Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Lý luận cơ bản ❯ Chi tiết
       
  07/12/2019 09:29        

Nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy các môn Lý luận chính trị

1. Đặt vấn đề
Thế giới khách quan luôn vận động, biến đổi không ngừng thì việc giảng dạy bất kỳ môn học nào cũng cần phải tuân theo nguyên tắc “lý luận gắn liền với thực tiễn”. Có như vậy mới góp phần đắc lực vào việc làm sáng tỏ, chứng minh cho lý thuyết khoa học của mỗi bộ môn.
Các môn lý luận chính trị trang bị cho sinh viên thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng và phương pháp luận khoa học, do đó việc phân tích, đánh giá và khái quát hoá những vấn đề thực tiễn để đem lại hiệu quả cao trong quá trình dạy học là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, thực tế rất đa dạng và phong phú, đòi hỏi khi giảng dạy người giảng viên phải lựa chọn sao cho sát với nội dung bài giảng và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí, trình độ hiểu biết, nhận thức và tư duy của người học. Việc đảm bảo cho bài giảng gắn với thực tế cần tránh khuynh hướng thời sự hoá bài giảng, đơn thuần nêu thực tế mà không phân tích, đánh giá, khái quát để phục vụ bài giảng hoặc định hướng tư tưởng cho sinh viên. Người giảng viên vừa phải truyền thụ tri thức cho người học một cách có trình tự, lôgic, hệ thống; mặt khác thông qua tri thức môn học, giảng viên giúp sinh viên củng cố được niềm tin, giá trị sống góp phần phát triển con người toàn diện nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới

 

