Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Lý luận cơ bản ❯ Chi tiết
       
  08/06/2020 15:40        

Vai trò của nhà trường và gia đình đối với hành vi sử dụng mạng xã hội của học sinh THPT trên địa bàn thành phố Nha Trang - Khánh Hoà

Tóm tắt

Trên cơ sở khảo sát biểu hiện về thời gian, tần xuất, mục đích sử dụng mạng xã hội của học sinh THPT ở T.P. Nha Trang và sự tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với học sinh; chúng tôi đề xuất một số giải pháp nâng cao vai trò của nhà trường và gia đình trong việc giúp học sinh có hành vi sử dụng mạng xã hội hợp lí và hiệu quả, Hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội đến các em.

Từ khoá: Mạng xã hội (MXH); gia đình; học sinh THPT; hành vi; nhà trường…

1. Đặt vấn đề                             

Cùng với việc bùng nổ của của khoa học thông tin là sự xuất hiện ngày càng nhiều các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, Wechat, Tiktok... đang tác động rất lớn đến cuộc sống con người. Nó giúp con người dễ dàng liên hệ và kết nối với nhau, chia sẻ và tìm kiếm thông tin, cảm xúc. Không những vậy, MXH còn giúp con người rất nhiều trong công việc, trong học tập và giải trí. Những thuận lợi và tiện ích của nó đã cuốn hút đông đảo mọi người sử dụng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tuy nhiên, ngoài những mặt tích cực, MXH cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực ảnh hưởng đến lối sống, tâm lí cũng như nhân cách của mỗi người. Facebook là MXH lớn nhất hiện nay có khoảng 2 tỉ người dùng Facebook, chiếm 1/4 dân số trên toàn thế giới. Trong đó ở Việt Nam, có khoảng 64 triệu người sử dụng Facebook, đứng thứ 7 trên thế giới. Nhiều học sinh, thanh thiếu niên sử dụng MXH đến mức nghiện dẫn đến bỏ bê ăn uống, học hành, làm việc, đảo lộn thói quen sinh hoạt, sức khoẻ giảm sút, các rối loạn về hành vi, đời sống tâm lí, mắc các chứng bệnh về tâm thần. Một thực trạng báo động là MXH đã có mặt không chỉ ở ngoài xã hội, gia đình mà nó đã có mặt hầu hết các trường học phổ thông mà nhiều nhất là ở các trường trung học phổ thông. Chính vì các em học sinh ở cấp THPT đã lớn nên có nhiều điều kiện để tiếp xúc với những trang thiết bị có kết nối Internet (máy tính, điện thoại...). Qua điều tra 300 học sinh THPT tại TP Nha Trang, một số em dễ bị lôi cuốn, cuốn hút với những tiện ích trên MXH và dần dần lệ thuộc vào nó, sao nhãng việc học hành, ít tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế. Chính vì vậy, để hạn chế những ảnh tiêu cực từ MXH đến các em thì vai trò của gia đình, nhà trường là hết sức quan trọng.

2. Nội dung

2.1. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu: Thực trạng mức độ, tần suất, thời gian, mục đích sử dụng MXH của học sinh THPT ở T.P Nha Trang. Những ảnh hưởng tiêu cực từ việc dùng MXH. Một số giải pháp phát huy vai trò của gia đình và nhà trường đối với hành vi sử dụng MXH của học sinh.

- Phương pháp nghiên cứu: Chúng tôi khảo sát 300 học sinh THPT ở TP. Nha Trang thông qua các phương pháp sau: Phương pháp điều tra; Phương pháp phỏng vấn; Phương pháp quan sát.

