1. Đặt vấn đề
Sinh viên Việt Nam là bộ phận ưu tú của xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng này đã và đang đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận sinh viên chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình, thậm chí nhận thức chính trị hạn chế, giảm sút niềm tin. Vì vậy, tăng cường giáo dục xây dựng bản lĩnh chính trị cho sinh viên đang là yêu cầu cấp thiết cần có sự phối hợp, tham gia của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, Bộ Giáo dục - Đào tạo và các trường đại học, cao đẳng, với nhiều giải pháp đồng bộ. Bài viết tập trung vào một số các giải pháp xây dựng bản lĩnh chính trị cho sinh viên thông qua việc giảng các môn lý luận chính trị.
2. Nội dung
2.1. Bản lĩnh và bản lĩnh chính trị
Bản lĩnh, trước hết được hiểu là khả năng, ý chí vững vàng, không dao động, thay đổi trước mọi hoàn cảnh. Người có bản lĩnh là người luôn kiên định lập trường quan điểm, không bị tác động, thay đổi bởi hoàn cảnh xung quanh. Bản lĩnh chính trị là phẩm chất chính trị đặc biệt của người có bản lĩnh, biểu hiện ở lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, không hoang mang, dao động trước những tình huống, hoàn cảnh chính trị cụ thể.
Bản lĩnh chính trị không phải bản năng, không do bẩm sinh hay tự nhiên mà có, mà là kết quả của quá trình bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện, thử thách lâu dài trong thực tiễn công tác, chiến đấu, lao động, học tập, trong đó công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đóng vai trò quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định việc tạo nền tảng chính trị, sự giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và niềm tin vào đường lối lãnh đạo của Đảng, vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội... của mỗi cá nhân. Nâng cao bản lĩnh chính trị cho sinh viên góp phần nâng cao sức mạnh của Đảng, của hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm kiên định thực hiện mục tiêu, lý tưởng và con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Vai trò, nhiệm vụ của người giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị không chỉ truyền đạt nội dung kiến thức môn học mà thông qua đó cần phải giáo dục đạo đức, nhân cách, rèn luyện phẩm chất chính trị, xây dựng bản lĩnh chính trị cho sinh viên. Giảng viên lý luận chính trị thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục hệ tư tưởng - chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối chính trị của Đảng cho đối tượng chủ yếu là sinh viên các trường cao đẳng và đại học, nhằm hình thành năng lực, trình độ và phương pháp tư duy lý luận. Đồng thời, việc giáo dục thế giới quan duy vật biện chứng, giáo dục chính trị - tư tưởng, giáo dục đạo đức lối sống,... giúp sinh viên hình thành thế giới quan đúng đắn khoa học, văn hóa chính trị, văn hóa đạo đức, văn hóa kinh tế, bản lĩnh chính trị và có khả năng “miễn dịch” trước nhiều quan điểm thù địch, sai trái của các thế lực phản động.
2.2. Một số giải pháp nâng cao bản lĩnh chính trị cho sinh viên trong dạy học các môn giáo dục chính trị
- Trước hết, giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị phải hiểu sâu sắc trách nhiệm xây dựng bản lĩnh chính trị cho sinh viên
Trong thời đại hiện nay với xu thế hội nhập, quốc tế hóa, toàn cầu hóa làm cho sự giao lưu diễn ra trên nhiều mặt. Quá trình này vừa đem lại nhiều cơ hội cho sự phát triển của đất nước, đồng thời cũng đặt ra nhiều thử thách. Sinh viên là thế hệ trẻ có sức khỏe, tri thức, sẵn sàng dấn thân, xong còn ít kinh nghiệm, khó tránh khỏi những dao động về lập trường chính trị, chưa xây dựng được bản lĩnh chính trị vững vàng trước những biến đổi phức tạp của thời cuộc. Qua đó người giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị cần phải hiểu rõ trách nhiệm của mình là cần bồi dưỡng niềm tin, tri thức cho sinh viên, giúp các em xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng. Mỗi giảng viên cần thực hiện tốt Kết luận số 94-KL/TW, ngày 28-3-2014, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân để xây dựng bản lĩnh chính trị cho sinh viên ngay từ trên ghế nhà trường. Trong quá trình giảng dạy người dạy phải trang bị kiến thức, trang bị kỹ năng, phương pháp tư duy, phương pháp phát hiện vấn đề cho người học, xây dựng và thực hành các tình huống chính trị, giúp sinh viên tiếp thu nhanh và vận dụng sáng tạo kiến thức lý luận chính trị được học vào thực tiễn. Cần khắc phục những thiếu sót trong dạy học các môn lý luận chính trị trong các trường đại học, cao đẳng thời gian qua khi chưa chú trọng việc xây dựng bản lĩnh chính trị cho sinh viên. Khi sinh viên vừa có tri thức vừa có lập trường, bản lĩnh chính trị vững vàng sẽ góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tương lai.
