Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Lý luận cơ bản ❯ Chi tiết
       
  30/06/2020 16:50        

Giáo dục kỹ năng quản lý cảm xúc cho sinh viên sư phạm

Bài viết tập trung đưa ra những khái niệm về kĩ năng, kĩ năng quản lí cảm xúc, sinh viên. Từ đó đưa ra những biện pháp giáo dục kĩ năng quản lí cảm xúc nhằm nâng cao đạo đức, phẩm chất của người sinh viên sư phạm.

1. Dẫn nhập

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra trên khắp thế giới với nhiều cơ hội được mở ra cho tất cả mọi người. Bên cạnh đó, thì cuộc cách mạng cũng đem lại những thách thức trong vấn đề giáo dục đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có việc xây dựng nền tảng đạo đức cho người học và người dạy. Những câu chuyện bạo lực gần đây trong nhà trường phổ thông là những hồi chuông gióng lên để các nhà quản lí và mỗi người suy nghĩ về giáo dục đạo đức trong nhà trường. Mỗi thầy cô sẽ là tấm gương cho học sinh trong từng hành vi, lời nói, trong đó giáo dục kĩ năng quản lí cảm xúc cho sinh viên sư phạm là việc làm từ gốc trên ghế nhà trường để xây dựng nền tảng đạo đức người giáo viên.

2. Nội dung

2.1. Các khái niệm cơ bản

2.1.1. Kĩ năng

Theo tác giả Huỳnh Văn Sơn (2012) “Kĩ năng là khả năng thực hiện có kết quả một hành động nào đó bằng cách vận dụng những tri thức, những kinh nghiệm đã có để hành động phù hợp với những điều kiện cho phép. Kĩ năng không chỉ đơn thuần về mặt kĩ thuật của hành động, mà còn là biểu hiện năng lực của con người” [3].

2.1.2. Cảm xúc

Theo nhà Tâm lý học người Mỹ John Mayer thì “cảm xúc là một trạng thái tinh thần (bao gồm trong đó những quá trình và phản ứng tâm lý) truyền tải thông điệp từ phía các mối quan hệ xã hội của cá nhân” [1].

Theo từ điển Tâm lý học của Vũ Dũng, “cảm xúc là sự phản ánh tâm lý về mặt ý nghĩa sống động của các hiện tượng và hoàn cảnh, tức mối quan hệ giữa các thuộc tính khách quan của chúng với nhu cầu của cơ thể, dưới hình thức rung động trực tiếp” [2].

Theo tác giả Phạm Thị Thu Lan, “cảm xúc là quá trình tâm lý phức tạp, là phản ứng với những kích thích hay là sự phản ánh tâm lý với thế giới khách quan, có liên quan đến hệ thống nhận thức, sinh lý, hành vi và có kinh nghiệm, có ý nghĩa trong mối liên hệ với nhu cầu, động cơ của con người” [2].

2.1.3. Quản lí

Theo từ điển Tiếng Việt, quản lí là khả năng tổ chức, điều khiển, sắp xếp và giữ gìn theo những yêu cầu nhất định [2].

Theo tác giả Đỗ Hoàng Toàn trong cuốn Lý thuyết quản lí cho rằng: “Quản lí là sự tác động có tổ chức, có định hướng của chủ thể quản lí lên đối tượng quản lí nhằm sử dụng có hiệu quả nhất các tiềm năng, các cơ hội của hệ thống nhằm đạt mục tiêu đặt ra trong sự biến đổi của môi trường” [2].

2.1.4. Sinh viên

Sinh viên là một nhóm người, có vị trí chuyển tiếp, chuẩn bị cho một đội ngũ tri thức có trình độ và nghề nghiệp tương đối cao trong xã hội.

Sinh viên sư phạm là những sinh viên đang học tập, rèn luyện trong các trường Đại học, Cao đẳng được đào tạo theo một chương trình chuyên biệt. Sinh viên sư phạm có nhiệm vụ học tập, tích lũy tri thức, trau dồi đạo đức, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, phát triển nhân cách toàn diện để trở thành người giáo viên trong tương lai.

