1. Đặt vấn đề
Trong những năm qua, các trường đại học và cao đẳng trên cả nước đã không ngừng nổ lực phát huy dân chủ trong quá trình dạy học và bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề về dân chủ trong day học được đặt ra cần giải quyết. Trong bài viết này tác giả tập trung nghiên cứu khái niệm dân chủ trong dạy học, cơ sở triển khai và những quan điểm để từ đó đưa ra một số giải pháp nâng cao tinh thần dân chủ cho sinh viên thông qua các học phần lý luận chính trị.
2. Nội dung
2.1. Về dân chủ và dân chủ trong dạy học
* Khái niệm dân chủ: Thuật ngữ dân chủ xuất hiện đầu tiên tại Hy Lạp với cụm từ δημοκρατία, "quyền lực của nhân dân" được ghép từ chữ δήμος (dēmos), "nhân dân" và κράτος (kratos) "quyền lực" để chỉ hệ thống chính trị tồn tại ở một số thành bang Hy Lạp, nổi bật nhất là Anthena sau cuộc nổi dậy của dân chúng vào năm 508 TCN.
Dân chủ có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ đại. Tuy nhiên các nền văn hóa khác cũng có đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển của dân chủ như Ấn Độ cổ đại, La Mã cổ đại, châu Âu, và Nam Bắc Mỹ. Dân chủ được gọi là "hình thức nhà nước cuối cùng" và đã lan rộng trên khắp toàn cầu. Quyền đi bầu khi xưa bắt đầu từ những nhóm nhỏ (như những người giàu có thuộc một nhóm dân tộc nào đó) qua thời gian đã được mở rộng trong nhiều bộ luật.
Từ khi hệ tư tưởng Mác - Lênin ra đời và phong trào vô sản nổi lên, tạo nên ý thức hệ đối lập với chủ nghĩa tư bản thì khái niệm dân chủ cũng được chia thành hai thể loại chính, những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội thường gọi hệ thống dân chủ phương Tây là "dân chủ tư sản" (dân chủ thực chất dành riêng cho giai cấp tư sản), đồng thời gọi hệ thống dân chủ của các nước xã hội chủ nghĩa là "dân chủ xã hội chủ nghĩa". Còn những người ủng hộ nền dân chủ phương Tây gọi hệ thống dân chủ của họ là thế giới tự do, gọi các nước xã hội chủ nghĩa là chế độ toàn trị. Mỗi bên có quan niệm khác nhau về chủ đề này.
Bàn về dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng viết “Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, chuyên chính là cái khóa, cái cửa để đề phòng kẻ phá hoại, nếu hòm không có khóa, nhà không có cửa thì sẽ mất cắp hết. Cho nên có cửa phải có khóa, có nhà phải có cửa. Thế thì dân chủ cũng cần phải có chuyên chính để giữ gìn lấy dân chủ”
* Khái niệm dân chủ trong dạy học:
- Dân chủ trong giáo dục là nền giáo dục của dân, do dân, vì dân. Công cuộc phát triển giáo dục là sự nghiệp của toàn dân. Đó là nền giáo dục đa dạng để mọi người có khả năng và điều kiện học tập suốt đời.
- Giáo dục và đào tạo có nội dung, mục tiêu trang bị giá trị, kinh nghiệm dân chủ, tri thức dân chủ, thái độ, kỹ năng, năng lực làm chủ (làm chủ tự nhiên, làm chủ tri thức, kỹ thuật, làm chủ kinh tế, làm chủ chính trị, văn hóa, xã hội...) cho người học để hướng đến xây dựng, phát triển nền dân chủ xã hội.
- Giáo dục và đào tạo có hình thức, phương pháp tổ chức, hoạt động, vận hành hiệu quả theo quy định của pháp luật, trong đó mỗi chủ thể (cá nhân, tổ chức) tham gia quá trình giáo dục và đào tạo được tự chủ, tự do phát huy năng lực sáng tạo đa dạng của mình.
- Nền giáo dục hiện đại, tiên tiến với công nghệ, kỹ thuật đánh giá trung thực, khách quan; có cơ chế tuyển lựa bài bản, minh bạch, khuyến khích người tài đức; ngăn ngừa và dễ dàng thải loại những cá nhân, tổ chức yếu kém.
