Trước những yêu cầu của đổi mới giáo dục toàn diện đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Khoa Lý luận cơ bản đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Cơ hội và thách thức cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với giảng dạy lý luận cơ bản”. Hội thảo được tổ chức vào lúc 14h00, ngày 17/06/2019 tại Phòng họp 1, cơ sở 1 - Trường Đại học Khánh Hòa do TS. Trần Thị Yên Ninh, Trưởng khoa Lý luận cơ bản chủ trì.
Tham gia hội thảo, có sự hiện diện của Th.S Phan Quốc Thông - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học; Đại tá Đỗ Văn Soan - Học viện Hải quân; Đồng chí Nguyễn Quốc Việt, đại diện Ban tuyên giáo tỉnh uỷ; giảng viên các khoa Sư phạm, khoa KHXH - NV cùng toàn thể giảng viên khoa Lý luận cơ bản.
Quang cảnh hội thảo
Trước đó, ban tổ chức đã nhận được nhiều bài viết với nhiều chủ đề, cách tiếp cận đa dạng của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và giảng viên các khoa thuộc trường Đại học Khánh Hòa. Trong đó, 21 tham luận điển hình đã được chọn và in kỷ yếu hội thảo.
Trên cơ sở đó, có 4 tham luận tiêu biểu, đại diện 21 tham luận lần lượt được các đại biểu báo cáo tại hội thảo. Các báo cáo tiếp cận và đề cập đến tầm quan trọng và ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới giáo dục - đào tạo, khẳng định xu thế toàn cầu mới vừa là thách thức, đồng thời cũng là cơ hội cho một cuộc cải cách toàn diện ở các cơ sở giáo dục, nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao với trình độ và kỹ năng chuyên nghiệp, thích nghi, hòa nhập tốt với bối cảnh chung của thế giới. Các tác giả với tham luận của mình, cũng đã đề xuất nhiều biện pháp, phương hướng để hiện thực hóa nhiều mục tiêu giáo dục trong tương lai.
Tham luận của Tổ bộ môn Giáo dục chính trị
Ngoài ra, tại hội thảo, còn ghi nhận các tham luận chuyên sâu về đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học các môn lý luận cơ bản. Các tác giả ngoài việc khái quát nhiều vấn đề chung về lý luận và thực tiễn, đã đi vào liên hệ cụ thể trong hoạt động dạy học ở những môn học khác nhau như: Chính trị, Nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Tâm lý học, Giáo dục học, Thể dục thể thao… Bên cạnh đó, việc áp dụng các hình thức, nội dung giáo dục đạo đức, tư tưởng cho sinh viên thông qua giảng dạy lý luận cơ bản cũng rất được quan tâm.
Tham luận của Tổ bộ môn Tâm lý - Giáo dục
Với tinh thần khách quan, dân chủ, sau mỗi báo cáo của các tác giả, hội thảo đã thu hút nhiều ý kiến phản biện, góp ý, trao đổi sôi nổi của các chuyên gia và giảng viên tham dự. Từ đó, giúp cho nhiều tham luận được hoàn thiện và có chiều sâu hơn, thực sự có giá trị khoa học và thực tiễn.
Trong bối cảnh giáo dục đang vận động và biến đổi không ngừng dưới tác động của xu thế toàn cầu hóa, đặc biệt là ảnh hưởng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó điển hình là sự cải cách mạnh mẽ của nội dung chương trình cũng như phương pháp, hình thức dạy học ở đại học, hội thảo lần này của Khoa Lý luận cơ bản đã thực sự đóng góp nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn bổ ích.
Đại biểu phản biện, góp ý cho các tham luận
Bên cạnh những vấn đề lý luận chung, các tham luận chuyên sâu với những cách tiếp cận mới tập trung vào vấn đề trung tâm của hội thảo đã làm sáng tỏ nhiều luận điểm quan trọng. Vì vậy, hội thảo lần này thực sự là một diễn đàn cho các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, cán bộ giảng viên trao đổi, thảo luận, tìm kiếm các giải pháp hữu ích đóng góp cho những mục tiêu đổi mới toàn diện giáo dục - đào tạo hiện nay.
Ngô Thế Lâm
Tổ Tâm lý - Giáo dục