1. Đặt vấn đề
Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước ta trong giai đoạn mới, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng công tác phát triển con người toàn diện. Giáo dục thể chất và hoạt động thể dục thể thao (TDTT) giữ một vai trò quan trọng trong việc phát triển con người toàn diện có đạo đức, có trình độ nghiệp vụ chuyên môn, có đầy đủ sức khỏe và nâng cao trình độ văn hóa thể chất dân tộc.
Trong những năm qua, giáo dục nói chung, giáo dục thể chất nói riêng ở nước ta có nhiều chuyển biến tích cực và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Nhằm thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đọan công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi phải đổi mới mục tiêu giáo dục. Mục tiêu, nhiệm vụ của các bộ môn, trong đó có bộ môn Thể Dục cũng đã có những đổi mới dẫn đến đổi mới nội dung và phương pháp dạy học.
2. Nội dung
2.1. Cơ sở lý luận của việc đổi mới PPDH môn thể dục
2.1.1. Mục tiêu, nhiệm vụ bộ môn thể dục đã thay đổi đòi hỏi phải đổi mới PPDH
Chương trình thể dục trước đây đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ trong đó có hai mục tiêu cơ bản là:
- Truyền thụ kiến thức, kỹ năng cơ bản các môn học TDTT.
- Rèn luyện thể lực, góp phần củng cố, nâng cao sức khỏe cho học sinh.
Trong đó mục tiêu truyền thụ kiến thức, kỹ năng là trọng tâm. Rèn luyện thể lực chỉ là nhiệm vụ thứ yếu. Vì thế, trong quá trình lên lớp, mọi họat động diễn ra đều tập trung vào việc truyền thụ kiến thức, củng cố nâng cao kiến thức kỹ năng. Thời gian dành cho việc luyện tập nâng cao thể lực quá ít, lượng vận động quá nhẹ chưa đủ để làm biến chuyển thể lực của người tập. Kết quả học tập của học sinh thấp, bài tập ít có tác dụng rèn luyện thể lực cho học sinh. Tới nay, hai mục tiêu này phải được coi trọng như nhau. Hai mục tiêu này có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Một trong các đặc trưng cơ bản của môn thể dục là thực hành, là luyện tập, học đi đôi với hành. Thông qua luyện tập để hình thành, củng cố, nâng cao kĩ năng. Luyện tập là hoạt động cơ bản của dạy học thể dục.
Trong quá trình luyện tập với các bài, các động tác khác nhau, với lượng vận động hợp lý sẽ có tác dụng, ảnh hưởng không nhỏ tới việc rèn luyện thể lực cho học sinh . Khi các em được luyện tập thì các kỹ thuật, kỹ năng, động tác cũng được cũng cố, nâng cao.
Việc học tập kỹ thuật của học sinh là một quá trình đòi hỏi phải có thời gian. Thời gian nhiều hay ít tùy thuộc vào động tác, bài tập khó hay dễ và phải luyện tập với số lần cần thiết thì kỹ thuật, kỹ năng mới được hình thành, mới có tác dụng rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe. Như vậy, muốn có nhiều thời gian cho học sinh luyện tập, rèn luyện kỹ năng, rèn luyện thể lực thì nhất thiết phải đổi mới PPDH.
2.1.2. Người giáo viên là yếu tố quyết định trong việc đổi mới PPDH
Trong mấy năm gần đây, đội ngũ giáo viên thể dục của trường ngày càng được nâng cao về mặt chất lượng. Các giáo viên đa số có trình độ đại học. Hàng năm, đa số giáo viên đều được dự các lớp tập huấn chuyên môn. Về số lượng, hiện nay các trường đã có đủ giáo viên đảm bảo cho việc giảng dạy trong toàn trường.
Với số lượng và chất lượng giáo viên hiện nay là cơ sở chủ yếu, yếu tố quan trọng trong việc đổi mới PPDH.
2.1.3. Cơ sở vật chất, sân tập, trang thiết bị đồ dùng phục vụ dạy học thể dục ở trường là điều kiện cần có cho việc đổi mới PPDH
Mặc dù trong mấy năm gần đây, sân tập, trang thiết bị, dụng cụ dùng cho giảng dạy, luyện tập từng bước được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện đổi mới PPDH thể dục ở nhà trường. Tuy vậy, so với nhu cầu chuyên môn theo chương trình của Bộ GD-ĐT, thì thầy dạy và trò tập vẫn còn thiếu sân bãi, dụng cụ rất nhiều cụ thể là ở các môn thể thao tự chọn.
Chính sự thiếu thốn này, đòi hỏi giáo viên phải đổi mới PPDH, cải tiến phương pháp để lên lớp, sắp xếp các nội dung của một tiết học nhằm sử dụng tối đa sân tập, trang thiết bị, dụng cụ hiện có để tổ chức họat động dạy - học.