Việc phát huy cao độ dân chủ trong giáo dục ở nhà trường luôn là tiền đề cần thiết bảo đảm cho sự phát triển toàn diện những năng lực sẵn có của con người; là nền giáo dục mà theo Hồ Chí Minh “dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của Nhà nước”. Trong Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới, Báo Nhân dân, số 5299, ngày 16/10/1968, Hồ Chí Minh viết: "Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa". Và Người cũng cho rằng “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý” . Vì vậy, “trong trường, cần có dân chủ. Đối với mọi vấn đề, thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì chưa thông suốt, thì hỏi, bàn cho thông suốt”
* Quan điểm của tác giả bài viết: Từ những quan điểm trên tôi cho rằng, dân chủ trong dạy học là nguyên tắc cần thiết để thiết lập một cách nhìn nhận mới về sự giao tiếp và bình đẳng giữa người dạy - người học (thầy - trò). Bình đẳng ở đây có nghĩa là sự trao đổi qua lại một cách sòng phẳng, tích cực những nội dung, đơn vị kiến thức của bài học. Bình đẳng còn được hiểu là quyền được chất vấn của người học, là quyền được nắm bắt thông tin của học phần và quyền được tham gia vào việc giải quyết những nội dung cần làm rõ của học phần. Từ đó xóa bỏ hình thức dạy học theo kiểu thầy đọc trò chép; thầy là trung tâm, người học chỉ việc làm theo hoặc tin tưởng tuyệt đối kiến thức bài giảng của thầy một cách thụ động và không phát húy hết năng lực đáng - phải - có của người học ở bậc Cao đẳng, Đại học.
Tóm lại, dân chủ trong dạy học được hiểu là một quan điểm, một hướng dạy học mà không phải là một phương pháp. Quan điểm dân chủ trong day học có thể thực hiện cho tất cả các bộ môn bởi dân chủ là cách thức để tích cực hoá hoạt động của người học; đồng thời, không gì hiệu quả bằng việc thông qua hoạt động dạy học dân chủ để rèn luyện năng lực phản biện của người học.
2.2. Cơ sở của việc triển khai quan điểm dân chủ trong dạy học
* Về cơ sở pháp lý:
- Mở rộng dân chủ Xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân là mục tiêu, đồng thời là động lực bảo đảm cho thắng lợi của Cách mạng, của công cuộc đổi mới. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở là khâu quan trọng và cấp bách trước mắt, vì vậy Ban chấp hành trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 30CT/TW ngày 18/2/ 1998 về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Chỉ thị nói rõ “Nhà nước cần ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở có tính pháp lý, yêu cầu mọi người, mọi tổ chức ở cơ sở đều phải nghiêm chỉnh thực hiện. Quy chế dân chủ cần được xây dựng cho từng loại cơ sở, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu, cơ quan hành chính… phù hợp với từng loại cơ sở”.
- Quyết định số 04/2000/QĐ-BGD-ĐT ngày 01/3/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường. Quy chế này qui định những nội dung liên quan đến việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường và các cơ sở giáo dục công lập, thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
* Về cơ sở thực tiễn:
Thực tiễn từ việc dạy và học hiện nay của giáo dục Việt Nam cho thấy, chúng ta đăng băn khoăn tìm ra một triết lí giáo dục phù hợp với sự phát triển của nhân loại, với văn hóa của dân tộc và đặc biệt là phù hợp với nhu cầu của xã hội nhằm hướng đến một nền giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, có thể thấy chúng ta chưa thực hiện được mục tiêu đặt ra bởi còn quá nhiều bất cập trong công tác giáo dục và đào tạo. Trong quá trình dạy học, về phía giáo viên (người dạy), chúng ta thường “mắc phải” một biểu hiện thường thấy đó là thầy, cô là trung tâm và thầy cô luôn đúng. Bên cạnh đó việc thiếu năng lực tự học tự nghiên cứu của người học (ở đây là sinh viên) đã khiến năng lực phản biện và tự phản biện của người học không được phát huy dẫn đến hoạt động dạy học chỉ diễn ra một chiều, nhàm chán và thiếu không khí giao tiếp, trao đổi hay nói đúng ra là thiếu không khí dân chủ. Từ thực tế trên, hơn ai hết người dạy cần phải tạo không khí dân chủ, bình đẳng, công bằng trong dạy học (với mọi người học) và người học cũng phải chủ động, tự lập và hình thành năng lực phản biện trong quá trình học tập của mình.
2.3. Một số biện pháp nâng cao tinh thần dân chủ cho sinh viên thông qua việc giảng dạy các học phần lý luận chính trị
* Nâng cao nhận thức đúng đắn của SV về dân chủ và tinh thần dân chủ trong trường học:
- Trong trường học, GV cần là cầu nối để SV hiểu và nhận thức đúng đắn về dân chủ và tinh thần dân chủ. Phát huy dân chủ trong dạy và học đồng thời phải chống dân chủ cực đoan, dân chủ không tuân theo nội quy, quy định của trường học và môn học. Trong dạy học, mọi ý kiến khác nhau cần được thảo luận dân chủ, thẳng thắn và giáo viên cần là người điều hành cũng như kết luận lại những vấn đề thảo luận. Ngoài việc nâng cao nhận thức cho SV, điều quyết định bảo đảm thực hiện dân chủ trong dạy học một cách hiệu quả đó là phải có phương pháp đúng đúng, có những quy định cụ thể và phải có công bằng trong hoạt động dạy học.
- GV cũng cần phải cho SV thấy được dân chủ và phát huy tinh thần dân chủ là quyền và nghĩa vụ của người học nhằm xây dựng một môi trường học thuật, giáo dục và xã hội dân chủ thực sự.
