Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Lý luận cơ bản ❯ Chi tiết
       
  10/05/2019 12:12        

Chuyên đề thể dục thể thao: Các biện pháp phòng chống tai nạn đuối nước cho học sinh

1. Mở đầu
Đuối nước là tình trạng nước tràn vào đường hô hấp làm cho các cơ quan, đặc biệt là não bị thiếu ôxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động. Những nguyên nhân dẫn đến đuối nước có thể kể ra là:
- Không biết bơi.
- Chơi gần sông, ao, hồ không có người lớn trông chừng.
- Đi bơi không có người lớn biết bơi đi kèm.
- Không biết các nguyên tắc an toàn khi đi bơi.
- Bị lũ cuốn trong mùa lũ.
- Đi tàu, xuồng, thuyền, đò không mặc áo phao.
- Cứu bạn chết đuối khi mình không biết bơi hoặc bơi không giỏi.
- Dễ bị bạn bè khích động (đặc biệt các em trai) làm những việc nguy hiểm như: nhảy cắm đầu, bơi thi ở nơi nước sâu, chảy xiết.

Để góp phần phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em trong trường học nên đưa vào chương trình dạy bơi lội cho học sinh đồng thời hướng dẫn cho học sinh kỹ thuật sơ cấp cứu để biết tự cứu sống lấy mình hoặc bạn khác khi bị đuối nước.

2. Nội dung

2.1. Cách phòng tránh đuối nước
- Trẻ em tắm biển, tắm sông nên mặc áo phao và phải có cha mẹ, người lớn trông coi. Những nơi thường xảy ra tai nạn, cần phải thành lập đội cứu hộ và các phương tiện cần thiết để cấp cứu, tích cực tuyên truyền bằng cách in ấn cấp phát các tờ rơi đến từng hộ gia đình cảnh báo về tai nạn chết đuối. Đặt các biển báo nguy hiểm tại các bãi tắm biển, tắm sông...
- Học bơi theo từng lớp có người quản lý hoặc do người lớn hướng dẫn. Khi các em có thể bơi được 25m liên tục và tự làm nổi người ít nhất 5 phút mới được coi là biết bơi.
- Khi đi bơi các em nhớ tuân theo các nguyên tắc an toàn sau:
+ Chỉ tắm, bơi khi được người lớn giám sát và cho phép.
+ Chỉ bơi ở những nơi an toàn như: nước ngang đến ngực, không chảy xiết, không có xoáy.

2.2. Những điều các em nên làm
- Tuyệt đối tuân theo các bảng chỉ dẫn nguy hiểm.
- Chỉ bơi khi có người lớn biết bơi và cứu đuối đi kèm.
- Phải khởi động kỹ trước khi xuống nước.
- Lên bờ ngay khi trời tối, mưa, sấm chớp.
- Làm hàng rào quanh ao, hố nước, rãnh nước quanh nhà, làm cổng cửa chắn (đặc biệt khi nhà ở gần sông hồ).
- Luôn đậy giếng, bể, lu chứa nước… bằng các nấp đậy an toàn (cứng, trẻ dẫm lên không lọt).
- Chỉ tập bơi hoặc bơi ở những nơi có người lớn và phương tiện cứu hộ , tuân thủ các quy định của bể bơi , hồ bơi.
- Không bơi ở những nơi có biển báo nguy hiểm, nước chảy xiết, nước sâu.
- Không nhảy cắm đầu hoặc bơi thi ở những nơi không có chỉ dẫn.
- Không chơi đùa gần sông, hồ, ao, mương, hố nước và những nơi có biển báo nguy hiểm.
- Không tự ý lái xuồng, thuyền…khi chưa xin phép người lớn.
- Không nhảy xuống nước khi vừa đi ngoài nắng về hoặc khi có nhiều mồ hôi.
- Không ăn uống khi đang bơi để tránh sặc nước.
- Chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thuỷ. Tuyệt đối không lội qua suối khi trời mưa lũ, dông bão, nếu không biết bơi thì không được tắm biển, sông , suối khi không có người lớn đi cùng.

