Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Lý luận cơ bản ❯ Chi tiết
       
  20/04/2019 15:50        

Đổi mới phương pháp giáo dục tri thức nhằm khơi dậy tính tự chủ, độc lập, sáng tạo, lý tưởng, niềm tin, nhiệt tình cách mạng, tình yêu nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm

Tri thức giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố cốt lõi, cơ bản của ý thức. Nó là cơ sở hình thành niềm tin và lý tưởng. Tri thức sâu sắc, đúng đắn là điều kiện hàng đầu bảo đảm tính vững chắc của niềm tin, lý tưởng. Tri thức sâu sắc, có hệ thống là cơ sở thế giới quan khoa học.
Tri thức có vai trò to lớn trong việc điều chỉnh hành vi giúp cho sinh viên phân biệt được đúng, sai; tốt, xấu; thiện, ác; giả, thật… và định hướng hành vi theo cái tốt, cái đẹp… Thiếu tri thức, sinh viên khó phân biệt được đâu là cái nên làm và đâu là cái cần phải tránh. Thiếu sự hiểu biết thì con người khó có thể làm chủ được hành vi của mình. Một khi không làm chủ hành vi của mình thì có thể dẫn đến những hậu quả rất nguy hiểm.
Bandzeladze nói “Hiểu biết là ngọn nguồn của tính tự giác”. Nhưng, thực tiễn đã chỉ ra rằng: có tri thức đúng chưa chắc đã có hành động tự giác.
Có sinh viên có thể đạt điểm cao ở các môn Lý luận chính trị, có thể đọc thuộc lòng những quy luật, những phạm trù của các môn học này nhưng không tự giác và không nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội do nhà trường, Đoàn thanh niên phát động. Sinh viên có thể hiểu rất kỹ về nội dung học tập, nội quy nhà truờng, nhưng vẫn không thực hiện, thậm chí cố tình vi phạm.
Vì vậy, trong công tác giáo dục cho sinh viên, chúng ta phải giúp cho sinh viên có được những tri thức, hiểu biết nhất định. Nhưng cái quan trọng hơn và có ý nghĩa quyết định là giúp cho sinh viên biết biến những tri thức đó thành tình cảm, niềm tin và cuối cùng được thể hiện ở hành vi, trong cuộc sống học tập, sinh hoạt một cách tự nguyện, tự giác. Hơn nữa, tri thức mà sinh viên tiếp nhận được ở nhà trường trong học tập và kinh nghiệm trong cuộc sống là hai yếu tố quyết định bản lĩnh sinh viên để biến tri thức thành niềm tin và chính niềm tin ấy là chất men của cuộc sống tạo thành ý chí và động lực thúc đẩy hoạt động để thực hiện ước mơ, lý tưởng của họ.
Giáo dục tri thức cho sinh viên phải khuyến khích, động viên, giải phóng và phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của sinh viên cùng với những khát vọng và nhu cầu của sinh viên, phải khơi dậy được những phẩm chất tốt đẹp của sinh viên, nâng cao ý thức trách nhiệm trong những hoạt động năng động của sinh viên. Để đạt được điều đó, phải có phương pháp tiếp cận nhân văn: Nhân cách người dạy tác động lên nhân cách người học. Cách tiếp cận này dựa trên cơ sở quan hệ nhân văn giữa người dạy và người học. Đó là:
1. Hãy quan tâm thường xuyên hơn đến tình cảm của người học.
2. Thường xuyên tận dụng hơn mục đích của người học trong tác động qua lại trong giờ học.
3. Đối thoại nhiều hơn với người học.
4. Khen người học thường xuyên.
5. Giao tiếp thích hợp hơn (bớt nghi lễ).
6. Thường xuyên gắn nội dung học tập với kinh nghiệm cụ thể của từng người học (lời giảng nhằm thoả mãn nhu cầu trực tiếp của người học).
7. Hãy cười nhiều hơn với học sinh .
Ngày nay, cùng với sự cần thiết phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động, độc lập, tích cực của sinh viên, chúng ta cần quan tâm đến ý kiến của sinh viên, không thể áp đặt một chiều. Đối với sinh viên thì giáo dục hiện đại nghiêng về phân tích lý lẽ để sinh viên tự phân biệt đúng - sai, tự điều chỉnh mà không cần có sự kiểm soát gắt gao, phát huy tinh thần chủ động sáng tạo của sinh viên.
