Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Lý luận cơ bản ❯ Chi tiết
       
  05/03/2020 16:06        

Một số vấn đề lý luận về tự học và kỹ năng tự học của sinh viên ở trường đại học

1. Đặt vấn đề
Trường đại học khác cơ bản với mọi nhà trường ở các cấp đào tạo khác là khả năng tự học và tự nghiên cứu của sinh viên. Nhà trường đại học giúp cho sinh viên biết cách học, tự học, tự nghiên cứu và biết vận dụng những hiểu biết để lý giải các vấn đề thực tiễn đặt ra. Tự học là một nhu cầu thiết thực đối với bản thân sinh viên. Tự học không chỉ khi còn ngồi trên ghế nhà trường mà là công việc cần làm suốt cả cuộc đời. Bởi vì, khối lượng kiến thức mà sinh viên tiếp thu được ở nhà trường không phải là ít nhưng vô cùng nhỏ bé so với bể kiến thức nhân loại. Để đối mặt với nền kinh tế tri thức sinh viên cần phải tự học, tự nghiên cứu nhiều hơn nữa dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo, thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy là rất cần thiết.
Tự học là một thuộc tính vốn có của con người, là con đường phát triển nội lực của mỗi cá nhân, của cả dân tộc, là động lực chính của quá trình giáo dục - đào tạo. Việc tự học cần thiết đối với sinh viên, vì nó không chỉ trang bị kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên, mà còn hình thành ở họ năng lực tự học, thích ứng với cuộc sống ngày càng phát triển. “Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để thành người”, vì thế đòi hỏi sinh viên phải rèn luyện năng lực tự học cho bản thân để phù hợp với yêu cầu của xã hội.
Vấn đề kỹ năng, kỹ năng tự học, tự rèn luyện là một trong những vấn đề cơ bản của Tâm lý học Sư phạm . Kỹ năng tự học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ trong quá trình học tập rèn luyện của sinh viên ở trường đại học mà còn có ý nghĩa trong suốt cả quá trình công tác sau này. Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa thì bản thân mỗi người phải phát huy nội lực tự học, tự tìm tòi nghiên cứu, độc lập, sáng tạo để thích ứng được với “xã hội học tập” - học thường xuyên và học suốt đời.
Thực tế cho thấy trong các trường đại học hiện nay, kỹ năng tự học, tự nghiên cứu của sinh viên còn nhiều hạn chế. Vì vậy, việc rèn luyện kỹ năng tự học cho sinh viên đã trở thành yêu cầu cấp bách, một nhiệm vụ quan trọng trong công tác đào tạo.


