Tóm tắt: Phương pháp dạy học hiện nay đòi hỏi người học từ thế bị động chuyển sang tích cực chủ động trong việc hình thành phẩm chất, tri thức và kĩ năng. Tính tích cực học tập - thực chất là tính tích cực nhận thức, mà ở đó người học có khát vọng hiểu biết, huy động trí tuệ và có nghị lực cao trong quá trình chiếm lĩnh tri thức. Người học không phải được đặt trước bài giảng, kiến thức có sẵn mà tự lực tìm hiểu, phân tích, tập xử lý tình huống, giải quyết vấn đề. Vận dụng kĩ thuật dạy học mảnh ghép là quá trình tổ chức hoạt động học qua các giai đoạn: học một mình, học với bạn và cuối cùng là học với thầy - một trong những cách thức đem lại hiệu quả cao trong việc phát huy tính cực người học.
Từ khóa: Tính tích cực; Phương pháp dạy học; Kĩ thuật dạy học mảnh ghép…
1. Đặt vấn đề
Trong nhà trường phổ thông hiện nay, mục tiêu giáo dục tổng quát đã được xác định tương đối phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại, bao gồm cả thái độ, năng lực, kĩ năng, kiến thức, cách học, cách làm, cách sống… nhằm tạo ra những con người tự chủ, năng động, sáng tạo, có năng lực giải quyết vấn đề thực tiễn, có năng lực tự học sáng tạo. Do đó học sinh không học thụ động bằng cách nghe và ghi nhớ những lời thầy dạy mà học tích cực bằng hành động của chính mình, tức là người học tìm ra cái chưa biết, cái cần khám phá, tự mình tìm ra kiến thức, chân lí. Muốn vậy, người học cần được đặt trước những tình huống thực tế, cụ thể của cuộc sống. Đứng trước những sự việc, tình huống, vấn đề của cuộc sống vô cùng phong phú, người học thấy có nhu cầu, hứng thú giải quyết những khó khăn, mâu thuẫn trong nhận thức của mình để tự mình tìm cái chưa biết. Quá trình lĩnh hội chân lý của người học cũng là quá trình hành động làm theo một phần nào đó con đường của những người đã phát minh ra chân lý đó. Các tri thức và phương pháp người đã tự lực khám phá ra, không dập theo một khuân mẫu sẵn có, đều là những tri thức và phương pháp mới, do đó hoạt động tự lực đi tìm cái chưa biết mang tính chất sáng tạo đối với học sinh. Khó khăn sai lầm mắc phải trong quá trình tự mình đi tìm cái chưa biết chỉ là những sự cố có thể giúp ngươi học hiểu đầy đủ chân lý hơn và nắm được cách tìm ra chân lý.
Muốn phát huy tính tích cực của người học thì phương pháp, kĩ thuật dạy học cũng phải hướng vào khơi dậy, rèn luyện và phát triển khả năng nghĩ và làm một cách tự chủ, năng động và sáng tạo ngay trong học tập và lao động ở nhà trường. Phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của người học có nghĩa là phải thay đổi cách dạy và cách học. Chuyển cách dạy thụ động, truyền thụ một chiều “đọc- chép”, giáo viên làm trung tâm sang cách dạy lấy người học làm trung tâm hay còn được gọi là dạy và học tích cực. Trong cách dạy này người học là chủ thể hoạt động, giáo viên là người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn, tạo nên sự tương tác tích cực giữa người dạy và người học.
2. Nội dung
2.1. Tính tích cực học tập
Tính tích cực là một phẩm chất vốn có của con người, bởi vì để tồn tại và phát triển con người luôn phải chủ động, tích cực cải biến môi trường tự nhiên, cải tạo xã hội. Vì vậy, hình thành và phát triển tính tích cực cho học sinh là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của giáo dục. Theo GS Trần Bá Hoành: tính tích cực của con người biểu hiện trong hành động, đặc biệt trong những hoạt động của chủ thể. Đối với người học, tính tích cực trong học tập thực chât là tính tích cự nhận thức, đặc trưng ở khát vọng hiểu biết, cố gắng trí tuệ và nghị lực cao trong quá trình chiếm lĩnh tri thức. Nói một cách khác, tính tích cực nhận thức là thái độ cải tạo của chủ thể với đối tượng nhận thức thông qua sự huy động tối đa các chức năng tâm lý trong đó có tính độc lập, tư duy sáng tạo và toàn bộ nhân cách của chủ thể được phát triển. như vậy, đồng thời với việc cải tạo đối tượng nhận thức thì chủ thể nhận thức cũng cải tạo chính bản thân mình.