* Dân chủ trong dạy học phải bắt đầu từ cách làm của người dạy học:
- Thường xuyên lắng nghe ý kiến của SV một cách công khai.
- Tạo môi trường dân chủ thật sự để SV sẵn sàng tham gia đóng góp ý kiến thông qua các hoạt động dạy học, đối thoại với SV.
- Tạo quan hệ dân chủ, thoải mái giữa GV với SV thực sự là mối quan hệ dân chủ.
- Tạo điều kiện thuận lợi để SV phát huy hết các khả năng, vận dụng kĩ năng vào quá trình học.
- Thường xuyên tổ chức các hoạt động, hình thức dạy học với nhiều nội dung phong phú, có không khí học thuật, đảm bảo tính khoa học để SV được trao đổi, chia sẻ thẳng thắn những quan điểm và phương pháp của mình nhằm tìm ra những giải pháp tối ưu nhất cho quá trình dạy – học.
- GV công khai đề cương, bài giảng, giáo trình và hình thức đánh giá trước khi tiến hành dạy học.
- Coi hoạt động dạy học là diễn đàn trao đổi, thảo luận. GV tôn trọng ý kiến của SV, tạo điều kiện SV tham gia xây dựng phát triển bài học. GV tránh tư tưởng trù dập SV, coi mình là ông vua có thể sát phạt SV một cách tùy tiện
- SV xác định rõ vai trò học tập của mình, tránh tư tưởng thụ động một chiều, dĩ hòa vi quý, có quyền tranh luận với GV và SV để đi đến chân lí.
* Dân chủ trong kiểm tra đánh giá:
- GV tổ chức đánh giá kết quả học tập công khai dân chủ, SV có quyền khiếu nại, phản ánh khi nhận thấy kết quả đánh giá không chính xác.
- Các đề cương ôn thi, đề thi cần hướng đến “mở hóa” để dần xóa bỏ dạng đề thi đóng. Cần có ngân hàng đề thi cho tất cả các học phần lý luận chính trị để từ đó phát huy năng lực phân tích, tổng hợp và đánh giá vấn đề của sinh viên, hướng người học đến năng lực tự nghiên cứu, tự học và đưa ra được quan điểm cá nhân dựa trên nền tảng khoa học.
- Trong quá trình học cũng cần khuyến khích bằng hình thức cộng điểm cho SV có năng lực và tinh thần xây dựng bài; đồng thới có hình thức trừ điểm phù hợp cho SV ý thức học kém.
3. Kết luận
Dạy học theo hướng tiếp cận năng lực là hướng đổi mới hứa hẹn nhiều triển vọng. Lâu nay chúng ta tiếp cận nội dung nên việc dạy học trở nên hàn lâm, nặng nề và đi lệch với mục tiêu giáo dục đào tạo của thế giới. Quan điểm đổi mới toàn diện cũng chú trọng vấn đề học tích cực của người học. Quan điểm tổ chức việc dạy học theo quan điểm dân chủ nếu thực hiện tốt sẽ đáp ứng được hai điều: vừa tích cực hoá hoạt động người học bằng cách đưa các em vào cơ chế giao tiếp dân chủ đồng thời bằng việc tổ chức giao tiếp dân chủ qua từng giờ học mà năng lực giao tiếp, phản biện của người học được rèn luyện từng ngày. Vấn đề còn lại là ở việc đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi cần thiết để tổ chức thực hiện và sự sáng tạo của người giáo viên trong từng phương pháp, thủ thuật dạy học.
Thực hiện tốt dân chủ trong giáo dục ở nhà trường là tiền đề quan trọng để nhà trường thực hiện tốt các chủ trương giáo dục, tạo không khí dân chủ trong giáo dục là để nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện đúng các mục tiêu giáo dục trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, thực hiện dân chủ trong giáo dục phải đi liền với nề nếp, kỉ cương trong giáo dục. Cần tránh tư tưởng dân chủ quá trớn, lợi dụng tư tưởng dân chủ để thực hiện mục đích tuyên truyền, phá hoại, làm mất đoàn kết nội bộ, bôi nhọ các chủ trương, chính sách đúng đắn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chương trình phát triển giáo dục trung học (2013), Tài liệu tập huấn Kĩ năng phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông - Hà Nội.
2. Đỗ Trung Hiếu (2004), Một số suy nghĩ về xây dựng nền dân chủ ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia.
3. Hoàng Chi Bảo (2015), về một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập các môn LLCT trong các trường đại học ở nước ta hiện nay, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia “Nâng cao chất lượng giảng dạy học tập các môn LLCT ở các trường đại học cao đẳng ơ nước ta hiện nay”, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
5. Trần Viết Thiện (Nhiều tác giả) (2014), Giao tiếp, hiệu quả kép trong dạy học Ngữ văn theo hướng tiếp cận năng lực, NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh.
Th.S Nguyễn Hữu Anh
Khoa Lý luận cơ bản