Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Lý luận cơ bản ❯ Chi tiết
       
  07/05/2020 20:44        

Gương mẫu trong dạy học - mệnh lệnh không lời của người giảng viên

1. Dạy học không chỉ là hoạt động truyền thụ kiến thức mà cùng với đó, người giảng viên (GV) đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc giáo dục và hình thành nhân cách cho sinh viên (SV). Có thể nói, trong suốt quá trình hình thành và trưởng thành về nhân cách của sinh viên, người giảng viên đóng vai trò trực tiếp, quan trọng. Gương mẫu trong hoạt động dạy học của người GV không chỉ là tấm gương sáng để SV noi theo mà đó còn là “mệnh lệnh” để SV hoàn thành nhiệm vụ của mình trong hoạt động học tập. Trong bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu khái niệm gương mẫu; những biểu hiện gương mẫu của người GV; đồng thời trình bày một số gợi ý giúp người GV hoàn thiện những phẩm chất gương mẫu trong hoạt động giáo dục.

2. Cùng với xu thế dạy học theo hướng hiện đại của thế giới (chuyển từ việc truyền thụ kiến thức sang định hướng năng lực), trong những năm trở lại đây, giáo dục Việt Nam cũng dần thay đổi triết lý của mình. Việc lấy người học làm trung tâm trong hoạt động dạy học không chỉ là việc phát hiện và tác động để phát triển các năng lực của người học một cách đơn thuần, mà cùng với đó là tìm kiếm và áp dụng các biện pháp giáo dục đạo đức cho người học một cách hiệu quả, thông qua nhiều kênh thông tin. Với yêu cầu đó, người GV gương mẫu trong môi trường giáo dục và trong quá trình giáo dục là một trong những biện pháp hiệu quả, mang tính trực tiếp.

2.1. Trong tiếng Việt, gương mẫu thường được đề cập tới để miêu tả những đức tính tiêu biểu, nỗi bật của con người mà những đức tính (biểu hiện) đó có tác động nhất định đến những người (hoặc cá nhân) xung quanh. Có hai cách hiểu về khái niệm gương mẫu trong tiếng Việt như sau: 

- Thứ nhất, theo cách hiểu là một danh từ, gương mẫu được hiểu là người được coi là tấm gương, là sự mẫu mực cho người khác noi theo. Ví dụ như: làm gương cho con (với cha mẹ); làm gương cho em (với anh chị); làm gương cho học trò (với thầy cô). 

- Thứ hai, theo cách hiểu là một tính từ, gương mẫu được hiểu là có tác dụng là giá trị tốt (gương) cho mọi người noi theo, thường diễn ra trong đời sống, trong lao động hay sinh hoạt hàng ngày. Ví dụ như: vai trò gương mẫu của cha mẹ đối với con cái; vai trò gương mẫu của thầy cô đối với học sinh… Với hai cách hiểu về gương mẫu như vừa trình bày, có thể nói trong môi trường giáo dục người thầy giáo (cô giáo) đóng vai trò hết sức quan trong trong việc vừa phải là sự mẫu mực cho người học noi theo; đồng thời cũng phải đạt được những chuẩn mực như một thước đo để học sinh lấy đó làm “căn chỉnh” cho những hoạt động của mình cả trong trường học lẫn trong cuộc sống.

Trong mọi giai đoạn lịch sử, người thầy bao giờ cũng được xã hội tôn vinh và kính trọng. Nghề giáo được coi là một trong những nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Bàn về sự gương mẫu của thầy cô giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… không có giáo dục thì nói gì đến kinh tế, văn hóa. Cho nên, Hồ Chí Minh xem việc dạy học là một nghề đào luyện những thế hệ con người xây dựng xã hội. Tuy sự cống hiến của nghề dạy học là rất thầm lặng nhưng nếu trở thành một người thầy giáo tốt là điều vô cùng hữu ích và rất mực vẻ vang. Vì thế, Người dạy: người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Nhiệm vụ của người thầy giáo không chỉ là sự truyền bá tri thức, phương pháp, tay nghề cho người học mà thầy giáo cũng như học trò, tất cả đều phải tham gia vào các công việc xã hội một cách thật tích cực. Nhà trường phải gắn liền với thực tiễn xã hội, gắn liền với đời sống của nhân dân. 