2. Nội dung
2.1. Bản chất hoạt động tự học của sinh viên (SV) trong trường đại học
- Hoạt động tự học của SV là hoạt động tự giác, tích cực, chủ động sáng tạo dưới sự hướng dẫn gián tiếp của giáo viên nhằm chiếm lĩnh những tri thức khoa học bằng hành động của bản thân và đạt được mục tiêu của giáo dục và đào tạo.
- Hoạt động tự học là một hoạt động tìm ra ý nghĩa làm chủ kỹ xảo nhận thức, tạo ra cầu nối nhận thức trong tình huống học tập; tự biến đổi mình, tự làm phong phú mình bằng cách thu lượm và xử lý thông tin từ môi trường sống xung quanh mình; tự tìm kiến thức bằng hành động của chính mình, cá nhân hoá việc học tập đồng thời hợp tác với bạn bè trong cuộc sống cộng đồng lớp học dưới sự huớng dẫn của thầy cô giáo.
- Tự học của SV với tư cách là một hoạt động nên nó có đặc điểm và cấu trúc của hoạt động nói chung. Nó được thúc đẩy bởi động cơ và hướng tới mục đích với đối tượng cụ thể đồng thời được thực hiện thông qua hành động cụ thể bằng những thao tác trí tuệ linh hoạt, sáng tạo trong những điều kiện hoàn cảnh khác nhau.
- Hoạt động tự học mang màu sắc của hoạt động tâm lý thực hiện chủ yếu thông qua hành động trí tuệ, thao tác tinh thần rất căng thẳng và phức tạp. Tính chất này thể hiện ở tính cơ bản thống nhất, tính khoa học và tính khái quát cao.
- Đặc trưng của hoạt động tự học khác hẳn các hoạt động khác. Nó không chủ yếu hướng vào làm biến đổi khách thể của hoạt động (tri thức, KN, KX)... những phương thức hành vi, những giá trị mà chủ yếu hướng vào làm biến đổi chủ thể của hoạt động – biến đổi nhân cách sinh viên. Tự học của SV là hoạt động mang tính chất nghiên cứu (tự tìm tòi tự phát hiện tự nghiên cứu mức độ cao).
Như vậy trong hoạt động tự học, việc tích cực, độc lập nhận thức của SV không tách rời vai trò tổ chức điều khiển của giáo viên đảm bảo sự thống nhất biện chứng giữa hoạt động dạy của thầy và hoạt động học của trò. Theo các nhà Sư phạm: Qúa trình dạy tự học là một hệ thống toàn vẹn bao gồm ba thành tố: Thầy (dạy) – Trò (tự học) và tri thức, chúng tương tác, thâm nhập vào nhau và qui định lẫn nhau… tạo ra chất lượng và hiệu quả của giáo dục và đào tạo.
2.2. Kỹ năng và kỹ năng tự học (KNTH) của sinh viên trong trường đại học
2.2.1. Khái niệm kỹ năng và kỹ năng tự học
Kỹ năng (KN) là “cách thức thực hiện hành động đã được chủ thể tiếp thu, được đảm bảo bằng tập hợp các tri thức và KX đã được lĩnh hội”. Nói cách khác, KN chính là khả năng sử dụng tri thức vào hành động một cách có hiệu quả trong những điều kiện xác định.
Kỹ năng còn được hiểu là khả năng vận dụng những kiến thức thu nhận được trong một lĩnh vực nào đó vào thực tế.
KNTH của SV là khả năng thực hiện một cách có kết quả các hành động tự học, các thao tác tự học bằng cách lựa chọn và thực hiện các phương thức hành động phù hợp với hoàn cảnh nhất định nhằm đạt được mục đích nhiệm vụ học tập đặt ra.
2.2.2. Các nhóm kỹ năng thành phần trong kỹ năng tự học của sinh viên
- Nhóm kỹ năng lập kế hoạch tự học
Lập kế hoạch tự học là biết xây dựng một chương trình hợp lý, có cơ sở khoa học phù hợp với từng cá nhân, tối ưu hoá hoạt động tư học của bản thân. Kỹ năng này bao gồm KN phát hiện, xác định và lựa chọn vấn đề tự học, các thứ tự công việc cần làm, sắp xếp thời gian cho từng công việc một cách hợp lý với điều kiện và phương tiện hiện có, cụ thể là sinh viên biết đặt kế hoạch tự học phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ học tập.
- Nhóm kỹ năng tổ chức việc tự học
+ Kỹ năng đọc sách, tài liệu tham khảo
Đây là KN đặc trưng của KN tự học trong hoạt động tự học của SV. SV có KN đọc sách tốt không những nâng cao kết quả tự học mà còn là điều kiện để giáo dục và hình thành nhân cách hoàn hảo. Thực tế có nhiều loại sách khác nhau, do đó SV phải có KN đọc sách, khai thác thông tin quí giá từ nhiều nguồn sách, nhằm tiếp thu lĩnh hội tri thức. Để có KN đọc sách thuần thục, SV phải trang bị cho mình những tri thức về phương pháp, cách thức làm việc độc lập với sách qua những nghiên cứu của thành tựu như Triết học, Tâm lý học, Giáo dục học, Logic học... Muốn vậy, giáo viên phải trang bị cho SV cách đọc sách một cách khoa học, phối hợp các KN hợp lý.