2.2. Thực trạng sử dụng mạng xã hội của học sinh THPT ở thành phố Nha Trang - Khánh Hoà

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có hơn 76% học sinh được hỏi là rất thường xuyên sử dụng các trang mạng xã hội. Facebook là trang mạng được học sinh lựa chọn nhiều nhất, tiếp đến là Zalo, Instagram và tiktok. Có 26% học sinh thi thoảng sử dụng và 2% chưa bao giờ. Khảo sát thời gian dành cho MXH cho thấy 55% em dùng trung bình hơn 3 tiếng trên một ngày, 43% dành 2 - 3 tiếng, số còn lại dành khoảng 1 tiếng. Qua phỏng vấn nhanh một số em, số giờ dành cho MXH ở những ngày chủ nhật hoặc các ngày lễ khác cao hơn nhiều. Thậm chí có những em sử dụng MXH liên tục ngoại trừ lúc ăn và ngủ. Thực tế là khi cộng cụ kết nối MXH ngày càng nhỏ gọn là những chiếc điện thoại thông minh thì ở đâu chúng ta cũng có thể vào mạng. Chính vì sự tiện lợi của chiếc điện thoại nhỏ bé có thể mang đi bất cứ nới đâu, vì vậy học sinh có thể sử dụng bất cứ khi nào: trong giờ học, nghỉ giải lao, trên xe buýt, khi gặp bạn bè, đi vệ sinh. Không thể phủ nhận tính lợi ích của MXH như là nơi để giao lưu và chia sẻ thông tin, cảm xúc; là công cụ để nâng cao kiến thức, kĩ năng; là kênh giải trí sau những giờ lao động mệt nhọc; là kênh quảng cáo, bán hàng online…

Qua số liệu trên có thể thấy, hầu hết học sinh ở đây đều sử dụng MXH trong nhiều giờ đồng hồ trong ngày. Tuy nhiên các em làm gì trên mạng, những việc đó có thực sự lợi ích cho học tập - nhiệm vụ chính - của các em hay không. Kết quả khảo sát cho thấy 72% học sinh sử dụng MXH cho các trò chơi game, đăng tải những bình luận, hình ảnh bản thân, sự kiện, xem phim, ấn like... Số học sinh dùng mạng cho học tập như tra cứu tài liệu, học online, trao đổi bài tập khá khiêm tốn. Như vậy, mục đích và nội dung dùng MXH đang làm lãng phí rất nhiều thời gian của học sinh mà đáng lẽ, thời gian đó các em nên dành cho học tập. Hành vi sử dụng MXH đã trở thành thói quen khiến nhiều em không thể dứt ra được. Phỏng vấn một số em “Một ngày không vào MXH em cảm thấy thế nào?”câu trả lời của các em là thấy buồn, thiêu thiếu một cái gì đó, bứt rứt khó chịu. Có nên cấm học sinh không sử dụng MXH trong khi mỗi em đều sở hữu một chiếc điện thoại thông minh? Nếu không cấm thì quản lý học sinh dùng MXH thế nào cho hiệu quả?. Thực trạng sử dụng MXH của học sinh hiện nay đáng báo động cho nhà trường và gia đình. Nếu không có giải pháp, để thả nổi học sinh sử dụng thì hậu quả dẫn đến vô cùng nghiêm trọng. Theo nghiên cứu, sử dụng MXH trong nhiều giờ ảnh hưởng đến sức khỏe, hành vi cũng như đời sống tâm lý của các em.

- Về mặt sức khoẻ:

Sử dụng MXH quá nhiều thường khiến các em cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng thần kinh. Việc thường xuyên ngồi hoặc nằm một chỗ, dán mắt vào những thiết bị như điện thoại, máy tính để tham gia vào MXH khiến các em thường có những biểu hiện như đau lưng, nhức mỏi vai gáy, mỏi cổ, nhức đầu, các ngón tay và bàn tay mỏi, cử động chậm chạp, hay đau mắt và mắc các chứng bệnh về mắt. Việc thức khuya để sử dụng MXH khiến các em thường hay mất ngủ, cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, uể oải. Về mặt hoạt động và hành vi: việc dành nhiều thời gian cho MXH ảnh hưởng rất nhiều đến những hoạt động hằng ngày, đặc biệt là hoạt động học tập. Các em thiếu tập trung hoặc bỏ bê việc học, khiến cho kết quả học tập giảm sút. Các em thường né tránh hoặc ít tham gia vào các hoạt động của trường, của lớp, các hoạt động lao động, vui chơi, giải trí khác. Đặc biệt các em dễ bị dụ dỗ, lôi kéo theo những hành vi tiêu cực trên MXH, chẳng hạn như những hành vi bạo lực, khiêu dâm, đồi truỵ... dẫn đến có những hành vi lệch lạc. Như ta đã biết, MXH được xem là một nơi cung cấp thông tin với nhiều tin tức, hình ảnh, video clip... chưa được kiểm duyệt và quản lí. Vì thế các em dễ dàng tiếp cận được những thông tin trong đời sống xã hội, trong đó có nhiều thông tin mang nội dung tiêu cực và việc thường xuyên tiếp cận khiến các em dễ bị ám thị, bắt chước, làm theo. Đây là một trong những điều đáng lo ngại đối với thời đại công nghệ thông tin hiện nay.