Để có được những nhân cách phát triển toàn diện thì một trong những nhiệm vụ trước mắt là cùng với việc nâng cao trình độ văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ cho sinh viên, chúng ta cần phải chú trọng và tăng cường có hiệu quả hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, pháp luật, lối sống cho sinh viên - những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển nhân cách sinh viên, nền tảng giúp cho sinh viên có khả năng định hướng, định vị cho sự phát triển tiếp theo của mình. Phải kết hợp đồng bộ giáo dục chính trị - tư tưởng - đạo đức, giáo dục phương pháp tư duy khoa học, giáo dục pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật. Do đó các môn đạo đức, pháp luật cần được dạy ở tất cả các lớp chứ không chỉ ở một số lớp hiện nay. Hoặc trong mỗi môn học, giáo viên có thể giáo dục đạo đức, pháp luật qua môn học đó, nhất là các môn khoa học xã hội.
Một trong những phương pháp giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức là phương pháp nêu gương. “Nêu gương” là phương pháp thông qua người thật, việc thật vừa tiêu biểu, vừa gần gũi để định hướng cho đối tượng tiếp thu cách nghĩ, cách hoạt động theo mục tiêu mà “tấm gương” đã trải qua. Phương pháp này là sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn được kết tinh vào “tấm gương” mà chúng ta tuyển chọn, có tác dụng thúc đẩy đối tượng giáo dục lòng tự trọng, tính phục thiện để suy nghĩ và hành động phù hợp. Chính vì thế Hồ Chí Minh đã nói: “Không có phương pháp dạy học nào hiệu quả bằng phương pháp nêu gương”. Cần nêu những tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, cao thượng trong tất cả các lĩnh vực: chiến đấu, lao động, học tập, nghiên cứu khoa học, sản xuất - kinh doanh để sinh viên học tập và noi theo: “Người ta lúc đầu phải nhìn vào người khác, như nhìn vào một cái gương mới nhận thấy mình được” (Các Mác). Những tấm gương ấy có thể dẫn ra từ trong sách vở, trong các điển tích văn học; cũng có thể từ cuộc sống đời thường… miễn sao các tấm gương ấy có tác dụng lay động tâm hồn lớp trẻ, giúp họ có ý chí vươn lên, bồi dưỡng những tình cảm cao đẹp cho họ, giúp họ có một niềm tin yêu hơn đối với con người. Hiện nay, cái khoảng trống cần được bù đắp cho sinh viên là sự định hướng cụ thể cũng như sự lý giải một cách khoa học, có căn cứ, đầy sức thuyết phục trước những biến động của các giá trị nhân cách xã hội, nhất là trước những tấm gương phản diện của một số cán bộ thoái hoá, biến chất.
Qua các môn học, qua phương pháp giảng dạy của thầy giáo, hình thành kĩ năng sư phạm, tình yêu nghề trong sinh viên. Tình yêu nghề, đó là chất men xúc tác mạnh mẽ giúp sinh viên vượt qua những khó khăn, thử thách, vươn lên trong học tập và rèn luyện. L.N.Tônxtôi từng nói “Để đạt được thành tích trong công tác, người thầy giáo phải có một phẩm chất - đó là tình yêu. Người thầy giáo có tình yêu trong công việc là đủ cho họ trở thành người giáo viên tốt”. Do đó tất cả các môn sinh viên sư phạm học đều phải coi trọng và đặc biệt là những môn giáo dục học, tâm lí học lại càng được chú trọng hơn.
Như vậy, đổi mới phương pháp giáo dục tri thức phải khơi dậy được tính tự chủ, độc lập, sáng tạo, lý tưởng, niềm tin, nhiệt tình cách mạng, tình yêu nghề nghiệp cho sinh viên. Cần thực hiện phương pháp tiếp cận nhân văn, cần chú trọng phương pháp nêu gương, phải thổi vào trong sinh viên tình yêu nghề nghiệp.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Phạm Minh Hạc (2004), Phương pháp tiếp cận nhân văn: Nhân cách người dạy - Nhân cách người học đối với vấn đề chất lượng giáo viên, Tạp chí quản lý giáo dục, (tr77).
[2] Bộ Giáo dục và Đào tạo (1995), Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, (tr 173).

 

TS. Vũ Thị Kim Oanh

Tổ Giáo dục chính trị, Khoa Lý luận cơ bản

 
Khoa Lý luận Cơ bản