+ Kỹ năng hệ thống hóa kiến thức
Là KN tập hợp nhiều yếu tố đơn vị tri thức cùng loại, cùng chức năng có mối quan hệ hay liên hệ chặt chẽ với nhau làm thành một thể thống nhất.
Tự hệ thống hoá kiến thức trong hoạt động tự học là tự bản thân SV biết phân tích tổng hợp xâu chuổi từng nội dung chính thành tổ hợp hệ thống hoá logic dựa trên kết quả điểm tiếp cận cấu trúc hệ thống và có thể trình bày bằng bảng hay sơ đồ hệ thống và trình bày theo logic nhất định. Thực hiện KN này giúp SV Cao đẳng, Đại học rèn luyện KN ghi chép tài liệu tham khảo và sách phát triển năng lực nhận thức, tự học và có thói quen tự học suốt đời.
+ Kỹ năng làm đề cương xêmina
Xêmina là hình thức học tập đặc biệt ở Đại học, Cao đẳng trong đó một tập thể sinh viên thảo luận với nhau trên cơ sở có sự chuẩn bị trước về vấn đề khoa học, có liên quan đến nội dung học tập dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Việc chuẩn bị trước một vấn đề khoa học là sự tự giác nổ lực riêng của bản thân sinh viên phát huy tối đa tính độc lập sáng tạo thông qua việc sưu tầm tư liệu, trình bày thảo luận và bảo vệ quan điểm khoa học của mình.
Tự học, tự nghiên cứu theo hình thức xêmina sẽ làm cho SV trưởng thành về cả lập trường khoa học tinh thần đấu tranh phê và tự phê, tính kiên trì, cẩn thận, tỉ mỉ đặc biệt rèn luyện đức tính trung thực về kết quả nghiên cứu của mình. Điều này chỉ đạt kết quả mong muốn khi người học có sự chuẩn bị kỹ về vấn đề có liên quan.
+ Kỹ năng ôn tập, dự thi và kiểm tra
Kỹ năng ôn tập và dự thi là khả năng thực hiện có kết quả các hành động ôn tập (xác định thông tin, bổ sung thông tin và vận dụng chúng bằng cách lựa chọn, vận dụng tri thức và kinh nghiệm phù hợp với điều kiện phương tiện đã xác định trong mục đích ôn tập. Nó là tổ hợp các hành động ôn tập được người học nắm vững biểu hiện mặt kỹ thuật và năng lực của hành động ôn tập có ý nghĩa quyết định kết quả của hoạt động tự học... KN ôn tập là một hệ thống mở rộng tính phức tạp nhiều tầng bậc và mang tính phát triển.
- Nhóm KN tự kiểm tra - tự đánh giá rút kinh nghiệm tự học của bản thân
Tự kiểm tra, tự đánh giá rút kinh nghiệm hoạt động tự học của bản thân sinh viên là KN không thể thiếu trong việc thực hiện mục đích đề ra. Tự kiểm tra là bản thân SV xem xét lại tất cả các hành động tự học bằng KN tự học để biết kết quả thực hiện của mình như thế nào?
Nhiệm vụ của tự học tự nghiên cứu của sinh viên không chỉ dừng lại ở chỗ lĩnh hội tri thức mà phải biết kiểm tra - đánh giá kết quả của sự lĩnh hội đó. Tự đánh giá trong hoạt động tự học của bản thân giúp SV viên phát hiện những sai sót, tìm ra nguyên nhân chủ quan, khách quan ảnh hưởng đến hiệu xuất của quá trình tự học, tự nghiên cứu. Từ đó cần phải điều chỉnh kịp thời bằng cách bổ sung, nếu cần phải thay đổi cả phương pháp, KN-KX để phù hợp với tình huống tự học. Tự kiểm tra, tự đánh giá, tổng kết kinh nghiệm với thái độ khách quan “khi thành công phải xem xét vì sao thành công, khi thất bại cũng phải xem xét để mà tránh đi”. Việc tự kiểm tra, tự đánh giá có thể tiến hành thường xuyên theo từng kỳ, từng môn, từng KN cụ thể.
Tự kiểm tra, tự đánh giá rút kinh nghiệm các KNTH hay các công việc tự học thông qua kết quả học tập của bản thân. SV có thể thực hiện KN này bằng nhiều cách khác nhau: So sánh tri thức về vấn đề trước và sau khi vận dụng các phương pháp, KNTH, so sánh tỉ lệ kiến thức cần thiết đã biết, chưa biết với những bài viết có tính khoa học, tính thực tế cao, những bài kiểm tra, thi học phần, học trình tốt nghiệp... SV xác định đúng và sai những điều cần làm và tự kiểm tra, tự đánh giá kết quả của mình, so sánh kết quả điểm, nhận xét của thầy cô và những người xung quanh.
2.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến KNTH của sinh viên
2.3.1. Các yếu tố chủ quan