2.1.5. Kĩ năng quản lí cảm xúc

Theo định nghĩa của WHO, kĩ năng quản lí cảm xúc (KN QLCX) được xếp vào nhóm kĩ năng liên quan đến cảm xúc. Nhóm kĩ năng liên quan đến cảm xúc gồm các kĩ năng: nhận biết và chịu trách nhiệm cảm xúc của mình, kiềm chế và kiểm soát được cảm xúc, tự giám sát - tự điều chỉnh cảm xúc của bản thân [3].

Theo định nghĩa của UNESCO, KN QLCX được xếp vào nhóm kĩ năng chung, là một trong những kĩ năng cơ bản mà mỗi cá nhân cần có nhằm thích ứng với cuộc sống chung [3].

Theo tác giả Phạm Thị Thu Lan, KN QLCX là khả năng điều chỉnh, điều khiển cảm xúc của bản thân và người khác một cách hiệu quả nhằm đạt được những mục tiêu nhất định [2].

Cách thức để QLCX của bản thân và của người khác với những kĩ thuật cụ thể:

Cách 1: Tập trung vào tình huống

Kĩ thuật 1: Lựa chọn vào tình huống

Kĩ thuật 2: Thay đổi tình huống

Cách 2: Tập trung vào nhận thức

Kĩ thuật 1: Triển khai sự chú ý

Kĩ thuật 2: Thay đổi nhận thức

Cách 3: Tập trung vào phản ứng

Kĩ thuật 1: Thể hiện cảm xúc

Kĩ thuật 2: Làm xao nhãng nguồn gốc gây căng thẳng

Kĩ thuật 3: Kiềm nén cảm xúc

Kĩ thuật 4: Trốn thoát cảm xúc.

Từ những khái niệm trên, KN QLCX của sinh viên sư phạm có thể hiểu là khả năng điều khiển, điều chỉnh cảm xúc của bản thân sinh viên và người khác một cách hiệu quả nhằm đạt được những mục đích nhất định trong quá trình học tập nghề tại trường sư phạm và giáo dục học sinh trong tương lai cũng như trong cuộc sống.

2.2. Vai trò của kĩ năng quản lí cảm xúc đối với sinh viên sư phạm

Cảm xúc là động lực cơ bản thúc đẩy con người làm việc bất kể họ làm gì. Cảm xúc có thể đem lại cho cá nhân những ý tưởng sáng tạo, những lựa chọn mang tính chủ thể. Cảm xúc luôn có tính hai mặt, một mặt thúc đẩy các cá nhân hoạt động có hiệu quả, mặt khác nếu không được quản lí và định hướng đúng đắn, cảm xúc sẽ làm chệch hướng, thậm chí phá hủy nhận thức và hành động của cá nhân, dẫn đến việc nhận thức và hành động của cá nhân trở nên mù quáng và sai lầm. Thực tế, những người hiểu được cảm xúc của bản thân và người khác sẽ là người biết hòa hợp, có lợi thế trong mọi lĩnh vực của cuộc sống và hạnh phúc.

KN QLCX sẽ giúp bản thân người giáo viên quản lí và định hướng cảm xúc của mình, nhờ đó mà mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh sẽ được cải thiện. Công tác quản lí và tổ chức lớp học dựa trên nền tảng của hiểu biết và thương yêu sẽ mang lại những hiệu quả tích cực trong công tác giảng dạy của giáo viên và học sinh. Bản thân người giáo viên là tấm gương để học sinh noi theo. Chính vì vậy, việc giáo viên có khả năng quản lí cảm xúc tốt cũng là một cách để hướng dẫn cho học sinh có kĩ năng này. Điều này về lâu dài sẽ giảm tải vấn đề bạo lực bạo lực giữa các học sinh với nhau, xây dựng được môi trường học đường lành mạnh. Trường Đại học, Cao đẳng Sư phạm bên cạnh đào tạo nghề cũng cần chú trọng bồi dưỡng đạo đức nhân cách của người giáo viên cho sinh viên sư phạm để phục vụ nghề.

