1. Đặt vấn đề
Nếu như trong một trường học, người hiệu trưởng được coi là có vị trí quan trọng trong việc quy tụ mối đoàn kết thống nhất để phát huy sức mạnh của đội ngũ cán bộ giáo viên nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ giáo dục của nhà trường thì người giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp có vai trò hết sức quan trọng trong một lớp học, là người quyết định mọi sự phát triển và tiến bộ của lớp, là người chịu ảnh hưởng nhiều nhất về mọi hoạt động của học sinh trong lớp chủ nhiệm.
Đội ngũ GVCN là lực lượng hỗ trợ đắc lực cho hiệu trưởng trong việc chỉ đạo tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường, là cánh tay nối dài của hiệu trưởng, là cầu nối giữa hiệu trưởng nhà trường với học sinh, cha mẹ các em và đoàn thể mà các em sinh hoạt.
Kết quả học tập của cả trường, thương hiệu của nhà trường được xây dựng và giữ gìn không phải do một hai cá nhân CBGV hay do một nhóm học sinh, một hai lớp học, mà là do sự nỗ lực của từng thành viên và toàn thể cán bộ giáo viên - học sinh nhà trường qua các thế hệ.
Để tạo lập nề nếp, thương hiệu nhà trường và luôn luôn “giữ được lửa”, nhiệm vụ và vai trò rất lớn thuộc về đội ngũ GVCN lớp - những người được coi là “linh hồn” của các lớp học.
Trong bối cảnh giáo dục hiện đại, việc xây dựng lớp học tự quản là một cách làm mới, mang lại những hiệu quả tích cực. Thực chất của việc xây dựng lớp tự quản là quá trình từng bước chuyển hóa tâm huyết, nhiệt tình của thầy cô thành ý thức tự quản tự giác đầy trách nhiệm và thích thú của trò, tức cũng là biến lớp học của những cá nhân học sinh thành một tập thể học sinh biết tự quản dưới sự lãnh đạo của GVCN lớp. GVCN phải lấy học sinh làm trung tâm trong các hoạt động để giáo dục ý thức tự giác của các em.
2. Một số yêu cầu đối với việc xây dựng lớp tự quản trong công tác chủ nhiệm lớp ở trường phổ thông hiện nay
2.1. Đáp ứng mục tiêu đào tạo mới thời mở cửa
Nếu các giáo viên bộ môn có nhiệm vụ thông qua dạy chữ để dạy người, thì ngược lại GVCN lại thông qua việc dạy các em làm người tốt để học chữ tốt. Chúng ta thừa biết con người làm chủ tương lai của thế kỷ 21 trong sự hòa nhập với cộng đồng thế giới không thể là con người thụ động, ngoan ngoãn giản đơn, chỉ biết vâng lời rập khuôn một cách máy móc, mà thực sự phải là con người biết làm chủ mình, ra lệnh cho mình, làm theo ý mình sao cho nhanh nhạy, chủ động, phù hợp nhất với lợi ích cộng đồng. Một lớp người tương lai như vậy sẽ không thể hình thành nếu chúng ta không biết tạo ra cơ hội để nó được tập dượt, rèn luyện tính tự giác tự quản, tự năng động, tự sáng tạo ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông cơ sở.
2.2. Thỏa mãn việc thực hiện có hiệu quả phương pháp giáo dục tích cực, lấy học trò làm trung tâm
Trong chuyên môn, chúng ta đang rất tích cực thực hiện phong trào này, trong khi đó, công tác chủ nhiệm xưa nay chúng ta vẫn còn duy trì mãi cách giáo dục thụ động, máy móc - thầy là trung tâm của tất cả các hoạt động, còn học trò cứ mãi mãi giữ vai trò thụ động. Vì vậy, yêu cầu bức thiết là cần phải đổi mới, phải thực sự lấy học trò làm trung tâm, không chỉ trong chuyên môn, mà cả trong công tác chủ nhiệm. Phải biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục, tự ý thức, tự quản lấy chính mình, tổ mình, lớp mình. Chỉ có như thế nhân cách học sinh mới được xác lập bền vững. Chất lượng giáo dục con người của chúng ta mới không bị tụt hậu, mới thỏa mãn được những đòi hỏi ngày càng cao của cuộc sống hiện đại.
