Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Lý luận cơ bản ❯ Chi tiết
       
  02/05/2019 10:31        

Vận dụng sáng tạo những luận điểm Tâm lý học dạy học của L.X. Vư - gốt - xki vào công tác dạy học trong nhà trường hiện nay

1. Đặt vấn đề
Là một ngành khoa học tách rời khỏi triết học và phát triển độc lập khá muộn mằn (1789) so với nhiều ngành khoa học khác; trải qua nhiều bước đoạn thăng trầm trong quá trình hình thành và phát triển, mang đến bao cuộc tranh cãi lớn nhỏ trong giới khoa học, mãi tới đầu thế kỷ XX, khi Tâm lý học hoạt động (Tâm lý học Mác xít) ra đời, những chân lý khoa học đầu tiên mới lần lượt được kiểm chứng. Đây là cột mốc đánh dấu một chuyển biến cách mạng trong lịch sử tâm lý học. Quan điểm của Tâm lý học Mácxít trên nền tảng cơ sở lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, đã vạch ra nguồn gốc, bản chất của tâm lý, ý thức con người, đồng thời cũng vạch ra đối tượng, nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu của khoa học tâm lý. Chính vì thế, Tâm lý học Mác xít còn được gọi là “Tâm lý học hoạt động”.
Trường phái này được xây dựng và phát triển mạnh mẽ ở Liên Xô và các nước Đông Âu cũ với tư cách là trường phái tâm lý học chủ yếu, trụ cột của nền tâm lý học Xô Viết. Tâm lý học hoạt động ghi nhận sự đóng góp tiêu biểu của các nhà tâm lý học nổi tiếng Xô Viết lúc bấy giờ như: X.L Rubinstein (1902-1960), A.N. Leonchiev (1903-1979), A.R. Luria; L.X Vưgốtxky (1896-1934)…
Trong đó, nổi bật nhất, có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất là nhãn quan và phương pháp luận của Tâm lý học xã hội - văn hóa do L.X. Vưgốtxky lĩnh xướng. Tâm lý học xã hội - văn hóa được xem là cơ sở, cương lĩnh để xây dựng và phát triển trường phái tâm lý học hoạt động, bởi sau đó, tâm lý học Liên Xô nói chung đều phát triển dưới tác động chủ yếu của những tư tưởng của ông, trong đó tâm lý học dạy học chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
2. Nội dung
2.1. Những quan điểm tiêu biểu của L.X. Vưgôtxky về tâm lý học dạy học
- Chất lượng hoạt động học của học sinh phụ thuộc vào chất lượng tổ chức các hoạt động đó của giáo viên:

Hoạt động học không phải là quá trình trẻ tự khám phá môi trường một cách đơn độc mà là quá trình hợp tác, cùng hoạt động với giáo viên và học sinh có khả năng cao hơn. Trong quá trình đó, ban đầu người học bắt chước những phương thức hành động đã được nền văn hóa chấp nhận với sự giúp đỡ của giáo viên và học sinh có khả năng cao hơn. Sau đó sự giúp được này được rút dần để học sinh có thể tự thực hiện những phương thức đó và dần dần nội tâm hóa chúng. Như vậy hoạt động học chính là quá trình người học chiếm lĩnh những phương thức hoạt động đã tồn tại trong một nền văn hóa nhất định thông qua việc tham gia vào những hoạt động xã hội - văn hóa được giáo viên tổ chức. Hoạt động học được định nghĩa ở đây là học gián tiếp chứ không phải học trực tiếp nữa. Trong khi học trực tiếp chứa đựng sự tác động qua lại giữa trẻ và môi trường, ví dụ học thông qua quan sát, thử và lỗi, qua điều kiện hóa thì việc học gián tiếp người lớn và những trẻ khác có năng lực hơn đóng vai trò trung gian giữa trẻ và môi trường. Những yếu tố trung gian này sẽ giúp trẻ lựa chọn, làm thay đổi, giải nghĩa các đối tượng và các quá trình trong môi trường. Ngoài ra, những công cụ tâm lý, những hệ thống tín hiệu, ký hiệu, ngôn ngữ, hệ thống toán học… cũng là những yếu tố trung gian đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
- Về mối quan hệ giữa dạy học và sự phát triển: 