- Tự ý thức: Tự ý thức của SV phụ thuộc vào sự hiểu biết về mục đích ý nghĩa và vai trò của tự học, nội dung cách thức của tự học và nhân tố ảnh hưởng tới tự học của bản thân. Từ đó SV biết tự tổ chức, tự kiểm tra - đánh giá kết quả tự học của mình để đáp ứng mục tiêu của giáo dục & đào tạo.
- Thái độ tự học: Thái độ tự học của SV được thể hiện ở nhu cầu tự học, động lực tự học, hứng thú, tính tích cực, tự lực học tập, sự say mê với tinh thần quyết tâm cao và ý chí khắc phục khó khăn để thực hiện được nhiệm vụ học tập. Những cử chỉ hành vi có thể quan sát được cũng là biểu hiện của thái độ tự học (cần mẫn, chăm chỉ...). “vấn đề hình thành và phát triển tư duy không chỉ là vấn đề nắm vững tri thức KNKX, trí tuệ và phương thức hành động mà xen vào đó là biểu hiện sâu sắc của xúc cảm và tình cảm, thái độ tích cực của người học.
Những thành phần bên trong của thái độ tự học bao gồm: Nhu cầu tự học, động cơ tự học, hứng thú tự học, ý chí khắc phục khó khăn trong tự hcọ…
- Khả năng tự học: Cùng với hệ thống các yếu tố trên SV phải có khả năng tự học thông qua việc thực hiện kế hoạch tự học, cách thức tổ chức tự học, đặt biệt dựa vào kết quả học tập để quyết tâm phấn đấu. Như thế SV phải tích cực tự học, tự thu thập tài liệu về nội dung, phương pháp, bản thân mình có nhu cầu tích luỹ tri thức cũng như cách thức và KNTH.
- Phương pháp học tập: Là phương thức để đạt được mục đích, nhiệm vụ học tập theo một cách thức nào đó. SV phải có kế hoạch học tập hợp lý, có sự phân phối thời gian và áp dụng các hình thức tự học phù hợp. Phương pháp học tập có tính quyết định đến kết quả học tập của SV. Bên canh những yếu tố trên, khả năng tư duy, khái quát, tổng hợp, phân tích vấn đề là yếu tố bên trong quyết định trực tiếp đến hiệu quả của hoạt động tự học.
2.3.2. Các yếu tố khách quan
- Phương pháp dạy học của giảng viên: Các yêu cầu về học tập, đòi hỏi phương pháp giảng dạy của giáo viên phải phù hợp với trình độ nhận thức và đặc điểm tâm sinh lý của mỗi cá nhân mới hình thành và phát triển KNTH cho SV. Khi các KNTH hình thành rồi phải được rèn luyện và cũng cố thường xuyên. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với trình độ nhận thức và đặc điểm tâm sinh lý của cá nhân là yếu tố tác động trực tiếp đến việc rèn luyện KNTH cho SV nhằm phát huy tính tích cực, tự giác độc lập sáng tạo của sinh viên. Các nghiên cứu cho rằng: chất lượng tự học phụ thuộc vào trình độ tổ chức và điều khiển hoạt động học của thầy.
- Việc tổ chức, quản lý sinh viên tự học cũng có tác dụng tới quá trình hình thành rèn luyện, nâng cao KNTH cho SV. Tuy rằng việc tự học của SV Cao đẳng, Đại học hiện nay được quản lý theo cơ chế tự quản. Song các trường quản lý tự học của SV bằng nhiều cách: yêu cầu giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện nghiêm túc qui chế thi cử và kiểm tra – đánh giá theo từng năm học, từng kỳ học, từng tháng và từng tuần.
- Các yếu tố khác: Môi trường tự học (sự phát triển xã hội, yêu cầu của thời đại, mối quan hệ bạn bè, môi trường tập thể...); Thời gian tự học (để rèn luyện và nâng cao KNTH cho SV không những phải sắp xếp thời gian hợp lý vào thời điểm trong ngày mà còn phù hợp với đặc điểm tâm lý cá nhân); Điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt, các phương tiện học tập, tài liệu tham khảo; Nhân tố gia đình, bạn bè người thân…
Tóm lại, việc hình thành và phát triển KNTH của SV chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Trong đó yếu tố chủ quan là cốt lõi, có tính quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến hành động và kết quả tự học. Yếu tố khách quan là điều kiện cơ sở nền tảng để kết quả tự học của sinh viên đạt mức độ cao hơn. Tuy nhiên xét về KNTH, để hình thành, rèn luyện và nâng cao KNTH thì yếu tố chủ quan mới là điều kiện cần và đủ. Yếu tố bên trong quyết định trực tiếp hiệu quả hành động tự học. J.A.Comenxki đã nói: Mỗi học sinh có một vốn tri thức, một trình độ tư duy riêng, chỉ có tự học mới học hết tất cả những điều cần học vì chỉ có bản thân người học mới biết rõ mình còn thiếu cái gì và cần học cái gì?