2. Nội dung
2.1. Cơ sở lý luận về nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy các môn LLCT
Theo quan điểm triết học mác xít, thực tiễn là toàn bộ hoạt động vật chất mang tính lịch sử - xã hội của con người nhằm cải biến tự nhiên và xã hội. Hoạt động thực tiễn rất phong phú. Song có thể khái quát các hoạt động này thành 3 lĩnh vực: hoạt động sản xuất vật chất, hoạt động chính trị - xã hội, hoạt động thực nghiệm khoa học; và có thể chia hoạt động thực tiễn thành các cấp độ khác nhau.
Hồ Chí Minh còn đề ra những yêu cầu cụ thể khi học tập chủ nghĩa Mác -Lênin là “phải học tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta”; “Học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình, là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế … Học để mà làm”. Quán triệt chỉ dẫn “lý luận gắn liền với thực tiễn” và những yêu cầu của Người trong dạy và học lý luận chính trị, để không rơi vào “lý luận suông”, bài giảng lý luận chính trị phải có tính thực tiễn, phải luôn liên hệ với thực tiễn sinh động.
2.2. Những nhân tố quy định việc nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy các môn LLCT
Để việc gắn lý luận với thực tiễn có hiệu quả (và hiệu quả ngày càng tốt hơn) cần đảm bảo các yêu cầu căn bản sau:
- Thứ nhất, phải hiểu đối tượng (sinh viên) ở mức cần thiết
Điểm mạnh và điểm yếu của họ về nhận thức lý luận, nhận thức về thực tiễn, về sự vận dụng lý luận để giải quyết công việc (vấn đề, sự kiện, hiện tượng) thực tế trong thực tiễn của họ. Dĩ nhiên không thể tìm điểm mạnh, điểm yếu cụ thể của từng sinh viên cụ thể mà ở mức chung nhất của đối tượng sinh viên của mỗi lớp, mỗi khoá. Cần lưu ý rằng điểm mạnh điểm yếu của số đông đối tượng không phải là một hằng số bất biến mà ở sự thay đổi ở từng loại đối tượng và theo thời gian và điều kiện cụ thể.
- Thứ hai, giảng viên phải có vốn kiến thức lý luận vững vàng
Người giảng viên cần nắm sâu, rõ cái cốt lõi của vấn đề, vượt qua câu chữ trong giáo trình (chương trình, sách giáo khoa ) nói được cái (điều) thực chất lý luận nào đó. Xin nêu một ví dụ như: Thực chất của chủ nghĩa duy vật biện chứng là gì? Thực chất của tư tưởng Hồ Chí Minh là gì? v.v… có như vậy, quá trình giảng dạy mới tránh sa vào lý luận một cách rối rắm hoặc chung chung và cũng để xác định được nội dung, và cách thức gắn thực tiễn với lý luận.
- Thứ ba, phải trang bị vốn thực tiễn phong phú
Thực tiễn nào cần gắn với lý luận ấy. Sẽ càng thuyết phục hơn nữa khi người giảng viên là người đứng trong cuộc của thực tiễn. Trên cơ sở đó, cần hiểu đúng các yếu tố thực tiễn để đưa vào giảng dạy.
Thực tiễn trực tiếp, thời sự diễn ra hàng ngày của con người trên mọi phương diện của đời sống xã hội. Giảng viên thu nhận được các yếu tố (số liệu, sự kiện, hình ảnh) của thực tiễn này từ các chuyến đi thực tế đến với các cơ sở.
Thực tiễn đa chiều đã được phản ánh chọn lọc, bình luận trên các phương tiện thông tin đại chúng như sách, đài báo, tạp chí…
Thực tiễn mang tính chính thống trong các văn bản của Đảng và Nhà nước (các văn kiện Hội nghị, Đại hội Đảng, các luật, bộ luật,…). Các yếu tố thực tiễn ở cấp độ này đã được lựa chọn kỹ lưỡng, cơ bản và tin cậy, vừa có tính khái quát vừa có tính cụ thể.
Thực tiễn đa dạng, phong phú, việc đưa yếu tố thực tiễn vào bài giảng tuỳ thuộc nội dung đảm nhận cũng như tuỳ thuộc vào năng lực của giảng viên.
- Thứ tư, phải có quan điểm đúng về “gắn lý luận với thực tiễn” và phải tìm cho được cách “gắn” có kết quả tốt nhất có thể
Lấy thực tiễn minh hoạ cho lý luận đó hoàn toàn không phải là “gắn” theo nghĩa đơn thuần. “Gắn” có thể ở hai cấp độ: Cấp độ bình thường là gắn lý luận với thực tiễn như một chất kết dính nào đó; cấp độ cao là lý luận và thực tiễn xâm nhập lẫn nhau. Với cấp độ cao như thế, người học sẽ nhận thức sâu sắc về lý luận đồng thời được gợi mở để họ vận dụng lý luận ấy vào thực tiễn. Từ hiểu đúng về “gắn” mà không ngừng tìm tòi, thử nghiệm để tìm ra cách liên hệ cụ thể cho từng bài giảng, từng môn học cụ thể để có kết quả tốt.