Quan điểm này của ông phản ánh rõ nét nguồn gốc xã hội của các chức năng tâm lý và là một trong những luận điểm có ảnh hưởng lớn đến tâm lý học dạy học. Ông phản bác quan điểm “dạy dọc theo đuôi sự phát triển hay đi cùng với sự phát triển”. Vưgốtxky cho rằng, dạy học phải đi trước sự phát triển, kéo sự phát triển đi theo mình. Để dạy học có thể đi trước sự phát triển, giáo viên cần phải xác định được mức độ hiện tại của người học cũng như mức độ phát triển có thể đạt được thông qua hoạt động học được tổ chức một cách phù hợp.
- Quan điểm về vùng phát triển hiện tại và vùng phất triển gần nhất: 

Theo ông, vùng phát triển hiện tại là mức độ phát triển mà ở đó người học có thể tự tiếp thu, tự giải quyết vấn đề một cách độc lập không cần sự giúp đỡ của giáo viên hoặc của những học sinh khác có khả năng cao hơn. Còn vùng phát triển gần nhất là mức độ phát triển cao hơn so với vùng phát triển hiện tại mà ở đó người học chỉ có thể giải quyết được vấn đề khi có sự giúp đỡ của giáo viên hoặc của những học sinh khác có khả năng cao hơn. Như vậy, nhiệm vụ của giáo viên không chỉ là xác định được vùng phát triển hiện tại mà cần phải nhận thức được vùng phát triển gần nhất của người học. Từ đó, quyết định khi nào thì tổ chức để người học hoạt động một cách độc lập và khi nào thì cần cung cấp sự giúp đỡ, hướng dẫn. Ngoài ra, cần nắm vững mức độ có thể phát triển được của mỗi học sinh để lựa chọn những phương pháp dạy học phù hợp.

 

Nhà Tâm lý học Nga L.X. Vưgốtxki (1896 - 1934)