- Về mặt tâm lí - xã hội:

Việc sống trong thế giới “ảo” của MXH dần dần làm cho các em quên đi cuộc sống thực tại của mình. Học sinh sử dụng MXH nhiều thường rất ngại giao tiếp, tiếp xúc với người khác. Các em coi thế giới trên MXH mới thực sự là cuộc sống của mình. Do đó, khi không được sử dụng MXH thì các em cảm thấy nôn nao, bồn hồn. Có nhiều trường hợp, các em phản ứng dữ dội như đập phá đồ đạc, chống trả người xung quanh khi bị cách li với MXH. Các em cảm thấy chán nản, hụt hẫng khi không được tương tác với mọi người trên MXH; đồng thời, cảm thấy lo lắng, sợ hãi, tức giận, mặc cảm, tự ti khi có những hình ảnh, tin tức, những bình luận không như mongmuốn của người khác đối với mình được đăng tải trên MXH. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ tinh thần của các em, dễ gây ra cho các em những rối loạn về tâm lí như trầm cảm, hay mắc các chứng bệnh về tâm thần. Do đó, việc xây dựng những chương trình hành động, những biện pháp tác động phù hợp để giúp học sinh có cách sử dụng MXH một cách hợp lí, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của MXH là điều hết sức cấp bách và cần thiết.

Mạng xã hội đang được học sinh sử dụng với mức độ, tần suất rất cao (Ảnh mình hoạ từ Intrernet)

2.3. Vai trò của gia đình và nhà trường đối với hành vi sử dụng mạng xã hội của học sinh THPT

Khảo sát một số trường THPT tại thành phố Nha Trang, chúng tôi nhận thấy nhà trường chưa thực sự quan tâm đến hành vi sử dụng MXH của học sinh. Một số trường chủ trương cấm học sinh không mang điện thoại di động nhưng vấp phải sự phản đối của phụ huynh. Họ muốn con cầm điện thoại đi học để có thể liên lạc, định vị quản lý con cái. Có trường cho học sinh đem điện thoại theo nhưng cấm không được sử dụng điện thoại trong giờ học. Về mặt hình thức, các trường đang loay hoay tìm cách để hạn chế học sinh sử dụng điện thoại khi ở trong khuân viên nhà trường, còn các em sử dụng vào mục đích gì, dùng như thế nào cho hiệu quả thì đa số nhà trường không để ý. Quan sát những giờ giải lao, trống tiết tại một số trường, thay vì hoạt động chảy nhảy, nói chuyện, nhiều học sinh lôi điện thoại bấm và lướt. Các em đang thu mình vào thế giới riêng và tách biệt với những người bạn xung quanh. Các trường học hiện nay vẫn chỉ mới tập trung vào hoạt động chính của mình đó là tổ chức quá trình học tập mà chưa tổ chức thật sự nhiều những hoạt động vui chơi, giải trí, văn nghệ, thể dục, thể thao, tạo sân chơi lành mạnh cho các em. Những hoạt động nếu có cũng mang tính thời điểm, nặng hình thức chưa thật sự hấp dẫn, lôi cuốn các em tham gia. Để phát huy hơn nữa vai trò của nhà trường đối với hành vi sử dụng MXH thì:

- Về phía nhà trường:

+ Nhà trường cần có sự khảo sát, đánh giá tổng thể tình hình, mức độ sử dụng MXH của học sinh ở trường mình để đề ra chương trình hành động phù hợp.