- Mức độ và biểu hiện của tính tích cực học tập:
Mức độ tích cực học tập có 3 mức: bắt chước, tìm tòi và sáng tạo. Trong đó bắt chước là mức thể hiện tích cực thấp nhất. Bắt chước do những yêu cầu và kích thích bên ngoài. Do những yếu tố đó, người học cố gắng làm theo mẫu của thầy, bạn. Tính tích cực tìm tòi được đặc trưng bởi khả năng độc lập giải quyết vấn nêu ra, tìm kiếm những cách giải quyết khác nhau về một vấn đề. Tính tích cực sáng tạo là mức độ cao nhất, đặc trưng bới khả năng nhìn thấy vấn đề mới, chức năng mới của đối tượng, phát hiện được cấu trúc của đối tượng nghiên cứu, biết tự lực chuyển các tri thức và kỹ năng sang tình huống mới, tìm ra cách giải quyết độc đáo.
- Biểu hiện của tính tích cực:
+ Về mặt cảm xúc: người học tỏ ra hào hứng với việc học tập. Họ tìm thấy niềm vui thậm chí là sự đam mê trong học tập
+ Về thái độ: Chăm chú nghe giảng, hăng hái trả lời câu hỏi của giáo viên, nhiệt tình bổ sung câu trả lời của bạn, sốt sắng thực hiện những yêu cầu của giáo viên, sẵn sàng đối thoại với thầy và bạn bè về vấn đề học tập, kiên trì đến cùng để hoàn thành bài tập.
+ Về hành động: Thực hiện đầy đủ những yêu cầu của giáo viên, biết nêu thắc mắc và yêu cầu giáo viên giải thích cặn kẽ, chủ động vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề mới, biết vạch ra mục tiêu hành động và có kĩ năng thực hành tốt.
2.2. Phương pháp dạy học tích cực ( PPDHTC)
- Phương pháp dạy học: là cách thức tổ chức hoạt động dạy học của giáo viên và cách thức tổ chức hoạt động học tập của người học, trong quan hệ đó, phương pháp dạy quyết định, điều khiển phương pháp học, phương pháp học tập của người học là cơ sở để lựa chọn phương pháp dạy.
- PPDH có ba bình diện:
+ Bình diện vĩ mô là quan điểm về PPDH. Ví dụ: Dạy học hướng vào người học, dạy học phát huy tính tích cực của HS…
+ Bình diện trung gian là PPDH cụ thể. Ví dụ: phương pháp đóng vai, thảo luận, nghiên cứu trường hợp điển hình, xử lí tình huống, trò chơi…
+ Bình diện vi mô là kĩ thuật dạy học (KTDH). Ví dụ: kĩ thuật chia nhóm, kĩ thuật giao nhiệm vụ, kĩ thuật đặt câu hỏi, kĩ thuật khăn trải bàn, kĩ thuật các mảnh ghép, kĩ thuật hỏi chuyên gia, kĩ thuật hoàn tất một nhiệm vụ...
Kĩ thuật dạy học là những biện pháp, cách thức hành động của GV trong các tình huống hành động nhỏ nhằm thực hiện và điều khiển quá trình dạy học.
Các KTDH chưa phải là các PPDH độc lập mà là những thành phần của PPDH. Ví dụ, trong phương pháp thảo luận nhóm có các kĩ thuật dạy học như: kĩ thuật chia nhóm, kĩ thuật khăn trải bàn, kĩ thuật phòng tranh, kĩ thuật các mảnh ghép...
- Phương pháp, kĩ thuật dạy học tính tích cực: giáo viên tổ chức, hướng dẫn học sinh tự tìm hiểu, tự phát hiện và giải quyết vấn đề, tạo cho họ khả năng và điều kiện chủ động sáng tạo trong hoạt động học tập, tích cực được thể hiện ở các cấp độ: bắt chước, tái hiện, tìm tòi, sáng tạo; đòi hỏi người học phải đạt tới cái đích là hình thành tính tích cực tìm tòi, sáng tạo. Đặc trưng cơ bản của phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực là:
+ Dạy học chủ yếu thông qua các hoạt động của người học:
Điều này có nghĩa là trong những tiết học, học sinh chính là những đối tượng chủ yếu tiến hành khai phá kiến thức. Do đó, giáo viên cần phải làm như thế nào để gợi mở vấn đề cho học sinh ở một mức độ nhất định tác động đến tư duy và khuyến khích học sinh trong lớp tìm hiểu và bàn luận về vấn đề đó.
