Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Lý luận cơ bản ❯ Chi tiết
       
  17/10/2020 09:38        

Những tín hiệu tích cực của giáo dục thời Covid-19

1. Đặt vấn đề      

Gần một năm qua, đại dịch mang tên Covid-19 đột ngột xuất hiện và làm đảo lộn mọi hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực đời sống, sản xuất. Bên cạnh những thiệt hại kinh tế nặng nề không kể xiết, làn sóng Covid còn kéo theo nhiều nỗi hoang mang và hệ luỵ đau lòng khác. Như vậy, tính đến nay chúng ta đã và đang chung sống và chiến đấu ròng rã hơn 8 tháng trời, giáo dục cũng gián tiếp chịu tác động bằng những gián đoạn chưa từng có tiền lệ.

Theo đó, chỉ riêng ngành giáo dục, những biện pháp ứng phó, điều chỉnh liên tục được đưa ra nhưng giai đoạn đầu, gần như không ngoài mục đích chờ đợi. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, các địa phương trì hoãn bằng cách quyết định dừng hoạt động dạy học một tuần, hai tuần rồi một tháng, hai tháng… Có thời điểm, tưởng chừng như phải bỏ nguyên một học kỳ, quan ngại nhất là học sinh khối 12 khi các em đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Bên cạnh đó, đại dịch cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của một bộ phận giáo viên diện hợp đồng hay giảng dạy ở các cơ sở dân lập, tư thục. Các trường lần lượt tinh giản, tạm đóng cửa, thậm chí phải rao bán cả cơ sở đào tạo vì không đủ nguồn thu để trang trải và duy trì hoạt động trường lớp.

2. Những tín hiệu tích cực qua việc dạy học trực tuyến

Có thể thấy, giáo dục nước nhà đã không thụ động mà hết sức linh hoạt điều chỉnh lại chương trình đào tạo các cấp, triển khai nhiều phương án dạy học mới qua các chương trình tập huấn bài bản, sâu rộng đến giáo viên, học sinh, phụ huynh và cán bộ quản lý. Đến nay, năm học đã khép lại khá tốt đẹp mà không có nhiều hạn chế như lo ngại trước đó. Có thể chỉ ra ở đây những tín hiệu tích cực từ ảnh hưởng của Covid 19 tới giáo dục nước ta:

Một buổi dạy trực tuyến qua ứng dụng Microsoft Team

2.1. Toàn ngành giáo dục, từ cấp quản lý đến đội ngũ giáo viên và học sinh, sinh viên đã có cơ hội được trang bị và rèn luyện kỹ năng thích ứng cao với thời đại 4.0 thông qua hoạt động dạy - học online.

Thông qua các buổi tập huấn ngắn hạn, chủ yếu là tự nghiên cứu, các cơ sở giáo dục từ công lập đến dân lập, từ tiểu học đến đại học đã chủ động triển khai và tiến hành khá hiệu quả việc đào tạo online, kết hợp nền tảng các ứng dụng dạy học trực tuyến hiện đại là E-Learning và Microsoft Teams. Thậm chí, thầy trò còn tương tác, trao đổi thường xuyên, liên tục qua mạng xã hội zalo, facebook để nâng cao hiệu quả dạy học. Đây là hoạt động chưa từng có tiền lệ trước đây, khi mà hàng năm vẫn diễn ra rất nhiều các hội thảo, hội nghị, chuyên đề bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng CNTT trong dạy học nhưng kém hiệu quả. Tình thế bắt buộc, vô hình trung những phẩm chất, kỹ năng dạy học hiện đại được hình thành và rèn luyện.

2.2. Bối cảnh đại dịch cũng đồng thời mở ra một xu hướng, một kênh dạy học trực tuyến mới mà từ trước đến nay rất ít cơ sở giáo dục quan tâm nếu không muốn nói là nhiều địa phương chưa hề nghĩ đến bên cạnh hình thức lên lớp truyền thống.

Điều này là tiền đề thuận lợi để chúng ta nghiêm túc nghiên cứu và không ngừng thay đổi, làm mới cách dạy - học ở tương lai, tạo thêm nhiều kênh tương tác tiện ích và hiệu quả, bắt kịp xu hướng của thời đại - điều mà nhiều nước trên thế giới đã triển khai từ lâu. Vừa dạy, vừa học, vừa hoàn thiện kỹ năng với việc khai thác nguồn tài nguyên bất tận từ internet. Kết hợp với phương pháp dạy học truyền thống, kênh học online được thiết kế và duy trì song song là một bước đi mới đầy tiến bộ cần được nhân rộng và duy trì ở mọi cấp học.