2.3. Biện pháp giáo dục kĩ năng quản lí cảm xúc đối với sinh viên sư phạm

Lồng ghép, tích hợp KN QLCX vào các môn học có liên quan như nghiệp vụ sư phạm, Tâm lý học sư phạm... Ngoài các học phần giảng dạy đi vào chuyên môn, sinh viên sẽ được học các học phần đào tạo để làm công tác chủ nhiệm. Thông qua các học phần này, giảng viên nên chú trọng giáo dục KN QLCX cho sinh viên sư phạm. Khi nhận thức được vai trò của KN QLCX trong cuộc sống và công việc sau này, sinh viên sẽ tự mình nghiên cứu để rèn luyện phát triển kĩ năng. Kĩ năng cũng cần được thực hành thông qua các tình huống sư phạm để sinh viên có cơ hội ứng dụng kiến thức, trải nghiệm thực tế bộ môn.

Bên cạnh đó, cần giáo dục KN QLCX thông qua các hoạt động báo cáo chuyên đề. Với cách làm này, một lượng lớn sinh viên sẽ hiểu được vai trò và cách thức để hình thành KN QLCX cho bản thân.

Bên cạnh việc tuyên truyền thì việc xây dựng cẩm nang và các bài tập thực hành là điều cần thiết. Mỗi sinh viên sư phạm cần nắm rõ các bước thực hiện và thường xuyên thực hành với bạn bè dưới sự định hướng của thầy cô để thuần thục hơn.

Kĩ năng chỉ được phát triển thông qua thực hành trong hoàn cảnh thực tế. Hoạt động Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên với nhiều chương trình phù hợp với độ tuổi thanh niên là cơ hội để sinh viên sư phạm được thể hiện và bộc lộ bản thân. Trong quá trình hoạt động, có sự va chạm giữa các thành viên với nhau, trước những tình huống phát sinh sẽ là môi trường để sinh viên nói chung và sinh viên sư phạm ứng dụng và nâng cao KN QLCX trong thực tế.

Ngoài việc giáo dục cho sinh viên sư phạm tại trường Đại học, Cao đẳng thì việc xây dựng môi trường học đường ở trường phổ thông không có bạo lực học đường là điều cần thiết. Ở đó, mối quan hệ giữa thầy trò, giữa trò với nhau xây dựng trên nền tảng của tôn trọng và thương yêu. Mỗi người đều có những nhược điểm riêng, dễ bị cảm xúc của bản thân lôi kéo, chính vì vậy việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh sẽ giúp cho người giáo viên yên tâm công tác, học sinh yên tâm học hành. Thông qua các đợt kiến tập, thực tập sinh viên sư phạm cũng ý thức và không ngừng rèn luyện bản thân trong đó có KN QLCX để đảm đương với khối lượng lớn công việc khi nhận nhiệm sở.

3. Kết luận

Việc xây dựng nền tảng nhân cách của người giáo viên là một đòi hỏi tất yếu trong bất kì xã hội nào. Hình thành KN QLCX là sự chuẩn bị để trang bị hàng trang cho các em trước những áp lực của công việc và cuộc sống. Để thực hiện điều đó không thể thiếu sự tự giáo dục của mỗi sinh viên, công tác tổ chức của Đoàn Hội, chương trình đào tạo của các trường Đại học Cao đẳng Sư phạm và môi trường thân thiện ở các trường phổ thông.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Daniel Goleman (2007), Trí tuệ cảm xúc, NXB Lao động - Xã hội, Hà Nội.

[2]. Phạm Thị Thu Lan (2017), Kĩ năng quản lí cảm xúc của sinh viên mầm non tại Thành phố Hồ Chí Minh, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm Tp Hồ Chí Minh.

[3]. Huỳnh Văn Sơn ((2012), “Phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên các trường Đại học Sư phạm”, Đại học Sư phạm Tp Hồ Chí Minh.

ThS Huỳnh Thị Bích Thuộc

Tổ Tâm lý - Giáo dục, Khoa LLCB

 

 

 
Khoa Lý luận Cơ bản