+ Chú trọng đến những phương pháp tự học:
Nếu muốn chủ động áp dụng phương pháp dạy học tích cực thì giáo viên cần phải loại bỏ được suy nghĩ cầm tay chỉ việc học đọc cho học sinh chép… như những phương pháp giảng dạy thông thường khác.
Với phương pháp dạy học tích cực, giáo viên sẽ hướng dẫn cho học sinh những phương pháp tự học và rèn luyện để tìm ra một phương pháp học tốt nhất để học sinh có thể tự mình nắm bắt những kiến thức mới. Và đương nhiên những kiến thức mới được tiếp thu sẽ được giáo viên kiểm định lại để chắc chắn rằng những kiến thức đó đã là kiến thức chuẩn hay chưa. Muốn vậy, người học trải qua 3 bước của một chu trình học tập: Bước 1: Giải quyết vấn đề một mình; Bước 2: Giải quyết vấn đề với bạn học; Bước 3: Giải quyết vấn đề cùng với thầy.
2.3. Kĩ thuât dạy học mảnh ghép
Là hình thức học tập hợp tác kết hợp giữa cá nhân, nhóm và liên kết giữa các nhóm nhằm giải quyết một nhiệm vụ phức hợp (có nhiều chủ đề); Kích thích sự tham gia tích cực của HS và nâng cao vai trò củA cá nhân trong quá trình hợp tác.
- Cách tiến hành:
+ Vòng 1: Nhóm chuyên gia
Lớp học sẽ được chia thành các nhóm (khoảng từ 3- 6 người). Mỗi nhóm được giao một nhiệm vụ với những nội dung học tập khác nhau: Mỗi cá nhân làm việc độc lập trong khoảng vài phút, suy nghĩ về câu hỏi, chủ đề và ghi lại những ý kiến của mình. Khi thảo luận nhóm phải đảm bảo mỗi thành viên trong từng nhóm đều trả lời được tất cả các câu hỏi trong nhiệm vụ được giao và trở thành chuyên gia của lĩnh vực đã tìm hiểu và có khả năng trình bày lại câu trả lời của nhóm ở vòng 2.
+ Vòng 2: Nhóm mảnh ghép
Hình thành nhóm mới từ các nhóm ở vòng 1 sao cho mỗi nhóm mới khoảng từ 3- 6 người bao gồm 1-2 người từ nhóm 1; 1-2 từ nhóm 2; 1-2 người từ nhóm 3… gọi là nhóm mảnh ghép. Các câu hỏi và câu trả lời của vòng 1 được các thành viên trong nhóm mới chia sẻ đầy đủ với nhau. Khi mọi thành viên trong nhóm mới đều hiểu được tất cả nội dung ở vòng 1 thì nhiệm vụ mới sẽ được giao cho các nhóm để giải quyết (lưu ý nhiệm vụ mới này phải gắn liền với kiến thức thu được ở vòng 1). Các nhóm mới thực hiện nhiệm vụ trình bày và chia sẻ kết quả.
VD: Trong bài “Tìm hiểu các bộ phận của cây” giáo viên giao nhiệm vụ cho mỗi nhóm “Chuyên gia” tìm hiểu kĩ một bộ phận của cây (vai trò, tác dụng) như:
Nhóm 1: Tìm hiểu về thân cây: Điều gì xảy ra nếu cây không có thân?
Nhóm 2: Tìm hiểu về rễ cây: Điều gì xảy ra nếu không có rễ?
Nhóm 3: Tìm hiểu về lá cây: Điều gì xảy ra nếu không có lá?
Nhóm 4: Tìm hiểu về hoa và quả: Điều gì xảy ra nếu cây không có hoa và quả?
- Vòng 1: Nhóm chuyên gia
+ Cá nhân làm việc trong ít phút
+ Cả nhóm thảo luận và ghi ý kiến ra giấy. Đảm bảo mỗi thành viên phải nắm chắc nội dung của nhóm mình.
