Tóm tắt
Bài viết tập trung vào cơ sở lý luận và vận dụng của kĩ thuật KWL trong việc giảng dạy các học phần tâm lý giáo dục. Kĩ thuật này sẽ giúp người dạy đánh giá được sinh viên đã có kiến thức nền tảng gì để lựa chọn nội dung và định hướng cho sinh viên mở rộng thêm vấn đề để sinh viên mở rộng nghiên cứu. Đồng thời sinh viên cũng có thể tự đánh giá bản thân và học hỏi từ bạn bè thông qua kĩ thuật KWL. Thông qua kĩ thuật KWL, sinh viên có thể hình thành những kĩ năng cần thiết để tiếp cận với đổi mới chương trình giáo dục tiểu học mới.
Từ khóa: kĩ thuật KWL, chương trình giáo dục tiểu học mới...
1. Đặt vấn đề
Chương trình giáo dục phổ thông mới với những thay đổi nhằm giúp học sinh ở phổ thông năng động, làm chủ nội dung kiến thức. Tuy nhiên, một số giáo viên phổ thông vẫn còn những băn khoăn trong cách tiếp cận đổi mới chương trình dạy học. Với mong muốn giúp sinh viên tiểu học sau khi tốt nghiệp ra trường trang bị năng lực và yêu nghề, đáp ứng đổi mới chương trình thì kĩ thuật KWL là một trong số các kĩ thuật đáp ứng được mục tiêu này.
Bài viết chỉ tập trung nghiên cứu trên khách thể là sinh viên tiểu học và chương trình giáo dục tiểu học mới.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Trình bày cơ sở lý luận về chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trình bày cơ sở lý luận về kĩ thuật KWL trên cơ sở đó ứng dụng cho một bài học trong học phần Tâm lý - Giáo dục.
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Cơ sở lý luận
3.1.1. Chương trình giáo dục phổ thông mới
Chương trình môn học là văn bản xác định vị trí, vai trò môn học trong thực hiện mục tiêu Giáo dục phổ thông, mục tiêu và yêu cầu cần đạt, nội dung giáo dục cốt lõi của môn học mỗi lớp hoặc cấp học đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc, định hướng kế hoạch dạy học môn học ở mỗi lớp và mỗi cấp học, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục của môn học.
Dự thảo các chương trình môn học đã được các Vụ, Cục có liên quan thuộc Bộ GDĐT và một số chuyên gia giáo dục, nhà khoa học, giảng viên trường sư phạm, giáo viên cốt cán tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đại diện cho đội ngũ giáo viên trên phạm vi cả nước góp ý.
Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, từ năm học 2018 - 2019 bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Những mục tiêu trong chương trình giáo dục tiểu học:
Đối với môn ngữ văn: Giúp học sinh phát triển năng lực nghe nói, đọc viết... những kiến thức căn bản. Thông qua đó, học sinh được phát triển những phẩm chất cao đẹp như lòng yêu thiên nhiên, quê hương...
Đối với môn Toán: Học sinh thực hiện các thao tác tư duy đơn giản, có kiến thức cơ bản về đại lượng số và đo lường các đại lượng thông thường.
Đối với Tiếng Anh: Học sinh được học Làm quen từ lớp 1 và lớp 2 nhằm hình thành kỹ năng tiếng Anh theo ngữ cảnh, chuẩn bị để học chính thức lớp 3 và hình thành sự yêu thích môn học. Nội dung của tiếng Anh lớp 1,2 xoay quanh màu sắc, tập đếm, số lượng, hình dáng đơn giản. Từ lớp 3 đến lớp 5, tập trung cho trẻ giao tiếp đặc biệt chú trọng nghe và nói.
Đối với môn Đạo đức: hình thành và phát triển cảm xúc tích cực, ý thức đúng đắn về chuẩn mực đạo đức trong quan hệ với chính bản thân, gia đình, quê hương cộng đồng và có cách cư xử phù hợp.
Đối với Giáo dục thể chất: giúp học sinh có kỹ năng vận động đúng, hình thành thói quen tập luyện, biết giữ gìn vệ sinh thân thể và chăm sóc sức khỏe, hình thành cách thức tổ chức hoạt động đơn giản.
Đối với môn Âm nhạc: Nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mĩ và tình yêu âm nhạc, trải nghiệm và khám phá nghệ thuật âm nhạc thông qua nhiều hình thức hoạt động, làm quen với sự đa dạng trong âm nhạc.