2.2. Vận dụng sáng tạo lý thuyết tâm lý học dạy học của Vưgốtxky vào công tác dạy học
- Tích cực hoá hoạt động nhận thức của học sinh:
Từ quan điểm coi trọng vai trò của người học, “lấy người học làm trung tâm” của Vưgốtxky, tích cực hoá hoạt động nhận thức của học sinh là một trong những nhiệm vụ của thầy giáo trong nhà trường và cũng là một trong những biện pháp nâng cao chất lượng dạy học. Tất cả đều hướng tới việc thay đổi vai trò người dạy và người học nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình dạy học, đáp ứng được yêu cầu dạy học trong giai đoạn phát triển mới. Trong đó, học sinh chuyển từ vai trò là người thu nhận thông tin sang vai trò chủ động, tích cực tham gia tìm kiếm kiến thức. Còn thầy giáo chuyển từ người truyền thông tin sang vai trò người tổ chức, hướng dẫn, giúp đỡ để học sinh tự mình khám phá kiến thức mới.
- Dạy học phải đi đôi với phát triển: 
Nhìn chung, dạy học bằng cách này hay cách khác đều có thể góp phần phát triển học sinh, nhưng dạy học được coi là đúng đắn nhất nếu nó đem lại sự phát triển tốt nhất cho người học. Theo Vưgốtxky thì: “Dạy học được coi là tốt nhất nếu nó đi trước sự phát triển và kéo theo sự phát triển”. Cơ sở của quan điểm này là lý thuyết “vùng phát triển gần nhất” do ông đề xướng. Lý luận dạy học đã chỉ ra rằng: “Dạy học phải có tác dụng thức đẩy sự phát triển trí tuệ của người học”. Một mặt, trí tuệ của học sinh chỉ có thể phát triển tốt trong quá trình dạy học khi thầy giáo phát huy tốt vai trò của người tổ chức, điều khiển làm giảm nhẹ khó khăn cho học sinh trong quá trình nhận thức, biết cách khuyến khích học sinh tham gia vào hoạt động nhận thức tích cực trong dạy học. Mặt khác, đối với học sinh, để phát triển trí tuệ của mình không có cách nào khác là phải tự mình hành động, hành động một cách tích cực và tự giác. Đó chính là bản chất của của mối quan hệ biện chứng giữa dạy và học, giữa hoạt động và phát triển.
Thông qua hoạt động trí tuệ, học sinh phát triển dần từng bước từ thấp đến cao. Bởi vậy, các biện pháp giáo dục của thầy cũng phải thay đổi cho phù hợp với từng bậc thang của sự phát triển. Theo lý thuyết của Vưgốtxky thì trình độ ban đầu của học sinh tương ứng với “vùng phát triển hiện tại”. Trình độ này cho phép học sinh có thể thu được những kiến thức gần gũi nhất với kiến thức cũ để đạt được trình độ mới cao hơn. Vưgôtxky gọi đó là “vùng phát triển gần nhất”. Khi học sinh đạt tới vùng phát triển gần nhất nghĩa là các em đang ở “vùng phát triển hiện tại” nhưng ở trình độ mới cao hơn. Sau đó thầy giáo lại tiếp tục tổ chức và giúp đỡ học sinh đưa học sinh tới “vùng phát triển gần nhất” mới để sau đó nó lại trở về “vùng phát triển hiện tại”. Cứ tiếp tục như vậy sự phát triển của học sinh đi từ nấc thang này đến nấc thang khác cao hơn.
Tuy nhiên, một điều nữa cần lưu ý là ở những trẻ em khác nhau thì có “vùng phát triển gần nhất” khác nhau, nó phụ thuộc rất nhiều vào trình độ và năng lực của thầy giáo, đặc biệt phụ thuộc vào nghệ thuật đưa ra các “câu hỏi nêu vấn đề” và “các câu hỏi gợi ý”.
- Nâng cao sự tương tác giữa người dạy và người học:
Trong quá trình dạy học, một trong những yếu tố ảnh hưởng và chi phối mạnh mẽ đến kết quả dạy học là việc xây dựng mối quan hệ tương tác giữa thầy và trò. Các yếu tố “đồng cảm”, “thân thiện”, “cởi mở” và “biết tôn trọng lẫn nhau” cũng là những tiêu chí tạo nên một không khí học tập tích cực. Sự tương tác tích cực bên cạnh góp phần rèn luyện cho học sinh những phẩm chất của người lao động mới: tự chủ, năng động, độc lập, sáng tạo…còn là biện pháp phát hiện những quan niệm sai lệch của học sinh, qua đó giáo viên có những tác động kịp thời để uốn nắn, khắc phục. Và, điều đặc biệt quan trọng là người dạy phải xác định đúng vai trò, chức năng của mình là định hướng, tổ chức, điều khiển, điều chỉnh quá trình nhận thức, kích thích tư duy, tiếp nhận phản hồi, tổng kết, nhận xét, đánh giá hoạt động của người học.
- Dạy học phải đặt ra yêu cầu ngày càng cao cho người học:
Để kích thích tính tích cực, chủ động trong học tập, đồng thời quán triệt quan điểm dạy học đi đôi với phát triển kỹ năng và trí tuệ cho học sinh, người thầy giáo phải không ngừng đặt ra yêu cầu ngày càng cao cho người học. Yêu cầu cao trong dạy học một phần đảm bảo nguyên tắc phát triển, mặt khác thể hiện sự tôn trong người học, tin tưởng và giao phó nhiệm vụ cho người học giải quyết một cách liên tục và sáng tạo. Từ đó, từng bước dẫn dắt học sinh bước ra “vùng phát triển hiện tại” và hướng đến “vùng phát triển gần nhất” với sự giúp đỡ đắc lực của thầy, sự hỗ trợ tối đa của điều kiện, phương tiện dạy học.