2.3. Lợi ích của tập luyện bơi lội
Bơi lội là môn thể thao dưới nước, do tác động của sự vận động toàn thân, đặc biệt là quạt tay, đập chân trong nước mà con người có thể chuyển động dưới nước với tốc độ khác nhau. Con người bơi được trước tiên là nhờ các tính chất cơ bản của nước như lực đẩy từ dưới lên, lực cản.
Theo quan niệm hiện nay, người biết bơi là người biết vận động để thở và không để chìm trong khoảng thời gian 5 phút. Biết bơi, tức là biết khắc phục hiện tượng sợ nước, ức chế dần những phản xạ tự nhiên khi tiếp xúc với nước như: nhắm mắt, sặc nước, sợ chìm, co cứng cơ bắp, vận động thiếu ý thức.
Tóm lại: Người biết bơi là người biết thở, làm nổi và di chuyển trong môi trường nước bằng bất kì kiểu bơi nào. Tập luyện bơi lội có lợi cho việc rèn luyện ý chí con người phải cố gắng rất lớn để khắc phục những khó khăn ban đầu như: Sợ nước, sợ lạnh, sợ chết đuối. Tập luyện bơi lội có lợi cho việc củng cố, nâng cao sức khỏe và hình thành nhân cách của con người. Tập luyện bơi lội có tác dụng tốt đối với hệ thần kinh trung ương, cải thiện chức năng tuần hoàn, hô hấp.
Bơi lội có ý nghĩa thực dụng rất lớn trong đời sống con người. Do nhu cầu chiến đấu và lao động sản xuất trong môi trường nước. Vì vậy mỗi người dân chúng ta cần phải có kĩ năng bơi lội. Thường xuyên luyện tập bơi lội thì các tố chất như: sức mạnh, nhanh, bền dẻo, khéo léo được phát triển, khả năng vận động thể lực tốt.

2.4. Phải làm gì khi thấy mình hoặc bạn bị đuối nước?
Nếu thấy mình bị đuối nước, ngay lập tức các em nhớ:
- Kêu cứu thật to.
- Bình tĩnh làm nổi người lên bằng cách hít một hơi dài, thả lỏng người.
- Bơi theo dòng nước để thoát khỏi chỗ xoáy, chỗ sâu và bơi vào bờ.

2.5. Kỹ thuật giúp thoát chết đuối dù không biết bơi
Với phương pháp này, người không biết bơi, khi rơi xuống nước vẫn có thể sống sót nhờ thực hiện 4 bước sau đây:
Bước 1: Bình tĩnh nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở (có thể lấy tay bịt mũi) để phổi không bị sặc nước, trở thành cái phao cứu sinh đẩy người nổi dần lên.
Bước 2: Tiếp tục thả lỏng người để nước đẩy lên sát mặt nước trở về tư thế bập bênh bán an toàn, đầu nổi sát mặt nước, chân ở phía nước sâu.
Bước 3: Dùng tay hoặc chân làm mái chèo, quạt nước đẩy đầu nhô khỏi mặt nước hoặc cũng có thể quạt nước xiên, đẩy người bơi đi dễ dàng bởi trong nước người trở nên nhẹ hơn so với trên cạn cạn.
Bước 4: Khi chuyển động lên xuống, tới trước hãy nhớ trên mặt nước há miệng to hít vào nhanh và sâu, dưới mặt nước ngậm miệng, thở ra từ từ bằng mũi, hoặc bằng mồm.