Đối với môn Mỹ thuật: có kiến thức cơ bản ban đầu về mĩ thuật, biết biểu đạt cảm xúc, trí tưởng tượng, suy nghĩ và cảm nhận của những người xung quanh về thế giới xung quanh.
Đối với hoạt động trải nghiệm: Sử dụng các kiến thức của các học phần để trải nghiệm cuộc sống gia đình, lao động, xã hội, cộng đồng và khám phá bản thân.
Dễ dàng nhận thấy, chương trình giáo dục tiểu học mới đã chú trọng vào liên hệ thực tiễn, để học sinh không chỉ học giỏi mà còn có sự kết nối với thực tế cuộc sống.
3.1.2. Kĩ thuật KWL (2)
a. KWL
Năm 1986, Donna Ogle giới thiệu hình thức dạy học hoạt động đọc hiểu. Người học sẽ bắt đầu bằng việc động não tất cả những gì các em đã biết về chủ đề bài đọc. Thông tin này sẽ được ghi vào sơ đồ của cột K. Sau đó, người học nêu lên danh sách các câu hỏi về những điều các em muốn biết thêm trong chủ đề này, những câu hỏi đó sẽ được ghi nhận vào cột W của sơ đồ. Trong quá trình đọc hoặc sau khi đọc xong, các em sẽ tự trả lời cho các câu hỏi ở cột W. Những thông tin này sẽ được ghi nhận vào cột L.
Trong đó K là cột đã biết, W là cột đã muốn biết, L là cột đã học được. Sơ đồ này sẽ kích hoạt kiến thức tiềm tàng của người học bằng các câu hỏi về những gì mà người học đã biết về chủ đề đó. Sử dụng kĩ thuật này người học có cơ hội so sánh giữa những gì đã biết với những kiến thức mới được tiếp nhận để làm sáng tỏ ý kiến của bản thân. Đồng thời, người học cũng hứng thú, tập trung trong nội dung bài học và theo dõi quá trình học tập của bản thân.
b. Mục đích sử dụng sơ đồ KWL
- Tìm hiểu kiến thức có sẵn của người học về bài đọc.
- Đặt ra mục tiêu cho hoạt động đọc.
- Giúp người học tự giám sát quá trình đọc hiểu của bản thân.
- Cho phép người học đánh giá quá trình đọc hiểu của bản thân.
- Tạo cơ hội cho người học diễn tả ý tưởng của các em vượt ra ngoài khuôn khổ bài đọc.
- Sử dụng sơ đồ để minh họa các ý tưởng và hình thành tư duy logic.
c. Các bước tiến hành trong dạy học sử dụng kỹ thuật KWL?
Bước 1: Chọn bài đọc: phương pháp này hiệu quả với các bài đọc mang ý nghĩa gợi mở, tìm hiểu và giải thích.
Bước 2: Tạo bảng KWL: người dạy vẽ một bảng lên bảng, người học cũng có một mẩu bảng của các em.
Đề nghị người học động não nhanh và nêu ra các từ, cụm từ có liên quan đến chủ đề. Cả người dạy và HS cùng ghi nhận hoạt động này vào cột K. Hoạt động này kết thúc khi người học đã nêu ra tất cả các ý tưởng. Tổ chức cho người học thảo luận về những gì các em đã ghi nhận. Lưu ý tại cột K: chuẩn bị các câu hỏi để HS động não. Đôi khi để khởi động, người học cần nhiều hơn là chỉ đơn giản nói với các em: “Hãy nói những gì mà các em đã biết về...”. Khuyến khích người học giải thích. Điều này rất quan trọng vì đôi khi những điều các em nêu ra có thể là mơ hồ hoặc không bình thường. Hỏi người học xem các em muốn biết thêm điều gì về chủ đề. Cả người dạy và người học ghi nhận câu hỏi vào cột W. Hoạt động này kết thúc khi HS đã nêu ra tất cả các ý tưởng. Nếu HS trả lời bằng một câu phát biểu bình thường, hãy biến nó thành câu hỏi trước khi ghi nhận vào cột W.
