Cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX là thời kỳ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ở các nước Tây Âu phát triển mạnh mẽ trên nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp. Nó không những đánh dấu bước chuyển biến từ nền sản xuất thủ công tư bản chủ nghĩa sang nền sản xuất đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa mà còn làm thay đổi sâu sắc cục diện xã hội, trước hết là sự hình thành và phát triển của giai cấp vô sản.
Mâu thuẫn sâu sắc giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất đã bộc lộ qua cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1825 và hàng loạt cuộc đấu tranh của công nhân chống lại chủ nghĩa tư bản (tiêu biểu là: cuộc khởi nghĩa của công nhân dệt ở Lyon (pháp) năm 1831, 1834; phong trào Hiến chương (Anh) năm 1835 - 1838, cuộc khởi nghĩa của công nhân dệt Siledi (Đức) năm 1844. Như vậy, mâu thuẫn trên lĩnh vực kinh tế tất yếu dẫn đến mâu thuẫn trên lĩnh vực xã hội, cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản và vô sản là điều tất yếu. Hầu hết những cuộc đấu tranh ban đầu diễn ra lẻ tẻ, mang tính tự phát và nặng về kinh tế. Chính thực tiễn cách mạng của giai cấp vô sản đã đặt ra yêu cầu khách quan là nó phải được soi sáng bằng lý luận khoa học. Chủ nghĩa Mác ra đời là sự đáp ứng yêu cầu khách quan của phong trào công nhân. Trong Tuyên ngôn Đảng cộng sản (1848), C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng” và từ đó thành lập tổ chức Liên minh những người cộng sản. Chủ nghĩa Mác đã chỉ ra “Tư bản là một lực lượng quốc tế. Muốn thắng nó cần phải có sự liên minh quốc tế”. đó cũng là phương châm đấu tranh cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Trong giai đoạn phát triển đầu tiên của sản xuất tư bản chủ nghĩa, khi kỹ thuật còn thấp, tiến bộ chậm chạp thì phương pháp chủ yếu để tăng giá trị thặng dư là phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối. Phương thức bóc lột này được áp dụng bằng cách kéo dài thời gian lao động hoặc tăng cường độ lao động. Bằng việc áp dụng các hình thức đó, người lao động không còn thời giờ nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình, học tập, vui chơi mà bị cuốn vào guồng máy làm thuê tất bật, hối hả, thường xuyên phải lao động 14 đến 16 giờ trong một ngày.
Năm 1864, ngay sau khi thành lập “Hội Liên hiệp giai cấp công nhân Quốc tế” (Quốc tế I), C.Mác và Ph.Ăngghen đã coi nhiệm vụ đấu tranh đòi rút ngắn thời gian lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của phong trào công nhân lúc đó. Tại Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản I ở Gieneve (Thụy Sĩ) tháng 9/1866, vấn đề đấu tranh rút ngắn thời gian lao động “ngày làm việc 8 giờ” đã được C.Mác coi là nhiệm vụ đấu tranh quan trọng của giai cấp vô sản.
Tháng 4 - 1884, tại thành phố công nghiệp Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: “Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”. Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu của một năm kế toán tại các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không thể kiếm cớ chối từ. Vào ngày 1/5/1886, tại Chicagô (Mỹ) đã nổ ra một cuộc đình công của giai cấp công nhân, 40 nghìn người không đến nhà máy, họ tổ chức mít tinh, biểu tình trên thành phố với khẩu hiệu: “từ nay trở đi không người công nhân nào phải làm việc quá 8 giờ một ngày”. Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi và 8 giờ học tập.
Cùng ngày đó, tại các trung tâm công nghiệp ỡ nước Mỹ đã nổ ra 5000 cuộc bãi công của công nhân với khoảng 340.000 công nhân tham gia ở khắp nước Mỹ, sau đó hơn 12 vạn công nhân đã giành được quyền ngày làm việc 8 giờ. Khẩu hiệu “ngày làm việc 8 giờ” đã trở thành tiếng nói chung của toàn thể giai cấp công nhân. Nhưng cũng ở nhiều nơi cảnh sát đã đàn áp các cuộc bãi công, biểu tình của công nhân. Đặc biệt là ngay tại Chicago cảnh sát đã giết hại hàng trăm người, nhiều thủ lĩnh công đoàn bị bắt và bị kết án tử hình. Mặc dù cuộc bãi công ở Chicago bị trấn áp, nhưng khí phách anh hùng của công nhân và yêu cầu thiết thực của cuộc đấu tranh đã gây tiếng vang lớn trong giai cấp công nhân quốc tế. Sau đó công nhân ở nhiều thành phố đã xuống đường đấu tranh ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân, lao động Mỹ, hưởng ứng phong trào đòi quyền làm việc 8 giờ và những quyền lợi cơ bản khác.