- Thứ hai là, nâng cao nhận thức cho sinh viên về tầm quan trọng của việc xây dựng bản lĩnh chính trị cho bản thân
Sau khi người giảng viên đã nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc cần thiết phải xây dựng bản lĩnh chính trị cho sinh viên, người giảng viên cần tiếp tục làm cho sinh viên hiểu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng bản lĩnh chính trị cho chính bản thân mình. Cần làm cho sinh viên hiểu rằng bản lĩnh là cần thiết cho mỗi người trong cuộc sống hàng ngày, bản lĩnh chính trị của sinh viên là cần thiết, là quyết định con đường phát triển tương lai của cả đất nước bởi sinh viên là lực lượng nắm giữ vận mệnh tương lai của dân tộc. Vì vậy, nếu lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị không vững vàng, dễ dao động khi đứng trước những khó khăn thử thách thì sẽ lái con đường của đất nước đi về đâu? Thiếu bản lĩnh chính trị sinh viên sẽ dễ bị lôi kéo vào các âm mưu chính trị, chiến lược “diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Khi đó, người sinh viên đã không làm tròn trách nhiệm của mình với Tổ quốc, không phát huy được truyền thống yêu nước hào hùng của dân tộc, mặt khác còn khiến cho dân tộc rơi vào tình trạng mất ổn định chính trị, thậm chí lâm vào tình thế nguy hiểm.
- Thứ ba là, giáo dục sinh viên về lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước của dân tộc
Cần thực hiện tốt Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban bí thư trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030”. Các trường đại học, cao đẳng thông qua các môn học lý luận nói chung, môn Đường lối cách mạng nói riêng người giảng viên quyết tâm xây dựng lớp sinh viên thời kỳ mới có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước, khát vọng vươn lên; chủ động học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới; có đạo đức, lối sống văn hóa, ứng xử văn minh; có tri thức, sức khỏe, kỹ năng thực hành xã hội; tích cực tham gia các hoạt động thể hiện trách nhiệm với Tổ quốc, với chế độ Xã hội chủ nghĩa, với cộng đồng, với xã hội.
Đồng thời kêu gọi toàn thể sinh viên Việt Nam đang học tập trong, ngoài nước: Hãy nêu cao tinh thần yêu nước, yêu chế độ Xã hội chủ nghĩa thông qua những việc làm cụ thể. Mỗi sinh viên hãy đề cao tinh thần cầu thị, ham học hỏi: Học ở thầy cô, học ở nhà trường, học ở bạn bè và những điều tốt đẹp trong cuộc sống; hãy lan tỏa tinh thần chia sẻ, tình nguyện vì cộng đồng, xã hội. Mỗi sinh viên là một câu chuyện đẹp trong cuộc sống, trong các hoạt động tình nguyện, tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc của đơn vị, địa phương. Làm được những điều trên, nghĩa là sinh viên đã kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc trong thời đại mới.