Cột W: Hỏi những câu hỏi hỏi tiếp nối và gợi mở. Nếu chỉ hổi các em: “Muốn biết thêm gì về chủ đề này?” Đôi khi người học trả lời đơn giản “không biết”, vì các em chưa có ý tưởng. Hãy thử sử dụng một số câu hỏi sau : “Em nghĩ mình sẽ biết thêm được điều gì sau khi em đọc chủ đề này?” Chọn một ý tưởng từ cột K và hỏi, “Em có muốn tìm hiểu thêm điều gì có liên quan đến ý tưởng này không?”Chuẩn bị sẵn một số câu hỏi của riêng người dạy để bổ sung vào cột W. Có thể bạn mong muốn người học tập trung vào những ý tưởng nào đó, trong khi các câu hỏi của người học lại không mấy liên quan đến ý tưởng chủ đạo của bài đọc. Chú ý là không được thêm quá nhiều câu hỏi của bạn. Thành phần chính trong cột W vẫn là những câu hỏi của người học . Yêu cầu học sinh đọc và tự điền câu trả lời mà các em tìm được vào cột L. Trong quá trình đọc, học sinh cũng đồng thời tìm ra câu trả lời của các em và ghi nhận vào cột W. Học sinh có thể điền vào cột L trong khi đọc hoặc sau khi đã đọc xong.
Một số lưu ý tại cột L: Ngoài việc bổ sung câu trả lời, khuyến khích học sinh ghi vào cột L những điều các em cảm thấy thích. Để phân biệt, có thể đề nghị các em đánh dấu những ý tưởng của các em. Ví dụ các em có thể đánh dấu tích vào những ý tưởng trả lời cho câu hỏi ở cột W, với các ý tưởng các em thích, có thể đánh dấu sao. Đề nghị học sinh tìm kiếm từ các tài liệu khác để trả lời cho những câu hỏi ở cột W mà bài đọc không cung cấp câu trả lời. (Không phải tất cả các câu hỏi ở cột W đều được bài đọc trả lời hoàn chỉnh). Thảo luận những thông tin được học sinh ghi nhận ở cột L. Khuyến khích học sinh nghiên cứu thêm về những câu hỏi mà các em đã nêu ở cột W nhưng chưa tìm được câu trả lời từ bài đọc.
d. Sơ đồ KWLH
Xuất phát từ biểu đồ KWL, Ogle bổ sung thêm cột H (how can we learn) ở sau cùng, với nội dung khuyến khích học sinh định hướng nghiên cứu. Sau khi người học đã hoàn tất nội dung ở cột L, các em có thể muốn tìm hiểu thêm về một thông tin. Các em sẽ nêu biện pháp để tìm thông tin mở rộng. Những biện pháp này sẽ được ghi nhận ở cột H.
3.2. Vận dụng kĩ thuật KWL trong giảng dạy các học phần tâm lý giáo dục đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới
Học phần: Giáo dục học Tiểu học
Mođun 1: Những vấn đề chung của Giáo dục học
Chủ đề V: Nhân cách người giáo viên tiểu học
Số tiết: 02
Lớp: Giáo dục Tiểu học K43
3.2.1. Tại sao có thể vận dụng kĩ thuật KWL trong giảng dạy chủ đề nhân cách người giáo viên tiểu học?
Khi đặt câu hỏi: Một người giáo viên cần có phẩm chất, năng lực nào thì sinh viên đều liệt kê được một số đặc điểm. Điều này có thể lý giải bởi trong suốt thời gian học ở phổ thông, sinh viên đã được tiếp xúc, quan sát và có cái nhìn ban đầu đối với nhân cách của người giáo viên.
Nội dung trong chủ đề không chỉ tác động vào nhận thức mà còn tác động vào kỹ năng, thái độ của sinh viên. Chính vì vậy để sinh viên tự giáo dục bản thân là điều cần thiết để tránh giáo điều, lên gân.
3.2.2. Tiến trình thực hiện
Bước 1: Yêu cầu lấy ra 1 tờ giấy và chia làm 4 cột.
Chủ đề V. Nhân cách người giáo viên tiểu học
Tên sinh viên:
K: Điều đã biết
W: Điều cần biết
L: Điều học được
H: Hướng nghiên cứu
Bước 2: Yêu cầu sinh viên liệt kê những phẩm chất và năng lực cần có của một người giáo viên. Người dạy có thể đặt câu hỏi: Xã hội có yêu cầu phẩm chất và năng lực của giáo viên khác nhau giữa các thời kì hay không? Nếu có, theo bạn xã hội ngày nay đòi hỏi giáo viên phải có những năng lực, phẩm chất nào?