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cũng cho thấy, có không ít thầy cô giáo đã đánh mất phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của mình, từ đó không thể là tấm gương tốt cho học sinh noi theo. Gương mẫu nói chung và gương mẫu trong dạy học nói riêng ở bất kỳ giai đoạn nào cũng hết sức quan trọng. Dạy học là một nghề đặc biệt, mà ở đó sản phẩm của nó không phải là vật chất cụ thể mà là sự trưởng thành cả về kiến thức, kỷ năng và năng lực nhân bản của SV. Muốn làm được điều đó, người GV trước hết phải thực sự là một tấm gương mẫu mực thực sự trong chính môi trường và nghề nghiệp của mình. Cụ thể người thầy giáo cần phải có những phẩm chất như cái “tâm”, “tài” và “đức” trong nghề của mình. Từ quan điểm trên, chúng tôi cho rằng để trở thành một tấm gương mẫu mực thực sự, người GV cần có những biểu hiện (phẩm chất) cơ bản sau:

- Thứ nhất, gương mẫu trong việc rèn luyện đạo đức. Đạo đức là giá trị quan trọng, tiên quyết trong suốt quá trình hoàn thiện nhân cách người của con người nói chung và người giáo viên nói riêng. Tuy nhiên đạo đức không phải là yếu tố bẩm sinh hay di truyền mà nó buộc con người phải rèn luyện hàng ngày, đặc biệt là người GV. Một người GV có đạo đức tốt, có tâm với nghề, yêu thương học sinh hết mực chắc chắn là một người GV thành công trong nghề của mình. Không ngừng rèn luyện đạo đức cá nhân và đạo đức nghề nghiệp của người GV không chỉ giúp cá nhân thầy cô giáo trường thành hơn về góc độ nghề nghiệp, mà từ đó họ thực sự là tấm gương sáng trong việc chiếu rọi đạo đức cho SV noi theo, hoặc ít nhất SV không bị tác động bởi những yếu tố tiêu cực mà hành xử thiếu đúng đắn trong cuộc sống lẫn trong học tập. Người GV có đạo đức tốt tác động to lớn và sâu đậm trong tâm trí người học trong suốt quảng đời làm người của họ.

- Thứ hai, gương mẫu trong việc không ngừng học tập nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ là đòi hỏi cấp thiết và yêu cầu bắt buộc của người GV. Đồng thời với đó cũng là nhu cầu của cá nhân người dạy học nhằm đáp ứng tốt công việc của mình. Một người giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ sẽ chuyển tải bài giảng của mình tới học trò một cách hợp lí, khoa học và dễ hiểu. Tuy nhiên điều này cũng phải không ngừng được nâng cao. Người GV một khi đã đam mê và có tâm với nghề thì họ thực sự có nhu cầu và mong muốn được nâng cao tay nghề của mình bằng quá trình đào tạo và tự đào tạo. Năng lực giảng dạy và uy tín về chuyên môn của người GV là thước đo lớn đối với sự tin tưởng của học trò với chính người GV đó. Bởi vậy, việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người GV vừa có ý nghĩa để phục vụ nghề nghiệp, vừa có ý nghĩa là tấm gương để học sinh noi theo mà không ngừng nỗ lực trong việc học, hoàn thành các yêu cầu của GV trong quá trình học tập.

- Thứ ba, gương mẫu trong việc xây dựng đơn vị, chân thành với đồng nghiệp. Xây dựng cơ quan, đơn vị vừa là quy định vừa là trách nhiệm của người GV. Chỉ khi nghiêm túc xây dựng nơi làm việc có không khí và môi trường đoàn kết, dân chủ thực sự người GV mới có niềm tin và thái độ tốt đối với công việc của mình. Đồng thới với đó là chân thành, lịch sự với đồng nghiệp giúp người GV nhìn thấy được niềm vui trong môi trường giáo dục. Xây dựng không khí cơ quan, chân thành và lịch sự đối với đồng nghiệp cũng là sự phản ánh của nhân cách làm người, làm thầy của một người GV. Từ đó họ xứng đáng là tấm gương phản chiếu để học sinh noi theo mà xây dựng tập thể lớp, chân thành giúp đỡ và lịch sự với bạn bè.

Như vậy, gương mẫu và sự gương mẫu của người GV có chung một mẫu số đó là sự soi rọi những điều tốt, ý nghĩa của người này (hay nghề nghiệp) đối với người khác. Để thực sự là tấm gương cho SV noi theo, ngoài việc hoàn thành những giờ dạy của mình trên lớp, người GV phải thực sự là người có tâm, tài và đức đối với nghề nghiệp. Trong dạy học hiện đại, nếu nêu gương là một phương pháp thường được áp dụng để tác động trực tiếp đến thái độ, tình cảm và hành vi của học sinh, thì sự gương mẫu của chính người GV là “mệnh lệnh” không lời đối với người học, chính sự gương mẫu của thầy cô giáo là bức tranh sinh động, thiết thực và có tính hiệu quả cao nhất đến mong muốn được trở thành người hoàn thiện của SV, đúng như lời của Hồ Chí Minh đã từng nói: tự mình phải chính trước mới giúp người khác chính.

