Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Lý luận cơ bản ❯ Chi tiết
       
  12/04/2019 12:02        

Ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại của đại thắng mùa xuân năm 1975

Kỷ niệm 44 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 

(30/4/1975 - 30/4/2019)

 

Đúng 11 giờ 30 phút trưa ngày 30 - 4 - 1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, miền nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Cả dân tộc vang khúc khải hoàn “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước. Đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, cả đất nước hân hoan trọn niềm vui trong ngày hòa bình độc lập thống nhất hai miền Nam Bắc. Khép lại hơn hai thập niên đấu tranh giải phóng dân tộc, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên xây dựng CNXH.

Từ cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại kéo dài suốt 21 năm…
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, miền Bắc nước ta được giải phóng, chuyển sang giai đoạn Cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó, ở miền Nam, Mỹ nhảy vào thay chân Pháp, thiết lập chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm nhằm thực hiện âm mưu chia cắt Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và là căn cứ quân sự của Mĩ ở Đông Nam Á. Khi cả dân tộc Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ trong bối cảnh quốc tế phức tạp, vừa có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, kẻ thù của chúng ta là một đế quốc có tiềm lực vật chất, vũ khí, kỹ thuật đứng hàng đầu thế giới. Chúng âm mưu xâm chiếm miền Nam tiến tới xâm chiếm cả Việt Nam đồng thời thực hiện chia rẽ Bắc - Nam, chia rẽ phe XHCN. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 là cuộc Tổng tấn công quân sự cuối cùng của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong Chiến tranh Việt Nam. Chiến dịch bắt đầu từ ngày 4 tháng 1 và kết thúc ngày 30 tháng 4 năm 1975. Cuộc Tổng tấn công này gồm ba chiến dịch liên tiếp nhau: Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4 tháng 3 đến 24 tháng 3), Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng (từ 21 tháng 3 đến 29 tháng 3) và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ 26 tháng 4 đến 30 tháng 4).

 

Xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập trong thời khắc lịch sử lúc 11h30, trưa 30/4/1975

… Đến thắng lợi vẻ vang mang đến ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại to lớn
- Đối với nước ta
Chiến thắng 30/4/1975 có ý nghĩa lịch sử sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. với chiến thắng này, đã kết thúc thắng lợi 21 năm chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, 30 năm chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Nhân dân ta vĩnh viễn thoát khỏi ách nô dịch của các nước đế quốc, vĩnh viễn thoát khỏi họa đất nước bị chia cắt, giải phóng miền Nam; hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước, bảo vệ những thành quả b¬ước đầu của cách mạng XHCN ở miền Bắc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc và CNXH; tăng thêm sức mạnh vật chất, tinh thần, thế và lực cho cách mạng và dân tộc Việt Nam, để lại niềm tự hào sâu sắc và những kinh nghiệm quý cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước giai đoạn sau; góp phần quan trọng vào việc nâng cao uy tín của Đảng và dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.
- Đối với cách mạng thế giới
Việt Nam chúng ta, từ một dân tộc bị nô lệ, đã đứng lên giành lại được nền độc lập dân tộc sau gần một thế kỷ mất nước và trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất, có đầy đủ chủ quyền được pháp lý quốc tế thừa nhận, tôn trọng; có quân đội hùng mạnh, có vị thế quan trọng, sánh vai cùng các nước trên thế giới; Với chiến thắng vĩ đại này, đã tăng cường quan hệ hữu nghị, đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa ba nước Việt Nam, Lào, Cămpuchia anh em, góp phần quyết định vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc của từng nước, thủ tiêu chủ nghĩa thực dân ở ba nước Đông Dương; góp phần làm suy yếu chủ nghĩa đế quốc, phá vỡ một phòng tuyến quan trọng của chủ nghĩa đế quốc ở khu vực Đông Nam Châu á; Đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta thắng lợi, đã thức tỉnh, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh vì mục tiêu độc lập dân tộc, dân chủ tự do và hòa bình phát triển của nhân dân thế giới.
- Đại thắng mùa xuân năm 1975 nói riêng và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta nói chung, mãi mãi để lại cho dân tộc Việt Nam những giá trị lịch sử vô cùng quý giá
Đó là về phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết chiến và quyết thắng kẻ thù xâm lược, gìn giữ non sông đất nước, cho dù kẻ thù đó mạnh đến đâu, có tiềm lực kinh tế, quân sự to lớn đến chừng nào và hung hãn hiếu chiến đến bao nhiêu… Chiến thắng 30/4/1975, cũng chính là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thắng lợi của đường lối và phương hướng cách mạng đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, tự lực, tự cường, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Đó cũng là thắng lợi của thời đại mới, thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới.

 


Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải (Quảng Trị) - chứng tích lịch sử sống động của cuộc kháng chiến chống Mỹ

 

Còn mãi vọng vang khúc ca tự hào về tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng...

Hơn 40 năm đã trôi qua nhưng với đại thắng mùa Xuân năm 1975, tầm vóc của nó vẫn còn vang mãi như là một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của lịch sử Việt Nam chống ngoại xâm. Với đại thắng oanh liệt và hào hùng năm ấy, quân và dân ta, đất nước ta đã “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” thống nhất non sông, quét sạch hoàn toàn bóng quân thù xâm lược, giang sơn thu về một mối, cả nước sống trong hòa bình độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội theo lời Bác Hồ căn dặn.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã tổng kết ý nghĩa và tầm vóc của chiến thắng vĩ đại trong mùa Xuân năm 1975, khẳng định: "Năm tháng rồi sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sẽ mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một trong những trang sử chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người Việt Nam. Một sự kiện có tầm vóc quan trọng quốc tế lớn lao và có tính thời đại sâu sắc"[1] Những bài học kinh nghiệm quý giá mà chúng ta đã rút ra được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, là tài sản quý giá để Đảng ta, Nhà nước ta, nhân dân ta và Quân đội ta gìn giữ, nâng niu và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn sinh động vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới. 

 

Toàn dân náo nức kỷ niệm ngày lễ lịch sử trong suốt hơn 40 năm qua

Với mỗi người Việt Nam, ngày 30/4/1975 là một ngày lịch sử trọng đại. Đó là ngày non sông thu về một mối, Bắc - Nam liền một dải từ địa đầu Lũng Cú đến mũi Cà Mau. Dòng sông Bến Hải - Tỉnh Quảng Trị, nơi từng là vĩ tuyến 17 chia cắt đất nước nay thành một chứng tích lịch sử oai hùng. Đại thắng mùa Xuân 1975 kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân ta. Ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm quý báu được rút ra từ chiến thắng vĩ đại đó còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Trong khí thế hào hùng của ngày toàn thắng, chúng ta tự hào ôn lại những kinh nghiệm đó để mãi mãi ghi nhớ ý nghĩa lịch sử trọng đại của ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc 30/4/1975; Mặt khác cũng là để phát huy những bài học kinh nghiệm quý báu về truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất; anh dũng của quân dân Việt Nam trong việc quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền, lãnh thổ đất nước hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb Sự thật, H.1975, (tr.5-61).
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016.
[3] Giáo trình Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, năm 2017.

 

Nguyễn Thị Thảo Tiên

Tổ Chính trị, Khoa Lý luận cơ bản

 
Khoa Lý luận Cơ bản