nào", bản lĩnh và năng lực sáng tạo của giáo viên được khẳng định qua khả năng hướng dẫn tự học, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tăng cường xây dựng các mô hình học tập gắn với thực tiễn, xây dựng và sử dụng tủ sách lớp học, phát triển văn hóa đọc gắn với hoạt động của các câu lạc bộ khoa học trong nhà trường. Đồng thời, phẩm chất và năng lực của người học cũng được hình thành và phát triển qua các hoạt động giao lưu, kết nối, tương tác với thực tiễn đời sống để khơi dậy hứng thú học tập, rèn luyện kỹ năng sống, nâng cao hiểu biết về các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và tinh hoa văn hóa thế giới...
Xây dựng nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống trong nhà trường bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo, bảo đảm nội dung giáo dục tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa dân tộc và nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chú trọng bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, truyền thống, lòng tự hào dân tộc; tăng cường giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật; lối sống nhân ái bao dung, nghĩa tình, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội và đất nước; gắn giáo dục lý luận chính trị với giáo dục hình thành nhân cách, đạo đức nghề nghiệp, năng lực tự học, sáng tạo ở nhà trường và tự đổi mới tri thức. Giáo dục lý luận chính trị theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học; phát huy tính tích cực của sinh viên; tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho sinh viên.
Đa dạng hóa và vận dụng các hình thức tổ chức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi sinh viên kết hợp nội dung sinh hoạt Đoàn, Hội, trong hoạt động trải nghiệm sáng tạo ở các cơ sở giáo dục đào tạo. Thực hiện giáo dục theo chủ đề kết hợp với hoạt động vui chơi hoạt động thực hành trải nghiệm trong các cơ sở giáo dục đào tạo.
Tăng cường các hoạt động tập thể của sinh viên, hoạt động xã hội; đưa hoạt động trực nhật, hoạt động vệ sinh sân trường, lớp học và các công trình trong khuôn viên của nhà trường vào nội quy, quy chế của trường.
2.3. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động trong các cơ sở giáo dục, đào tạo
Đổi mới nội dung, hình thức tổ chức phong trào thi đua: “Dạy tốt - Học tốt”; gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết số 44/NQ-CP, ngày 09/6/2014 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/1/2013 của Ban Chấp hànhTrung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 102/NQ-CP, ngày 31/12/2014 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/ 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030.
Các cơ sở giáo dục đào tạo tổ chức phát động các đợt sinh hoạt chính trị, cuộc vận động, phong trào thi đua, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao trong sinh viên, nhà giáo nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của dân tộc, đất nước, của ngành và nhà trường. Phát huy vai trò của các tổ chức Đoàn, Hội, trong nhà trường trong việc tổ chức các cuộc vận động và phong trào thi đua do Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phát động, Hội sinh viên Việt Nam. Hàng năm, tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai các phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ quản lý, nhà giáo, người học để khen thưởng, tổng kết, phát triển, nhân rộng các phong trào thi đua sinh viên tiêu biểu trong các nhà trường.
2.4. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, nhà giáo, phụ trách công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, đào tạo
Vai trò kiến tạo của giáo viên thể hiện trong công việc tổ chức, hướng dẫn hoạt động học tập trong môi trường thân thiện và những tình huống có vấn đề nhằm khuyến khích người học tích cực tham gia, khơi gợi và khuyến khích người học tự khẳng định nhu cầu và năng lực của bản thân, đồng thời rèn cho người học thói quen và khả năng tự học, tích cực phát huy tiềm năng và vận dụng hiệu quả những kiến thức, kỹ năng đã được tích luỹ. Từ đó, tạo tiền đề để phát triển toàn diện nguồn nhân lực trong bối cảnh phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới một nền giáo dục Việt Nam hiện đại và hội nhập quốc tế.
Hằng năm, tổ chức tập huấn bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý (Phòng công tác HSSV, Trưởng ban quản lý Ký túc xá), giáo viên làm công tác Đoàn, Hội; trợ lý quản lý sinh viên, cố vấn học tập, giáo viên chủ nhiệm lớp; giảng viên lý luận chính trị trong các cơ sở giáo dục, đào tạo.
Tạo cơ chế để phát hiện, bồi dưỡng và tăng cường tính chủ động, tích cực, trách nhiệm của sinh viên làm cộng tác viên trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho sinh viên. Vinh danh, tuyên dương, khen thưởng cán bộ, nhà giáo, cộng tác viên có thành tích trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho sinh viên.
2.5. Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong giáo dục học sinh, sinh viên
Phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc chăm sóc và giáo dục lý tưởng cách mạng đạo đức trong sinh viên. Các cơ sở giáo dục, đào tạo tổ chức tuyên truyền cho phụ huynh sinh viên về quyền, bổn phận của thanh thiếu niên. Mục tiêu giáo dục toàn diện và hài hòa về đức, trí, thể, mỹ; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên trong gia đình ứng xử mẫu mực, làm gương trong giáo dục nhân cách cho sinh viên; phát triển tốt nhất tiềm năng của mỗi sinh viên; chủ động phối hợp với nhà trường và các đoàn thể trong việc giáo dục lý tưởng đạo đức cách mạng cho sinh viên.
Kết hợp với phụ huynh sinh viên cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục và tạo môi trường giáo dục tốt nhất góp phần hướng dẫn, quản lý con em học tập, rèn luyện. Tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục và đào tạo triển khai và phát huy có hiệu quả vai trò trong các hoạt động giáo dục và đào tạo của nhà trường.
Xây dựng môi trường nhà trường dân chủ, lành mạnh, thân thiện; các cơ sở giáo dục và đào tạo xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường. Tăng cường phối hợp với các Bộ, ban, ngành, địa phương và các tổ chức đoàn thể trong việc chăm sóc, giáo dục các em sinh viên; đẩy mạnh quản lý và bảo đảm an ninh, trật tự trường học, an toàn thực phẩm cho sinh viên. Tăng cường quản lý, giáo dục, tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường; các cơ sở giáo dục đào tạo thành lập Tổ công tác phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự trường học với lực lượng nòng cốt là lãnh đạo nhà trường, cán bộ, nhà giáo, sinh viên xung kích…
Lãnh đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo định kỳ hàng năm gặp gỡ, đối thoại, nắm bắt tâm tư, tình cảm, định hướng tư tưởng, giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và chăm lo, bảo vệ quyền hợp pháp của HSSV. Các nhà trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cung cấp thông tin liên hệ giữa nhà trường với gia đình, HSSV.
2.6. Tăng cường cơ sở vật chất và bảo đảm thiết chế tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho học sinh, sinh viên
Các cơ sở giáo dục đào tạo tham mưu chính quyền địa phương trong việc sử dụng, khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao trong và ngoài nhà trường.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong xây dựng các thiết chế và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho sinh viên.
Các cơ sở giáo dục, đào tạo rà soát lại việc bố trí, sử dụng sân chơi, bãi tập, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của các câu lạc bộ sở thích nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh cho sinh viên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hồ Chí Minh toàn tập (Tập 5, 2002), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội
[2] Nghị quyết số 44/NQ-CP, ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hànhTrung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
[3] Nghị quyết số 102/NQ-CP, ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
[4] Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24 tháng 3 năm 2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030.
[5] Quyết định số 2474/QĐ-TTg, ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 -2020.
[6] Quyết định số 1501/QĐ-TTg, ngày 28 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020”.
[7] Quyết định số 2198/QĐ-BVHTTDL, ngày 22 tháng 6 năm 2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về ban hành Kế hoạch hành động nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2016-2020.
Th.S Trịnh Thị Thoa