Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Lý luận cơ bản ❯ Chi tiết
       
  10/03/2020 21:41        

Phát huy vai trò của sinh viên trong việc xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

1. Đặt vấn đề
Trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, thanh niên, sinh viên cũng là lực lượng xã hội quan trọng, một trong những nhân tố quyết định tương lai, vận mệnh của đất nước. Sinh viên một bộ phận tinh túy, quan trọng trong thanh niên Việt Nam, là lực lượng kế tục, phát huy nguồn trí tuệ nước nhà, là nguồn lực chủ yếu trong thời đại kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, đóng vai trò then chốt trong phát triển đất nước, là lực lượng to lớn trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH, hoàn thiện nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên nền tảng kế thừa di sản văn hóa của cha ông, kết hợp học hỏi những tinh hoa văn hóa nhân loại cần được đặc biệt chú trọng. Chính vì vậy, cần thiết phải phát huy vai trò của sinh trong việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.


2. Nội dung
2.1. Văn hoá tiên tiến và bản sắc văn hoá dân tộc
Văn hóa tiên tiến: Là nền văn hóa dựa trên các giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc và thời đại, phải thể hiện được tinh thần dân chủ, tiến bộ. Đó là nền văn hóa tôn trọng quyền sống, quyền làm người, quyền mưu cầu hạnh phúc. Phải thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn cách mạng, vì hạnh phúc và phát triển của con người, lấy việc giải phóng con người là mục tiêu cao nhất. Phải dựa trên cơ sở nền giáo dục phổ cập có trình độ cao, một nền KHKT tiến bộ đủ sức giải quyết những vấn đề của cuộc sống hiện tại, hướng đến sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Phải tiến kịp và hòa nhập với trình độ phát triển của văn minh nhân loại. Phải xây dựng được cơ sở kết cấu hạ tầng văn hóa, xã hội từng bước được hiện đại hóa. Nền văn hóa tiên tiến không chỉ ở nội dung mà còn cả ở hình thức biểu hiện và phương tiện truyền tải nội dung.
Văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam: Bao gồm những tinh hoa của các cộng đồng dân tộc Việt Nam được vun đắp qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, cần cù lao động sáng tạo, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc,…
2.2. Vai trò của sinh viên trong quá trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 (Khóa VIII) và Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 9 (Khóa XI), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.
Trong công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay, yêu cầu của CNH, HĐH đã đặt thanh niên, trong đó có sinh viên vào vị trí quan trọng hàng đầu. Điều này đã được Đảng ta nhấn mạnh tại Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25-7-2008 BCHTW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ mới: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng CNXH. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước”.
Để phát huy được vai trò trên thì thanh niên nói chung và sinh viên nói riêng cần tiếp thu những mặt tích cực, tiên tiến của văn hóa hiện đại, đồng thời phát huy tinh thần yêu nước niềm tự hào dân tộc, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Kiên quyết đấu tranh đối với những biểu hiện vô cảm, hoặc những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.
2.3. Khái quát thực trạng nền văn hóa Việt Nam hiện nay
Quá trình hội nhập quốc tế đã có những tác động nhất định, làm thay đổi phương thức tư duy, lối sống của sinh viên theo hướng hiện đại và tích cực, chủ động hơn. Sinh viên nước ta biết thêm nhiều hơn về phong tục, tập quán, văn hóa và con người của các quốc gia trên thế giới. Có điều kiện khám phá thế giới, tiếp thu và làm chủ các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại, tri thức mới.
Bên cạnh đó, cũng có những hạn chế cần được nhìn nhận và điều chỉnh kịp thời, như: Một bộ phận sinh viên xa rời truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc. Không ít người có thái độ ứng xử, biểu hiện tình cảm thái quá trong các hoạt động giải trí, văn hóa, nghệ thuật; lãng quên, thờ ơ đối với dòng nhạc dân ca, dòng nhạc cách mạng, truyền thống. Bên cạnh đó, chúng ta thấy một hiện tượng đáng báo động của giới trẻ nói chung và sinh viên nói riêng trong việc hội nhập, tiếp thu văn hóa thế giới, du nhập những hoạt động văn hóa tiêu cực, không phù hợp thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Không ít sinh viên đang ngày đêm cuốn vào các trò chơi điện tử, online mang nặng tính bạo lực, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thời gian học tập hoặc say mê với các ấn phẩm, văn hóa phẩm không lành mạnh, độc hại, dẫn đến những hành động suy đồi đạo đức, vi phạm pháp luật…
2.4. Một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của sinh viên trong việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Một là: Giúp sinh viên nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Thế giới hiện nay đã bước sang cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Điều đó đặt nước ta trước thách thức mới về văn hóa: Việt Nam vừa phải cố gắng phát triển mọi mặt để theo kịp sự phát triển của các nước tiên tiến, mặt khác vừa phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trước những khó khăn, thử thách đó tất cả các cấp, các ngành ngành phải nhận thức đầy đủ và thực hiện có kết quả mục tiêu: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Qua đó, giúp sinh viên tự đặt ra cho bản thân mình câu hỏi: Là những trí thức tương lai của đất nước, mình đã, đang và sẽ làm gì để góp phần đưa đất nước phát triển, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc?
