1. Đặt vấn đề
Toàn bộ những năng lực, ý chí, động cơ, thái độ, phương pháp học tập… của người sinh viên được huy động vào quá trình tự học của họ chính là nhân tố chủ quan trong tự học của sinh viên nhằm hướng tới nắm vững tri thức, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp và vận dụng có hiệu quả những vấn đề thực tiễn của hoạt động học tập đặt ra, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà trường cũng như của xã hội trong thời kỳ mới. Nhân tố chủ quan được phát huy sẽ có vai trò to lớn trong nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần phát triển và hoàn thiện nhân cách của chính người học.
Phát huy nhân tố chủ quan trong tự học của sinh viên là một quá trình tác động làm biến đổi, nâng cao những yếu tố bên trong người học như năng lực tư duy, động cơ, thái độ, trách nhiệm, phương pháp học tập, tự học. Nhằm khai thác một cách có hiệu quả những phẩm chất tâm lý, nâng cao tính tích cực, chủ động, sáng tạo. Có thể nói, phát huy nhân tố chủ quan trong tự học của sinh viên chính là sự phát triển nâng lên của các yếu tố “nội lực” bảo đảm cho họ chiếm lĩnh được mục tiêu đào tạo, hoàn thành được nhiệm vụ học tập rèn luyện trong thời gian học tập ở trường cao đẳng, đại học.
2. Nội dung
2.1. Một số tiêu chí đánh giá phát huy nhân tố chủ quan trong tự học của sinh viên
Có thể căn cứ vào các tiêu chí sau đây để đánh giá phát huy nhân tố chủ quan trong hoạt động tự học của sinh viên.
Một là, sinh viên có nhận thức đúng đắn về mục tiêu, yêu cầu đào tạo, về vai trò của tự học trong quá trình học tập, về vai trò của mình trong hoạt động nhận thức nói chung và hoạt động tự học nói riêng, từ đó để xác định trách nhiệm, động cơ trong tự học của mình.
Hai là, sự thể hiện năng động, chủ quan, tích cực trong mọi hoạt động tự học, biểu hiện ở chỗ: sự tận dụng thời gian cho tự học, sự chủ động trong xây dựng kế hoạch và tiến hành thực hiện kế hoạch tự học của mình một cách khoa học, có hiệu quả.
Ba là, khả năng tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo và khả năng vận dụng lý thuyết vào thực hành rèn luyện kỹ năng kỹ xảo. Có phương pháp tự học phù hợp với khả năng nhận thức của mình, nhằm mục đích tiếp nhận tri thức được trang bị một cách nhanh nhất, có hiệu quả nhất.
Bốn là, kết quả học tập, kết quả tiếp thu tri thức, rèn luyện thuần thục các động tác của người học là tiêu chí cao nhất đánh giá mức độ phát huy nhân tố chủ quan của sinh viên.
Kết quả học tập là thước đo đánh giá sự vươn lên của mỗi người trong học tập. Biểu hiện ở sự tăng lên liên tục của kết quả học tập trong quá trình học tập, môn sau, kỳ sau, giai đoạn sau cao hơn môn trước, kỳ trước, giai đoạn trước. Trong học tập thực hành đó là sự thực hiện chính xác, thuần thục các thao tác theo yêu cầu của giảng viên.
2.2. Vai trò phát huy nhân tố chủ quan trong tự học của sinh viên hiện nay
- Trên cơ sở tác động của các nhân tố của quá trình đào tạo, phát huy nhân tố chủ quan trong tự học sẽ tạo ra sự đồng điệu, sự cộng hưởng tác động giữa “ngoại lực” và “nội lực” trong tự học để thực hiện tốt hơn mục tiêu, yêu cầu phát triển và hoàn thiện nhân cách người học.
- Phát huy nhân tố chủ quan trong tự học của sinh viên là nền tảng để phát triển tài năng, mà trước hết là rèn luyện và nâng cao năng lực tư duy độc lập, năng lực nhận biết và giải quyết các vấn đề cùng với các kỹ năng cần thiết.
- Phát huy nhân tố chủ quan trong tự học của sinh viên là động lực bên trong giúp người học không ngừng vươn lên nắm vững kiến thức, rèn luyện kỹ năng và các phẩm chất cần thiết.