+ Tổ chức những buổi tuyên truyền hay cuộc thi tìm hiểu MXH nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh về kỹ năng sử dụng MXH như kĩ năng truy cập thông tin, tài liệu; kĩ năng tìm kiếm thông tin liên quan đến học tập như thế nào cho hiệu quả.

+ Nên hình thành một số kĩ năng hỗ trợ khác khi tham gia MXH, chẳng hạn như: kĩ năng lựa chọn; kĩ năng tương tác; kĩ năng bày tỏ cảm xúc và kĩ năng quản lí cảm xúc... Để hình thành những kĩ năng này cho học sinh không phải là điều đơn giản, mà cần có một đội ngũ chuyên trách với chuyên môn cao, tổ chức nhiều hoạt động đặc thù mới có thể giúp học sinh hình thành những kĩ năng mềm này.

+ Nhà trường nên xây dựng nhiều hoạt động, chương trình vui chơi hấp dẫn để thu hút các em tham gia như các hoạt động văn hoá - văn nghệ, hoạt động tham quan, dã ngoại, hoạt động lao động, các hoạt động mang ý nghĩa xã hội... để các em thoả mãn được nhu cầu vui chơi, giải trí và lòng ham hiểu biết của mình, giảm bớt tình trạng thiếu sân chơi nên tiêu tốn thời gian cho những chương trình vô bổ trên mạng.

+ Giáo viên chủ nhiệm lớp giữ vai trò đặc biệt trong việc định hướng sử dụng MXH cho học sinh. Giáo viên cần có sự quan tâm, gần gũi hơn nữa, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các em về những vấn đề trong cuộc sống. Giáo viên nên giúp các em có cái nhìn đúng đắn về những vấn đề trên MXH; biết cách hạn chế những tác động tiêu cực từ MXH; giúp các em tự xây dựng cho mình kế hoạch hoạt động, học tập, lối sống khoa học, hợp lí. Đồng thời, giáo viên cần phải thường xuyên theo dõi, giám sát những học sinh có dấu hiệu bất thường, những biểu hiện có liên quan đến việc nghiện MXH, những dấu hiệu xấu từ sự tác động tiêu cực của MXH để kịp thời phối hợp với gia đình ngăn chặn, hướng dẫn, giúp đỡ các em khắc phục những tác động tiêu cực từ MXH.

+ Nhấn mạnh vai trò của nhà trường không thể không nhắc đến vai trò của đoàn thanh niên. Tổ chức này cần phải thực hiện vai trò và trách nhiệm của mình trong việc vận động, lôi kéo, hướng dẫn, dìu dắt học sinh vào các hoạt động, bồi dưỡng tư tưởng, tinh thần cho các em; là tổ chức kiến nghị, đề xuất với nhà trường nhiều hoạt động ý nghĩa, những hoạt động liên quan đến các vấn đề xã hội, đặc biệt là vấn đề sử dụng MXH; phối hợp tổ chức các cuộc thi, tuyên truyền, vận động giúp nâng cao nhận thức, hình thành cho các em ý thức cao trong việc tham gia MXH, phát huy những tác động tích cực và hạn chế những ảnh hưởng xấu từ MXH.

- Về phía gia đình:

+ Không nên ngăn cấm con dùng MXH mà nên có kế hoạch quản lý cách dùng MXH của con. Dù phụ huynh luôn lo lắng, không an tâm khi con dùng MXH thì với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, việc ngăn cản trẻ tiếp cận với MXH là điều không thể. Theo TS. Vũ Ngọc Phan, giảng viên đại học Phenikaa (Hà Đông, Hà Nội ) “Nếu bị hạn chế tiếp xúc với mạng xã hội, trẻ sẽ thiệt thòi vì thiếu kiến thức, nhất là trong môi trường công việc, các em sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống số đầy cạnh tranh. Hơn nữa, nếu các em không được trang bị tốt thì cảm xúc của các em sẽ không được phát triển lành mạnh. Trẻ rất dễ bị cuốn theo các trào lưu xấu ở trên mạng, nếu các em không có bản lĩnh”.