- Thứ tư là, tăng cường giáo dục cho sinh viên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Thông qua môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh giảng viên giúp sinh viên không chỉ hiểu về gia đình, sự nghiệp hay những quan điểm của Hồ Chí Minh, mà quan trong hơn là giúp sinh viên có thể học tập và hành động theo tư tưởng của Người. Việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã và đang trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thiết thực trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Đối với sinh viên, đó còn là động lực để rèn đức, luyện tài theo tiêu chí con người mới XHCN, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của công cuộc CNH,HĐH đất nước. Tuy nhiên, để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong sinh viên đạt hiệu quả mong muốn giảng viên cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục sâu rộng cho sinh viên về ý nghĩa, sự cần thiết của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, làm cho họ nhìn nhận, tiếp cận vấn đề này như một xu thế khách quan, tạo cơ sở trong xây dựng động cơ, tính tích cực để chủ động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người một cách có hiệu quả. Giảng viên tăng khả năng truyền đạt, “tiếp lửa” cho sinh viên; đồng thời, chú trọng việc thảo luận và thi, kiểm tra đánh giá kết quả môn học đồng thời định hướng, gợi mở cho sinh viên tự soi, tự ngẫm để điều chỉnh những nhận thức, hành vi “lệch chuẩn”.. Làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích cao trong thực hiện phong trào, nhằm nhân rộng các điển hình tiên tiến trong sinh viên.
- Thứ năm là, tăng cường giáo dục về thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin
Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng, của cách mạng. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin nghiên cứu những quy luật phổ biến nhất của sự vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy, những quy luật của đấu tranh cách mạng, của xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Nắm chủ nghĩa Mác - Lênin là nắm cái chung, quy luật chung để có cơ sở nhận thức, xử lý, áp dụng đúng đắn vào cái riêng, cái cụ thể. V.I. Lênin đã từng nói, người nào không nắm được cái chung mà bắt tay ngay vào giải quyết cái riêng thì không tránh khỏi tình trạng lúng túng, mò mẫm, lầm lạc, mất phương hướng, thậm chí có khi dao động một cách tệ hại do thiếu bản lĩnh lý luận. Vì vậy Đảng ta khẳng định phải “kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam”. Chủ nghĩa Mác - Lênin mang bản chất khoa học và cách mạng, nó trang bị thế giới quan và phương pháp luận khoa học cho con người để nhận thức và cải tạo thế giới, tạo nền tảng lý luận, bản lĩnh lý luận cho cán bộ, đảng viên để ứng xử đúng trong mọi tình huống, trong mọi nhiệm vụ công tác được phân công.
- Thứ sáu là, bồi dưỡng tri thức cho sinh viên về đấu tranh tư tưởng, lý luận
Khi có trình độ nhận thức nhất định sinh viên mới có những biện pháp cụ thể có thể nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, phản bác các luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Chính vì vậy, giảng viên cần chú trọng nâng cao nhận thức chung cho sinh viên về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để làm tốt điều đó mỗi giảng viên cần tích cực đổi mới công tác này cả về nội dung và phương pháp giáo dục. Việc biên soạn nội dung, chương trình và phương pháp truyền đạt phải theo hướng: ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng, từng lĩnh vực đào tạo nhằm từng bước thẩm thấu nâng cao nhận thức của sinh viên. Qua đó, một mặt tạo sự hứng khởi cho sinh viên trong nắm bắt, tiếp thu các vấn đề chính trị, nhất là nội dung liên quan đến chuyên ngành đào tạo; mặt khác, cần tạo cho họ có thói quen quan tâm tới tình hình chính trị, biết phân biệt đúng sai, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng và quan trọng hơn là có trách nhiệm với tình hình chính trị của đất nước được thể hiện bằng hành động cụ thể.
3. Kết luận
Sinh viên là lực lượng đông đảo - chủ nhân của đất nước trong tương lai, giữ vai trò quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phần lớn sinh viên đều có lòng yêu nước nồng nàn, nhận thức đúng đắn và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới đất nước, có ước mơ, hoài bão, lý tưởng lớn, không ngừng khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu vươn lên để trở thành những công dân hữu ích cho xã hội,... Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay một bộ phận sinh viên còn hạn chế về nhận thức chính trị, thiếu niềm tin, sống buông thả, hoặc bị lôi kéo vào hoạt động của các thế lực thù địch. Vì vậy, cần thiết tăng cường giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị cho sinh viên: kiên trì thế giới quan, phương pháp luận khoa học và các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Có như vậy sinh viên mới xây dựng cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.
[2]. Phạm Đình Nghiệp (2000), Giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ Việt Nam trong tình hình mới, NXB Thanh Niên.
[3]. Đảng cộng sản Việt Nam (2014), Nghị quyết của Bộ chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030, Hà Nội.
[4]. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5 (2011), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Th.S Trịnh Thị Thoa
Tổ Giáo dục chính trị - Khoa LLCB