- Vòng 2: Nhóm mảnh ghép
+ Thành lập nhóm mới bao gồm đủ các thành viên của nhóm chuyên gia.
+ Các thành viên của nhóm chuyên gia lần lượt trình bày nội dung đã được tìm hiểu ở vòng 1. Đảm bảo toàn bộ các thành viên nhóm mới nắm được các bộ phận của cây. Giáo viên giao nhiệm vụ mới: Chúng ta làm gì để cây phát triển? Vì sao phải làm như vậy?
+ Các nhóm thảo luận nhiệm vụ được giao
+ Đại diện các nhóm lên trình bày kết quả, các nhóm khác phản hồi
+ Giáo viên kết luận.
Ưu điểm của kĩ thuật dạy học mảnh ghép là giúp người học đào sâu kiến thức trong từng lĩnh vực; Phát huy hiểu biết của người học; Phát triển tinh thần làm việc nhóm. Tuy nhiên, khi tổ chức dạy học theo mảnh ghép cần lưu ý:
Thứ nhất, đảm bảo những thông tin từ các mảnh ghép lại với nhau có thể hiểu được bức tranh toàn cảnh của một vấn đề và là cơ sở để giải quyết một nhiệm vụ phức hợp ở vòng 2.
Thứ hai, các chuyên gia ở vòng 1 có thể có trình độ khác nhau, nên cần xác định yếu tố hỗ trợ kịp thời để tất cả mọi chuyên gia có thể hoàn thành nhiệm vụ ở vòng 1, chuẩn bị cho vòng 2.
Thứ ba, số lượng mảnh ghép không nên quá lớn để đảm bảo các thành viên có thể truyền đạt lại kiến thức cho nhau. Nếu thành viên không được tính toán kĩ sẽ tạo ra nhóm thừa, nhóm thiếu.
Thứ tư, đặc điểm của nhiệm vụ mới ở vòng 2 là một nhiệm vụ phức hợp và chỉ có thể giải quyết được trên cơ sở nắm vững những kiến thức đã có ở vòng 1. Do đó cần xác định rõ những yếu tố cần thiết về kiến thức, kĩ năng, thông tin,…cũng như các yếu tố hỗ trợ cần thiết để giải quyết nhiệm vụ phức hợp này.
3. Kết luận
Kĩ thuật dạy học mảnh ghép tạo ra hoạt động đa dạng phong phú, người học được tham gia gia vào các hoạt động với nhiệm vụ khác nhau và các mức độ yêu cầu khác nhau. Trong kĩ thuật mảnh ghép đòi hỏi người học phải tích cực, nỗ lực tham gia và bị cuốn hút vào các hoạt động để hoàn thành vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân. Thông qua hoạt động này hình thành người học tính chủ động, năng động, linh hoạt, sáng tạo và tinh thần tách nhiệm cao trong học tập đối với chính mình và các bạn trong lớp. Đồng thời hình thành ở người học các kĩ năng giao tiếp, trình bày, hợp tác, giải quyết vấn đề…
Thông qua việc dạy học bằng kĩ thuật mảnh ghép, người học có thể giải quyết các vấn đề học tập, trải nghiệm các tình huống thực tế từ “tự nghiên cứu” đến “hợp tác với bạn và thầy” và quay trở về “tự nghiên cứu” ở những tình huống mới dần dần sẽ tạo cho bản thân người học trình độ và năng lực tự học, tự nghiên cứu, năng lực tư duy, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề trong cuộc sống.
Tài liệu tham khảo
[1]. Bộ GD & ĐT (2010), Dạy và học tích cực, NXB ĐHSP, Hà Nội.
[2]. Nguyễn Kỳ (1995), Phương pháp giáo dục tích cực, NXBGD.
[3]. Trần Thị Tuyết Oanh (2010), Giáo dục học, NXBĐHSP, Hà Nội.
[4]. Nguyễn Cảnh Toàn (2004), Học và dạy cách học, NXBĐHSP, Hà Nội.
[5]. Nguyễn Cảnh Toàn (2005), Khơi dậy tiềm năng sáng tạo, NXBGD.
Th.S Nguyễn Thị Vân Anh
Tổ TL-GD, Khoa Lý luận cơ bản