- Đề cao vai trò của các yếu tố trung gian trong quá trình dạy học:
Vưgốtxky đã đánh giá rất cao vai trò của khâu trung gian, gián tiếp trong hoạt động nhận thức của người học. Do đó, quá trình dạy học phải tích cực sử dụng đa dạng các công cụ, phương tiện dạy học: sơ đồ, mô hình, tranh ảnh… các yếu tố này đóng vai trò trung gian trong việc chuyển tải kiến thức đến học sinh, cùng với công cụ tâm lý trong đầu là kiến thức cũ, kinh nghiệm, ngôn ngữ thầm…
- Ngôn ngữ là vấn đề rèn luyện ngôn ngữ trong quá trình dạy học:
Với tư cách là một yếu tố trung gian trong quá trình nhận thức của người học, đồng thời được xem là cái “vỏ của tư duy” - ngôn ngữ giữ một vai trò đặc biệt quan trọng đối với tiến trình cũng như kết quả dạy học. Vì vậy, cả giáo viên và học sinh phải ý thức tốt vấn đề này để sử dụng và rèn luyện ngôn ngữ một cách hiệu quả.
Đối với giáo viên: Phải chú ý ngay từ khâu truyền đạt, giảng giải kiến thức sao cho khúc chiết, dễ hiểu, thuyết phục với ngữ âm, ngữ điệu hợp lý. Ngoài ra, bằng sức mạnh ngôn ngữ, phải tạo được sức hấp dẫn, cuốn hút cao, phải khơi gợi được tính tích cực, tự giác tư duy của học sinh.
Đối với học sinh: Phải tích cực trau dồi vốn ngôn ngữ (nói và viết), rèn luyện và nâng cao kỹ năng khái quát hóa, trừu tượng hóa, khả năng trình bày ngắn gọn, khoa học, lập luận chặt chẽ, rõ ràng. Rèn luyện ngôn ngữ cũng là điều kiện để nâng cao sự sắc bén trong tư duy.
- Các biện pháp tích cực hoá hoạt động nhận thức của học sinh:
+ Tạo ra và duy trì không khí dạy học sôi nổi, tạo ra môi trường thuận lợi cho việc học tập và phát triển của học sinh
+ Khởi động tư duy, gây hứng thú học tập cho học sinh vào đầu mỗi tiết học
+ Khai thác và phối hợp các phương pháp dạy học một cách có hiệu quả, đặc biệt chú trọng tới các phương pháp dạy học tích cực
+ Trong giờ học, thầy giáo không được làm thay học sinh, mà phải đóng vai trò là người tổ chức quá trình học tập của học sinh, hướng dẫn học sinh đi tìm kiếm kiến thức mới
+ Cần phải tăng cường hơn nữa việc tổ chức cho học sinh thảo luận và làm việc theo nhóm.
3. Kết luận
Lý thuyết tâm lý học xã hội - văn hóa của Vưgốtxky được đánh giá là một lý thuyết phong phú, đa dạng và có nhiều đóng góp cho khoa học tâm lý nói chung và tâm lý học dạy học hiện đại nói riêng, mặc dù những luận điểm chính đều được xây dựng từ những năm 1920-1930.
Tâm lý học xã hội - văn hóa được giới thiệu với thế giới muộn hơn tâm lý học nhận thức nên chưa được đánh giá một cách thấu đáo. Dù vậy, nó vẫn được các giáo viên tâm đắc và áp dụng thành công vào thực hành dạy học. Mặc dù nhấn mạnh vai trò của xã hội và văn hóa trong việc hình thành tri thức của học sinh, Vưgốtxky vẫn rất chú trọng đến vai trò của cá nhân trong hoạt động học.
Trong hơn 3 thập kỷ nay, các nhà tâm lý học đã phát triển, mở rộng cũng như áp dụng những tư tưởng của Vưgốtxky vào tâm lý học dạy học. Hướng nghiên cứu được đặc biệt chú trọng là những công trình liên quan đến “vùng phát triển gần nhất” và ứng dụng vào thực hành dạy học. Một số nhà nghiên cứu khác đã quan tâm đến yếu tố xã hội - văn hóa trong việc phát triển tri thức cho người học, ví dụ giáo viên sử dụng phương pháp tác động qua lại, động viên học sinh tham gia hoạt động học, giúp học sinh học cách cùng làm việc để hình thành tri thức mới, ý nghĩa mới. Các nhà tâm lý học còn chú trọng đến bản chất phụ thuộc vào hoàn cảnh của việc học và sự thay đổi của những khả năng nhận thức trong những hoàn cảnh khác nhau. Ngoài ra, sự chuyển hóa và hợp nhất của khái niệm hàng ngày và khái niệm khoa học cũng được đặc biệt quan tâm.
Được thừa nhận như một thủ lĩnh tiên phong của trường phái tâm lý học hoạt động, sự ra đi sớm khi tài năng đang ở độ chín của L.X. Vưgốtxky là một điều đáng tiếc và là một mất mát lớn của tâm lý học hiện đại.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Phạm Minh Hạc (1996), Tâm lý học Vưgôtxky, tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội
[2]. Trần Trọng Thủy (1997), Lý thuyết về “vùng phát triển gần nhất” của L.X. Vưgôtxky - một đóng góp to lớn cho tâm lý dạy học, Hội thảo khoa học “L.X. Vưgốtxky, nhà tâm lý học kiệt xuất thể kỷ XX”, Hà Nội.
[3]. Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Kỳ, Lê Khánh Bằng, Vũ Văn Tảo (2004), Học và dạy cách học, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.
[4]. Nguyễn Quang Uẩn (1997), L.X. Vưgốtxki với vấn đề nhân cách, Kỉ yếu hội thảo “L.X. Vưgốtxki, nhà tâm lý học kiệt xuất thể kỷ XX”, Hà Nội.

 

Th.S Ngô Thế Lâm

Tổ TL-GD, Khoa Lý luận cơ bản

 
Khoa Lý luận Cơ bản