+ Hãy dạy con không coi MXH là rủi ro, nguy cơ mà là cái gì rất gần gũi với chúng. Thay vì chỉ đạo, ngăn cản hãy khuyến khích con hướng đến những lợi ích và tận dụng được sự phát triển của MXH, đó là cách thay đổi tư duy về giáo dục con trong vấn đề này.

+ Phụ huynh cần thay đổi, đó là việc người lớn phải kiểm soát bản thân mình để làm gương cho con trẻ. Bởi thực tế, không ít bậc cha mẹ cũng sử dụng MXH trong nhiều giờ, không dành nhiều thời gian để nói chuyện với con. Chính bản thân cha mẹ cũng dùng MXH chưa phù hợp như dùng MXH chế giễu người khác, bình luận chê bai hay có những nhận xét tiêu cực. “Cha mẹ ảnh hưởng rất lớn đến con cái. Người lớn chưa hiểu đúng, hiểu rõ thì làm sao dạy được bọn trẻ? Cha mẹ phải giáo dục con từ các giá trị đạo đức trong mối quan hệ với cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Cha mẹ phải có quan tâm đúng mức tới cảm xúc của con để giúp chúng cảm được đầy đủ tình yêu thương của gia đình, bởi gia đình là cái gốc giúp định hình nhân cách con trẻ. Nếu trên trang cá nhân, các bậc cha mẹ thường chia sẻ những lời hay ý đẹp, những hình ảnh vui tươi thì tôi tin con, em họ cũng sẽ học tập và làm theo, từ đó có thái độ sống tích cực", Tiến sĩ Vũ Ngọc Phan nói.

3. Kết luận

Dù thế nào thì sự phát triển của MXH vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong đời sống xã hội. Kết quả nghiên cứu cho thấy phần lớn học sinh THPT trên địa bàn thành phố Nha Trang sử dụng MXH thường xuyên với tần suất trung bình trên 3 tiếng mỗi ngày và mục đích phần lớn để giải trí. Hành vi sử dùng MXH của các em là một hiện tượng báo động cần đến sự quan tâm nhiều hơn nữa của gia đình và nhà trường. MXH đem lại nhiều lợi ích song cũng đem đến nhiều bất lợi cho học sinh. Vai trò của gia đình và nhà trường là cần hướng học sinh sử dụng MXH hợp lý. Quan trọng nhất là giúp học sinh dùng điện thoại, máy tính vào việc học, hoặc dùng mạng MXH để tìm thông tin hay phục vụ cho việc học tập. Bản thân thầy cô, bố mẹ nên làm gương để trẻ học tập, noi theo. Cần tạo nhiều sân chơi bổ ích khác để học sinh không bị lôi kéo vào MXH nhiều. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT về “Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lí cho học sinh trong trường phổ thông”.

[2]. Huỳnh Văn Sơn (Chủ biên, 2012), Hành vi nghiện dưới góc độ tâm lí học, NXB Giáo dục Việt Nam.

[3]. Lê Văn Hồng (Chủ biên), (2007), Tâm lí học lứa tuổi và Tâm lí học sư phạm, NXB Đại học quốc gia Hà Nội.

[4]. Nguyễn Thị Hậu (2013), Mạng xã hội với lối sống của giới trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Văn hoá - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ Internet:

https://www.slideshare.net/trongthuy2/luan-van-hanh-vi-su-dung-mang-xa hoi-cua-sinh-vien-dh-hai-duong

https://baohaiduong.vn/giao-duc---tuyen-sinh/hoc-sinh-voi-mang-xa-hoi-bai-cuoi-can-dinh-huong-cua-gia-dinh-va-nha-truong-122490

https://thanhbinhpsy.com/phan-biet-giua-tham-van-va-tu-van-tam-ly/

Th.S Nguyễn Thị Vân Anh

Tổ Tâm lý - Giáo dục, Khoa LLCB

 
Khoa Lý luận Cơ bản