Như vậy, phát huy vai trò nhân tố chủ quan trong tự học của sinh viên là nguồn lực bên trong thúc đẩy quá trình tự chuyển hóa, phát triển tài năng và sự rèn luyện kỹ năng kỹ xảo, sự hoàn thiện các phẩm chất ở người học, nâng cao sự tiếp thu, lĩnh hội tri thức khoa học và phát triển tri thức mới, tạo ra một sự tác động trở lại đến các lực lượng tham gia đào tạo nhận thức, cải biến phương pháp, nội dung, phương tiện để thực hiện quá trình đào tạo có hiệu quả hơn. Nhờ vậy tạo điều kiện thúc đẩy quá trình chuyển hóa từ đào tạo thành tự đào tạo ở người sinh viên hiện nay.
3. Một số giải pháp phát huy nhân tố chủ quan trong tự học của sinh viên hiện nay
3.1. Đổi mới nội dung chương trình theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên
Đổi mới nội dung chương trình đào tạo hiện nay cần phải đáp ứng mục tiêu đào tạo “cơ bản, hệ thống - thống nhất, chuyên sâu”, vừa bảo đảm tính hợp lý, lôgíc trong kết cấu, vừa phải đặt ra yêu cầu cao để người học phát huy cao độ.
Đổi mới nội dung chương trình đào tạo phải theo hướng tăng cường thời gian tự học, thời gian thực hành, nhằm làm cho người học phát huy hết khả năng của mình trong nghiên cứu, nắm vững tri thức, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp. Đổi mới nội dung chương trình phải căn cứ sự hợp lý với thực tế của từng môn học, từng ngành đào tạo.
3.2. Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên
Giảng viên là chủ thể của hoạt động dạy, là lực lượng có vai trò trực tiếp, to lớn trong định hướng, điều khiển toàn bộ hoạt động tiếp thu lĩnh hội tri thức và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp ở người học, là lực lượng cơ bản giữ vai trò quyết định chất lượng đào tạo, trực tiếp tác động đến sự phát triển năng lực, phẩm chất của người học Cùng với hoạt động dạy - truyền đạt tri thức khoa học, giảng viên còn là người định hướng trong sự phát triển phẩm chất nhân cách của người học, đưa họ vào các tình huống nhận thức, giúp họ có được các hình thức, phương pháp học tập, rèn luyện và các hoạt động khác một cách tự giác chủ động. Vì vậy, nâng cao chất lượng và phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên hiện nay có ý nghĩa to lớn trong quá trình nâng cao chất lượng học tập, tự học nói riêng và chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng nói chung. Đứng trước yêu cầu cấp thiết của thực tiễn giáo dục Việt Nam, của bối cảnh hội nhập quốc tế, việc đổi mới, trang bị những lý luận, năng lực để phát huy tính tích cực xã hội của đội ngũ giảng viên trong các trường cao đẳng, đại học hiện nay là vấn đề tất yếu.
3.3. Đổi mới công tác quản lý giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục thuận lợi, bảo đảm đủ cơ sở vật chất phục vụ cho dạy hoc nhằm tích cực hoá nhân tố chủ quan của người học là nền tảng để phát triển tài năng, nâng cao năng lực tư duy độc lập, sáng tạo và giải quyết các tình huống sư phạm…, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện chuyển hoá từ đào tạo thành tự đào tạo giúp người học không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập.
3.4. Phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo trong hoạt động tự học của sinh viên hiện nay
Đây chính là giải pháp mang tính quyết định trong việc phát huy nhân tố chủ quan trong tự học của người sinh viên. Để phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của người học trong hoạt động tự học, cần tập trung vào một số vấn đề sau:
- Giáo dục nâng cao nhận thức, thái độ, động cơ người học nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong tự học của sinh viên.