2.3. Nếu như hình thức dạy học truyền thống giáo viên gặp khó khăn trong cách kiểm soát, đánh giá toàn diện học sinh thì dạy học trực tuyến sẽ góp phần nâng cao tinh thần tự giác, tính độc lập, linh hoạt trong học tập cho học sinh, sinh viên.

Bằng cách tạo lập các mô-đun, những chủ đề thảo luận nhóm, giao bài tập và những nhiệm vụ học tập khác, buộc người học phải chủ động tìm kiếm tài liệu, khai phá kiến thức cho bản thân mình. Đây cũng chính là một cách tiếp cận học tập mới mẻ, tránh được sự chây ỳ, lười biếng khi chỉ giới hạn nhiệm vụ học tập một cách khô khan chủ yếu ở sách giáo khoa. Trên thực tế, hình thức học tập này bước đầu khiến nhiều học sinh, sinh viên rất hứng thú, các em thực sự đam mê tìm tòi, trải nghiệm và tự bồi dưỡng, nâng cao kiến thức thực tế và trau dồi hiểu biết sâu rộng cho mình.

2.4. Hình thức dạy học trực tuyến giúp gắn kết và phối hợp chặt chẽ hơn giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục học sinh.

Trên thực tế, với việc học sinh tự học online ở nhà sẽ luôn có sự giám sát, kèm cặp, nhắc nhở của phụ huynh. Ngoài ra, khi học cùng con, phụ huynh còn có cơ hội để trực tiếp chiêm nghiệm chất lượng dạy - học, đào tạo của giáo viên và nhà trường. Đó là những điều kiện cần thiết để phụ huynh có cái nhìn toàn diện, đầy đủ hơn về động cơ, năng lực, ý thức học tập của con em mình cũng như trình độ của giáo viên. Từ đó cùng với giáo viên và nhà trường uốn nắn kịp thời, điều chỉnh đúng hướng các hành vi học tập, rèn luyện của các em.

2.5. Giá trị nhân văn trong giáo dục được phát huy và nhân rộng.

Có thể trong một vài tình huống cụ thể, cá biệt nào đó, một bộ phận trong cộng đồng hoài nghi về nền giáo dục nước nhà, tỏ rõ sự quan ngại và lo lắng về quy chế, chất lượng đào tạo, gian lận trong thi cử… thì ngành giáo dục cũng đã kịp thắp lên những ngọn lửa ấm áp, nhân văn trong mùa đại dịch. Đó là việc một số cơ sở đào tạo vượt lên khó khăn thực tại, bỏ qua lợi nhuận để ban hành chính sách ưu đãi về học phí cho học sinh, sinh viên nhằm san sẻ khó khăn cho phụ huynh; là việc tích cực hỗ trợ sinh viên nghèo tiền để mua laptop cá nhân phục vụ cho học tập; là nhiều cơ cở giáo dục tư thục vẫn cố gắng gồng mình chi trả lương cho giáo viên cơ hữu, hỗ trợ tối đa cho người lao động trong tình cảnh khốn khó…

3. Kết luận

Đại dịch Covid-19 đến bây giờ khó có thể thống kê hết hậu quả mà nó để lại cho đất nước nói chung và giáo dục nói riêng. Tuy nhiên, như cầu cửa miệng của người Việt “trong cái rủi, có cái may” - điều này thực sự chính xác khi nói về ảnh hưởng của dịch bệnh đến ngành giáo dục. Như những lý giải trên đây, hoàn toàn có thể khẳng định rằng, chúng cũng đã “tìm thấy cơ hội trong khó khăn, thách thức”. Ngành giáo dục mà trực tiếp là các nhà quản lý, giáo viên và học sinh trong mùa Covid đã có thêm những trải nghiệm mới mẻ, trang bị được nhiều kỹ năng dạy - học, quản lý hữu ích và thích ứng với thực tế. Thiết nghĩ, đó cũng là những gợi ý cần thiết giúp định vị lại một cách toàn diện và góp tiếng nói định hướng cho việc xây dựng diện mạo mới của giáo dục Việt Nam trong thời đại 4.0.

Th.S Ngô Thế Lâm

Tổ Tâm lý - Giáo dục, Khoa LLCB

 
Khoa Lý luận Cơ bản