2.2. Như đã trình bày ở trên, sự gương mẫu của người GV luôn là “mệnh lệnh” không lời đối với học sinh, nhằm đưa những hoạt động dạy học vào những nguyên tắc cần thiết của nó, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho sự thành công của người GV trong những hoạt động khác của quá trình giáo dục. Chúng tôi xin đưa ra một số gợi ý nhằm góp phần để hình ảnh của người thầy cô giáo thực sự là tấm gương trong quá trình hình thành nhân cách của SV như sau:

- Một là, người giảng viên lịch sự: lịch sự là đặc điểm của một người có giáo dục, lịch sự là những hình thức lễ phép bên ngoài được xã hội thoả thuận và tuân giữ để cuộc sống chung giữa người với người được hài hoà, êm đẹp hơn. Để giáo dục được lịch sự cho SV, trong môi trường giáo dục (khuôn viên trường học), người GV phải thực sự là người lịch sự. Lịch sự của người GV trong trường học là ứng xử có văn hóa, phù hợp chuẩn mực với đồng nghiệp và với chính SV của mình. Chính những ứng xử bình thường trong trường, lớp học của người GV là thông điệp đơn giản, hiệu quả để giáo dục lịch sự cho SV của mình. Giáo dục lịch sự cho SV là hình thành trong các em những cử chỉ, hành động, lời nói và thái độ của một người có giáo dục; làm cho SV thấy lịch sự là bổn phận của chính mình, từ đó có thái độ và hiểu đúng mực đối với những người xung quanh như: đối với ông bà, cha mẹ đó là những người có công sinh thành dưỡng dục ta, nên lịch sự đối với ông bà, cha mẹ là sự thảo hiếu, tôn kính và vâng lời, đặc biệt là giúp đỡ; đối với mọi người dù già, trẻ, nam, nữ… cũng tôn trọng, yêu mến họ, sẵn sàng giúp đỡ họ khi có khả năng; đối với thầy cô thì kính trọng, vâng lời, tôn kính và chân thành... Điều cốt yếu nhất của giáo dục lịch sự đối với SV đó là giáo dục cho các em thói quen nói xin chào, xin lỗi, cảm ơn, làm ơn, xin phép, vui lòng... Trong môi trường giáo dục, thầy cô cần là tấm gương sáng về lịch sự cho học sinh noi theo. 

- Hai là, người giảng viên cần cù: cần cù, chăm chỉ là được tính cần thiết đối với mọi nghề nghiệp, đặc biệt là đối với người giáo viên. Như đã nói ở trên, việc nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của người giáo viên cần rất nhiều đến đức tính cần cù, chăm chỉ. Sự cần cù, chăm chỉ, không ngừng học tập của người giáo viên tác động rất lớn đến ý thức tự học, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ học tập của người học. Giáo dục chuyên cần là làm cho SV hiểu được giá trị của lao động mà trong đó, chuyên cần là chìa khóa mở ra thành công. Trong quá trình giáo dục đức cần cho SV, người GV phải cho thấy được giá trị của sự chăm chỉ trong quá trình lao động và học tập, từ đó hướng dẫn và yêu cầu SV thực hành đức cần một cách nghiêm túc.

- Ba là, người giảng viên tiết kiệm: tiết kiệm là việc hạn chế đúng mức, chi tiêu hợp lý, không hoang phí, không xa hoa trong việc sử dụng tiền của, sức khoẻ, thì giờ. Đối với người GV, tiết kiệm là không hoang phí cơ sở vật chất trong quá trình dạy học. Để giáo dục tiết kiệm cho SV, người GV trước tiên phải thực sự là tấm gương trong việc trân trọng những giá trị vật chất của người khác. Đồng thời biết sử dụng đồ dùng giảng dạy một cách hợp lí, cẩn thận để sử dụng được lâu bền. Để giáo dục được đức cần về lĩnh vực của cải cũng cần cho SV biết sử dụng, bảo vệ hợp lí tài sản công như điện, nước, bàn ghế, lớp học... của nhà trường, gia đình và xã hội.

- Bốn là, người giảng viên liêm khiết: liêm nghĩa là trong sạch, được hiểu là trong sạch cả thể xác lẫn tâm hồn. Người có đức liêm còn được hiểu là người trong sạch trong khi thi hành chức vụ, không tham nhũng, không hối lộ. Đối với người GV liêm khiết là đức tính cực kỳ quan trọng để trở thành người GV tốt. Trong bối cảnh hiện nay, với sự tác động của mặt trái trong nền kinh tế thị trường, người GV nếu không thực sự liêm khiết sẽ không thể đứng vững trước những cám dỗ của vật chất. Giáo dục đức liêm cho SV cần nhất là giữ cho các em được tâm hồng trong sáng, không vướng vào các suy nghĩ, hành động xấu, nếu có vướng mắc thì biết hối lỗi và quyết tâm sửa đổi. Giáo dục đức liêm cũng cần làm cho SV thấy không chỉ tâm hồn mà hành động cũng phải liêm chính, ngay thẳng với người khác và với cả chính mình. Để giáo dục được đức liêm cho SV người GV phải thực sự liêm khiết trong các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là với phụ huynh SV, đồng nghiệp và với chính SV.