- Bồi dưỡng nâng cao hệ thống tri thức kỹ năng tự học là điều kiện để người học phát huy cao nhất tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mình trong hoạt động học tập, hoạt động nghiên cứu khoa học Để có thể rèn luyện được phương pháp tự học, tự nghiên cứu, người sinh viên cần phải quán triệt tinh thần "tự lực cánh sinh". Điều đó đem lại lợi ích cho người học là tự động viên, nhắc nhở tinh thần cho chính bản thân mình. Hiểu rõ mục đích học tập và xác định động cơ học tập đúng đắn. Hơn nữa, cần rèn luyện lòng say mê, yêu khoa học. Học phải có kế hoạch, phương pháp học tập: người học phải lập kế hoạch cho việc tự học, tự nghiên cứu (Học lúc nào? Học ở đâu? Học môn gì, phần nào trước, phần nào sau?...). Người sinh viên cũng cần phải rèn luyện được sự tập trung tư tưởng cao độ khi học tập, nghiên cứu, không bị xao lãng bởi các yếu tố gây nhiễu xung quanh. Khi xem xét một vấn đề, người học phải xuất phát từ chính định nghĩa, khái niệm và đặt vấn đề đó trong mối liên hệ với các vấn đề khác. Để tạo được niềm vui người học nên bắt đầu từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ xa đến gần, từ cụ thể đến khái quát, trừu tượng.
Người học phải rèn luyện kỹ năng đọc sách, kỹ năng nghiên cứu tài liệu (Khi đọc sách cần phải ghi chép: lập dàn bài cho những phần cần nghiên cứu, đầu tiên là dàn ý sơ lược, sau đó chi tiết hóa dần. Để tìm ra được phương pháp giải quyết vấn đề, người học cần phát huy tư duy biện chứng, logic để đi đến kết quả trọn vẹn. Trong việc đẩy mạnh phương pháp tự học, cũng cần chú ý đến sự tương trợ, giúp đỡ nhau trong học tập. Do đó, người sinh viên có thể kết hợp với những người học khác thành nhóm học tập, trao đổi thông tin, học hỏi lẫn nhau để khắc sâu nội dung bài học. Trao đổi với giảng viên, người hướng dẫn về những phần kiến thức khó, kiến thức không hiểu và những phần kiến thức người học muốn đi sâu tìm hiểu rõ hơn. Bên cạnh đó, mỗi khi mệt mỏi, căng thẳng trong quá trình học tập, nghiên cứu cần kết hợp với giải trí và nghỉ ngơi đúng lúc, phù hợp như: nghe nhạc, đi bộ, trò chuyện với bạn bè...là những hình thức nghỉ ngơi thư giãn rất tốt để thúc đẩy quá trình tự học hiệu quả hơn.
- Phát huy nhân tố chủ quan trong tự học của sinh viên là kết quả của sự tác động biện chứng của những điều kiện khách quan của quá trình đào tạo như: nội dung chương trình đào tạo, mục tiêu yêu cầu, chất lượng, phương pháp dạy học của giáo viên, điều kiện bảo đảm cho quá trình học tập, tự học với người học - chủ thể của quá trình nhận thức ấy. Trong đó, để hoàn thành nhiệm vụ chủ thể nhận thức phải phát huy năng động của những yếu tố “nội lực”, tích cực, chủ động trong việc tiếp thu, lĩnh hội tri thức được trang bị và rèn luyện kỹ năng kỹ xảo để vươn tới chiếm lĩnh mục tiêu đào tạo.
3. Kết luận
Phát huy nhân tố chủ quan trong tự học của sinh viên hiện nay đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, mỗi biện pháp tác động đến một khía cạnh, song tất cả những biện pháp đó hỗ trợ, thống nhất với nhau và cùng tác động đến người học, làm cho người học có một ý chí nỗ lực vươn lên để khai thác tối ưu “nội lực” của mình, tạo nên sự chuyển biến, phát triển trong nhận thức, động cơ, thái độ của họ, nhằm đạt mục tiêu là nâng cao chất lượng học tập, tự học, hoàn thành mục tiêu đào tạo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Trần Khánh Đức (2007). “Giáo dục Việt nam - Đổi mới và phát triển hiện đại hoá”. NXB Giáo dục, Hà Nội.
[2] Trần Khánh Đức (2010), “Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực trong thế kỷ XXI”. NXB Giáo dục, Hà Nội.
[3] Nguyễn Văn Thiện, Nguyễn Công Hải (2011), Việt Nam trong tiến trình hội nhập ASEAN, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội.
Th.S Nguyễn Thị Thảo Tiên
Khoa Lý luận cơ bản