2.2. Hiện trạng việc dạy học môn thể dục hiện nay ở các trường THCS tỉnh Khánh Hoà
- Điều kiện về sân bãi tập luyện, trang thiết bị dụng cụ còn thiếu rất nhiều nên rất khó khăn cho việc đổi mới PPDH.
- Chương trình thể dục trước đây với mục tiêu kiến thức là mục tiêu quan trọng nhất. Điều này, phù hợp với mục tiêu của nhiều môn học ở các trường trung học trên toàn quốc. Xuất phát từ mục tiêu đó, giáo viên khi lên lớp đã giảng giải, phân tích các động tác một cách tỉ mỉ. Điều này rất cần thiết, nhưng vì sử dụng thời gian quá nhiều để giảng giải, phân tích nên học sinh không có nhiều thời gian để luyện tập, mà khi đã luyện tập ít thì việc hình thành kỹ thuật, rèn luyện kỹ năng, rèn luyện thể lực cũng chưa đạt yêu cầu.
Mặc khác, xuất phát từ những yếu tố khách quan lẫn chủ quan, nên chương trình thể dục còn cứng nhắc chưa đáp ứng được sở thích của học sinh. Ở những nước tiên tiến trên thế giới, khi học thể dục học sinh sẽ được tùy ý chọn môn thể thao mà mình yêu thích.
- Trong quá trình lên lớp, vẫn còn giáo viên thực hiện các bước lên lớp một cách cứng nhắc, tuần tự đi từ bước này sang bước khác, làm cho giờ học nhàm chán, nặng nề. Chưa kết hợp và giải quyết hài hòa giữa các bước lên lớp.
- Các hình thức lên lớp thì đơn điệu, phần lớn giáo viên chỉ sử dụng phương pháp dòng chảy.
- Khâu tổ chức chưa tính toán hết, nên trong giờ học mất nhiều thời gian tập hợp cũng như luân chuyển đội hình làm ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian luyện tập của học sinh.
- Chưa tận dụng hết những dụng cụ và điều kiện sân tập để tổ chức cho học sinh luyện tập.
- Cách đánh giá xếp loại kết quả học tập của học sinh còn những điều chưa hợp lý và chính xác đặc biệt đối với học sinh các lớp chọn.
- Một bộ phận nhỏ học sinh chưa thấy rõ tầm quan trọng của việc học môn thể dục. Với những hiện trạng trên, làm cho chất lượng giờ dạy chưa thật đạt yêu cầu. Thực tế và mục tiêu còn có một khoảng cách cần được khắc phục nhằm thực hiện có chất lượng mục tiêu rèn luyện kỹ năng và rèn luyện thể lực, góp phần nâng cao sức khỏe cho học sinh.
2.3. Một số giải pháp đổi mới PPDH môn thể dục ở các trường THCS tỉnh Khánh Hoà
Đổi mới PPDH là một yêu cầu khách quan của bộ môn. Đổi mới PPDH không phải là gạt bỏ, thay thế PPDH hiện có mà vận dụng một cách sáng tạo các phương pháp hiện có để đạt mục tiêu của môn học. Riêng môn thể dục không chỉ đổi mới về phương pháp mà còn phải đổi mới về cách sắp xếp nội dung một tiết học, đổi mới về tổ chức lên lớp... nghĩa là phải đổi mới toàn diện ở mọi hoạt động trên lớp.
2.3.1. Đổi mới quan điểm dạy học, lấy học sinh làm trung tâm trong quá trình dạy học
- Hướng dẫn học sinh tham khảo, đọc tài liệu phân tích kỹ thuật động tác, luyện tập ở nhà.
- Sử dụng câu hỏi, nêu tình huống có vấn đề để học sinh tổ chức thảo luận, tổ chức khám phá, tổ chức luyện tập trước.
- Cho học sinh thường xuyên tham gia kiểm tra, tự kiểm tra, tự đánh giá.
- Khuyến khích các em tự do sáng tạo trong tư duy.
2.3.2. Đổi mới nội dung, chương trình dạy học
- Khung chương trình đã được Bộ GD-ĐT qui định cụ thể, giáo viên nên tăng cường thêm hoặc hàng năm thay đổi những môn thể thao tự chọn mà học sinh ham thích. Hướng về lâu dài nên cho học sinh có quyền tùy ý chọn môn TDTT mà mình yêu thích.
2.3.3. Đổi mới hệ thống PPDH
- Khi giáo viên sử dụng nhóm phương pháp dùng lời nói (phương pháp giảng giải, phát vấn, đàm thoại, kể chuyện, mệnh lệnh) để truyền thụ kiến thức cho học sinh:
+ Nếu dạy động tác mới, giáo viên cần nói ngắn gọn, dễ hiểu, dùng thuật ngữ chính xác.
+ Khi phân tích kỹ thuật động tác tránh dài dòng mà cần xoáy vào trọng tâm, vào những yếu lĩnh kỹ thuật quan trọng.