- Năm là, người giảng viên chính trực: chính trực là ngay thẳng, nghiêm minh và thật thà. Người chính trực là người sống theo công lý, biết nói và hành động cách nghiêm minh, không thiên tư, tây vị. Chính trực là đức tính cần thiết của người lãnh đạo, để quản trị và hướng dẫn nghiêm minh. Đối với người GV, chính trực rất cần để giáo dục và quản lí SV. Người GV chính trực, nghiêm minh sẽ tạo ra môi trường dân chủ thực sự trong quá trình giáo dục để người học phát huy tinh thần dân chủ, giao tiếp trong hoạt động dạy học. Trong giáo dục chính trực cho SV người GV cần làm cho các em thấy được bổn phận, nghĩa vụ của mình đối với gia đình, nhà trường và xã hội; đồng thời giáo dục cho các em tinh thần quan tâm đến lợi ích chung, giúp đở bạn bè, người khác khi có thể.

- Sáu là, người giảng viên dũng cảm: dũng cảm là tự chủ, tự lập và cương nghị. Dũng là thói quen tập trung ý chí và vận dụng sức mạnh tinh thần vào một mục đích đã định, quyết tâm vượt mọi trở ngại. Người GV có đức dũng cảm là người có nghị lực kiên cường, biết làm chủ lấy mình trong mọi tính huống, luôn hành động theo lý trí, quyết tâm theo đuổi mục tiêu đến cùng. Trong giáo dục đức dũng cho SV, người GV cần cho các em biết muốn có đức dũng thì cần phải rèn luyện ý chí. Quan trọng nhất của đức dũng là tự chủ, vị vậy cần giáo dục cho các em biết tự chủ lấy bản thân trong hành động lẫn lời nói; khắc phục những âu lo, sợ hãi và những ham muốn bất chính. Giáo dục đức dũng cũng cần chú trọng đến việc tập luyện tính tự lập và tự trọng của SV, giáo dục cho các em biết được giá trị của bản thân để không bị người xấu lôi kéo.

Tóm lại, để trở thành người GV thực sự gương mẫu, mỗi thầy cô giáo cần chú trọng hoàn thiện những đức tính nhân bản cơ bản, để từ đó chính mình trưởng thành về nhân bản, hoàn thiện về nhân cách và thực sự là tấm gương sáng về nhân bản cho SV noi theo. Ngoài những đức tính cơ bản cần được hoàn thiện mà chúng tôi đề cập ở trên, để giáo dục nhân cách cho SV người GV cũng cần chú trọng đến việc giáo dục đức nhân, nghĩa, lễ, trí và tín để SV hiểu và hành động trưởng thành, rèn luyện để trở thành người tốt.

3. Bàn về sự gương mẫu của người thầy, nhà giáo dục học U. Sinxki nói: “Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác”. Sự gương mẫu của người GV trong môi trường giáo dục đóng vai trò hết sức quan trong đối với việc hình thành nhân cách của SV. Để thực sự trở thành tấm gương sáng cho SV của mình, người giáo viên cần không ngừng nỗ lực rèn luyện cả về đạo đức lẫn chuyên môn. Quan điểm đổi mới toàn diện giáo dục cũng chú trọng vấn đề giáo dục nhân cách, đạo đức của người GV lẫn SV. Sự gương mẫu của người thầy cô giáo trong nhà trường nếu làm tốt sẽ mang những thành quả lớn không chỉ cho nhà trường mà còn cho gia đình (trong quan điểm kết hợp giáo dục) và xã hội. Xây dựng tốt đội ngũ GV cả về chuyên môn lẫn đạo đức là tiền đề quan trọng để thực hiện tốt các chủ trương giáo dục, là để nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện đúng các mục tiêu giáo dục trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Chương trình phát triển giáo dục trung học (2013), Tài liệu tập huấn Kĩ năng phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông - Hà Nội.
[2]. Hồ Văn Liên (Chủ biên) (2002), Tổ chức hoạt động giáo dục ở trường phổ thông trung học, Đại học Huế - Trường Đại học Sư phạm.
[3]. Phan Ngọc (1998), Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin.
[4]. Vinh Sơn Nguyễn, SCJ (Chủ biên) (2018), Nghệ thuật sống, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
[5]. Trần Viết Thiện (Nhiều tác giả) (2014), Giao tiếp, hiệu quả kép trong dạy học Ngữ văn theo hướng tiếp cận năng lực, NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh.

 

Th.S Nguyễn Hữu Anh

Tổ Giáo dục chính trị - Khoa LLCB

 
Khoa Lý luận Cơ bản