2.3. Một số biện pháp nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy các môn LLCT
2.3.1. Đối với giảng viên
- Một là, cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị
Như chúng ta đã biết, lý luận gắn liền với thực tế là nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác, nguyên tắc của công tác lý luận nói chung. Bài giảng có tính thực tiễn sẽ làm cho các nguyên lý, lý luận trừu tượng, khó hiểu, phức tạp thành những vấn đề gần gũi, giản dị, dễ tiếp thu. Giảng viên giảng dạy lý luận chính trị phải chủ động trang bị vốn kiến thức thực tiễn cho bản thân bằng nhiều cách thức khác nhau.
- Hai là, đưa thực tiễn vào giảng dạy lý luận chính trị như thế nào cho có hiệu quả
+ Xác định được nội dung nào cần thiết phải liên hệ thực tiễn và đưa loại hình, cấp độ thực tiễn nào thì phù hợp.
+ Nắm vững đối tượng sinh viên và hoàn cảnh cụ thể của lớp học để liên hệ thực tiễn cho phù hợp.
+ Những yếu tố thực tiễn đưa vào bài giảng phải mang tính điển hình, có ý nghĩa chung chứ không chỉ ngẫu nhiên mà giảng viên chợt nghĩ ra trong tiết giảng.
+ Phải quan tâm tới các sự kiện thực tiễn mang tính thời sự, đang được xã hội quan tâm nhiều.
+ Mỗi yếu tố thực tiễn đều phải có địa chỉ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đảm bảo tính trung thực.
+ Khi đưa thực tiễn vào liên hệ nên có sự phân tích để người học thấy được thực tiễn liên hệ có phù hợp lý luận hay không, thực tiễn đó mang ý nghĩa tiêu cực hay tích cực để định hướng sinh viên.
+ Các giảng viên cần chú ý thực hiện thật tốt khâu chuẩn bị bài giảng; vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy, ví dụ như khi soạn giáo án, người giảng viên cần chuẩn bị hệ thống trước các câu hỏi (câu hỏi đóng và câu hỏi mở), các tình huống… phù hợp với từng nội dung của bài giảng. Giảng viên thiết kế bài giảng trên Powerpoint, lựa chọn các từ khóa ngắn gọn, hình ảnh, sơ đồ phù hợp… tạo ra sự sinh động trong tiết giảng và gây hứng thú cho sinh viên, để sinh viên dễ nhớ, dễ hệ thống được bài học. Giảng viên cần phải linh động trong việc sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực cũng như sử dụng thành thạo vi tính và các phương tiện dạy học hiện đại trực quan, bao gồm: máy vi tính, máy chiếu, radio, ghi âm, video... kết hợp với các đồ dùng học tập kích thích sự tìm tòi, đi sâu nghiên cứu và học tập của sinh viên.
2.3.2. Đối với nhà trường
- Bên cạnh sự tự giác, tích cực, chủ động của giảng viên, việc gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của BGH nhà trường, các phòng ban và các đơn vị chuyên môn cấp khoa, tổ bộ môn. Để nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy các môn học nói chung các môn lý luận chính trị nói riêng.
- Nhà trường nên thường xuyên tổ chức cho giảng viên nghe các báo cáo thực tế, mời các cán bộ chủ chốt ở địa phương hoặc các chuyên gia ở các ngành, ở các doanh nghiệp đến trao đổi. Đây không phải là báo cáo thành tích mà là trao đổi công việc họ đang đảm nhận, nhà trường nên có đơn đặt hàng chu đáo, gợi ý những vấn đề gì để họ trao đổi với giảng viên để đem lại hiệu quả cao.
- Nhà trường cũng cần tạo điều kiện tổ chức cho giảng viên nói chung và các giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị mỗi năm có thể có một đến hai đợt đi khảo sát thực tiễn để tăng thêm vốn thực tiễn cho giảng viên.

 

3. Kết luận
Từ sự trình bày trên có thể thấy, để có tính thực tiễn của bài giảng lý luận một cách phù hợp là một đòi hỏi tất yếu đối với giảng viên. Chính vì thế, cần có sự quan tâm từ phía lãnh đạo nhà trường, các phòng ban và các đơn vị chuyên môn cấp khoa, tổ bộ môn. Đối với người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị, trước hết phải nắm đầy đủ, sâu rộng nội dung từng bộ môn mà mình đảm nhiệm giảng dạy, để từ đó có sự lựa chọn đúng, vận dụng có hiệu quả giữa lý luận và thực tiễn. Ngoài ra, giảng viên đồng thời phải thường xuyên, tích cực trải nghiệm để nắm bắt thực tiễn địa phương, khu vực, không ngừng nghiên cứu thực tế, tìm hiểu các thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để bổ sung kinh nghiệm, vốn sống cho bản thân trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân.
[2] Ban Chấp hành Trung ương, Chỉ thị số 23-KL/TW ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Văn kiện hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Hà Nội.
[4] Hồ Chí Minh, toàn tập (tập 8), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội,1995.
[5] Hồ Chí Minh: Về vấn đề trí thức và cách mạng, NXB Sự thật, Hà Nội 1976.

 

Th.S Nguyễn Thị Thảo Tiên

Tổ Giáo dục chính trị, Khoa LLCB

 
Khoa Lý luận Cơ bản