+ Các động tác bổ trợ không nhất thiết phải phân tích mà chỉ cần làm mẫu và tổ chức cho học sinh tập luyện ngay.
+ Trong thời gian học sinh nghỉ ngơi tích cực giữa 2 lần tập, giáo viên có thể phát vấn, kể chuyện, trình bày ngắn gọn một vấn đề nào đó... nhằm cung cấp thêm thông tin và gây hưng phấn cho học sinh.
- Khi giáo viên sử dụng nhóm phương pháp trực quan (làm mẫu, cho xem tranh ảnh, biểu đồ, phim....):
+ Chú ý đến vị trí làm mẫu, chọn hướng làm mẫu để học sinh có thể nhìn rõ, nhìn thấy biên độ, góc độ động tác.
+ Làm mẫu phải chính xác, làm mẫu ít nhất 2-3 lần trước khi phân tích, giảng giải kỹ thuât.
+ Tăng cường sử dụng tranh ảnh, biểu đồ... giúp cho học sinh nắm được kỹ thuật một cách nhanh hơn mà không tốn thời gian và có thể tự so sánh giữa động tác của mình với tranh ảnh kỹ thuật.
- Sắp xếp nội dung một cách hợp lý:
+ Mỗi buổi học (thường 2 tiết ) nên có 2 đến 3 nội dung.
+ Kết hợp ôn tập, học mới, tập luyện, kiểm tra không nhất thiết phải thành một mục riêng.
+ Luân chuyển giữa các nội dung một cách hợp lý.
- Áp dụng hình thức lên lớp một cách linh hoạt:
+ Mạnh dạn áp dụng các phương pháp, các hình thức lên lớp như: dòng chảy, phân nhóm, phân nhóm xoay vòng. Tuỳ theo từng bài mà giáo viên áp dụng phương pháp, hình thức cho linh hoạt.
+ Mạnh dạn sử dụng phương pháp trò chơi, thi đấu....
2.3.4. Đổi mới cách thức đánh giá, hình thức thi
- Giáo viên kiểm tra đánh giá nên lồng ghép đánh giá cả ý thức thái độ trong quá trình học tập của học sinh.
- Tiến hành nhiều hình thức kiểm tra, thi: Tự luận, trắc nghiệm, vấn đáp, sử dụng đề mở... Khi kiểm tra thực hành nên kiểm tra cả thành tích lẫn kỹ thuật thực hiện động tác.
- Có thang điểm (ở nội dung thực hành) phù hợp cho từng đối tượng, trình độ, sức khỏe học sinh.
3. Một số yêu cầu nhằm thực hiện đổi mới PPDH môn thể dục ở các trường THCS tỉnh Khánh Hoà
3.1. Đối với nhà trường
- Các cấp lãnh đạo cần quan tâm, đầu tư hơn nữa đối với bộ môn thể dục.
- Tăng cường đầu tư sân bãi, trang thiết bị cho bộ môn. Đây là một khâu rất quan trọng không thể thiếu trong quá trình đổi mới PPDH:
+ Mỗi năm học xây dựng, làm mới một loại sân tập cần thiết như sân cầu lông, đá cầu...vv
+ Cải tạo và nâng cấp các sân tập có sẳn.
- Hàng năm phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong nhà trường tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao cho học sinh toàn trường tham gia thi đấu.
3.2. Đối với giáo viên
- Thường xuyên học tập, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ đáp ứng mọi yêu cầu đòi hỏi của việc đổi mới PPDH, nâng cao chất lượng dạy - học bộ môn. Phải dự giờ, trao đổi kinh nghiệm, tham khảo các bài giảng của đồng nghiệp để rút kinh nghiệm nâng cao nghiệp vụ sư phạm.
- Nâng cao chất lượng bài soạn.
- Giọng nói, mệnh lệnh điều hành luyện tập phải rõ ràng, mạch lạc, nhanh gọn. Trang phục, tác phong nghiêm túc.
3.3. Đối với học sinh
- Phải xác định được tầm quan trọng của môn học.
- Phải phát huy tính tự giác tích cực trong học tập, phát huy năng lực cá nhân trong hoạt động TDTT, trong tự nghiên cứu, tự luyện tập thêm ở nhà...
- Khi lên lớp nhất thiết phải mặc đúng trang phục TDTT.
- Khuyến khích các em tham gia các hoạt động TDTT ở ngoài trường trong khi nhà trường chưa đáp ứng hết nhu cầu luyện tập của các em.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (2014), Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
[2] Chính phủ (2015), Quyết định số 404/QĐ-TTg phê duyệt Đê án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
[3] Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội (2018), Chương trình giáo dục phổ thông môn giáo dục thể chất.
[4] Chương trình giáo dục thể chất trường THCS Yersin - Nha Trang (2018).
[5] Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (2016), Xu thế phát triển chương trình giáo dục phổ thông trên thế giới, NXB Giáo dục Việt Nam.
Th.S Nguyễn Hữu Tường