2.3. Lựa chọn và đặt niềm tin vào đội ngũ ban cán sự lớp
Làm thế nào tiêu tốn thời gian không nhiều mà lớp chủ nhiệm vẫn đạt chất lượng toàn diện, bền vững, đích thực. Một thực tế không thể phủ nhận: Hiện nay rất nhiều giáo viên đã phải đầu tư cho công tác chủ nhiệm một quỹ thời gian lớn gấp nhiều lần con số 4 tiết/ tuần mà nhà nước dành cho. Ấy vậy mà kết quả chẳng mấy khi được như ý. Họ băn khoăn, lo ngại không biết lấy thời gian đâu. Trong khi đó thời gian đối với giáo viên bây giờ là vô cùng hạn chế, chi phối cho rất nhiều công việc trong một ngày: dành cho việc soạn giáo án; soạn bài cải tiến phương pháp giảng dạy; thao giảng; làm đồ dùng dạy học; chấm bài kiểm tra…. Để giải quyết mâu thuẫn này, người GVCN chỉ có con đường ngắn nhất là phải xây dựng và duy trì thành công mô hình lớp tự quản. . Vì vậy, việc chọn được đội ngũ cán sự lớp có năng lực, nhiệt tình cùng tầm ảnh hưởng lớn với tập thể, từ đó giao phó quyền hạn cho các em quản lý là một việc làm hết sức cần thiết.
2.4. Thỏa mãn nhu cầu tâm lý của tuổi mới lớn
Học trò bậc trung học nói chung, các em đang trong lứa tuổi chuyển hoá tích cực về đặc điểm cơ thể, nhân cách cũng như quan hệ xã hội. Trong đó, nổi bật nhất là đặc điểm rất ưa hoạt động, ham khám phá và tìm hiểu những điều mới lạ, hấp dẫn. Các em không chỉ ước ao khám phá bí mật của thế giới xung quanh, mà còn rất muốn khám phá ra chính mình. Trong mọi hoạt động hàng ngày, không em nào không nảy sinh ý thức muốn tự khẳng định mình và tìm cách hòa mình với tập thể. Các em rất cần tự biết mình là ai, từng bước muốn khẳng định được tiếng nói, vị trí của mình trong tập thể và xã hội. Xây dựng mô hình lớp tự quản không những thỏa mãn được nét tâm lý phổ biến ấy của các em, mà còn giúp các em có cơ hội để nó được nuôi dưỡng, rèn luyện và phát triển một cách tích cực nhất. Điều này cũng làm thoả mãn nguyên tắc “giáo dục trong tập thể và bằng tập thể”.
3. Kết luận
Giáo dục hiện nay đang hướng tới sự đổi mới toàn diện về cả phương pháp dạy học lẫn giáo dục, trong đó những phương pháp quản lý mới trong công tác chủ nhiệm lớp cũng được đặc biệt quan tâm. Luật giáo dục đã chỉ rõ: “Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, từng môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học, rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui hứng thú học tập cho học sinh”. Đó cũng là phương châm để áp dụng cho công tác chủ nhiệm lớp - một trong những hoạt động giáo dục nổi bật ở trường phổ thông.
Là đại diện cho tập thể giáo dục của nhà trường quản lý giáo dục toàn diện một tập thể học sinh, GVCN cần phát huy cao nhất năng lực tự quản nhằm phát huy tiềm năng tích cực của mọi học sinh. Là cầu nối giữa tập thể học sinh với các tổ chức xã hội trong và ngoài trường, là người tổ chức phối hợp các lực lượng giáo dục, GVCN đồng thời cũng cần theo dõi sát sao để có những định hướng, góp ý cũng như đánh giá một cách khách quan kết quả rèn luyện của mỗi học sinh và tập thể học sinh lớp mình phụ trách. Bên cạnh đó, cần nắm vững đường lối quan điểm, lý luận giáo dục đặc biệt là những phương pháp, nghệ thuật sư phạm để vận dụng vào việc tổ chức các hoạt động cụ thể. Nắm vững mục tiêu giáo dục nhà trường, cấp học, lớp học, chương trình hoạt động của nhà trường trong năm học, đồng thời nghiên cứu, phân tích để nắm vững đặc điểm, năng lực của đối tượng tham gia hoạt động để lập kế hoạch, thiết kế các hoạt động cụ thể, chi tiết, phù hợp. Đặc biệt, GVCN phải là người không ngừng cổ vũ học sinh, khích lệ tinh thần tự giác, đoàn kết vì tập thể của các em.
Ngô Thế Lâm
Khoa Lý luận cơ bản