Để trả lời được câu hỏi nêu trên, mỗi sinh viên phải tự mình phấn đấu, rèn luyện, tự trau dồi cho bản thân những kỹ năng cần thiết, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nỗ lực rèn luyện vì lợi ích chung của cộng đồng và vì chính sự phát triển của cá nhân. Quan trọng hơn, các bạn trẻ cần xây dựng bản lĩnh văn hóa, tìm hiểu, tiếp thu về những phong tục, truyền thống quý báu của dân tộc, sẵn sàng đấu tranh với những hoạt động, sản phẩm văn hóa không lành mạnh.
Hai là: Phải xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để phát huy vai trò của sinh viên
Các đơn vị, các cấp, ngành cần thiết phải đề ra một chương trình, chiến lược cụ thể, thống nhất mới phát huy tối đa được vai trò của sinh viên trong quá trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc:
- Xây dựng các chuẩn mực về văn hóa, củng cố và tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng.
Tiếp tục đẩy mạnh việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lối sống có văn hóa cho sinh viên góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa, con người Việt Nam: Đó là truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo”, “lá lành đùm lá rách”…Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho sinh viên phát triển nhân cách và tài năng: môi trường gia đình đầm ấm, hạnh phúc, yêu thương giúp đỡ nhau; môi trường nhà trường đoàn kết, an toàn, nhiều cơ hội phát triển tri thức; môi trường xã hội ổn định, an toàn, tạo niềm tin.
- Xây dựng và hoàn thiện các thiết chế về văn hóa
Hệ thống thiết chế văn hóa là nơi để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các nhiệm vụ chính trị, xã hội của các tỉnh, thành trên cả nước nhằm giáo dục giúp nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh với những luận điệu sai trái, chống phá cách mạng, Đảng, Nhà nước, âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Nhà văn hóa, các câu lạc bộ, đài phát thanh… là những thiết chế văn hóa để sinh viên đóng góp ý kiến với các cấp ủy đảng, chính quyền về những vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội đang diễn ra. Mặt khác, là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống của nhân dân, giáo dục về pháp luật để giảm thiểu các tệ nạn xã hội, từ đó phát huy, gìn giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc cho sinh viên.
Ba là: Tổ chức các cuộc hội thảo, giao lưu về văn hóa cho sinh viên
Đối với các trường đại học, cao đẳng hay TCCN trong cả nước cần tổ chức nhiều các cuộc hội thảo tìm hiểu về giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, về sự giao lưu và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Các đơn vị chức năng tổ chức các cuộc thi, các chương trình giao lưu về văn hóa nghệ thuật cho sinh viên ở phạm vi trong nước và quốc tế. Qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của dân tộc, đồng thời qua sự giao lưu đó sinh viên có thể học hỏi lẫn nhau những bài học quý giá, cũng như những tri thức mới tốt đẹp, trở thành hành trang quý giá cho mỗi sinh viên nói riêng và của cả dân tộc nói chung trong quá trình hội nhập và phát triển.
Bốn là: Phát huy tính tích cực và chủ động của sinh viên
Tích cực trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa trong quá trình hội nhập. Cần tiếp tục đẩy mạnh việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, tác phong sống trong sinh viên và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, cần thường xuyên thực hiện tốt. Đẩy mạnh tổ chức các cuộc thi tìm hiểu liên quan lịch sử hào hùng, truyền thống văn hóa của đất nước, của quê hương. Từ đó, giúp sinh nhận thấy trách nhiệm của công dân đối với dân tộc, với Tổ quốc là phải tiếp thu những truyền thống quý báu của dân tộc, quảng bá vẻ đẹp về đất nước, con người Việt Nam với thế giới.
Tích cực trong quá trình tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Không những giúp sinh viên hiểu được trách nhiệm giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc. Bên cạnh đó, giúp sinh viên có trách nhiệm xây dựng và phát triển đất nước trong quá trình CNH, HĐH đất nước, để đất nước Việt Nam sánh vai kịp với các cường quốc trên thế giới. Để có được điều đó, sinh viên cần trang bị cho mình những tri thức mới của thời đại, phải chủ động, tích cực trong quá trình giao lưu, hội nhập tiếp thu tinh hoa, văn hóa của thế giới.
Năm là: Xây dựng tinh thần cảnh giác, tích cực đấu tranh chống lại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng và văn hóa
Góp phần miễn dịch cho toàn xã hội, đặc biệt là thanh niên, sinh viên trước âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Sự nghiệp xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa đang là mục tiêu phá hoại của các thế lực thù địch. Thực hiện âm mưu này, chúng chủ trương tiến hành nhiều hoạt động nhằm làm tha hóa chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ, trong đó có sinh viên. Chúng muốn biến thanh niên, sinh viên thành những kẻ ích kỷ, thực dụng, chạy theo những lợi ích vật chất tầm thường, phai nhạt dần lý tưởng cách mạng, quay lưng với truyền thống, mất gốc, lai căng... Vì vậy, bên cạnh việc phát triển kinh tế, chúng ta phải quan tâm đến công tác tư tưởng, văn hóa, tạo môi trường xã hội lành mạnh, trong đó việc xây dựng lối sống mới, con người mới cho các thế hệ sinh viên mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.

[2]. Nghị quyết TW5 khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2008.

[3]. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng TW Đảng, Hà Nội, 2016.

[4]. Hồ Chí Minh (toàn tập, tập 5), Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.

 

Th.S Trịnh Thị Thoa

Tổ Giáo dục chính trị, Khoa LLCB

 

 

 
Khoa Lý luận Cơ bản