Bước 3: Đặt câu hỏi cho sinh viên : Vậy sinh viên cần quan tâm đến nội dung nào trong phẩm chất và năng lực của giáo viên? Hãy đặt ra những câu hỏi, vấn đề liên quan đến nhân cách của người giáo viên mà SINH VIÊN quan tâm?
Bước 4: Người dạy giới thiệu những nội dung cơ bản trong bài học. Đưa ra các tình huống để sinh viên phân biệt các đặc điểm tâm lý của người giáo viên và liên hệ bản thân.
Bước 5: Người dạy thu giấy của một số sinh viên , trả lời một số câu hỏi trong ô W, hoặc hỏi các bạn khác để giúp sinh viên tự trả lời.
Bước 6: Yêu cầu sinh viên ghi vào ô L những gì mà mình đã học được.
Bước 7: Thu sản phẩm của sinh viên và đọc, phản hồi cho sinh viên những thông tin mà sinh viên cần đọc thêm để trả lời câu hỏi do em đặt ra.
Bước 8: Yêu cầu sinh viên ghi thêm vào ô H những gì mà sinh viên muốn tìm hiểu sau khi học nội dung nhân cách người giáo viên. Người dạy có thể để các em trao đổi với nhau về chính những điều mà các em muốn tìm hiểu thêm.
3.2.3. Kết quả thực hiện kĩ thuật KWL
Sinh viên hứng thú trong việc bàn luận những phẩm chất, năng lực nào là cần có ở người giáo viên tiểu học trong giai đoạn hiện nay.
Sinh viên đưa ra và giải quýết những vấn đề liên quan đến đạo đức của người giáo viên tiểu học. Khi sinh viên có khả năng liên hệ thực tế từ những kiến thức được học thì đồng thời sinh viên cũng hình thành kĩ năng tổ chức các hoạt động khi về các trường tiểu học.
Sinh viên thực hành được kĩ năng trình bày vấn đề, tư duy logic và định hướng kiến thức và phát triển bản thân sau khi kết thúc bài học.
Giảng viên nắm được mức độ quan tâm của sinh viên đối với vấn đề nhân cách người thầy để từ đó có thể tác động vào vùng phát triển gần nhất giúp sinh viên hiểu và vận dụng nội dung bài học.
3.2.4. Những lưu ý khi sử dụng kĩ thuật KWL đáp ứng chương trình giáo dục tiểu học mới
Tùy theo chủ đề mà người dạy nên sử dụng kĩ thuật nào cho phù hợp với mục đích giảng dạy. Tuy nhiên với những chủ đề mà người học đã có lượng kiến thức nhất định, cần hệ thống và tác động vào thái độ thì kĩ thuật này phát huy được ưu điểm của nó.
Việc người dạy nắm được những gì mà người học đang biết là điều cần thiết để người dạy gợi ý những câu hỏi để định hướng sinh viên trong việc tự tìm ra câu trả lời.
Người dạy có thể sử dụng sản phẩm của người học để chấm điểm và kiểm tra mức độ nhận thức thay đổi qua từng các ô để gợi ý sinh viên hướng đển việc trả lời câu hỏi.
Người học có thể học qua bạn mình bằng cách thảo luận nhóm sau các ô. Sau khi thảo luận nhóm, cần có sản phẩm của nhóm được trình bày bằng các sản phẩm khác nhau để sinh viên được làm việc theo nhóm.
4. Kết luận
Chương trình giáo dục tiểu học mới đòi hỏi người giáo viên phải có khả năng tổng hợp logic và tổ chức các hạt động liên hệ thực tế. Kĩ thuật KWL là một trong số những kĩ thuật hiện đại giúp người giáo viên tiểu học gần gũi với học sinh, định hướng cho học sinh giải quyết vấn đề và xâu chuỗi những nội dung được học.
Giáo dục Việt Nam đang trên đà phát triển với nhiều định hướng và cải cách, chính vì vậy kĩ thuật KWL sẽ giúp sinh viên có được những kĩ năng cần thiết, đáp ứng năng lực khi trở thành người giáo viên .
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Ogle D.M (1986), K.W.L: A teaching model that develops active reading of expository text. Reading Teacher, 39, 564 - 570
[2] Giáo dục học (Tài liệu đào tạo giáo viên tiểu học), NXB Giáo dục, 2006
[3] Từ Internet: https://bit.ly/2ql1bNT
Th.S Huỳnh Thị Bích Thuộc
Tổ Tâm lý - Giáo dục, Khoa Lý luận cơ bản