Vào ngày 14/5/1889, Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế II tổ chức tại Pari (Pháp) đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1/5 làm ngày đoàn kết quốc tế và biểu dương lực lượng chiến đấu của giai cấp công nhân trên toàn thế giới. Từ đó ngày 1/5 trở thành ngày truyền thống đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới, gọi tắt là Ngày Quốc tế Lao động.
Ngày 01/05 đã trở thành ngày hội lớn của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên phạm vi toàn thế giới
Ngày 1/5 có ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, ngày đoàn kết chống áp bức, bất công, đòi những quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Ngày Quốc tế Lao động đã khẳng định sức mạnh của giai cấp công nhân quốc tế trong hành trình đấu tranh từ tự phát lên đấu tranh tự giác, từ đấu tranh giành những quyền lợi kinh tế hướng tới những mục tiêu chính trị, giành quyền lãnh đạo chính trị để tiến đến xây dựng một xã hội mới do người lao động làm chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Ngày Quốc tế Lao động 1/5 đã trở thành ngày lịch sử của giai cấp cần lao trên toàn thế giới, cho dù ngày nay cuộc cách mạng khoa học và công nghệ của loài người đã có những bước phát triển nhảy vọt. Ở nhiều quốc gia phát triển người lao động không còn phải làm việc 8 giờ trong một ngày mà có thể thấp hơn nhưng ngày Quốc tế Lao động cũng mãi là ngày kỷ niệm cho sức mạnh đoàn kết đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Tại Việt Nam, phong trào công nhân gắn liền với quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, gắn liền với những hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 1/5/1930 giai cấp công nhân đã liên minh chặt chẽ với giai cấp nông dân tổ chức nhiều cuộc đấu tranh rộng khắp trên toàn quốc. Đặc biệt là từ cuộc đấu tranh của công nhân thành phố Vinh - Bến Thủy (Nghệ Tĩnh) hình thành nên phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh - một cuộc tổng diễn tập đầu tiên của giai cấp công nhân và nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Ngày Quốc tế Lao động đã được hưởng ứng rầm rộ suốt từ Bắc vào Nam trong phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương, đã biểu dương sức mạnh đoàn kết của công nhân, người lao động Việt Nam với phong trào công nhân và lao động quốc tế.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới, cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam là một bộ phận của cuộc đấu tranh chung của giai cấp công nhân, nhân dân lao động vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22-C/NV/CC ngày 18/2/1946 về những ngày nghỉ Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó công bố: Ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức và công nhân, lao động cả nước được nghỉ một ngày có hưởng lương. Kể từ đây, ngày 1/5 được coi là một trong những ngày lễ chính thức hàng năm của Nhà nước ta.
Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế lao động 1/5 được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời kêu gọi: “Cùng đồng bào toàn quốc! Cùng anh chị em lao động! Ngày 1 tháng 5 là một ngày Tết chung cho tất cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa. Ở nước ta, lần này là lần đầu tiên đồng bào ta, anh chị em lao động ta được tự do đón tiếp ngày 1 tháng 5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa. Đối với chúng ta nó là một ngày để cho thế giới biết rằng: Ngày này chẳng những là ngày Tết lao động, mà cũng là ngày nhân dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.
Từ sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đến nay, ngày 1/5 vừa là ngày kỷ niệm quốc tế lao động lại vừa là điểm xuất phát của nhiều phong trào thi đua lao động xây dựng quê hương. Theo đó, các cấp, các ngành, phấn đấu đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, vì sự phát triển của doanh nghiệp, thu nhập và đời sống của người lao động, giải quyết hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, của người lao động và nghĩa vụ với Nhà nước, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Các cấp công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng giai cấp công nhân xứng đáng là giai cấp tiên phong, là lực lượng đi đầu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động cả nước, đã đoàn kết rộng rãi thắt chặt mối quan hệ gắn bó với nhau và với các tổ chức công đoàn trên thế giới, thực hiện đúng đường lối đối ngoại của Đảng, vì hòa bình, hợp tác phát triển.
Hiện nay, với những biến đổi của tình hình trong nước và những diễn biến phức tạp của thế giới, với những thời cơ mới, khó khăn và thách thức mới nhưng với truyền thống tốt đẹp của giai cấp công nhân, người lao động Việt Nam tự hào và tin tưởng sâu sắc nhất định sẽ đạt được những thành quả to lớn hơn trong lao động sản xuất, góp phần thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] C. Mác và Ph.Ănghen (Toàn tập), NXB Sự thật, Hà Nội 1971.
[2] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2006.
[3] Hồ Chí Minh, (Toàn tập), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995.
Th.S Nguyễn Thị Thảo Tiên
Tổ GDCT, Khoa Lý luận cơ bản