2.6. Cứu người đuối nước
- Dùng thuyền hoặc phối hợp người để cứu
- Dùng các vật dụng có sẵn
- Nhảy xuống nước cứu người nếu mình biết bơi giỏi
- Cấp cứu ngay ở dưới nước: nắm tóc kéo đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, tát mấy cái thật mạnh vào má nạn nhân để gây phản xạ hồi tỉnh và thở lại. Nhanh chóng quàng tay qua nách, hoặc gọi thêm người hỗ trợ đưa nạn nhân vào bờ. Cấp cứu tại chỗ là quan trọng nhất, quyết định sự sống còn của nạn nhân, nếu xử trí chậm nạn nhân bị thiếu ôxy não rất khó cứu sống sau đó.
Khi đưa được nạn nhân lên bờ hay lên thuyền phải tiến hành hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt ngay: khai thông đường hô hấp bằng cách đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ nghiêng sang một bên, dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi đường thở và miệng nạn nhân; đặt một khăn mùi soa hay miếng gạc qua miệng nạn nhân, dùng hai ngón tay cái và trỏ bịt mũi nạn nhân rồi thổi hơi trực tiếp vào miệng nạn nhân.
Nếu ngừng tim (sờ mạch tay không có) phải ép tim ngoài lồng ngực. Dùng hai tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim, tần số ép khoảng 100 lần/1 phút. Nếu chỉ có một người cấp cứu thì thổi ngạt 2-3 hơi lại ép tim ngoài lồng ngực 10-15 nhịp. Nếu có hai người cấp cứu thì một người thổi ngạt, một người ép tim ngoài lồng ngực, làm kiên trì cho đến khi tim đập lại và thở trở lại.
Khi tỉnh lại, nạn nhân sẽ nôn ra nước nên phải để nạn nhân ở tư thế an toàn, kê gối dưới hai vai, nới rộng quần áo, phòng cho nạn nhân không bị ngạt trở lại vì sặc chất nôn. Chỉ bỏ cuộc khi đã hô hấp nhân tạo và ép tim được 2 tiếng mà không thấy nạn nhân phục hồi.
Khi gặp trẻ đuối nước người ta thường vác dốc ngược trẻ trên vai, động tác dốc ngược nạn nhân chỉ có tác dụng khai thông vùng họng và miệng, vì vậy không nên thực hiện ở người lớn và không nên làm quá 1 phút ở trẻ em. Nếu sơ cứu có kết quả, nạn nhân thở lại, cử động giãy giụa, hay nạn nhân vẫn còn mê nhưng đã có mạch và nhịp thở thì gọi xe cấp cứu hay dùng mọi phương tiện sẵn có chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế có trang bị hồi sức cấp cứu. Quá trình vận chuyển vẫn phải tiếp tục cấp cứu và đắp giữ ấm cho nạn nhân.

3. Kết luận và bài học kinh nghiệm
3.1. Kết luận
Vấn đề quan trọng nhất để giảm nguy cơ đuối nước ở trẻ em chính là ở các bậc làm cha, làm mẹ, bởi lơ là đối với trẻ đồng nghĩa với thảm họa đuối nước có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Các gia đình cần tạo môi trường an toàn cho trẻ bằng cách làm tường rào, lấp kín những ao hồ không cần thiết, làm nắp đậy chắc chắn cho giếng nước, lu chứa nước trong gia đình. Khi cho trẻ đi chơi gần những nơi có sông, suối, ao, hồ, tắm ở bể bơi, tắm biển, cha mẹ phải luôn để con trong tầm quan sát của mình. Ngoài việc thường xuyên giám sát con cái, cha mẹ cần chủ động dạy trẻ em biết bơi và giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước.
Bên cạnh đó, các trường học cần triển khai chương trình dạy bơi cho trẻ, dạy kỹ năng sống và kỹ năng an toàn dưới nước; từng bước đưa môn bơi an toàn vào chương trình học tập, đẩy mạnh xã hội hoá công tác dạy bơi, tiếp tục mở các điểm trông giữ trẻ mùa lũ.
Trong cộng đồng cần đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống đuối nước trẻ em với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với cha mẹ, người chăm sóc trẻ, đồng thời thực hiện nghiêm các quy định về an toàn giao thông đường thuỷ.

3.2. Bài học kinh nghiệm
- Chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thuỷ. Tuyệt đối không lội qua suối khi trời mưa lũ, dông bão, nếu không biết bơi thì không được tắm biển, sông , suối khi không có người lớn đi cùng.
- Không chơi đùa gần hồ ao, sông, suối. Giếng nước phải được xây thành cao, có nắp đậy. Chum, vại, bể nước phải có nắp đậy.
- Chỉ tập bơi hoặc bơi ở những nơi có người lớn và phương tiện cứu hộ, tuân thủ các quy định của bể bơi, hồ bơi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Nguyễn Lương Lợi (2007), Bơi lội, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.
[2]. Nguyễn Văn Trạch (2003), Giáo trình bơi lội, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.
[3]. Lê Văn Xem, Phạm Hoàng Dương, Trần Thị Phú Bình (2018), Hướng dẫn phòng tránh đuối nước, NXB Giáo dục
[4]. Tài liệu tập huấn phòng chống đuối nước (2017), Sở GD&ĐT Gia Lai.

 

Nguyễn Hữu Tường

Tổ GDTC, Khoa Lý luận cơ bản

 
Khoa Lý luận Cơ bản