3. Kết luận
Tự học và KNTH là đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học ở nhiều góc độ khác nhau. Nó là hệ thống những thao tác đảm bảo cho con người sẵn sàng và có khả năng thực hiện hành động tự học đạt kết quả.
Các thành tố tâm lý cơ bản trong KNTH của SV có mối quan hệ với nhau như: tính ý thức của hành động, việc vận dụng những tri thức, phương tiện vào hành động trong điều kiện mới và hành động đó phải đạt kết quả cao. KNTH quyết định trực tiếp kết quả tự học của người học.
Việc hình thành và rèn luyện KNTH cho SV là một yêu cầu hết sức bức thiết. Nghiên cứu vấn đề này có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng các biện pháp tác động tích cực tới quá trình rèn luyện KNTH cho sinh viên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Lê Khánh Bằng (1999), “Góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của quá trình tự học theo quan điểm giáo dục hiện đại”, Kỷ yếu hội thảo khoa học.
[2]. Nguyễn Ngọc Bích (1998), Tâm lý học nhân cách, NXB Giáo dục, Hà Nội.
[3]. Nguyễn Duy Cần (1975), Tôi tự học, NXB Khai Trí Sài Gòn.
[4]. Nguyễn Duy Cần - Thu Giang (1999), Tôi tự học, NXB Thanh niên, Hà Nội.
[5]. Vũ Dũng (cb) (2002), Từ điển tâm lý học, Trung tâm khoa học và xã hội nhân văn Quốc gia - Viện tâm lý học, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
[6]. Hồ Ngọc Đại (1996), Tâm lý học dạy học, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.

 

Th.S Ngô Thế Lâm

Tổ Tâm lý - Giáo dục, Khoa LLCB

 

 
Khoa Lý luận Cơ bản